Thông tin y tế 01 – 03/02/2020

03/02/2020 | 10:36 AM

 | 

1. TP.HCM lập bệnh viện dã chiến đối phó nCoV

500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức cấp cứu tích cực dự kiến sẽ được thành lập ngày 15/2 tại TP.HCM.

Phát biểu tại buổi họp khẩn phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV lần thứ 2 tại UBND TP.HCM cuối giờ chiều ngày 3/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để ứng phó với tình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thành phố lên kế hoạch lập bệnh viện dã chiến.

Cụ thể bệnh viện dã chiến thứ nhất có 300 giường bệnh tại Trường Quân sự thành phố ở ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, huyện Củ Chi với ít nhất 20 giường hồi sức tích cực.

Bệnh viện dã chiến thứ hai có 200 giường bệnh tại xã Phú Xuân, Nhà Bè có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.

Trong giai đoạn đầu thành lập, hai bệnh viện sẽ sử dụng giường hiện hữu và trang bị mới 30 giường hồi sức, trang bị đầy đủ máy thở, monitor, bơm tiêm, Xquang, siêm âm, xét nghiệm. Hai bệnh viện này cũng được chuẩn bị đầy đủ nhân lực gồm bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức được điều động từ các bệnh viện nội khoa trên địa bàn.

Mục đích thành lập bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân mắc bệnh do nCoV khi dịch bệnh lan ra cộng đồng.

Các bệnh viện này sẽ được sử dụng khi số ca mắc bệnh do nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện thành phố, quận huyện.

Báo cáo tình hình nCoV tại TP.HCM, GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài 3 trường hợp dương tính đang điều trị gồm 2 cha con người Trung Quốc và một Việt kiều Mỹ, đến nay các trường hợp nghi nhiễm còn lại đều được giám sát chặt chẽ.

Thành phố cũng đã tiếp tục cách ly giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân Việt kiều tại phường 5 quận 3 bao gồm 8 nhân viên khách sạn và 8 khách còn lưu trú để theo dõi tình trạng sức khoẻ đến hết ngày 15/2.

Phân tích yếu tố nguy cơ. GS. Bỉnh cho rằng thành phố gặp nhiều khó khăn trong phòng bệnh do mật độ dân cư cao, cường độ giao thương đi lại với các nước và các tỉnh thành rất lớn. Việc sử dụng máy lạnh trong nhiều nhà ở, công sở là môi trường thuận lợi cho virus phát triển.

Ngoài ra với đặc điểm thời gian ủ bệnh kéo dài trong khi di chuyển từ vùng dịch đến TP.HCM rất ngắn nên khả năng phát hiện ca bệnh xâm nhập tại cửa khẩu là rất hạn chế.

Đại diện Sở Lao động Thương Binh - Xã hội TP.HCM cho biết hiện 1.089 người Trung Quốc là kỹ sư, người lao động trở lại thành phố sau khi về quê ăn Tết đang được để nghị tự cách ly, làm việc tại nhà cho đến khi có thông báo mới.

Về tình hình kinh doanh khẩu trang, đại diện Sở Công thương cho hay đã có văn bản gửi các quận huyện yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bán quá giá, tích trữ nhằm đảm bảo đủ khẩu trang và bán đúng giá cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng không chờ đến khi phát hiện người mắc bệnh rồi mới cách ly. Thêm nữa, căn cứ vào tốc độ tăng nhanh của dịch bệnh tại Trung Quốc, TP.HCM phải làm mọi cách để ngăn bệnh lây lan, phải cách ly tất cả các khu vực có người nhiễm hoặc gây nhiễm.

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, để tránh dịch bệnh lây lan, phải giám sát chặt chẽ người đến từ vùng dịch;  Các sở ngành chức năng phải hướng dẫn kiên trì giám sát người lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại các khách sạn, các chung cư có người Trung Quốc cư ngụ; Việc giám sát tại chỗ cách ly trong 14 ngày là bắt buộc.

Về bệnh viện dã chiến không nên chỉ dùng khi quá tải mà cần thiết phải dùng để giám sát ngay những trường hợp nghi ngờ. “Bệnh viện dã chiến phải là nơi nhận người đầu tiên chứ không phải chờ các bệnh viện quá tải mới nhận bệnh”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng lưu ý nhiều trường hợp ở Trung Quốc nhiễm bệnh do sờ vào tay nắm ở cửa nhà để nhắc nhở nội dung tuyên truyền đến người dân để người dân biết. Sở Y tế TP.HCM cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các cách điều trị (sau khi thông qua Bộ Y tế) để giúp trị khỏi bệnh cho người mắc. Sở Y tế TP.HCM không chỉ báo cáo mà phải dự báo nguy cơ dịch bệnh.

Ông Nhân cũng lưu ý tuần sau 2,6 triệu trẻ em đi học trở lại, nếu mỗi ngày mỗi cháu dùng mỗi cái khẩu trang thì số lượng khẩu trang không thể đáp ứng nổi chính vì thế ngành y tế và giáo dục cần phải cụ thể hoá ngay các cháu có cần đeo khẩu trang không, trường hợp nào thì đeo. Ngành y tế cần phải làm gấp điều này trước khi các cháu đi học trở lại. (03/2/2020, 977 từ)

2. Kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại Nghệ An

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, TS.BS CKII Bùi Đình Long cùng Giám đốc Sở Y tế trực tiếp kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại thị xã Thái Hòa.

Đoàn đã đến kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Nghệ An nơi có 4 bệnh nhân đang điều trị nghi ngờ bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút nCoV.  Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo bệnh viện cho biết, các bệnh nhân này có triệu chứng ho và sốt, toàn bộ đều trở về từ Đài Loan và Trung Quốc. Hiện tại, đơn vị đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm và vẫn chưa có kết quả.

Sau khi trực tiếp kiểm tra và nghe báo cáo, ông Bùi Đình Long đề nghị bệnh viện không được chủ quan, sẵn sàng chuẩn bị các vật tư y tế để ứng phó với dịch. “Đây là một trong 8 bệnh viện trên toàn tỉnh điều trị tại chỗ nếu phát hiện bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV. Vì vậy bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng về cả vật chất cũng như tâm lý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nói.

Sau đó, đoàn công tác đến kiểm tra tại Trường tiểu học Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa. Theo lãnh đạo nhà trường, để ứng phó với dịch, nhà trường đã chủ động phun hóa chất tiêu độc, khử trùng đồng thời bố trí thêm các vòi rửa tay cho học sinh và giáo viên. Ngoài ra trường cũng tổ chức hướng dẫn cho các học sinh cách phòng chống dịch....

Ghi nhận sự chủ động của nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các giáo viên tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho các em học sinh một cách Phòng, chống dịch khoa học như cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách.

* Trước đó, sáng 3/2/2020, tin từ Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết, Chánh thanh tra Sở Y tế Nghệ An ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với Hộ kinh doanh Nhà thuốc Linh Chi 4, địa chỉ: Ki ốt số 34-35 Chợ ga Vinh, phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An vì kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Qua kiểm tra thủ tục hành chính cơ sở chỉ xuất trình được giấy phép kinh doanh; không xuất trình được hoá đơn nhập hàng khẩu trang và một số  mặt hàng thuốc khác. Đặc biệt cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp. (03/2/2020, 490 từ)

3. Công ty Cổ phần Traphaco cố gắng cung cấp đủ hàng chống dịch cho người dân

Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp chủng mới virus corona, Công ty cổ phần Traphaco đã chủ động vào cuộc.

Là thương hiệu dược phẩm hàng đầu, Traphaco luôn nỗ lực mang những sản phẩm chất lượng tốt, chung tay phòng ngừa lây truyền và bảo vệ người dân trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thế giới, ngoài khẩu trang, người dân cần chủ động phòng dịch bằng việc rửa tay thường xuyên, giữ sạch mắt mũi, họng để chống nhiễm khuẩn.

Traphaco có bộ 3 sản phẩm được sản xuất tại nhà máy dược phẩm thông minh 4.0 hàng đầu của Việt Nam, gồm:

Thuốc nhỏ mắt-mũi NaCl Công nghệ kín: Rửa mắt, mũi; tạo độ ẩm cho mắt, màng nhày mũi chống lại vi khuẩn. Dùng nhiều lần trong ngày giúp rửa trôi đi mầm virus, vi khuẩn gây bệnh, đẩy chất thải võng mạc ra ngoài.

Nước súc miệng sát khuẩn T-B: Chùm 4 sản phẩm giúp sát khuẩn toàn khoang miệng, tiêu diệt virus, vi khuẩn gây hại. Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn giữa người với người thông qua đường hô hấp.

Antot Thymo tăng sức đề kháng: Với sự kết hợp Thymomodulin, Lysin, Cholin và các acid amin thiết yếu, giúp tăng cường sức đề kháng trong các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt nhiễm khuẩn đường hô hấp và bệnh cảm cúm trong mùa hoặc trong vùng có dịch bệnh.

Từ thành công trong việc chữa khỏi cho 2 bệnh nhân nhiễm virus nCoV tại Việt Nam, đã chứng minh rằng súc miệng, họng bằng nước súc miệng sát khuẩn rất quan trọng khi đối phó với bệnh dịch do virus nCoV. "Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về chăm sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện phát súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt mà trong các khuyến cáo của WHO cũng chưa từng áp dụng” – TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV. Chợ Rẫy cho biết.

Trước tình hình nhu cầu phòng bệnh của người dân tăng cao đột biến, nhiều mặt hàng khan hiếm và đẩy giá cao, CTCP Traphaco cam kết bán đúng giá các sản phẩm và nâng công suất dây chuyền nhà máy sản xuất lên tối đa vì mục tiêu phòng chống dịch bệnh của quốc gia.

CTCP Traphaco khẳng định đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng dịch của người dân. Hiện nay, nhà máy dược thông minh Traphaco đang tăng cường công suất 1 ngày 3 ca sản xuất liên tục lên tới 42.000 lọ đối với dây chuyền nhỏ mắt mũi NaCl 0,9% công nghệ kín, và 70.000 chai T-B cho dây chuyền sản xuất thuốc nước. Không khí làm việc khẩn trương, chính xác, đầy đủ để đáp ứng lượng hàng lớn.

Cùng với đó, Traphaco có hệ thống phân phối (logistic) sâu rộng, lên tới 28.000 nhà thuốc toàn quốc, đảm bảo cung ứng nhanh chóng không để xảy ra tình trạng khan hàng, loạn giá sản phẩm.

Hiện nay CTCP Traphaco đã nhanh chóng gửi nhiều đợt hàng lớn chuyển đến các khu vực, các tỉnh trong vòng 24h qua để đáp ứng tối đa nhu cầu phòng dịch tại bệnh viện, trung tâm y tế, và người dân địa phương (1.600 chai nước súc miệng sát khuẩn T-B chuyển tới cơ quan nhà nước tại khu vực Hà Nội 1. Chuyến hàng hỏa tốc ngày 1/2 gửi 16.800 chai T-B và 14.800 lọ NaCl 0,9% đến Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh Quảng Ninh.) (03/2/2020, 656 từ)

4. Một trong hai bệnh nhân Trung Quốc có thể sẽ được xuất viện trong tuần tới

BSCKII. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, dự kiến trong tuần tới bệnh nhân Lizhichao (1992) có thể sẽ được xuất viện. Còn bệnh nhân LiDing (1954) cần theo dõi và chờ thêm kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện sức khoẻ bệnh nhân LiDing đã ổn định, bệnh nhân không sốt, không phải thở oxy, tự sinh hoạt, các xét nghiệm sinh hoá bình thường...

 Đây là hai bệnh nhân dương tính với nCoV được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 23/1 tại BV Chợ Rẫy. Sau khi phát hiện bệnh hai bệnh nhân đã được các bác sĩ BV Chợ Rẫy điều trị theo đúng phác đồ do Bộ Y tế ban hành. Các bác sĩ đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chặt chẽ.

Đến ngày 28/1 một trong hai bệnh nhân đã khỏi bệnh, kết quả xét nghiệm  lần 3 cho thấy bệnh nhân Li Zichao, 1992 đã âm tính với nCoV. Sau một thời gian được lưu giữ tại khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện để theo dõi cách ly, đến hôm nay, bệnh nhân đã khỏi và có thể được xuất viện.

Bác sĩ Thức cho biết, bệnh viện sẽ hội chẩn lần cuối với các chuyên gia và có thể cân nhắc cho bệnh nhân xuất viện vào trong thời gian sớm nhất.

Còn bệnh nhân Li Ding, sinh năm 1954 mặc dù sức khoẻ đã ổn định, không sốt, không phải thở oxy, đã tự sinh hoạt đi lại được và các chỉ số sinh hoá cũng bình thường nhưng vẫn cần phải theo dõi và chờ thêm kết quả xét nghiệm

Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế, hiện  nay, Việt Nam đã  cách  ly theo dõi chặt chẽ 27 trường hợp có dấu hiệu sốt, ho…nghi nghờ nhiễm nCoV để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, còn có 43 trường hợp sức khoẻ bình thường, không có biểu hiện sốt nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc với người nghi bị nhiễm nCoV. (02/2/2020, 371 từ)

5. Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm đơn vị không báo cáo khả năng đáp ứng trang thiết bị phòng chống dịch nCoV

Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Sở Y tế xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch không gửi hoặc gửi báo cáo không đúng thời hạn về tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch nCoV.

Ngày 1/2/2020 Bộ Y tế tiếp tục có công văn hoả tốc lần 2 yêu cầu các cơ sở sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch trước 16h chiều nay khẩn trương báo cáo tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch nCoV.

Ông Nguyễn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV gây ra tại Trung Quốc đang có nguy cơ lây lan rộng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp báo cáo, đảm bảo cung cấp đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 363/BYT-TB-CT ngày 28/01/2020 gửi các đơn vị đề nghị khẩn trương báo cáo tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đến hết ngày 01/02/2020 mới chỉ có 20/39 đơn vị đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, có 19/39 đơn vị chưa gửi nội dung báo cáo hoặc nội dung báo cáo chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu.

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương gửi nội dung báo cáo về Bộ Y tế trước 16h00 ngày 02/02/2020, để tổng hợp, đề xuất báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Sở Y tế trên địa bàn để xem xét và xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị không gửi hoặc gửi báo cáo không đúng thời hạn theo yêu cầu. (02/2/2020, 457 từ)

6. TP.HCM họp khẩn về phòng chống nCoV

49 thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại TP.HCM đã có buổi họp khẩn nhằm phổ biến triển khai kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.

Xác nhận thêm một trường hợp dương tính với nCoV

Tại cuộc họp, GS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giảm đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến 1/2, ngoài 2 trường hợp dương tính người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (một người đã khỏi bệnh), TP.HCM còn có 5 người cùng gia đình ở Vũ Hán đi du lịch ở Cái Bè, Tiền Giang có dấu hiệu sốt, đang được theo dõi với dấu hiệu sức khoẻ ổn định.

Ngoài ra, có một trường hợp khác có quá cảnh ở Vũ Hán sau đó đến TP.HCM sáng nay đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Trước đó, bệnh nhân này đã được thực hiện giám sát cách ly bệnh nhân và cả những người tiếp xúc.

Tại TP.HCM, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh hô hấp cấp do nCoV bao gồm ban chỉ là các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Y tế, Viện Pasteur, cùng các thành viên là đại diện của Kiểm dịch Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, các bệnh viện, lực lượng vũ trang quân đội, công an, các sở ngành, đoàn thanh niên và các quận huyện...

Xử lý nghiêm cá nhân đưa tin thất thiệt gây hoang mang dư luận

Cũng tại cuộc này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch hô hấp cấp do nCoV cho biết, trên cơ sở chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã có chỉ thị 03 về việc triển khai kế hoạch các chỉ thị của Chính phủ.

Theo đó, TP.HCM xây dựng mục tiêu huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân dự phòng. Dự phòng cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để xảy ra dịch trong trường hợp có xảy ra thì hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

Mục tiêu cụ thể thông qua hai tình huống. Nếu tiếp tục có ca bệnh xâm nhập vào thành phố sẽ tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan. Huy động sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị trong xử trí khi nhiễm bệnh. Phải xem chống dịch như chống giặc. Với tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng và hạn chế tử vong.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân các kiến thức phòng bệnh để người dân có ý thức phòng bệnh chủ động. Các hộ dân phải ký cam kết thực hiện tinh thần các tờ rơi ban hành. Xử lý nghiêm các cá nhân đưa thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận.

Cũng tại cuộc họp, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM cho hay, sẽ rút giấy phép chứng nhận hành nghề dược của nhà thuốc nào dám đầu cơ tăng giá khẩu trang.

Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, kiểm dịch người tiếp xúc với ca bệnh

Trong tình hình bệnh diễn biến phức tạp, việc cách ly kiểm dịch đối với người tiếp xúc ca bệnh tại TP.HCM sẽ được thực hiện nghiêm ngặt.

Ở cấp độ 1, cách ly tại nơi cư trú, áp dụng cho người tiếp xúc gián tiếp với ca bệnh, ít nguy cơ nhiễm bệnh. Người tiếp xúc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác như đeo khẩu trang, không đi đến chỗ đông người, phải báo cáo ngay khi có dấu hiệu sốt.

Cấp độ 2, cách ly tại nơi cư trú, áp dụng cho nhiều người có nguy cơ mắc bệnh như người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, người về từ vùng dịch. Người bị cách ly phải hạn chế tối đa đi lại trong 14 ngày để theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ.

Cấp độ 3, dùng để áp dụng cho cách ly riêng những người không tuân thủ cách ly cấp độ 2 hoặc những tập thể trở về từ vùng dịch. Những người này phải mang khẩu trang khi tiếp xúc với với tất cả mọi người và giám sát các dấu hiệu bệnh mỗi ngày.

Về việc cách ly người đến từ vùng có dịch hoặc quá cảnh tại vùng có dịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thành phố có 17 công ty du lịch lớn có hành khách đến các vùng có dịch và tất cả các tua đã được chỉ đạo hoãn, bồi thường phí cho khách. Các khách sạn tại thành phố cũng được nhắc nhở để kịp thời thông báo các trường hợp khách đến ở có xuất xứ từ vùng dịch hoặc khách có dấu hiệu bệnh. Sở cũng chuẩn bị sẵn các khách sạn gần sân bay Tân Sơn Nhất để ứng phó với việc cách ly theo dõi những trường hợp nghi ngờ. Khi Khánh Hoà đã công bố dịch, TP.HCM cũng phải theo dõi sát để phòng những trường hợp có thể đã bị ca bệnh tiếp xúc, những người từ Nha Trang, Khánh Hoà đến TP.HCM.

Các sự kiện hoạt động văn hoá bắt buộc phải tổ chức, cần hạn chế danh sách khách đến dự, những hoạt động nào không cần thiết thì cân nhắc tụ tập ở mức tối đa.

Bên cạnh đó, công tác xử lý khử khuẩn tại các khu vực công cộng như bến xe cửa ngõ thành phố, các nhà ga bến bãi. Khuyến cáo 8.500 xe taxi, hơn 2.000 xe buýt và các phương tiện giao thông vận tải khử trùng khử khuẩn phương tiện. Tập huấn cho giáo viên trong việc xác định chẩn đoán đúng các học sinh sinh viên có dấu hiệu bệnh, các trường hợp học sinh du học, đi tham quan…

Ngoài khu cách ly của các bệnh viện đã được phân công, khu cách ly của các bệnh viện còn lại cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng. Cần có sẵn bệnh viện dã chiến để ứng phó.

Được biết, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 3500 người Trung Quốc sống và lao độnghiện đang trở về quê ăn Tết.  Lượng người này khi trở lại Việt Nam sẽ được giám sát chặt chẽ. (02/2/2020, 1204 từ)

7. Hà Nội chưa ghi nhận ca dương tính nCoV

PGS-.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bác bỏ thông tin cho rằng Hà Nội có trường hợp bệnh nhân dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Theo đó, Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV).

Mục tiêu của kế hoạch là nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút trên gây ra, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Kế hoạch của UBND thành phố cũng phân loại 4 cấp độ dịch bệnh để phòng, chống.

Trong đó: Cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2 là khi có dịch bệnh lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3 là khi dịch bệnh lây lan với hơn 20 trường hợp mắc; cấp độ 4 là khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng trong cộng đồng với hơn 1.000 trường hợp mắc.

Đối với mỗi cấp độ - "kịch bản" bệnh, dịch, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, ngành về công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, công tác truyền thông và công tác hậu cần theo các bước cụ thể.

Trước đó, trên mạng xã hội có lan truyền thông tin 3 học sinh nhiễm và 1 tài xế taxi ở quận Hoàng Mai bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, tuy nhiên Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã bác bỏ thông tin này. (02/2/2020, 296 từ)

8. Tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm nCoV

BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với ngành y tế tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm nCoV

BHXH Việt Nam có Công văn số 280/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH các tỉnh) về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV.

Công văn nêu, ngày 28/01/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, đồng thời ngày 31/01/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có tuyên bố về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Để chủ động phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất mức tử vong do nCoV gây ra, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện một số nội dung như chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm nCoV.

BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh BHYT trên cơ sở nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT của quý 1/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV như: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

Cũng theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để có hướng chỉ đạo, giải quyết

Tính đến 1/2/2020, Việt Nam đã có 06 trường hợp mắc nCoV. Trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc.

Các trường hợp này hiện đang được theo dõi điều trị cách ly tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và địa phương. (01/2/2020, 501 từ)

9. Nữ bệnh nhận dương tính với nCoV ở Khánh Hòa sức khỏe đã ổn định

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, Từ lúc nhận được thông tin ông Li Ding (66 tuổi, người Vũ Hán, Trung Quốc) và con trai bị viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây nên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã nhanh chóng điều tra dịch tễ ở tất cả các nơi ông Ding từng lưu trú, thăm quan trong thời gian ở TP.Nha Trang.

Thông tin chính thức từ Bộ Y tế xác nhận nữ lễ tân một khách sạn ở Nha Trang, Khánh Hòa dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, từ khi nhận được thông tin ông Li Ding (66 tuổi, người Vũ Hán, Trung Quốc) và con trai bị viêm đường hô hấp cấp do nCov gây nên, Trung tâm  kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã nhanh chóng đi điều tra dịch tễ ở tất cả các nơi ông Ding từng lưu trú, thăm quan trong thời gian ở TP.Nha Trang.

Sau khi rà soát, khoanh vùng thì nữ lễ tân H. là người có tiếp xúc gần với ông Li Ding và con trai ông là LiziChao nhiều nhất. Tuy nhiên, ông Li Ding mang mầm bệnh từ Trung Quốc và những ngày ở Nha Trang vẫn không có nhiều biểu hiện khả nghi, chỉ sốt và ho nhẹ nên bị nhầm tưởng với cảm cúm thông thường.

Trước đó, chiều 16/1/2020, sau khi nhận ca làm việc, lễ tân Lê Thị Thu H tiếp chuyện, làm việc với bố con ông Li Ding. Sau đó lễ tân Thu H bố trí phòng cho hai khách Trung Quốc này. Đến trưa ngày 18/1, H. ho nhẹ nhưng không đến cơ sở y tế khám bệnh mà chỉ đi mua thuốc kháng sinh tự uống.

Sang ngày 24/1, chị H ho nhiều hơn, có đờm. Bệnh nhân được lấy mẫu đưa đến Viện Paster Nha Trang xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm được cả Viện Paster TP.Hồ Chí Minh cùng xét nghiệm.

Liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch nCoV. Các đội ứng cứu cơ động, khẩn cấp, các khu vực cách ly và cơ số thuốc men, hóa chất chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 30/01, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã đến khu vực cách ly của Bệnh viện nhiệt đới Khánh Hòa (nơi lễ tân Thu H đang được cách ly) để có những chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch.

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khẳng định: Công tác điều tra, kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm những nơi ông Li Ding tham quan, ăn ở được tiến hành rất khẩn trương, nhất là ở khu vực đường Tôn Đản.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành điều tra dịch tễ, hướng dẫn khách sạn tổ chức vệ sinh buồng phòng khách sạn, các khu vực công cộng, lau chùi bề mặt bàn, sàn, tay nắm cửa, lòng khoang thang máy, nút bấm thang máy...

- Hướng dẫn những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khi có triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở.

- Hướng dẫn sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người khác.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Sau khi nghi ngờ bị nhiễm nCoV, bệnh nhân L.T.H  được đưa vào khu vực cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa từ ngày 27-1. Qua điều trị, hiện nay sức khỏe của nữ bệnh nhân này đã ổn định, không ho, không sốt. (01/2/2020, 674 từ)

10. Lào Cai: Xác định thêm 5 trường hợp âm tính với nCoV

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, Trung tâm vừa nhận được kết quả trả lời của Viện Vệ sinh dịch tễ TW xác định thêm 5 trường hợp người Việt Nam sốt đang cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh âm tính với nCoV.

Như vậy, đến thời điểm này, Lào Cai đã xác nhận  6 trong tổng số 11 trường hợp người Việt Nam  có tiền sử tiếp xúc với người Trung Quốc và người buôn bán qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang được cách ly, theo dõi tại BVĐK tỉnh Lào Cai (10 người), BV Sản Nhi Lào Cai (1 người).

Trước đó, 11 trường hợp nói trên sau khi biết có tiền sử với người Trung Quốc  đã được cách ly, quản lý, theo dõi điều trị tại hai bệnh viện nói trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã thực hiện lấy mẫu máu và dịch hầu họng của các bệnh nhân để gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiện chẩn đoán. Ngày 26/1 một trường hợp được Viện Vệ sinh dịch tễ TW trả kết quả âm tính, và chiều 31/1 Viện  Vệ sinh dịch tễ TW cũng trả kết quả của 5 bệnh nhân khác.

Hiện, Lào Cai chỉ còn 5 bệnh nhân đang quản lý, theo dõi chưa có kết quả xét nghiệm. Các bệnh nhân này hiện sức khỏe khá ổn định. Ngành Y tế Lào Cai vẫn tiếp tục thực hiện giám sát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với những người bệnh và cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân, tất cả đều chưa phát hiện dấu hiệu nghi bệnh.

Tính đến thời điểm này Lào Cai chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, nhưng là địa phương có đường biên dài giáp với Trung Quốc, việc giao thương, đi lại của người dân 2 nước diễn ra thường xuyên, thêm vào đó hiện nay đang là mùa xuân, thời tiết lạnh, ẩm, là những yếu tố thuận lợi cho việc lây lan và phát triển của vi rút Corona, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế, hạn chế đến những nơi đông người để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. 


Thăm dò ý kiến