Thông tin y tế 29 - 31/10/2020

31/10/2020 | 09:05 AM

 | 

1. Bệnh viện khu vực miền Trung căng mình chống bão lũ, cầm cự lo máu điều trị

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, thiên tai nói chung và bão lũ nói riêng luôn tác động không nhỏ đến công tác tổ chức hiến máu và an toàn truyền máu, kể cả ở những quốc gia có dịch vụ truyền máu phát triển. “Khúc ruột miền Trung” nước ta đang phải oằn mình chống bão nhưng cũng vừa phải lo đối mặt với tình trạng thiếu máu.

Dịch vụ truyền máu Mỹ cũng không ngoại lệ

Tháng 1/2014, bão tuyết và nhiệt độ đóng băng đã làm hủy 600 buổi hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Mỹ tại 26 bang và Washington DC, dẫn đến thiết hụt gần 20.000 đơn vị máu và tiểu cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cung cấp máu cho người bệnh tại 2.700 bệnh viện và cơ sở truyền máu trong cả nước. Một số nhóm máu khan hiếm trầm trọng là nhóm O Rh (D) dương, nhóm O Rh (D) âm, nhóm A Rh (D) âm và nhóm B Rh (D) âm.

Mùa thu năm 2018, bão Michael và Florence ở Mỹ đã khiến 7.500 đơn vị máu và tiểu cầu không thể được tiếp nhận do phải hủy bỏ 250 buổi hiến máu ở Đông Nam nước này. Thậm chí có nơi lượng máu dự trữ chỉ đủ cung cấp trong một ngày.

Tháng 9 năm ngoái, siêu bão “quái vật” Dorian ngay khi đổ bộ vào đảo Grand Bahama đã mạnh lên tới cấp 5 (theo thang 1-5 được sử dụng ở Mỹ), với sức gió liên tục ở mức gần 300 km/h hôm 4/9/2019, trở thành cơn bão có sức gió khi đổ bộ đất liền lớn nhất. Khoảng 1.500 chuyến bay đến và đi từ bang Florida của Mỹ đã bị hủy; 1 triệu dân đã phải sơ tán khẩn cấp. Bão cũng khiến gần 50 buổi hiến máu ở Georgia, Nam và Bắc Carolina bị hủy bỏ; 1.200 đơn vị máu và tiểu cầu không thể được tiếp nhận theo kế hoạch.

Ngay ngày 4/9, Hội Chữ thập đỏ Mỹ đã ra lời kêu gọi những người không chịu ảnh hưởng của bão tham gia hiến máu, đồng thời cung cấp khẩn cấp 350 đơn vị chế phẩm máu để hỗ trợ các ngân hàng máu ở Florida.

Miền Trung oằn mình chống bão, các cơ sở truyền máu “cầm cự” lo máu cho người bệnh

Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và cung cấp máu cho các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.

Do ảnh hưởng của mưa bão và lũ lớn tại cả 3 địa phương này nên từ ngày 8/10 đến 22/10, nhiều lịch hiến máu không thể duy trì tổ chức, dẫn đến khoảng 4.000 đơn vị không thể tiếp nhận được. Cho đến nay, do khắc phục hậu quả của bão nên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng chưa thể tổ chức hiến máu.

Trước tình hình này, Bệnh viện TW Huế đã đề nghị Đà Nẵng “chi viện” tổ chức hiến máu vào ngày 29/10 với dự kiến tiếp nhận được 500 đơn vị máu. Nhưng bão số 9 được cảnh báo rất phức tạp khiến một lần nữa kế hoạch tiếp nhận máu này phải hoãn lại cho đến khi thời tiết ổn định trở lại.

TS. Đồng Sỹ Sằng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện TW Huế cho biết: “Bão chồng bão” khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi tháng, trung bình Trung tâm cần khoảng 5.000 đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh viện trong khu vực, nhưng dự kiến chỉ có thể cung cấp tối đa 3.500 đơn vị trong tháng 10 này dù đã hoãn tối đa các trường hợp mổ phiên cần sử dụng máu. Đến ngày 27/10, Trung tâm đang lưu trữ 1.200 đơn vị máu, chỉ đủ cung cấp trong 7 – 10 ngày”.

Trong tình thế cấp bách này, cuối tuần qua (23 – 26/10), nhân viên y tế của chính Bệnh viện TW Huế và giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học (thuộc Đại học Huế) đã tích cực hiến máu. Đây cũng là lực lượng thường xuyên tham gia hiến máu khẩn cấp mỗi khi xảy ra tình trạng khan hiếm máu.

Là đơn vị thường xuyên được cung cấp máu từ Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) gần như phải “tự lực cánh sinh” trong suốt mấy tuần qua để đảm bảo cung cấp đủ máu cho người bệnh.

Nhiều nơi tại Đồng Hới và Thừa Thiên Huế ngập nặng dẫn đến không thể tổ chức hiến máu tại Quảng Bình, Bệnh viện TW Huế cũng không thể di chuyển ra Quảng Bình để tiếp nhận và cung cấp máu.

ThS. BS. Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng khoa Sinh hóa – Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Cuba Đồng Hới cho biết: “Bệnh viện hầu như phải huy động người nhà bệnh nhân hiến máu nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi dịch sốt xuất huyết cũng gia tăng và diễn biến phức tạp nên mỗi ngày đều cần 4 – 5 đơn vị tiểu cầu máy”.

Chia sẻ với các bệnh viện và cơ sở truyền máu khu vực miền Trung, BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết sẽ sẵn sàng cung cấp máu cho các tỉnh nếu tình trạng thiếu máu vẫn còn trầm trọng do ảnh hưởng của bão lũ, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương. (29.10.2020, 993)

2. Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng mức giá xét nghiệm COVID-19 cho người xuất cảnh

Xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Real-time PCR có giá tối đa 734.000 đồng/mẫu, còn test nhanh có giá tối đa 238.000 đồng/mẫu.

Bộ Y tế có công văn số 5834/BYT-KH-TC về hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh, cụ thể như sau: trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR: tối đa 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm; trường hợp thực hiện test nhanh tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập và công tác ở nước ngoài; Bộ Y tế đã có công văn 4974/BYT-DP ngày 17/9/2020 về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Trong khi chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ban hành quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tính đủ chi phí; Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo mức giá của dịch vụ đã được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Cụ thể:

- Dịch vụ số 1735: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR: tối đa 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

- Dịch vụ số 1736: xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh đối với trường hợp thực hiện test nhanh tối đa 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật giá, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước thuộc địa phương quản lý.

Bộ Y tế quy định giá với các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và Bộ/Ngành thuộc TW. Do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ mức giá của các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm nêu trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện thu và thanh toán với người sử dụng dịch vụ theo quy định.

Bộ Y tế thông báo để các đơn vị, địa phương biết, thực hiện. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch Tài chính) để xem xét, hướng dẫn thực hiện. (29.10.2020, 581)

3. Gia tăng bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp: Khuyến cáo khẩn từ chuyên gia BV Nhi Trung ương

Tại Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương, các giường đều kín bệnh nhi. Nhiều trẻ được hỗ trợ thở oxy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp… Đặc biệt, một tháng gần đây số ca mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp tăng hơn so với trước, trung bình 40-50 ca/ngày

Nhiều bệnh nhi sinh non, dưới 6 tháng phải thở máy

Tại khoa Hồi sức hô hấp, Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương, hiện nhiều phòng bệnh phần lớn các bệnh nhi nằm viện điều trị bệnh lý do virus hợp bào hô hấp đều là trẻ dưới sáu tháng tuổi. Những ca bệnh nặng hầu hết đều có bệnh lý nền đi kèm hoặc sinh non tháng

Phòng điều trị 1303, bệnh nhi 4 tháng tuổi chuyển từ BV Sản Nhi Nghệ An ra điều trị tại BV Nhi Trung ương đang được bà ngoại vỗ rung lưng nhè nhẹ. Bà ngoại bé cho cho biết, bé sinh non ở tuần 29, trước khi nhập viện bé bị sốt, ho, thở khò khè đã điều trị 12 ngày tại BV Sản Nhi Nghệ An, tuy nhiên tình trạng bé không đỡ nên đã được chuyển tuyến ra BV Nhi Trung ương. Hiện tình trạng của bé có tiến triển hơn, nhưng rất chậm.

Cách đó 1 phòng, anh B.T.L (Nghệ An) cho biết, con gái anh có biểu hiện sốt, khò khè nên được đưa đi viện BV Sản Nhi Nghệ An điều trị 10 ngày nhưng tiến triển chậm và là trẻ sinh non ở tuần 28 nên bé được chuyển tuyến ra BV Nhi Trung ương. Hiện bé đã điều trị được năm ngày và cũng đang hồi phục rất chậm, vẫn phải thở máy.

Nằm kế bên là bệnh nhi chừng năm tháng tuổi cũng đã nhập viện được bốn ngày qua. Bà ngoại của bệnh nhi cho biết, lúc đầu thấy cháu bé bị sốt, mũi có đờm, cho vào viện Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tuy nhiên, khi thấy bé có triệu chứng co giật nên đã xin chuyển tuyến lên BV Nhi Trung ương. Bệnh nhi này vừa bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng và mắc virus hợp bào hô hấp.

Giao mùa tăng gấp đôi số ca mắc virus hợp bào hô hấp

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương cho biết, có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp.

Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn.

“Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất”- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.

Theo các chuyên gia của BV Nhi Trung ương, bệnh lý hô hấp viêm đường hô hấp cấp tính phân loại hai mức độ: viêm hô hấp trên thông thường như viêm mũi, họng, amidan, viêm tai giữa. Viêm hô hấp dưới phế quản, tiểu phế quản, phổi nặng hơn. Bệnh nhi vào viện thường do viêm đường hô hấp dưới.

Tại Trung tâm Hô hấp hiện các giường bệnh - 147 giường đều kín bệnh nhân, trong đó khoảng 50 bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp. Các trường hợp này đều được nằm khu riêng để tránh lây nhiễm, không có tình trạng nằm ghép.

“Trước đây trung bình mỗi ngày nhận 10-15 bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp, nhưng một tháng gần đây số lượng bệnh nhân tăng lên 30-40 bệnh nhân, có ngày hơn 40 bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm việc liên tục để luân chuyển các ca bệnh nhẹ về các khoa khác, đón các ca bệnh mới tăng hơn gấp đôi mỗi ngày”- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho hay.

Theo BSCK2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi Sức hô hấp, Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương, virus hợp bào hô hấp thường gây bệnh ở lứa tuổi nhỏ, biểu hiện nặng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

“Bệnh này nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, đẻ non dưới ba tháng tuổi hay bệnh nhi có bệnh nền loạn sản phổi có thể tiến triển nhanh trong một ngày. Hôm trước ăn thở bình thường, hôm sau vào viện trong tình trạng phải thở ô xy, tình trạng này gặp nhiều tại khoa cấp cứu. Tùy theo từng mức độ, các bác sĩ sẽ can thiệp cho thở ô-xy hay can thiệp khác như đặt ống thở. Với trẻ dưới ba tháng tuổi, các bác sĩ sẽ chăm sóc bằng cho thở ô-xy và ăn uống, thông thoáng đường thở, nếu bội nhiễm sẽ điều trị thêm kháng sinh”- BS Lê Thanh Chương cho biết.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Cũng giống như bệnh lý hô hấp khác, triệu chứng thông thường hay gặp ở trẻ mắc virus hợp bào hô hấp là ở giai đoạn đầu có hắt hơi sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân sốt cao lên, thở nhanh, khó thở.  Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí, tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh…, bệnh diễn biến rất nhanh và nặng.

Theo các bác sĩ, trong giai đoạn đầu, nếu thấy con ăn uống bình thường sốt nhẹ chưa khó thở, cha mẹ có thể chăm sóc con ở nhà, vệ sinh mũi họng, cho uống nhiều nước. Nếu con sốt cao lên, ho nhiều hơn, khó thở, ăn ít hơn, đi tiểu ít hơn, thở nhanh rút lõm lồng ngực thì khi đó trẻ có biểu hiện rất nặng, các gia đình phải đưa con đến cơ sở y tế để tư vấn chính xác chứ không nên tự đi mua thuốc điều trị.

Trẻ khi mắc virus hợp bào hô hấp mà không được xử trí sớm, can thiệp kịp thời sẽ gặp những biến chứng nặng về hô hấp, đồng thời có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, di chứng đường thở, gây biến chứng về hô hấp... Thiếu ô-xy kéo dài sẽ dẫn tới biến chứng thần kinh.

Giám đốc Trung tâm hô hấp khuyến cáo virus hợp bào hô hấp có khả năng lây lan mạnh, nếu các gia đình chủ quan, không biết con nhiễm bệnh, virus dễ phát tán rộng trong cộng đồng. Hiện nay, virus hợp bào không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.

“Để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay. Cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn con bởi có thể làm lây lan virus”- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo. (29.10.2020, 1260)

4. Công tác phòng chống phong ở Việt Nam được thế giới đánh giá cao

Ngày 29/10, tại Sơn La, Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng chống phong 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Giảm tỷ lệ lưu hành và phát hiện bệnh phong ở cộng đồng

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng chống phong của 63 tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện tốt kế hoạch triển khai Loại trừ bệnh phong tại tuyến huyện (theo Thông tư 17/2013/TT-BYT ngày 06/06/2013 của Bộ Y tế), chỉ đạo từ chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong đến phục hồi chức năng về thân thể, kinh tế, giáo dục cho bệnh nhân phong và thực hiện rộng khắp các công tác tuyên truyền loại trừ các định kiến xã hội, giảm kỳ thị về bệnh phong và duy trì mạng lưới thành quả của chương trình để tiến đến mục tiêu cuối cùng là "Thanh toán hoàn toàn bệnh Phong ở Việt Nam".

Mở rộng hơn nữa, Dự án phòng chống bệnh phong của Việt Nam đã hợp tác với Hội chống phong Thuỵ Sĩ và Tổ chức Y tế thế giới để cùng chung tay đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân phong như xây nhà cho bệnh nhân nghèo, đào tạo nghề cho bệnh nhân phong và con em họ...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, khó cứu chữa, nhưng sau này có thuốc đơn hóa trị liệu, đa hóa trị liệu... nhiều bệnh nhân phong đã  được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Hiện nay tất cả các bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định, điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng”- PGS. TS Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh.

Đánh giá kết quả của hoạt động phòng chống phong trong những năm qua, các chuyên gia nhấn mạnh, hoạt động phòng chống phong của Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới, tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ phát hiện bệnh phong ở cộng đồng đều giảm (từ năm  2016-2020, tỷ lệ lưu hành bệnh phong trên toàn quốc giảm từ 0,02/10.000 dân xuống còn 0,01/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện giảm còn 0,2/100.000 dân).

Các hình thức khám phát hiện bệnh phong vẫn được triển khai tại các tỉnh như khám tiếp xúc, khám cụm dân cư, khám thông qua hình ảnh, khám lồng ghép vào các chuyên khoa khác, người bệnh tự đến cơ sở y tế (khám thụ động)… người mắc bệnh phong được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tư vấn tự chăm sóc tàn tật, được hỗ trợ kinh tế, nghề nghiệp...

Các thuốc điều trị bệnh phong vẫn được đảm bảo cung cấp miễn phí, kịp thời và đầy đủ. Công tác phòng chống tàn tật cho người bệnh phong vẫn được tiến hành dưới nhiều hình thức: phát hiện điều trị tốt cơn phản ứng phong, tư vấn tự chăm sóc tàn tật, cấp các dụng cụ trợ giúp: giày, chân giả... điều trị loét ổ gà, phẫu thuật, phục hồi chức năng cho người bệnh phong bị tàn tật….

Việc tuyên truyền, các loại hình truyền thông về bệnh và chống kỳ thị bệnh phong được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức giúp người dân nhận thức đúng về bệnh phong, giảm trừ các định kiến xã hội. Bên cạnh đó, việc phục hồi kinh tế xã hội cho người bệnh phong cũng được chú trọng như hỗ trợ nhà cho bệnh nhân nghèo, đào tạo nghề cho bệnh nhân phong và người nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân phong, tăng phụ cấp cho bệnh nhân tại các khu điều trị phong…

Hoạt động phòng chống phong ở các tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở/ban/ngành đoàn thể cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều tỉnh đã công nhận loại trừ phong tuyến huyện theo thông tư 17/2013/TT-BYT ngày 06/06/2013 của Bộ Y tế.

Vẫn còn nhiều thách thức mới

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong công cuộc phòng chống bệnh phong hiện nay ở Dự án phòng chống phong nói chung, các đơn vị Da liễu tuyến tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh nói riêng đó là mạng lưới tổ chức chưa thống nhất; các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cán bộ Y tế thiếu, kiêm nhiệm, thuyên chuyển công tác.

Ở nhiều tỉnh tuy đã được kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong nhưng vẫn xuất hiện bệnh nhân mới; nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống phong bị giảm, thành kiến bệnh phong vẫn còn trong cộng đồng, tỷ lệ tàn tật độ 2 ở bệnh nhân phong mới phát hiện có xu hướng gia tăng.

"Bệnh phong hiện tại vẫn còn tuy số ca ít đi nhưng xu hướng đa kháng thuốc tăng lên, nếu chương trình chống phong dừng lại thì rất khó duy trì được mạng lưới chống phong. Không những thế, các thuốc chống phong từ trước đến nay đều được WHO cấp miễn phí hoàn toàn cũng sẽ phải dừng lại và sợ rằng, bệnh nhân phong đa kháng thuốc lây lan ra cộng đồng khiến việc điều trị rất khó khăn, những người dị hình tàn tật không có nơi nương tựa và không được chăm sóc.... Đây thực sự là vấn đề lớn của cả nước ta và thế giới"- PGS.TS Nguyễn Văn Thường chia sẻ.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện mục tiêu cuối cùng đó là thanh toán hoàn toàn bệnh phong: duy trì và kiện toàn mạng lưới từ trung ương đến địa phương; tăng cường năng lực quản lý chương trình của cán bộ chống phong tuyến tỉnh/thành, tiếp tục đề nghị là Chương trình mục tiêu Y tế để duy trì kết quả bền vững, duy trì mạng lưới chống phong, đa dạng hóa công tác truyền thông, chống kỳ thị, tránh được nguy cơ bệnh phong quay trở lại (kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực).

Các cá nhân, đơn vị hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ gắn với công tác phòng chống bệnh phong cũng  được nhận khen thưởng trong dịp này.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, các đại biểu tham dự hội nghị được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định trong phòng chống dịch COVID-19 như: khai báo y tế online trước khi đến hội nghị hoặc khai tờ khai y tế, được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang trong suốt thời gian hội nghị diễn ra. Ban tổ chức cũng bố trí các điểm đặt lọ sát khuẩn tay nhanh và khẩu trang trong khuôn viên hội nghị. (30.10.2020, 1304)

5. Người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại sẽ cách ly và xét nghiệm như thế nào?

Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống COVID-19 với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã được lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới đây.

Thông tin trên được TS. Hà Anh Đức- Chánh văn phòng Bộ Y tế  cho biết tại buổi tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh để phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng ngày 29/10.

Theo TS Hà Anh Đức dự thảo quy trình nhập cảnh và giám sát cách ly y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang trong quá trình hoàn tất trước khi ký ban hành. Quy trình này được tập hợp, bổ sung từ các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ ngành đã ban hành trước đó.

Ông Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Theo bản dự thảo, người nhập cảnh tự chi trả toàn bộ kinh phí cho các hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm COVID-19. Riêng đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ (ở Việt Nam trên 14 ngày) được miễn thu phí xét nghiệm, trừ trường hợp yêu cầu cách ly tại khách sạn theo nguyện vọng.

Dự thảo cũng ghi rõ, đối với nhóm công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của công dân Việt Nam trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; giấy chấp thuận nhập cảnh (đối với người nước ngoài) do cơ quan có thẩm quyền cấp; có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi khởi hành 3-5 ngày; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành, cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và Bluezone.

Khi trên máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm. Công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân của công dân Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày; lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Đối với nhóm là người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; có giấy chấp thuận nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2; có BHYT hoặc cam kết chi trả chi phí trong trường hợp mắc COVID-19; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành.

Các chuyên gia khi nhập cảnh vào nước ta sẽ cách ly tập trung 7 ngày đầu tiên ở khách sạn, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần (ngày thứ 2 và ngày thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ở mẫu bệnh phẩm lấy vào ngày thứ 6 sẽ được cách ly tại nơi lưu trú. Tại nơi lưu trú, chuyên gia, người lao động sẽ được lấy xét nghiệm lần thứ 3 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Đối với nhóm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc từ 14 ngày trở lên; chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được cách ly tại nhà, nơi lưu trú (do doanh nghiệp, khách sạn thu xếp) đủ 14 ngày.

Trong quá trình cách ly, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao phải đeo khẩu trang, phòng, chống lây nhiễm tại khu cách ly; lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 14.

Còn chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong ngày đầu tiên cách ly. Sau đó, cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần.

Theo dự thảo, ngoài những giấy tờ cần thiết, trước khi nhập cảnh cả 3 nhóm trên đều cần có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày khởi hành 3-5 ngày, phải khai báo y tế điện tử trong vòng 12 giờ trước khi khởi hành và cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và các ứng dụng truy vết. Riêng nhóm 1 và nhóm 2 cần thêm đăng ký và có xác nhận tiếp nhận của khách sạn và dịch vụ đưa đón.

 

Tại buổi tập huấn, đại diện một số Sở Y tế các địa phương đa góp ý vào bản dự thảo đồng thời đề nghị đơn vị triển khai phần mềm quản lý nhập cảnh đơn giản, sớm hoàn thiện để các đơn vị thực hiện, đặc biệt là các cán bộ tại trung tâm y tế xã.

Phát biểu tại buổi tập huấn, TS Hà Anh Đức nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được triển khai rất sớm và đã góp phần quan trọng vào thành công của công tác chống dịch ở nước ta.

"Quan điểm của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan là khi ứng dụng công nghệ vào chống dịch phải trên tinh thần tạo sự thuận lợi nhất cho người thực hiện. Đơn vị soạn thảo và làm phần mềm quản lý nhấp cảnh sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng phần mền hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch"- TS Hà Anh Đức nhấn mạnh

Từ tháng 3, phần mềm quản lý nhập cảnh đã được triển khai. Đến nay đã có 4 buổi đào tạo. Sau khi Cục Y tế Dự phòng ban hành quy trình mới nhất về kiểm soát người nhập cảnh, Viettel đã điều chỉnh hệ thống tờ khai y tế phù hợp với các đối tượng là người nhập cảnh, công an xã, cửa khẩu, đơn vị y tế các tuyến, cơ sở cách ly và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố.

Phần mềm quản lý nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý người nhập cảnh, từ khi khai báo y tế cho đến khi cách ly tại nơi cư trú hoặc xuất cảnh. Phần mềm không chỉ tăng cường theo dõi các đối tượng cách ly, phân công cho lực lượng công an giám sát mà còn kiểm tra ngẫu nhiên đối tượng cách ly bằng hệ thống gọi điện tự động. Ngay từ khi mới triển khai, phần mềm đã được tích hợp mã QR CODE. Mã QR CODE sẽ tự động chuyển tới tờ khai y tế của mỗi người dân, được dán tại cửa ra vào lên máy bay của các cụm cảng hàng không quốc tế tại các nước để hành khách dễ nhận biết, nhân viên y tế có thể quét mã để lấy thông tin về tờ khai y tế của hành khách.

Trước đây, tại các khách sạn hầu hết mã QR CODE đều do nhân viên quét để đánh dấu hành khách đã lưu trú. Tuy nhiên, với phiên bản mới của phần mềm quản lý nhập cảnh, hành khách hoàn toàn có thể chủ động quét mã để xác nhận đã lưu trú ở khách sạn, quản lý thông tin cá nhân.

Về vấn đề quản lý kết quả xét nghiệm, được biết, khi đã có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ có 2 cách để cập nhật lên hệ thống, đó là scan mã phiếu hoặc quét mã QR CODE. (30.10.2020, 1441)

6. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép ruột từ người cho sống

Sáng ngày 31/10, Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, BV Quân Y 103 (thuộc Học viện Quân Y) đã thực hiện thành công hai ca ghép ruột từ người cho sống lần đầu tiên của Việt Nam. Kỹ thuật ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng.

GS.TS. Đỗ Quyết cho biết, tháng 12/2019, Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống.” Chủ nhiệm đề tài là GS.TS. Đỗ Quyết.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện Quân Y đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) đồng thời Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Bệnh nhân số 1: Nguyễn Văn D. 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân đã  phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80cm) vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5/2020 bệnh nhân vào Bệnh viện Quân Y 103 (Học viện Quân Y) với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Bệnh nhân số 2: Lò Văn T. 26 tuổi. Đầu tháng 9/2020 bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần như hoàn toàn ruột non. Chiều dài ruột non còn lại của bệnh nhân còn lại gần 20cm.

Ngày 29/9/2020 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân T. đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện bệnh gan chuyển hoá liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận hai bệnh nhân, Học viện Quân Y đã tiến hành khám, xét nghiệm và mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.

Học viện Quân Y đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại Bệnh viện Quân Y 103.

Ngày 27/10/2020, các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 103 (Học viện Quân Y) đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. là mẹ đẻ của bệnh nhân 47 tuổi.

Ngày 28/10/2020, ê kíp tiếp tục đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi).

Sau mổ, cả hai người hiến ruột đều ổn định. Hiện nay 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực. (31.10.2020, 623)

7. Cảnh báo nhiễm độc chì do sơn có thể gây teo não ở trẻ em

Chắc hẳn nhiều người đã biết đến nhiễm độc chì ở trẻ em do sử dụng các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, hoặc những người nhiễm độc chì do tái chế ác quy, công nhân lao động trong môi trường công nghiệp… Tuy nhiên giới chuyên môn còn cảnh báo một vấn đề nan giải nữa là nhiễm độc chì do sơn mà khi trẻ em hít phải có thể gây ra teo não, chậm phát triển trí tuệ và hàng loạt hệ lụy khác cho sức khỏe.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thực trạng nhiễm độc chì ở Việt Nam hiện nay vẫn đáng báo động bởi lẽ có những bệnh nhân đến viện đã được phát hiện nhưng còn có rất nhiều bệnh nhân sống trong cộng đồng đang bị nhiễm độc chì mà không hề hay biết.

Lý giải nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm độc chì, chuyên gia chống độc cho hay, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do khai khoáng các quặng chứa chì, tái chế chì từ ác quy, do sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì – đặc biệt là các thuốc có chứa hồng đơn, hoặc các công nhân trong môi trường lao động công nghiệp cũng rất dễ nhiễm độc chì… Hiện nay, còn yếu tố nữa rất cần được quan tâm đó là vấn đề các sản phẩm sơn chứa chì.

Hiểm họa từ những ngôi nhà bong tróc sơn

Theo TS. Nguyên, vấn đề nhiễm độc chì do sơn rất nổi cộm ở các nước phát triển cách đây 30 năm, nhiều người đã bị nhiễm độc, kể cả trẻ em khi hít phải các sơn chứa chì bong tróc ra từ những ngôi nhà cũ kỹ sau nhiều năm đi vào sử dụng. Chính vì thế, hiện nay các quốc gia phát triển đã kiểm soát rất chặt chẽ các dạng sản phẩm sơn chứa chì và tiến hành thay thế gần như tất cả các sản phẩm nguy hại này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có con số chính xác về vấn đề sơn có chì và cần thiết cần có những số liệu báo cáo chính thức để kịp thời ứng phó. Trong khi đó, tại một số quốc gia trên thế giới, người ta đã có những khảo sát để biết được tỉ lệ sơn có chì là bao nhiêu, ví dụ ở Trung Quốc, Ấn Độ có đến hơn 70% sản phẩm sơn có chì; Malaysia là hơn 50%; Singapore gần 10% sản phẩm sơn có chì...

 “Dễ nhận thấy là các công trình xây dựng – đặc biệt trong nhà ở, thay vì dùng vôi, ve như trước đây thì nay đa số đều sử dụng sơn, và tôi sợ rằng tại các công trình nhà đã ở, kể cả nhà đang xây sẽ có thể có sơn chứa chì. Và trong khoảng 10-15 năm nữa, khi các công trình nhà ở này thoái hóa, bong tróc ra thì người sống trong nhà đó sẽ hít phải sơn chứa chì và bị nhiễm độc.

Do đó không thể chậm trễ được nữa, vì khi đến chu kỳ bong tróc sơn sẽ gây ra nhiễm độc, e rằng có nhiều người sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” – Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo.

Khó thải trừ chì ra khỏi cơ thể

Theo TS. Nguyên, chì là kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của cơ thể - nhất là với sự phát triển trí tuệ, tinh thần của trẻ em. Kể cả với nồng độ chì thấp thậm chí dưới 5mcg/dL cũng có nguy cơ gây hại. Nhiễm độc chì gây teo não, yếu cơ, liệt cơ, ảnh hưởng đến tim mạch, nội tiết, phụ nữ mang bầu dễ sảy thai, thiếu máu…

Sơn chì là một trong những nguồn tiếp xúc chì phổ biến nhất ở trẻ em và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi ở não đang phát triển của trẻ em. Sơn chì có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) và khả năng tập trung, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Không có mức độ phơi nhiễm chì nào là không gây hại, và do đó chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cấm tất cả các loại sơn có chứa chì.

Việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm độc chì cũng rất nan giải, ngay cả khi có đủ thuốc giải độc thì cũng không thể loại bỏ chì ngay lập tức ra khỏi cơ thể được vì khi vào cơ thể, kim loại độc này sẽ gắn chặt với xương. Chúng ta chỉ có thể thải trừ chì trong máu nhưng rất tốn kém và lâu dài, cho dù bệnh nhân được điều trị tích cực, chì vẫn tác động lên cơ thể và để lại hệ lụy khó lường.

Làm thế nào loại bỏ mối đe dọa?

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về sơn chì có hiệu lực sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng để loại bỏ một trong những mối đe doạ phổ biến nhất về nhiễm độc chì đối với trẻ em. Các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ban hành và thực hiện các quy định quốc gia đó.

Một cuộc khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy rằng, sơn chì vẫn chưa được quản lý ở đa số các quốc gia, mặc dù mục tiêu toàn cầu là loại bỏ sơn chì vào năm 2020. Tính đến 31/5/2020, chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì. Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khoẻ con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi. Kết quả đạt được cho đến nay phần lớn là nhờ nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy và tạo động lực cho quá trình xây dựng các luật mới/quy định mới hoặc thúc đẩy việc thực thi các luật/quy định sẵn có ở gần 50 quốc gia trong 12 năm qua.

Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) là sáng kiến của Liên minh Toàn Cầu về Loại bỏ Sơn chì do chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cùng Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng. Sự kiện này được tổ chức hàng năm và năm nay là sang năm thứ 8, diễn ra từ ngày 25-31/10/2020. Trọng tâm của Tuần lễ hành động năm nay là cần đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu thông qua các biện pháp ràng buộc và pháp lý. Đồng thời Tuần lễ này cũng tôn vinh những kết quả đã đạt được ở các quốc gia cũng như nêu bật sự khẩn thiết kêu gọi hành động bổ sung thông qua các hoạt động của các NGOs tại các quốc gia đó.

Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Phòng chống ngộ độc chì được Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) tổ chức hàng năm với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Và năm nay, Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Theo lộ trình này, mức giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn dưới 600ppm sau khi Thông tư có hiệu lực vẫn là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ cho con người. Hàm lượng chì trong sơn an toàn với sức khoẻ con người và cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là ≤ 90ppm. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Phillippines, Nepal, Bangladesh, Israel, Jordan, Kenya, Cameroon,… đã thực hiện theo khuyến cáo này của WHO. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn ở mức ≤ 90ppm.

"Việc sử dụng chì trong sơn đã bị cấm ở nhiều nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Các giải pháp thay thế hiệu quả để các thành phần sơn không có chì đã được phổ biến rộng rãi ở các quốc gia này. Tuy nhiên, trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương suốt đời và không thể phục hồi do tiếp xúc với chì trong sơn. Và do đó, sơn chì cần phải được loại bỏ ở Việt Nam" - bà Nguyễn Kim Thuý - Giám đốc điều hành CGFED nói. (31.10.2020, 1618)

8. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư chúc mừng ê kíp ghép ruột thành công lần đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 31/10, GS. TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi thư chúc mừng đến Ban Lãnh đạo Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103; Bác sỹ và nhân viên y tế thực hiện ca ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103.

Thư chúc mừng của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế viết: Theo báo cáo của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công hai ca ghép ruột từ người sống cho hai bệnh nhân có chỉ định về ghép ruột, với sự hỗ trợ từ chuyên gia Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản.

Thành công này thể hiện năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 103 nói riêng và ngành Y tế nói chung; thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà.

"Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các Bác sỹ, nhân viên y tế của học viện quân y, đồng thời ghi nhận những cống hiến tận tâm, hết mình của các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công hai ca mổ ghép ruột phức tạp, bảo vệ mạng sống cho hai bệnh nhân cũng như an toàn cho hai người thân đã hiến tặng một phần cơ thể"- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long viết trong thư.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, việc  thực hiện ghép ruột cho bệnh nhân từ người sống rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Bộ Y tế đánh giá cao sự chủ động tìm tòi, học hỏi của đội ngũ y bác sỹ đã làm chủ kỹ thuật ghép ruột từ người cho sống, thực hiện thành công cho cả hai bệnh nhân. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Bệnh viện Quân y 103, khẳng định những tiến bộ về y học của Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời chúc mừng tập thể Lãnh đạo Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân y 103 đã hợp tác hiệu quả với Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản triển  khai thành công đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”.

Đây là một thành quả có ý nghĩa trong việc làm chủ kỹ thuật ghép ruột tại Việt Nam, thể hiện những tiếp nối thành tựu trong lĩnh vực ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tụy - thận, ghép phổi của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 - một trong những trung tâm ghép tạng lớn của Quân đội và cả nước.

Trong thư, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng rằng, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng phát triển, ứng dụng các kỹ thuật ghép tạng tiên tiến để hồi sinh những cuộc sống và mang lại cuộc sống mạnh khỏe hơn cho các bệnh nhân.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng gửi lời chúc các bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y dồi dào sức khỏe và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực ghép tạng và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trước đó, sáng ngày 31/10, Học viện Quân y thông báo đã thực hiện thành công ca ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Quân Y 103. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.

GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Nguyễn Văn D., 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột, đã điều trị tại nhiều bệnh viện. Quá trình điều trị, bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non hiện tại của bệnh nhân chỉ còn lại 80 cm) vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5, bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 (Học Viện Quân y) với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Lò Văn T., 26 tuổi. Đầu tháng 9/2020, bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non. Bệnh nhân được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non hiện tại của bệnh nhân chỉ còn 20 cm).

Ngày 29/9, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y với chẩn đoán suy mòn, suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó người bệnh xuất hiện gan chuyển hóa liên quan tới hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân trên, Học viên Quân y tiến hành thăm khám, xét nghiệm và mời các chuyên gia trong nước hội chẩn. Hội đồng kết luận cả 2 bệnh nhân đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột.

Để thực hiện, Học viện Quân y báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103. Ngày 27/10, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi).

Từ thành công trên, ê kíp phẫu thuật tiếp tục thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. vào ngày 28/10. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Sau mổ, 2 bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định. Ruột mới ghép đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, các bệnh nhân đang được điều trị tích cực.

Đánh giá về 2 ca bệnh trên, GS Quyết cho biết biết với thành công này, Việt Nam đã nằm trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam. Ông Quyết cho biết đến nay, trên thế giới thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột. (31.10.2020, 1201)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến