Bệnh giảm áp mãn tính nghề nghiệp (Quyết định 167/BYT-QĐ)

29/07/2022 | 11:03 AM

 | 

Không khí ở áp lực cao dưới sâu mực nước biển hoặc dòng sông hay do áp lực tăng nhân tạo gây ra những biến đổi về l. hoá, cơ học, sinh học trên cơ thể con người có thể gây ra những tai biến cấp tính hoặc các bệnh nghề nghiệp mạn tính.

I. Tác động của giảm áp

1.1. Tai biến cơ học

Những tai biến do tác động cơ học thường là do ảnh hưởng trực tiếp của áp lực trong màng nhĩ được thông với ngoài bằng vòi Eustache. Chính nhờ vòi này mà có sự liên thông áp lực trong và ngoài màng nhĩ để màng nhĩ được cân bằng và tự do rung chuyển.

Màng nhĩ đàn hồi, chịu đựng được tới áp lực 150 – 200 millibar, nếu áp lực cao hơn nữa, màng nhĩ sẽ rách, gây đau, phải ngừng ngay việc tăng áp hay ngừng lặn.

Tăng áp đột ngột hoặc do không biết đến tai biến này, có thể xảy ra tình trạng rách màng nhĩ, với triệu chứng đau tai, chảy máu tai, giảm thính lực thậm chí là điếc cấp tính, mất thăng bằng.

Tai trong và đặc biệt là mê đạo có thể là nơi bị tổn thương nghiêm trọng khi tăng hay giảm áp. Biểu hiện lâm sàng rõ nhất là: giảm thính lực, đau tai, ù tai, chóng mặt, nôn

Các đường thông giữa các vách mũi, hốc mũi, các xoang, có thể bị tắc do viêm mũi, viêm xoang, pôlyp... Do đó khi tăng áp lực sẽ làm mất thăng bằng, đau đớn, đôi khi làm bong niêm mạc của xoang, vỡ mao mạch, tụ máu và sau đó có thể nhiễm khuẩn.

Khi lặn, thợ lặn nuốt không khí, không khí đó giãn nở khi giảm áp làm tăng giãn nở đường tiêu hoá, gây nên những cơn đau bụng dữ dội. Các cơn đau bụng này cũng thường mất đi đột ngột.

Khi tăng áp lực, thể tích phổi thay đổi ít nhưng khối lượng khí chứa trong phổi tăng theo áp lực. Khi giảm áp, khí giãn nở và lượng khí quá nhiều thoát ra do quá trình thở ra, nếu gặp trở ngại hoặc bị tắc, phổi căng giãn tới hết giới hạn đàn hồi. Các dấu hiệu lâm sàng hay xuất hiện khi ra khỏi nước. Đôi khi chỉ có những triệu chứng về phổi: khó thở, đau ngực có khi ho ra máu. Thường có phối hợp với các dấu hiệu thần kinh: dị cảm, liệt, rối loạn thính – thị giác.

1.2. Nhiễm độc

Một người thở không khí nén có thể bị nhiễm độc do oxy, nitơ, khí cacbonic.

Các dấu hiệu nhiễm độc thay đổi theo hỗn hợp khí mà người đó thở hít.

1 2.1 Khí nitơ (buồn ngủ do nitơ)

Tai biến thay đổi tuỳ theo từng người (50 – 70m là ngưỡng độ sâu đối với người thở hít không khí khí quyển).

Người bệnh có cảm giác mất thăng bằng và rối loạn tâm thần. Nếu thay đổi không khí thở bằng hỗn hợp heli- nitơ, sự xuất hiện các triệu chứng sẽ giảm cho phép lặn sâu tới 300m mà chưa thấy cơn buồn ngủ, nhưng quá áp lực đó lại xuất hiện triệu chứng thần kinh như say, buồn ngủ.

1.2.2. Khí cacbonic

Cacbonic có thể gây nhiễm độc khi lưu lượng không khí hô hấp không đủ hay khi không khí không tinh khiết. Cùng một lượng CO2 các dấu hiệu lâm sàng càng nặng nếu độ sâu càng lớn. Các triệu chứng thường gặp là nhức đầu, mặt bị sung huyết, nôn…

1.2.3. Oxy

Oxy trở nên độc khi áp lực riêng phần là 2KG/cm2 khi sâu hơn tới mỏm, các tai biến kiểu động kinh xuất hiện, với các triệu chứng ban đầu như chuột rút, buồn nôn, chóng mặt, mạch nhanh, rồi đến co giật với giai đoạn co cứng rồi giật rung, kèm theo là mất chi giác chốc lát. Cơn co giật này trở nên nguy hiểm, khi tăng áp lực phổi, chấn thương…

1.3. Tai biến cấp tính do giảm áp nhanh

Những tai biến này là bênh giảm áp (Caisson disease hay Decompression sickness). Có tỷ lệ 1 – 2% trong số lần làm công việc giảm áp, nguyên nhân của tai biến là do các bọt khí nitơ hình thành trong cơ thể trong quá trình giảm áp quá nhanh, lúc trở lên mặt nước. Điều kiện lao động giữ vai trò quan trọng: như thời gian lao động ở áp lực cao lâu, giảm áp nhanh.

Khi đang mắc một bệnh nào đó ở thể tiềm tàng, mệt mỏi hoặc uống rượu thì người thợ lặn dễ mẫn cảm với việc lặn và dễ bị bệnh.

II. Biện pháp phòng chống

Biện pháp hành chính

Tuân thủ và áp dụng chặt chẽ quy trình lặn.

Định kỳ đào tạo và sát hạch thợ lặn

Biện pháp bảo hộ lao động

Sử dụng thiết bị lặn đặc chủng phù hợp với công việc.

Biện pháp y tế

Giám sát sức khỏe của thợ lặn trước khi bắt đầu công việc. Định kỳ kiểm tra sức khỏe của thợ lặn theo đúng yêu cầu luật định.

Nguồn: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động