Hội nghị phổ biến Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá
09/06/2023 | 10:53 AM
|
Ngày 08/6/2023, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phổ biến Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Uỷ viên thường trực Hội đồng Quản lý liên ngành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội thảo.
Tham dự có dại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; đại diện các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố, đại diện các Sở Y tế, ban, ngành, bệnh viện, CDC các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam.
Hơn nữa, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút, mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, và đang có xu hướng gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá hiện nay còn chưa được thực hiện thường xuyên; Dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành; Thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn đã làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.
Trước những mối nguy hại từ thuốc lá, vào ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn thực hiện và xây dựng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như định hướng các nhiệm vụ, kế hoạch cho công tác này thời gian tới.
PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh phát biểu
Tại hội nghị, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nêu mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Theo đó, cần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm do thuốc lá gây ra.
PGS.TS.Lương Ngọc Khuê cũng đưa ra những giải pháp triển khai trong Chiến lược với nhóm các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá như: Cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030, mức thuế tỉ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát và kiện toàn, nâng cao năng lực, mạng lưới, phối hợp hợp tác quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới cùng các tổ chức quốc tế và trong nước nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách trong công tác về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Qua đó, để thực hiện tổ chức Chiến lược Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Thành phố, các cơ quan liên quan, trong đó, Bộ Y tế được giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức thực hiện Chiến lược; Các Bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược theo các chức năng, nhiệm vụ được phân công; UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và chủ động tổ chức thực hiện Chiến lược trong thẩm quyền quản lý và các cơ quan truyền thông đại chúng chủ động, tích cực tham gia thực hiện Chiến lược theo nhiệm vụ được phân công.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị các đại biểu nghe và thảo luận một số nội dung như: Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023; Báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn năm 2021 – 2022; Các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trọng tâm năm 2023; Định hướng công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023; Giám sát, đánh giá và viết báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá./.
Tin liên quan
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão với 4 mục tiêu lớn
- Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử
- Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, có khát vọng, tầm nhìn chiến lược
- Công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính
- Quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào ngày càng vững mạnh trong lĩnh vực an sinh xã hội
- Cán bộ y tế cơ sở - Chiến sĩ tuyến đầu, gắn bó với dân, tận tâm phụng sự
- Lực lượng quân y góp phần bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân