Thông tin y tế 7 – 08/02/2020

08/01/2020 | 10:33 AM

 | 

1. Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV như thế nào?

Ngày 7/2, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này.

Theo Viện Vê sinh Dịch tễ Trung ương: Từ các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus nCoV ở miền Bắc, được dùng để phân lập trên dòng tế bào vero được chuẩn bị và cung cấp bởi phòng thí nghiệm Hữu nghị của Đại học Nagasaki tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 (cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm)

Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi và quan sát hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt  của virus bằng phương pháp realtime RT-PRC hàng ngày. Sau 72 giờ gây nhiễm, ngày 6/2/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phát hiện sự xuất hiện của virus trên tế bào cảm nhiễm.

Ngày 7/2/2020, virus nCoV được nhận diện thông qua hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) bằng phương pháp nhuộm âm bản – soi mẫu trực tiếp (tại phòng thí nghiệm siêu cấu trúc của  Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và được xác định vật liệu di truyền của virus (Reatime RT- PCR)

Ông Đặc Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus nCoV với tế bào chủ cung cấp các thông tin cần thiết để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh

Về thông tin này, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rất cao việc Việt Nam đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus nCoV trong phòng thí nghiệm.

“Việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona trong phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy Việt Nam có hệ thống xét nghiệm bệnh dịch rất phát triển. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho công tác xét nghiệm những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV thông qua các mẫu thử. Qua đó, mỗi ngày Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết”- ông Kidong Park nói.

Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã họp, thẩm định kinh phí để triển khai các đề tài: Nghiên cứu chế tạo Bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus nCoV; nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc nCoV; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra.

Vì thế, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, việc nuôi cấy và phân lập được nCoV trong thí nghiệm sẽ giúp Việt Nam chủ động được việc xét nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm virus corona hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Real-time PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Toàn bộ quy trình của phương pháp này là 5,5-8,9 giờ.

“Ngoài mồi, cần có chứng dương để làm xét nghiệm. Vì thế, trước mắt, chúng ta sẽ có trứng dương phục vụ cho việc xét nghiệm chẩn đoán nCoV”- PGS Phu nói.

Trong nghiên cứu, điều này sẽ giúp các chuyên gia nghiên cứu đặc tính của virus như: sức chịu đựng của nó trông môi trường, trong hóa chất, trong chát cồn, trong nhiệt độ, khả năng miễn dịch… Về dài hạn có thể phát triển văcxin. (08/2/2020, 740 từ)

2. Bổ sung thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 216/QĐ-TTg bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV

Cụ thể, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia gồm:

1. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.

2. Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.

3. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên.

4. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thành viên.

5. Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV vừa ký Quyết định số 80/QĐ-BCĐQG về việc thành lập các tiểu ban chống dịch.

Theo đó, quyết định nêu rõ, thành lập 04 Tiểu ban chống dịch để tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gồm:

1. Tiểu ban Giám sát.

2. Tiểu ban Điều trị.

3. Tiểu ban Truyền thông

4. Tiểu ban Hậu cần.

Tiểu ban Giám sát do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Hoàng Đăng Nhiễu, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Giám sát gồm đại diện các Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Điều trị do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Điều trị gồm đại diện các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Truyền thông do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Truyền thông gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Hậu cần do ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng Tiểu ban; ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Hậu cần gồm đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Các Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp và các nhiệm vụ do Trưởng ban chỉ đạo giao.

Trưởng các Tiểu ban có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tiểu ban, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV cũng vừa ký Quyết định số 81/QĐ-BCĐQG ban hành Bản phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo. (08/2/2020, 970 từ)

3. Mục sở thị khu cách ly phòng dịch của quân đội

Tại Trường Quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai hiện có 180 người dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về đang cách ly tại đây. Lực lượng quân đội, công an, y tế từng giây, từng phút căng mình phối hợp, sát cánh cùng nhau; cùng lên những phương án, kế hoạch để ổn định lòng dân, theo dõi sức khỏe của từng người một.

Cây số 18, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai những ngày này nhộn nhịp hơn những địa bàn khác khi cơn bão dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nhiều quốc gia. Là địa phương có cửa khẩu quốc tế, có nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp biên giới Trung Quốc, Lào Cai chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ nạn dịch này.

Trái ngược với khung cảnh đó, khi đến với điểm tập kết của những người nhập cảnh được cách ly tại Trường Quân sự đóng trên địa bàn, là khu vực được cho là lo lắng nhất lại là nơi yên bình, quy củ và thấm đượm tình quân - dân. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung tay đẩy lùi, phòng chống dịch.


https://media.suckhoedoisong.vn/Images/anhvan/2020/02/07/Anh_1_bai_Truong_Quan_su_Lao_cai.JPG

Cán bộ Trường Quân sự tỉnh Lào Cai phổ biến quy định phòng cách ly cho người dân

Ở khu vực trong cùng, cũng chính là nơi cách ly, theo dõi sức khỏe của những người sinh sống, làm việc gần vùng dịch Vũ Hán, trung Quốc trở về có 6 người lớn và 1 trẻ nhỏ. Sau 3 ngày ở đây, sức khỏe của họ vẫn ổn định và không có biểu hiện gì bất thường.

Chị Nguyễn Thị H. sinh năm 1986, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai có con nhỏ, hiện cháu mới được hơn 9 tháng tuổi. Chị cho biết: Khi được đưa về cách ly tập trung, tôi được tạo điều kiện để 2 mẹ con tôi sinh hoạt riêng 1 phòng. Vì thế tôi và con cũng thấy thoải mái. Trong này có mạng internet, có sóng điện thoại, chúng tôi vẫn cập nhật tình hình đầy đủ từ bên ngoài, vẫn liên lạc với gia đình và thông báo tình hình để mọi người yên tâm.

https://media.suckhoedoisong.vn/Images/anhvan/2020/02/07/Anh_2_bai_truong_quan_su_Lao_Cai.JPG

Cán bộ y tế theo dõi sức khỏe cho người dân trong khu cách ly

Chị Phan Thị Lương quê Vĩnh Phúc cho biết, chị được đưa về đây tạm thời cách ly trong ngày đầu tiên. Thấy chị năng động, nhiệt tình nên mọi người bầu chị là tổ trưởng, hỗ trợ quản lý vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Bằng giọng đầy lạc quan, chị chia sẻ: Ở đây, chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, người thì buôn bán, người đi du lịch,… nhưng trước dịch bệnh, chúng tôi nhập cảnh và được đưa đến đây để theo dõi sức khỏe. Trong điều kiện sinh hoạt tập thể, có nhiều bất cập khó tránh khỏi nhưng mỗi cá nhân chúng tôi đều ý thức cao trong việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể phòng chống dịch bệnh.

Chị trải lòng:“Thời gian ở trong này tuy có bức bách khó chịu vì không được tiếp xúc với mọi người bên ngoài nhưng theo đường lối của nhà nước, chúng tôi cũng động viên nhau cùng cố gắng, chúng tôi cùng nhau vệ sinh phòng ở, dọn dẹp môi trường xung quanh, nói chuyện và chia sẻ với nhau những công việc hằng ngày, tạo cho nhau những khoảng thời gian vui vẻ. Tuy mới ở đây có ít hôm nhưng tôi đã có thêm rất nhiều bạn!”.


https://media.suckhoedoisong.vn/Images/anhvan/2020/02/07/Anh_3_bai_Truong_Quan_su_Lao_Cai.JPG

Đại tá Nguyễn Văn Đô - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, phụ trách hoạt động khu cách ly Trường Quân sự nói: Ngay khi được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly các lao động Việt Nam trở về từ Trung Quốc, Trường Quân sự tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị đầy đủ giường, chăn màn và trang thiết bị thiết yếu để bảo đảm phục vụ cho người dân vào khu cách ly có điều kiện sinh hoạt tốt nhất; cùng với đó, lực lượng quân y phối hợp với các y, bác sĩ của ngành y tế thăm khám, theo dõi sức khỏe cho 100% người đang được cách ly.

Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai tăng cường quân số để hỗ trợ nhà trường bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực cách ly. Hiện tại, khu vực có 360 giường sắt, 720 phản nằm, hàng trăm bộ dụng cụ sinh hoạt các loại. Các lực lượng, y tế, công an phối hợp theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo phục vụ, giữ gìn an ninh trật tự tại khu cách ly.

Theo bước chân vội vã của các y, bác sĩ đang được tăng cường vào theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người dân được cách ly tại Trường, bác sĩ Lê Văn Mạnh, Khoa Nội - Lây, BVĐK huyện Bảo Thắng được tăng cường cho biết: Chúng tôi nhận nhiệm vụ giám sát các trường hợp được cách ly theo dõi tại đây, tất cả mọi người đều được điều tra lịch sử đi lại, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, bất kể trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ chúng tôi đều có những biện pháp cách ly và theo dõi chặt chẽ, kịp thời báo cáo tuyến trên để có hưởng xử lý kịp thời, thời gian giám sát không kể ngày hay đêm, tất cả luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu nếu có tình hình xấu.

Các đồng nghiệp là cán bộ của Trung tâm Y tế huyện cũng rất vất vả, hằng ngày họ tuyên truyền cho mọi người các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng ở, cách sử dụng khẩu trang đúng cách và biện pháp cách ly hiệu quả. Bên cạnh đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ ở đây đều phối hợp với chúng tôi tuyên truyền tới người dân để họ hiểu tình hình dịch bệnh nguy hiểm như thế nào, mức độ an toàn cho bản thân và gia đình khi cách ly, từ đó, người dân hiểu và phối hợp cách ly, theo dõi sức khỏe, ổn định tâm lý trong thời gian ở đây.

Nói về những khó khăn, chiến sĩ Sùng Seo Vư của Trung đoàn 254, huyện Bảo Thắng, Lào Cai còn khá trẻ. Anh nói: Tôi nhập ngũ hồi tháng 02/2019. Xa nhà được ít lâu vào môi trường quân đội đã là thử thách lớn đối với tôi cũng như các chiến sĩ khác, được trải nghiệm thực tế với đợt phòng dịch lớn thế này, chúng tôi không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, nhưng với bản lĩnh, được rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên mỗi chúng tôi đều quyết tâm cao lắm.

Hằng ngày, chúng tôi tiếp nhận và phục vụ khẩu phần ăn cho tất cả người dân cũng như cán bộ có mặt ở đây, lo đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt cho từng khu vực. Chúng tôi chia sẻ với người dân trong đây từng chiếc khẩu trang, từng cốc nước, từng gói dầu gội đầu hay bánh xà phòng,... Dù phải làm nhiều hơn, vất vả hơn nhưng đây là những trải nghiệm, là kỷ niệm sâu đậm không thể quên đối với mỗi chiến sĩ chúng tôi hay bất kể ai tham gia phòng dịch đợt này. Giờ đây, chúng tôi không mong gì hơn, chỉ mong không có trường hợp nào nhiễm bệnh.

Trong hoàn cảnh xa nhà, vợ chồng anh Sùng Sủ và chị Giàng Hoa ở xã La Pán Tẩn, Mường Khương, Lào Cai được mọi người nói là “may mắn” hơn khi có cả bạn “tri kỷ” ở cùng. Chị Hoa nói: Ở nhà còn mấy đứa nhỏ, may là đã có ông bà nội chăm, nhưng vẫn còn nhiều việc phải lo.Trong khi ở đây lại rảnh quá cũng buồn bực chân tay, nhưng vì có chồng ở bên nên mình cũng đỡ buồn. Thường ngày cả vợ chồng bận bịu công việc, ít có thời gian chăm sóc nhau thì nay mình với chồngcó nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ với nhau,...”.

Sau cuộc trò chuyện với phóng viên, hai vợ chồng anh Sủ và chị Hoa ngồi nhổ tóc trắng cho nhau, nhiều đôi bạn khác cũng làm tương tự, người ngồi nói chuyện điện thoại với người thân, người đi lau nhà, giặt đồ,… Khu tập kết cách ly dịch bệnh bừng lên sự an yên, tình yêu thương, sự gắn kết và chia sẻ của cộng đồng. (08/2/2020, 1509 từ)

4. Tập huấn trực tuyến phòng nCoV cho 12.000 cán bộ nhi khoa

Ngày 6/2/2020, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã tổ chức tập huấn cho 12.000 cán bộ y tế, học viên tại các bệnh viện trong hệ thống chỉ đạo tuyến Nhi khoa tại gần 300 điểm cầu trên toàn quốc nhằm hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

12.000 cán bộ y tế được tập huấn trực tuyến

Buổi tập huấn diễn ra dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành nhi khoa về Kiểm soát nhiễm khuẩn, Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới; Chẩn đoán hình ảnh và Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm…của Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo đánh giá, đây là hoạt động hiệu quả nhằm cập nhật những thông tin mới nhất nhằm phòng chống 2019- nCOV trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, đồng thời rất phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay cần tránh tụ tập đông người.

https://media.suckhoedoisong.vn/Images/phamhuyen/2020/02/07/3.jpg

Các chuyên gia đầu ngành nhi khoa tập huấn trực tuyến cho 12.000 cán bộ y tế, học viên.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia chia sẻ những nghiên cứu, tổng hợp liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus nCoV gây ra như: đặc điểm lâm sàng, các thể bệnh, nguyên tắc điều trị và điều trị chung nCoV 2019; đặc điểm hình ảnh viêm phổi do virus nCoV và chẩn đoán phân biệt; đặc điểm dịch tễ, cách lây truyền, giám sát ca bệnh, các biện pháp dự phòng lây nhiễm; hướng dẫn sử dụng phòng hộ trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV…. Tất cả các nhân viên y tế tại các điểm cầu được hướng dẫn thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn như: quy trình đeo, bỏ, phân loại khẩu trang đúng cách; rửa tay sát khuẩn theo đúng quy trình dùng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng; quy trình mang và tháo bỏ trang phục phòng hộ cá nhân trước và sau khi vào buồng cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp...

Trong hơn 3 tiếng diễn ra buổi tập huấn, các chuyên gia của bệnh viện đã nhận được hàng trăm câu hỏi trao đổi xoay quanh cách phát hiện, điều trị, phân luồng, cách ly ca bệnh… Các câu hỏi liên quan đến việc các y bác sĩ phải phòng hộ thế nào để tránh lây nhiễm chéo cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Bệnh viện đã sẵn sàng chống dịch

PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Có những lúc bệnh viện tiếp nhận những ca bệnh rất nặng, phải thở máy, nằm điều trị hồi sức… đây là những kinh nghiệm bệnh viện cần phổ biến cho các bác sĩ thuộc các cơ sở y tế của 29 tỉnh thành, giúp các bác sĩ có được các kiến thức tốt nhất, tuân thủ các quy trình, phác đồ của Bộ Y tế, cũng như kế hoạch của Chính phủ để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh”.

Trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã có phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh do virus nCoV gây ra. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân một chiều… đồng thời phân công cán bộ trực dịch để chủ động bám sát tình hình dịch và báo cáo kịp thời lãnh đạo bệnh viện nếu có diễn biến bất thường – PGS.TS. Điển chia sẻ.

https://media.suckhoedoisong.vn/Images/phamhuyen/2020/02/07/1.jpg

Bệnh viện Nhi Trung ương tập huấn cán bộ y tế sẵn sàng ứng phó dịch nCoV.

Qua lớp tập huấn, các cán bộ y tế của 29 tỉnh thành cập nhật những kiến thức mới nhất trong phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của nCoV, đồng thời, chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng, nếu khi có dịch hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong,…

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nghi ngờ có yếu tố dịch tễ, có tình trạng viêm đường hô hấp và viêm phổi, trong đó có 8 trường hợp âm tính, 2 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngay tại các cửa ngõ khám bệnh của bệnh viện như Khoa Tự nguyện S, Khoa Quốc tế, Khoa Khám bệnh 24h, Khoa Cấp cứu chống độc… bệnh viện đều để bảng thông tin tuyên truyền về dịch bệnh nCoV để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được biện pháp phòng hộ cá nhân (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên,..) và các bộ y tế thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân. (07/2/2020, 857 từ)

5. Bộ Y tế chỉ cách hữu hiệu phòng bệnh nCoV ngay tại nơi làm việc

Ngoài các nội dung vệ sinh môi trường, vệ sinh chân tay sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng..., khuyến cáo còn chỉ rõ người lao động cần duy trì các thói quen tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, nâng cao thể trạng.

Bộ Y tế số vừa có công văn số 490/BYT-MT ngày 06/02/2020 về khuyến cáo phòng chống bệnh nCoV tại nơi làm việc.

Theo Bộ Y tế, bệnh nCoV là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính.

Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Khuyến cáo đối với người lao động

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;

- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay;

- Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;

- Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Khuyến cáo đối với người sử dụng lao động

- Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);

- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,… bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc;

- Có quy định và hướng dẫn người lao động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh (nếu được);

- Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch;

- Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095). (07/2/2020, 718 từ)

6. Các tỉnh biên giới tăng cường phòng chống dịch do nCoV: Khẩn trương, quyết liệt và tỉnh táo

Các địa phương phía Bắc có đường biên giới với Trung Quốc đã khẩn trương huy động lực lượng tăng cường giám sát chặt người qua lại biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân ứng phó với bệnh do nCov gây ra.

Tại Điện Biên: Để chủ động tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch nCoV, Sở Y tế Điện Biên cấp 890kg hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống bệnh. Trong đó, sẽ tổ chức phun phòng dịch tại các điểm nguy cơ từ ngày 7 - 9/2.

Theo đó, Sở triển khai thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng tại các trường học, các khu nguy cơ cao, tập trung đông người, chợ trung tâm các xã, thị trấn, bến xe, cảng hàng không; cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân nghi nhiễm nCoV; hộ gia đình. Thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn nồng độ clo hoạt tính 0,5% đối với các địa điểm tại TP. Điện Biên Phủ: Phun toàn bộ khuôn viên lớp học, khu vực vui chơi, đồ dùng học tập, khu bếp tập thể tại tất cả các trường mầm non, các khu chợ, bến xe, cảng hàng không Điện Biên Phủ, BVĐK tỉnh. Tại các huyện, thị xã, căn cứ điều kiện thực tế để lựa chọn địa điểm phun hóa chất.

Ông Triệu Đình Thành - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh tại Điện Biên cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, trung tâm đã cử cán bộ đi kiểm tra xác minh, kết quả cho thấy: Xác định 2 giáo viên có biểu hiện viêm đường hô hấp, viêm amidan, không có tiền sử dịch tễ đã điều trị khỏi. 21 học sinh khỏe mạnh bình thường, trong đó 14 em có yếu tố dịch tễ là người thân đi làm việc ở Trung Quốc về nhưng đã qua 15 ngày; 2 học sinh có yếu tố dịch tễ là người thân đi làm việc tại Lào; 5 học sinh không có người thân đi lao động ngoài huyện... Được biết, 10 học sinh có biểu hiện viêm đường hô hấp; trong đó 7 học sinh có người thân đi lao động từ Trung Quốc về  (đã trên 15 ngày) đang được điều trị, theo dõi tại các trạm y tế để ổn định; có 3 trường hợp không xác định được địa chỉ và có yếu tố dịch tễ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên sẽ kiểm tra, lấy mẫu để gửi xét nghiệm, yêu cầu phải theo dõi tất cả các trường hợp bị ho, sốt và có yếu tố dịch tễ.

Tại Lai Châu: Theo báo cáo, Lai Châu đã ghi nhận 21 ca nghi nhiễm, trong đó có 14 ca đã có kết quả xét nghiệm xác định âm tính với nCoV, số ca nghi nhiễm còn lại là 7 ca. Số người tiếp xúc với các ca nghi nhiễm là 40 (27 ca của huyện Phong Thổ, 13 của huyện Tân Uyên) đang được theo dõi tình hình sức khỏe. Trong ngày có 3 trường hợp nhập cảnh qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), không phát hiện trường hợp nghi mắc, cả 3 trường hợp đã đưa vào cách ly tại Cửa khẩu, đến nay có 4 trường hợp đang cách ly tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Ngành y tế Lai Châu đã thành lập 11 Đội đáp ứng nhanh và 13 Đội điều trị cơ động, sẵn sàng kích hoạt, thực hiện điều động để hỗ trợ cho các địa phương trong công tác điều trị khi cần thiết. Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tổ chức thường trực dịch 24/24 giờ để theo dõi sát tình hình dịch bệnh.

Lào Cai đang ở cấp độ 1 - chưa có trường hợp bệnh xâm nhập địa bàn tỉnh, nhưng đã có các ca nghi ngờ viêm phổi do nCoV. Ngành y tế hiện đang chuẩn bị khu bệnh viện dã chiến để sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Dự kiến, các khu cách ly và bệnh viện dã chiến có thể đáp ứng được khoảng 2.000 giường bệnh. Lào Cai cũng đã bố trí khu cách ly để đón công dân Việt Nam lao động từ Trung Quốc trở về tại Trường Quân sự - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai hiện có 246 giường (đủ điều kiện ở ngay) và có khả năng bố trí, bổ sung lên đến 1.050 giường, trường hợp cần thiết có thể dựng thêm các nhà bạt dã chiến trong khuôn viên trường, nâng tổng số lên tới khoảng 1.800 giường. Hiện tại, trường quân sự đã phối hợp với ngành y tế thực hiện phun khử khuẩn môi trường toàn bộ khu vực trường và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như đảm bảo an ninh, trật tự. Theo quy định, toàn bộ lao động Việt Nam trở về từ Trung Quốc được tiếp nhận tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai sẽ đưa về cách ly, quản lý tập trung tại đây trong 14 ngày, trường hợp phát hiện dấu hiệu ho, sốt... sẽ được chuyển đến các khu cách ly, điều trị của ngành y tế. (07/2/2020, 970 từ)

7. Bệnh nhân nhiễm nCoV được ra viện: Bước trưởng thành của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa

Sau khi được xuất viện do bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), sáng ngày 6/2, sức khỏe của lễ tân N.T.T.H (thường trú Vạn Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã hoàn toàn trở lại bình thường. Theo chia sẻ của H, ít ngày tới, chị có thể trở lại lao động. Từ ca điều trị thành công của bệnh nhân H, ngành y tế Khánh Hòa có nhiều phương án khoa học, hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ

Chia sẻ về những kinh nghiệm đã túc trực, điều trị cho bệnh nhân H, BS. Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết: Từ khi xuất hiện dịch, bệnh viện đã lên phương án sẵn sàng. Từng nhân viên y tế làm việc với tinh thần và quyết tâm cao nhất để dịch không diễn biến phức tạp thêm. Ngay ngày đầu tiếp nhận cách ly lễ tân H (ngày 27/01), công tác phối hợp giữa các khoa, phòng và lãnh đạo bệnh viện, ngành y tế thực hiện rất tốt. Có bất cứ diễn biến hay phát sinh nào dù là nhỏ nhất đều được đưa ra hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời ngay, tránh để bệnh nặng thêm.

Cũng theo BS. Đông, đến ngày bệnh nhân H ra viện (ngày 4/2), các triệu chứng lâm sàng đã không còn nữa. Trong công tác điều trị bệnh, việc phối hợp tốt giữa người nhà, rồi các bộ phận của viện là rất cần thiết. Không chỉ áp dụng lấy mẫu xét nghiệm với H mà tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân H qua kiểm tra, theo dõi đều âm tính (với nCoV) cả. Có được kết quả này cũng nhờ sự phối hợp, hợp tác với nhau. Mỗi người thân của H khi nghe bệnh viện giải thích đã vui vẻ. Với kết quả này, nguồn lây đã bị chặt đứt, không còn lây lan trong cộng đồng. Những người thân của H hoàn toàn bình thường. Phía ngành y tế cũng phải cảm ơn sự phối hợp tốt của người thân bệnh nhân H.

Trực tiếp theo dõi sát các diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là đối với H, BS. Huỳnh Văn Dõng - GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khẳng định: Việc H hoàn toàn khỏi bệnh nói thêm một điều nữa là công tác cách ly đóng vai trò rất quan trọng. Nó mang lại hiệu quả nhiều mặt. Khi H bị cách ly, 24/24 giờ chúng tôi đều cập nhật thông tin của bệnh nhân. Phác đồ điều trị giữa kháng sinh và truyền dịch được áp dụng tốt. Các bác sĩ chống dịch giỏi nhất được huy động, phác đồ đưa ra là tốt nhất. Mặc khác, những người làm công tác cách ly và điều trị cho H phối hợp tốt với Viện Pasteur Nha Trang, có một diễn biến nhỏ, dù tốt hay xấu cũng đều thông báo khẩn ngay. Cùng với phác đồ điều trị kết hợp giữa kháng sinh, truyền dịch, lấy mẫu xét nghiệm... thì quy định của ngành y tế về cách ly được thực hiện nghiêm ngặt đã giúp điều trị nhanh thành công hơn.

Giám sát, cách ly tốt

BS. Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa chia sẻ thêm: Bệnh nhân H nhiễm nCoV được đưa vào viện là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay. Các diễn biến lâm sàng được cập nhật, xem từng giờ. Điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh này là càng sớm càng tốt. Ngay trong đêm cũng tiến hành xét nghiệm vì chậm trễ, gây bội nhiễm thì việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Bệnh nhân H ngoài điều trị các triệu chứng lâm sàng khẩn trương, chuẩn xác thì bệnh viện còn áp dụng chế độ phối hợp nâng cao thể trạng cho H. Đưa ra chế độ dinh dưỡng giàu chất đạm, chống suy kiệt sức khỏe. Các loại thuốc bổ cũng được áp dụng linh hoạt phù hợp với những thời điểm khác nhau để bệnh nhân H đáp ứng tốt quy trình điều trị. Từ ca bệnh nhân H. được điều trị khỏi cho thấy, trong tình trạng hiện nay, hễ ai có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng... nên đến cơ sở y tế ngay để được xét nghiệm sớm.

BS. Huỳnh Thanh Dõng khẳng định: Thành công trong điều trị cho bệnh nhân H còn là minh chứng của việc giám sát nghiêm ngặt theo quy định của ngành y tế. Giám sát việc điều trị, diễn biến tiếp nhận, đáp ứng thuốc bổ, dinh dưỡng lẫn dịch truyền. Kể cả việc bệnh nhân được nói chuyện lúc nào, được gặp ai cũng được giám sát chặt. Chính vì tuân thủ điều này nên ngoài việc bệnh nhân nhanh chóng được điều trị khỏi mà còn góp phần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Xúc động trong buổi lễ ra viện trở về cùng gia đình, chị H chia sẻ: “Mọi người không may nhiễm hay nghi nhiễm thì không nên hoang mang. Cứ làm theo đúng quy định của ngành y tế, phối hợp tốt, cách ly tốt thì bệnh nhanh chóng được điều trị khỏi. Lúc đầu em cũng rất sợ hãi và áp lực. Nhưng các bác sĩ động viên kịp thời, nếu tâm lý không ổn thì thể trạng cũng sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình điều trị bệnh”.

“Theo dõi sát người tiếp xúc với vợ chồng người Trung Quốc nhiễm nCoV từng ở Nha Trang:

Liên quan đến Thông báo của Tổng công ty hàng không Việt Nam về việc ngày 23/01, ông X.J và vợ là D.C đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) từ Trịnh Châu đến Nha Trang du lịch, hiện Khánh Hòa đã giám sát, theo dõi lâm sàng hơn 250 người. Theo đó, sau mấy ngày lưu trú tại Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 28/01, vợ chồng ông X.J về Trung Quốc và phát hiện dương tính với nCoV.

Trong số hơn 250 người đang được theo dõi do từng tiếp xúc hoặc gặp vợ chồng ông X.J những ngày họ ở Nha Trang bao gồm: 121 nhân viên khách sạn, 124 khách lưu trú, 3 thông dịch viên và bạn cùng phòng, 18 nhân viên y tế. Hiện, Khánh Hòa còn tổng cộng 18 ca nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi.”(07/2/2020, 1122 từ)

8. Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương thành tích của ngành y tế

Đó là một nội dung tại Thông báo 43/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV gây ra.

Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam được WHO, UNICEF ghi nhận và đánh giá cao

Trong thông báo ngày 6/2 nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với hệ thống các giải pháp chủ động, phù hợp. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ TW đến địa phương đã vào cuộc, tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của TW và Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam được WHO, UNICEF ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện được vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Đến ngày 4/2, Việt Nam đã điều trị thành công 3 ca bị nhiễm bệnh. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương thành tích này của ngành y tế.

Theo dự báo, dịch bệnh nCoV gây ra sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang; tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng và Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó bằng các giải pháp phù hợp, toàn diện các lĩnh vực, không để dịch lan rộng, chấp nhận các thiệt hại về kinh tế song cần chủ động có các phương án ứng phó, bảo đảm ổn định, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Rà soát kịch bản, phương án ứng phó dịch bệnh

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp về y tế theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, sàng lọc và điều trị, tập huấn chuyên môn trên toàn hệ thống, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Chỉ đạo và có hỗ trợ cần thiết để các tỉnh biên giới tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nhiều người thường xuyên qua lại biên giới; phát hiện và có giải pháp kịp thời đối với các trường hợp có biểu hiện cúm, ho sốt...

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đánh giá, tổng kết phương pháp điều trị của Việt Nam đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm tổ chức đưa hàng viện trợ là trang thiết bị, vật tư y tế của Việt Nam cho Trung Quốc và kết hợp đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) về nước.

Thủ tướng cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì cùng các địa phương bố trí các địa điểm cách ly tập trung. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo tập trung sản xuất khẩu trang và các loại vật tư thiết yếu phòng, chống dịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội đang diễn ra tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; các khu di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, sẵn sàng phương án đưa học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp liên quan có lao động Trung Quốc cách phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ Tài chính chỉ đạo cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu và thực hiện nghiêm việc kiểm dịch hàng hóa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định...

Tiêu độc, khử trùng một số nơi đông người

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tập trung chỉ đạo việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tiêu độc, khử trùng một số nơi đông người, nhất là những nơi bị ô nhiễm; tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Thường trực Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số bộ, ngành, địa phương, lưu ý xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây dư luận xấu trong xã hội.

Các bộ liên quan, UBND các cấp thực hiện nghiêm việc cách ly y tế đối với người từ vùng dịch, đi qua vùng dịch đến Việt Nam...

Thực hiện tốt công tác cách ly là nghĩa cử cao đẹp với cộng đồng

 

“Chiều 5/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh, các đại biểu đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến công tác sản xuất thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán nhiễm nCoV; tăng cường nhân lực y tế cho các cảng hàng không nội địa; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để đón bà con từ vùng dịch trở về theo đường hàng không; tổ chức cách ly những người thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh để sàng lọc...

Các ý kiến đều thống nhất rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện thật tốt công tác cách ly đối với những người thuộc diện nghi ngờ. Do vậy, bên cạnh việc tổ chức cách ly tập trung thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính quyền cơ sở và người dân hiểu, thực hiện thật tốt công tác tự cách ly tại cộng đồng.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng và các đại biểu thống nhất nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới thì phải làm tốt công tác tổ chức cách ly những người trở về từ vùng dịch, những người tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh. Đặc biệt, cần phải thực hiện thật tốt công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng. Bởi thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện cách ly, các ý kiến cũng mong muốn mỗi người dân thuộc diện cách ly hiểu rõ vấn đề để nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội. Bởi mỗi người thuộc diện nghi ngờ tự giác, tự nguyện vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly không chỉ có ý nghĩa đối với sức khỏe của chính mình, của gia đình mình và những người thân mà còn là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp đối với xã hội.

Các đại biểu cũng cho rằng việc cộng đồng ủng hộ, động viên những người được cách ly thực hiện tốt cũng chính là tham gia chống dịch hiệu quả. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt khiến xã hội văn minh lên, đẩy lùi cái xấu.” (07/2/2020, 1510 từ)

9. Yên Bái: 3 bệnh nhân nghi nhiễm nCoV có kết quả âm tính đã xuất viện

Tính đến 16h ngày 6/02/2020, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tiếp nhận 6 trường hợp nghi ngờ mắc nCoV, trong đó 3 trường hợp được xác định âm tính với nCoV đã được xuất viện.

Các trường hợp được xuất viện là Mùa A Sang, 43 tuổi (Ma Shun Neng), Mùa Thị Chao 54 tháng - (MA JIA ZAO), Mùa A Kỷ 32 tháng. ( Ma Jia Gui), Côn Minh, Vân Nam - Trung Quốc. Tạm trú tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Cả3 ca bệnh đều là người Trung Quốc, về quê ăn Tết.

3 trường hợp còn lại đang cách ly, điều trị, theo dõi tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của họ đều ổn định, không sốt, ho khan. Bác sĩ Sa Công Hiếu, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân đã giải thích về cơ chế lây nhiễm, cách phòng tránh dịch bệnh do nCoV gây ra. Theo đó, dịch bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua các đường như:

- Lây qua không khí, tiếp xúc với nước bọt của người ho, hắt hơi, sổ mũi.

- Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay với người bệnh sau đó không rửa tay.

- Lây nhiễm qua bề mặt nhiễm bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi thì virus không lơ lửng trong không khí mà tồn tại trên các bề mặt như gỗ, sắt, thép, vải khá lâu. Khi chúng ta sờ tay vào các bề mặt đó, đưa lên mũi, mắt thì sẽ bị lây bệnh.

- Lây qua phân, chăm sóc người nhiễm. Trường hợp này được nhận định rất ít khi xảy ra, thường là không có.

Các bác sĩ cho biết, để phòng tránh dịch bệnh, người dân cần rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày để tránh nguồn bệnh từ tay xâm nhập vào cơ thể; tránh tiếp xúc đám đông, người bị bệnh; tránh tiếp xúc qua không khí với người nhiễm, nghi nhiễm bệnh.

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) đang diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống  dịch, chiều 6/02/2020, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã tổ chức tập huấn cho 50 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện về các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV. Nhằm giúp cho người bệnh và người nhà cho đến khám, điều trị tại bệnh viện bổ sung kiến thức về bệnh dịch, cách phát hiện và các biện pháp phòng chống, khi phát hiện trường hợp có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính( ho, sốt…) nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời.

Trong thời gian tới Bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp để phổ biến kiến thức cho cộng đồng biết cách phòng chống dịch bệnh và tuyên truyền cho cộng đồng cùng chung tay khống chế dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi bắt buộc tiếp xúc người bệnh, người dân phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. (07/2/2020, 758 từ)

10. Vĩnh Phúc: Cách ly 4 lớp để phòng chống dịch nCoV

Vĩnh Phúc là địa phương có số ca mắc nCoV cao nhất cả nước, tính đến hết ngày 5/2 địa phương này ghi nhận 7/12 ca dương tính với nCoV. Hiện các ca bệnh đang được cách ly và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Việc chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc dương tính với nCoV, đặc biệt là có người tiếp xúc với bệnh nhân cũng bị lây nhiễm đã khiến cộng đồng lo lắng.

 

Trước tình hình đó, tại buổi cung cấp thông tin báo chí diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ca dương tính thứ 10 vừa qua ở Vĩnh Phúc là lây nhiễm từ người ở vùng dịch về, đây không phải là ca nhiễm chéo mà là ca bệnh tiếp xúc với người mang bệnh từ vùng dịch về.

Trước tình hình hình dịch tễ  đó, Bộ  Y tế đã có những sự chuẩn bị rất chu đáo. Bộ đã liên tục cử các đoàn công tác lên Vĩnh Phúc làm việc để thực hiện công tác bao bọc, cách ly. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện cách ly 3 lớp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã đề nghị Vĩnh Phúc thực hiện cách ly 4 lớp, tức là lập thêm vành đai cách ly cả những người tiếp xúc với người thân của người bị lây từ ca bệnh ở Vũ Hán trở về nước để đảm bảo an toàn hơn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì người bị nhiễm đã được tiến hành cách ly tuyệt đối tại bệnh viện. Nấc thứ 2 là người thân của người nhiễm được  hành cách ly tuyệt đối tại gia đình. Còn có thể người tiếp xúc với người thân của người bị nhiễm cũng sẽ được cách ly theo dõi tại gia đình.

Cũng theo Thứ trưởng Long, hiện nay, tại Vĩnh Phúc đang có khoảng 138 người tiếp xúc với người nhiễm được cách ly tuyệt đối tại gia đình. Quan điểm của Chính phủ, Bộ Y tế và Vĩnh Phúc là làm sao chúng ta ngăn chặn một cách tối đa nhất đối với dịch này.

Vì vậy, sự chủ động của người dân trong việc báo với cơ quan y tế để tự cách ly tại gia đình khi có tiếp xúc với người bệnh là hết sức cần thiết để bao vây, khoanh vùng dịch. Tại sao khi tự cách ly lại phải báo với cơ quan y tế? bởi lẽ việc gia đình tự cách ly, cơ quan y tế sẽ cung cấp trang thiết bị phòng hộ và dự phòng lây nhiễm cho chính gia đình đó. Đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng không chỉ trong hộ gia đình đó mà cả các hộ gia đình liền kề. Ngoài ra, những người tự cách ly tại nhà sẽ được cán bộ y tế theo dõi thường xuyên một ngày 2 lần.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã  chuẩn bị các phương án cho tình huống xấu nhất, tức là nếu có rất nhiều bệnh nhân mắc thì Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị và đáp ứng sẵn sàng. Tại BV tuyến Trung ương, đã chuẩn bị 22 bệnh viện tuyến, có khoảng 3.000 giường bệnh tuyến cuối. Thậm chí đã dự trù đến phương án trong tình huống xấu nhất,  BV Bạch Mai sẵn sàng dùng toà nhà mới xây 500 giường để phục vụ cho việc này. Cùng với đó là máy móc, thiết bị y tế đã được rà soát tổng thể . Máy thở lên tới 1.000 chiếc. Mặc dù bệnh này không phải tất cả các bệnh nhân phải dùng máy thở… Qua đó, thấy rằng, chúng ta có đủ năng lực và chuẩn bị sẵn sàng các phương thức nếu như số lượng bệnh nhân điều trị tăng lên.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, lần này chúng ta đã đối phó với dịch nCoV rất  chủ động, chúng ta đã chuẩn bị tất cả các phương án để đối phó với dịch. Điều rất quan trọng là sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch,  sự  phối hợp nhịp nhàng giữa  các ngành. Ban Chỉ đạo Quốc gia 2 ngày họp 1 lần, giải quyết các vấn đề thực tiễn để làm sao có thể triển khai đồng bộ các biện pháp với  tinh thần hạn chế tối đa lây nhiễm ncoV.  Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, chúng ta có thể chấp nhận hy sinh một số  lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Bởi sức khỏe của người dân là quan trọng”,Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. (07/2/2020, 821 từ)

11. Nghệ An: Không còn trường hợp phải cách ly theo dõi

Chiều 6/2/2020, TS.BS Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Mẫu bệnh phẩm của 1 bệnh nhân huyện Tân Kỳ gửi ra Viện Vệ sinh Dịch tể Trung ương đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona.

Tính đến thời điểm chiều 6/2/2020, cả 12/12 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi mắc đều âm tính. Nghệ An không còn trường hợp nào bị nghi ngờ, phải cách ly điều trị.

12 trường hợp nghi ngờ và được theo dõi ở Nghệ An đều từ Trung Quốc, Đài Loan trở về quê ăn Tết. Sau đó, họ mắc bệnh cảm cúm thông thường với biểu hiện sốt và ho. Ngay khi phát hiện, các trường hợp này đã được ngành y tế cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

11/12 trường hợp là người Nghệ An, cụ thể: Quế Phong (01 người), Quỳ Châu (03 người), TX.Thái Hòa (03 người), Diễn Châu (01 người), Quỳnh Lưu (01 người), Tân Kỳ (01 người), Nghĩa Đàn (01 người).  Còn 01 bệnh nhân là người từ tỉnh Hà Tĩnh sang khám, cách ly, điều trị. TS,BS Nguyễn Văn Định  cho biết thêm. 


Thăm dò ý kiến