Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
05/12/2023 | 17:27 PM
|
Ngày 05/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội nghị khởi động Hợp phần I - Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn”. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, các Sở/ Ban/ngành liên quan của 16 tỉnh tham gia chương trình gômg Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: mạng lưới Y tế cơ sở có vai trò quan trọng mang tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở được Đảng, Nhà nước và ngành Y tế coi là một trong những ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
“Trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”- Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, Chương trình “Đầu tư phát triển Mạng lưới Y tế cơ sở vùng khó khăn” sử dụng vốn Ngân hàng Phát triển châu Á với thời gian triển khai thực hiện từ 2019 đến 2025, với các can thiệp cốt lõi quan trọng như: đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế, hỗ trợ đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế và cơ chế tài chính cho y tế cơ sở…tại 16 tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội được xem là một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
Đoàn chủ tọa hội nghị
Chương trình đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành rút vốn vay vào ngày 22/03/2023 và Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 cho 16 tỉnh để thực hiện.
“Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Ngân hàng Phát triển châu Á, sự quan tâm của các lãnh đạo UBND các tỉnh tham gia góp phần đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở cho nhân dân, đặc biệt ở khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa”- Bộ trưởng đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng chia sẻ, để hoàn thành các hoạt động của Chương trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng được xem là một thách thức rất lớn trong bối cảnh cơ chế triển khai theo phương thức mới với sự lồng ghép và phối hợp của nhiều Bộ/ngành Trung ương và các Sở/Ban/ngành tại địa phương. Theo đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sâu sát, quyết liệt; phối hợp liên ngành phải chủ động, hiệu quả; công tác quản lý và triển khai can thiệp chương trình phải linh hoạt, thông minh giữa Bộ Y tế, 16 tỉnh tham gia Chương trình, Ngân hàng Phát triển châu Á và các Bộ/ngành liên quan sẽ được triển khai thực hiện thành công trong thời gian tới…
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam phát biểu
Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam để thúc đẩy thành công chương trình trong thời gian tới.
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn phát biểu
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn cho biết, chương trình có đặc thù là quy mô nguồn vốn lớn (tổng số vốn là 110,6 triệu USD, bao gồm 88,6 triệu USD vốn vay, 12 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và 10 triệu USD vốn đối ứng), được triển khai trên địa bàn rộng (16 tỉnh trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) bao gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau.
Cùng đó, chương trình cũng có cơ chế quản lý tương đối khác biệt so với các chương trình, dự án khác của ngành Y tế:
Thứ nhất, đây là chương trình y tế trao cho các địa phương quyền chủ động tối đa, theo đó các tỉnh tham gia Chương trình là chủ đầu tư Hợp phần vốn vay (là hợp phần có tỷ trọng vốn lớn nhất trong tổng vốn của chương trình và cũng là hợp phần thực hiện các hoạt động đầu tư chính của chương trình).
Thứ hai, chương trình có cơ chế giải ngân theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong khuôn khổ của chương trình mục tiêu qquốc gia xây dựng nông thôn mới.
"Chính những đặc thù này, đặc biệt là đặc thù về cơ chế giải ngân và quản lý chương trình đã tạo ra những thách thức chưa có tiền lệ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mà chúng ta đã phải trải nghiệm một cách đầy khó khăn"- PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng cho biết.
Quang cảnh hội nghị
Theo PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, hiệp định vay của chương trình có hiệu lực từ ngày 04/02/2020 và cho đến nay đã 3 lần được gia hạn thời gian kết thúc giải ngân của khoản vay do những khó khăn trong việc hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết. Như vậy, sau hơn 3 năm không thể triển khai hoạt động kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực do những vướng mắc về các thủ tục pháp lý/hành chính, tới nay chương trình đã chính thức bước vào giai đoạn triển khai hoạt động trong bối cảnh chỉ còn 2 năm để hoàn thành toàn bộ chương trình.
Các đại biểu tham dự Hội nghị khởi động Hợp phần I - Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn"
Tại hội nghị, đại diện UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án một số nội dung liên quan trong triển khai dự án để cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả nguồn lực của chương trình, nhằm tạo đà cho y tế cơ sở thực hiện tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu trong tình hình mới.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày từ ngày 05-06/12/2023./.
Tin liên quan
- Ung thư cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc
- Tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
- Kêu gọi ủng hộ người bệnh ung thư qua chiến dịch “Triệu nghĩa tình trao gửi bệnh nhân ung thư”