Kiểm soát các yếu tố môi trường tác động đến sức khỏe dự kiến đưa vào Luật Phòng bệnh
24/11/2023 | 09:47 AM
|
Bộ Y tế được giao xây dựng dự thảo Luật Phòng bệnh trên cơ sở thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII.
Ông Lê Hoàng - Phó Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế phát biểu tại hội nghị.
Khắc phục được các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Ông Lê Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị góp ý nội dung về kiểm soát các yếu tố môi trường tác động đến sức khỏe dự kiến đưa vào Luật Phòng bệnh do Cục Quản lý Môi trường y tế phối hợp cùng nhóm chuyên gia CCHIP (với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại TP HCM hôm qua, 23/11.
Theo ông Lê Hoàng, trong những năm vừa qua, công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu, trong đó có lĩnh vực phòng, chống các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe như: Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt; Vệ sinh trong mai táng…
Hệ thống chính sách, pháp luật về y tế dự phòng bao gồm các luật và các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các hoạt động y tế dự phòng như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989; Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2020); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Ngoài ra, còn có các luật không thuộc hệ thống pháp luật y tế mà có chứa đựng các quy định liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm như Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp.
"Luật Phòng bệnh dự kiến gồm nhiều nội dung, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế được giao xây dựng các nội dung, đề xuất và thực hiện tác động chính sách liên quan tới vệ sinh sức khỏe môi trường, tập trung vào dự phòng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe"- ông Hoàng cho biết.
Quang cảnh hội nghị.
Theo đó, nhóm chuyên gia CCHIP (với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế rà soát nội dung tập trung liên quan và thống nhất xác định 8 chủ đề cần rà soát, bao gồm:
1. Nước sạch, nhà tiêu và vệ sinh môi trường;
2. Biến đổi khí hậu và sức khỏe;
3. Bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế;
4. Bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động;
5. Phòng chống tai nạn thương tích;
6. Y tế trường học;
7. Ứng phó khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng;
8. Đánh giá tác động sức khỏe
Tại hội nghị, đại diện Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã thông tin về dự thảo Luật Phòng bệnh đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân.
Các chuyên gia và các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng trao đổi, thảo luận, đồng thời đề xuất nhiều nội dung cần đưa vào dự thảo Luật phòng bệnh xung quanh 8 nội dung càn rà soát liên quan đến lĩnh vực thuộc nhiệm vụ được giao của Cục Quản lý Môi trường y tế.
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, sau 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022...
Tin liên quan
- Hải Phòng: Cấp cứu kịp thời một bệnh nhi ngộ độc khí CO do sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2023
- Bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH