Quan điểm chỉ đạo và quá trình hình thành Bộ phận một cửa tại nước ta

14/08/2024 | 11:16 AM

 | 

 

Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của  Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ nghiên cứu, xây dựng tài liệu về mô hình mẫu Bộ phận Một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, tổ chức thí điểm tại 4 địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh trước khi tổng kết, nhân rộng. Dự thảo Tài liệu hướng dẫn mô hình Bộ phận một cửa theo hướng kết hợp Cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị Hành chính trên cùng địa bàn và việc tổ chức thí điểm. Tổ công tác đã nêu những quan điểm chỉ đạo và quá trình hình thành Bộ phận một cửa tại nước ta. Theo đó, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, các văn kiện của Đảng[1] đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị Trung ương 8 khoá VII xác định cải cách nền hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước, đề ra mục tiêu: xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý có hiệu lực, hiệu quả công việc của nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội.

Cải cách hành chính ở Việt Nam được triển khai trên nhiều nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách. Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính mà mục tiêu quan trọng là hướng đến việc giải quyết tốt hơn các công việc của công dân, tổ chức đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Yêu cầu của Nghị quyết là “nhằm tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội và giữa cơ quan nhà nước với công dân”. Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 38/CP, cơ chế một cửa đã được thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là tại nhiều địa phương khác. 

Việc cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế "một cửa" được triển khai mạnh trong quá trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã tạo ra một cách thức giải quyết công việc hiệu quả cho công dân, tổ chức, đã thể chế hóa mối quan hệ giữa chính quyền và công dân thông qua việc thực hiện cơ chế "một cửa" để thực hiện thủ tục hành chính đối với một số lĩnh vực tại các cấp chính quyền[2]. Tiếp đó, ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, quy định chi tiết và đầy đủ hơn về quy trình, cách thức thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị đối với việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo đó đã yêu cầu hệ thống tổ chức của Nhà nước “Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”; bên cạnh đó, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ đối với chính quyền địa phương “Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp.”. Thực hiện các chủ trương trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tiếp đó là Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai Bộ phận một cửa (BPMC) tại các bộ, cơ quan và địa phương. Đây là những văn bản quan trọng làm căn cứ cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai trên cả môi trường vật lý thông thường qua các Bộ phận một cửa và trên cả môi trường điện tử thông qua việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; triển khai công tác số hóa hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục hành chính, hướng tới việc tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính để tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và tạo sự chủ động, linh hoạt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong cung cấp dịch vụ hành chính công, thông qua quy định mô hình tổ chức Bộ phận Một cửa khác được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước trong cung cấp, thực hiện dịch vụ công.

Qua 3 năm triển khai, các địa phương trong cả nước đã có nhiều sáng kiến trong triển khai Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, đẩy mạnh việc chuyển giao nhiệm vụ cho bưu chính công ích, tăng cường việc tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, bố trí lại các Bộ phận Một cửa để tăng hiệu quả phục vụ người dân không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, các chỉ đạo về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo định hướng của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII làm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Tài liệu hướng dẫn mô hình Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính các cấp trên cùng địa bàn, thực hiện thí điểm tại TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bình Dương.

 

Phòng Kiểm soát TTHC  

 


[1] Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của cải cách hành chính ở nước ta đã được đề cập trong các văn kiện Hội nghị Trung ương 8 khoá VII, Hội nghị Trung ương 3 và 7 khoá VIII, các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX và X

[2] Tại cấp tỉnh, 4 sở bắt buộc thực hiện cơ chế này là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, đồng thời uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng phải thực hiện quy chế này. Cơ chế "một cửa" cấp huyện, cấp xã giải quyết những thủ tục hành chính về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất đai, giấy phép xây dựng, các quyết định đầu tư, đăng ký hộ khẩu và các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội.