Kết quả đạt được và một số hạn chế qua thực tiễn triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

16/08/2024 | 11:17 AM

 | 

Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách hành chính. Cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân.

 

Qua thực tiễn triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua, một số kết quả và những tồn tại được rút ra là:

Về kết quả đạt được:

  1. ó thể khẳng định việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tăng lên trong các năm, nhận được những phản hồi tích cực của cá nhân, tổ chức.

Về thể chế, các quy định hiện hành đã cơ bản bảo đảm hành lang pháp lý hoàn chỉnh để xây dựng, quản lý, điều hành việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Các quy định bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên môi trường vật lý truyền thống và môi trường điện tử.

Việc thiết lập các Bộ phận một cửa tại cơ quan hành chính các cấp, đặc biệt các trung tâm phục vụ hành chính công tập trung giúp tổ chức, cá nhân không phải tới nhiều nơi, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, giảm các bước trung gian, giảm việc đi lại, từ đó giúp cắt giảm chi phí xã hội, mang lại sự thuận tiện và hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Tại 4 tỉnh thành phố mặc dù thực hiện các mô hình BPMC khác nhau tuy nhiên vẫn bảo đảm bám sát nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông.

Thông qua việc vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần chuyển đổi số nền hành chính, tạo lập dữ liệu và tái sử dụng dữ liệu, góp phần tăng cường hiệu quả và độ chính xác trong quá trình giải quyết thủ tục. Việc theo dõi thống nhất của Văn phòng UBND cấp tỉnh trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cũng bảo đảm tính khách quan, góp phần nâng cao tính minh bạch và công khai trong quản lý hành chính, giúp cơ quan nhà nước giám sát, theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ một cách tập trung, thống nhất, đồng thời cũng tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức dễ dàng kiểm tra và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình.

Quá trình chuyên môn hóa tại BPMC cũng giúp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, nâng cao năng lực và kỹ năng của cán bộ công chức. Tại 4 tỉnh thành phố đã đều có những quy chế bảo đảm sự tham gia, phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông và chất lượng đội ngũ được cử đến giải quyết TTHC đáp ứng quy định.

Theo các chỉ số đánh giá cải cách hành chính, đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ thì các địa phương này đều nằm trong nhóm tương đối cao so với cả nước, đặc biệt có Quảng Ninh trong nhiều năm đều xếp thứ nhất về các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Về những hạn chế, bất cập, tồn tại:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc các địa phương triển khai đến nay vẫn còn những hạn chế theo từng mặt nội dung đã đánh giá, chưa đáp ứng đúng các quy định, chưa đạt được các mục tiêu được giao tại các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ TTHC, có sự chênh lệch về tần suất, khối lượng công việc giữa các BPMC ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt tình trạng quá tải đối với một số TTHC tại khu vực đô thị do chưa điều phối kịp thời (VD TT cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội); trong khi đó, BPMC tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa khai thác hết hoặc chỉ một phần nhỏ công suất của hạ tầng, máy móc, trang thiết bị.

Có sự phân bổ không đều về khối lượng công việc giữa các quầy do phụ thuộc vào việc tiếp nhận theo ngành, lĩnh vực.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của một số tỉnh có nhiều nội dung chưa được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu (ví dụ chưa lưu giữ đầy đủ các loại dữ liệu tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân theo tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; chưa hoàn thành việc cung cấp biểu mẫu điện tử tương tác; chưa tra cứu được thông tin về phản ánh kiến nghị, hướng dẫn thực hiện TTHC, DVCTT…)

Chưa tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, kết quả TTHC (chưa số hóa được 100% kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; vẫn còn tình trạng chuyển hồ sơ giấy đến bộ phận, cơ quan chuyên môn để giải quyết TTHC; việc tái sử dụng kết quả số hóa ở mức rất thấp…)

Các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đánh giá chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp, tuy nhiên, chưa tích cực khai thác, sử dụng kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ) do chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đồng bộ trạng thái, hồ sơ TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tỷ lệ thực hiện DVCTT chưa cao, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nguyên nhân chủ yếu do trình độ dân trí thấp, trang thiết bị phục vụ nộp hồ sơ trực tuyến còn thiếu, nhiều người cao tuổi hạn chế trong việc tiếp nhận thông tin hướng dẫn và thao tác trên các thiết bị công nghệ, người dân chưa tin tưởng vào tính thuận tiện, an toàn của các giao dịch trên môi trường điện tử.

Phòng Kiểm soát TTHC