Công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực[1]
13/08/2024 | 11:08 AM
|
Sáng ngày 19/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đẩy mạnh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó tập trung làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm còn ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, cần thẳng thắng nhìn nhận những kết quả đã đạt được, những vấn đề làm chưa thực sự tốt trên cơ sở kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022; Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, từ đó đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.
Báo cáo chuyên đề “Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng đã nêu các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung cải cách TTHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
Với mục tiêu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước từ thủ công, giấy tờ sang môi trường số, công khai, minh bạch và cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ, hình thành công chức điện tử, công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, nhiều văn bản quy phạm quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Nghị định số 09/2019/NĐ-CP về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử; Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg về quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia… Bên cạnh đó, các thông tư hướng dẫn việc triển khai cũng đã được ban hành.
Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số; chuyển đổi số trong thực hiện TTHC; phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ...
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, trong đó trọng tâm là 55 nhóm TTHC thuộc 12 lĩnh vực ưu tiên rà soát được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022.
Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; gắn kết việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06), khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án. Đây là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tiếp tục tăng cường xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử, triển khai báo cáo điện tử và khai thác, phát huy hiệu quả các công cụ kỹ thuật số phục vụ chỉ đạo điều hành, giám sát thực thi.
Bố trí bảo đảm nguồn lực triển khai; khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết TTHC, dịch vụ công.
Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023 của Ban Chỉ đạo.
Phòng Kiểm soát TTHC
Tin liên quan
- Văn phòng Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
- Tỉnh Đắc Lắc thông qua phương án phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính lĩnh vực y tế
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai công bố Danh mục 25 thủ tục hành chính lĩnh vực khám chữa bệnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế
- Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia
- Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia thời gian qua
- Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia[1]