Một số kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính tháng 01 năm 2024 tại các Bộ, ngành[1]

13/08/2024 | 11:05 AM

 | 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tháng 01 năm 2024 tại một số Bộ, ngành đã đạt được một số kết quả sau:

 

Về công tác chỉ đạo, điều hành

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, để tạo chuyển biến tích cực, thực chất trong năm 2024. Với quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành: Đẩy mạnh cải cách TTHC, chuyển đổi số quốc gia, các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào việc quyết liệt cắt giảm TTHC không cần thiết, gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ hợp lý nguồn lực trong giải quyết TTHC; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng bộ, cơ quan, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); đồng thời, ban hành Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024 với các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện việc cải cách các quy định TTHC, quy định kinh doanh (QĐKD) và đổi mới việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách TTHC tại bộ, ngành, địa phương. Đến nay, đã có 14/23 bộ, ngành, 48/63 địa phương ban hành Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2024 để tập trung thực hiện thống nhất, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Về cải cách quy định TTHC

Về kiểm soát quy định TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL

Trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động 139 TTHC tại 16 dự thảo VBQPPL, thực hiện thẩm định 134 TTHC quy định tại 14 dự thảo VBQPPL. Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra 117 TTHC, 09 QĐKD tại 09 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 06 TTHC, sửa đổi, bổ sung 16 TTHC, 02 QĐKD (chiếm 19%).

Các bộ, ngành đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành mới theo thẩm quyền 21 TTHC, sửa đổi, bổ sung 168 TTHC và bãi bỏ 15 TTHC. Trong đó, có: 18 TTHC ban hành mới, 168 TTHC sửa đổi, bổ sung và 15 TTHC bãi bỏ tại 25 VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 09 bộ, cơ quan; có: 03 TTHC mới tại 02 VBQPPL thuộc thẩm quyền của 02 UBND cấp tỉnh.

Về cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC

(1) Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ:

Trong tháng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 50 QĐKD tại 13 VBQPPL thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 10 QĐKD (04 chế độ báo cáo, 06 TTHC) tại 02 VBQPPL, nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.779 QĐKD (gồm: 1.417 TTHC, 161 yêu cầu điều kiện, 87 chế độ báo cáo, 154 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 960 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 226 VBQPPL (gồm: 17 luật, 62 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 141 thông tư, thông tư liên tịch và 02 văn bản khác), trên tổng số 15.801 QĐKD được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Hiện tại, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

(2) Kết quả phân cấp trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ:

Trong tháng, có 03 Bộ (Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải và Xây dựng)  thực thi phương án phân cấp 03 TTHC tại 03 Thông tư, nâng tổng số TTHC được phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg từ năm 2022 đến nay là 156/699 TTHC, đạt 22,3% (không bao gồm 03 TTHC do các bộ tự chủ động phân cấp).
Đến nay, có 03 cơ quan đã thực hiện phân cấp 100%, 07 bộ chưa thực hiện phân cấp theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; còn 543 TTHC chưa thực hiện phân cấp (gồm: 184 TTHC được quy định tại 31 luật; 359 TTHC được quy định tại 145 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

(3) Kết quả đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg
ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ:

(i) Về công bố danh mục TTHC nội bộ:

Trong tháng, Bộ Quốc phòng đã công bố 92 TTHC nội bộ nhóm B; nâng tổng số TTHC nội bộ của các bộ, ngành, địa phương đến nay là 1.464 TTHC (gồm: 645 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước - nhóm A và 819 TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan - nhóm B).

(ii) Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ:

Đối với 59 TTHC, nhóm TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg, trong tháng 01, Bộ Tài chính trình phương án đơn giản hóa 18 TTHC, còn 04 bộ (Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường) chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 16/59 TTHC, nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên.

Một số bộ, ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC nội bộ đã được công bố, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, cụ thể như: Bộ Nội vụ đã cắt giảm, đơn giản hóa 01 TTHC nội bộ nhóm A, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 06 TTHC nội bộ nhóm B; Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 48 TTHC nhóm B. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các TTHC nội bộ thực hiện tại địa phương. Đến nay, một số địa phương như: Đắk Lắk, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị... đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 100% TTHC nội bộ được công bố thực hiện tại địa phương.

(4) Kết quả thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư:

Trong tháng, có 05 bộ, ngành (Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 07 VBQPPL để thực thi phương án đơn giản hóa 26 TTHC.

Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 561/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 52%; có 06 bộ, ngành đã hoàn thành thực thi 100% phương án đơn giản hóa, có 06 bộ thực hiện đạt trên 50%, còn lại 07 bộ thực hiện đạt dưới 50% (trong đó, thấp nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 01%). Hiện còn 525 TTHC quy định tại 104 VBQPPL (gồm: 02 Luật, 31 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 70 Thông tư, Thông tư liên tịch) chưa được thực thi phương án đơn giản hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các phương án tại Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và đề xuất điều chỉnh, đưa ra lộ trình sửa đổi VBQPPL giao, đến nay đã có 05/14 bộ có báo cáo về vấn đề này.

Về cải cách việc thực hiện TTHC

Các chỉ số đánh giá chất lượng trong thực hiện TTHC, dịch vụ công:

(1) Về công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC: tại các bộ, ngành, tỷ lệ TTHC cập nhật, công khai đúng hạn chỉ đạt 12,1%, tỷ lệ đồng bộ, công khai quá trình giải quyết hồ sơ TTHC đạt 32% (2.748.075/8.364.451 hồ sơ); tại các địa phương, tỷ lệ TTHC công bố đúng hạn đạt 36% và TTHC cập nhật, công khai đúng hạn đạt 30%, tỷ lệ đồng bộ, công khai quá trình giải quyết hồ sơ TTHC đạt 52,9% (2.108.793/3.986.242 hồ sơ).

(2) Về tiến độ, kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý đúng hoặc trước hạn tại bộ, ngành đạt 5,39% (148.121 /2.748.075 hồ sơ) và tại các địa phương là 83,95% (1.770.331/2.108.793 hồ sơ).

(3) Về cung cấp dịch vụ trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại các bộ, ngành, đạt 94% (2.618.180 /2.748.075 hồ sơ); tại các địa phương, đạt 42,21% (1.682.592/3.986.242 hồ sơ). Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 40,11% (150 /374 TTHC), tại các địa phương đạt 51,2% (744/1.453 TTHC); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại các bộ, ngành đạt 42,19% (78.075 /185.049 hồ sơ), tại các địa phương đạt 34,55% (602.950/1.745.343 hồ sơ).

(4) Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 94,97% (2.609.790 /2.748.075 hồ sơ), tại các địa phương đạt 46,43% (1.850.812 /3.986.242 hồ sơ); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 94,79% (2.609.911 kết quả giải quyết TTHC/2.748.146 kết quả cần cấp), tại các địa phương đạt 50,64% (2.018.632 kết quả giải quyết TTHC/3.986.242 kết quả cần cấp); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 1,42% (38.972 /2.748.075 hồ sơ), tại các địa phương đạt 10% (211.478 /2.108.793 hồ sơ).

Kết quả đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, DVCTT:

Tổng hợp kết quả, đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT, trong tháng 01 năm 2024, 01 Bộ (Quốc phòng) có điểm đánh giá Khá, 04 Bộ (Công an, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng) có điểm đánh giá Trung bình, còn lại tất cả đều có điểm đánh giá Dưới trung bình (thấp nhất là: Bộ Y tế); 03 địa phương (Cà Mau, Bình Dương, Hà Giang)  có điểm đánh giá Tốt, 18 địa phương có điểm đánh giá Khá, 37 địa phương có điểm đánh giá Trung bình và 05 địa phương có điểm đánh giá Dưới trung bình (thấp nhất là UBND tỉnh Bạc Liêu).

Kết quả tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị

Về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính

Trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 3.315 PAKN của cá nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính và có 15.263 PAKN từ tháng trước chuyển sang, nâng tổng số PAKN phải xử lý là 18.578 PAKN. Các PAKN chủ yếu về giải quyết hồ sơ của người dân liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông, TTHC liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp Phiếu lý lịch tư pháp… Các bộ, ngành, địa phương đã xem xét, xử lý 3.561/18.578 PAKN, đạt 19,16% (trong đó, các bộ, ngành đã xử lý 2.277/17.080 PAKN, đạt 13,33%, các địa phương đã xử lý 1.284/1.498 PAKN, đạt 85%).

Văn phòng Chính phủ đã nghiên cứu, có ý kiến và trả lời theo thẩm quyền đối với đề xuất, kiến nghị cụ thể của các bộ, ngành, địa phương.

Về xử lý PAKN của doanh nghiệp tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ

Trong tháng, có 02 Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tiếp tục xem xét, xử lý 22 PAKN; nâng tổng số PAKN của doanh nghiệp nêu tại Nghị quyết số 97/NQ-CP được xem xét, xử lý là 394/401, đạt 98%.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC gửi Tổ công tác cải cách TTHC

(1) Trong tháng, đã tiếp nhận và chuyển 18 PAKN để các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý. Trong đó, có 04 bộ, ngành (Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ) đã nghiên cứu, trả lời 04/18 PAKN, còn 03 bộ (Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư) đang tiếp tục nghiên cứu, xử lý.

(2) Đặc biệt, ngày 16 tháng 01 năm 2024, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham dự và đồng chủ trì Hội nghị đối thoại do Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức để kịp thời nắm bắt, tổng hợp PAKN của cộng đồng doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC.
Tại Hội nghị đối thoại, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều nội dung phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phòng Kiểm soát TTHC  

 


[1] Báo cáo số 785/BC-VPCP ngày 31/01/2024 của Văn phòng Chính phủ