Bộ Y tế đối thoại với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
21/03/2025 | 09:38 AM



Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì buổi đối thoại với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
Chiều ngày 20/3/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì buổi đối thoại với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ( USABC) do nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đồng Trưởng đoàn và nguyên Đại sứ Brian McFeeters, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đồng Trưởng đoàn. Cùng tham dự buổi đối thoại có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế. Về phía Hoa Kỳ có đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và gần 60 doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và Nhân dân Hoa Kỳ, các Doanh nghiệp Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19. Ngành Y tế Việt Nam có quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ từ năm 1979; nhiều lĩnh vực hợp tác được mở ra như: Hợp tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu vắc xin, nghiên cứu dịch tễ học trong phòng, chống dịch bệnh, kháng kháng sinh, lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ y tế. Các hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ và Nhân dân Hoa kỳ là thiết thực và hiệu quả, giúp chúng tôi ứng phó và đáp ứng hiệu quả với một số vấn đề y tế chung mang tính toàn cầu như: Dịch bệnh, kháng kháng sinh, bệnh lây truyền qua động vật. Đặc biệt Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam số lượng lớn vắc xin COVID-19 trong đại dịch vừa qua.
Năm 2023, Chính phủ hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam. Điều này càng chứng tỏ quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang được tăng cường và phát triển tốt đẹp. Qua đó, các doanh nghiệp của hai nước càng có nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng và thực chất, hiệu quả hơn.
Hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã được phát triển rất tốt đẹp trong nhiều năm qua. Nhiều công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế hàng đầu của Hoa Kỳ đã và đang đầu tư vào Việt Nam. Các sản phẩm về thuốc và trang thiết bị y tế của Hoa Kỳ có chất lượng hàng đầu, được chúng tôi đánh giá cao về chất lượng. Bộ Y tế Việt Nam vui mừng có cuộc trao đổi với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Hàng năm, Bộ Y tế tổ chức các cuộc họp nhóm công tác giữa Bộ Y tế và USABC, đón các đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu chính sách và các ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là phục vụ phát triển kinh tế giữa hai quốc gia. Bộ Y tế tin tưởng và luôn tạo điều kiện bình đẳng để các Doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất các mặt hàng là thế mạnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phát biểu
Đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ nêu ra các khuyến nghị tại buổi đối thoại
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp thuộc USABC đã trình bày những khuyến nghị về nhiều nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế như: Những khuyến nghị về chính sách chung, khuyến nghị về lĩnh vực dược với các chính sách về giá, thủ tục đăng kí lưu hành thuốc, các quy định về lưu hành thuốc, truyền máu (PDMPs - Sản phẩm thuốc từ huyết tương); khuyến nghị thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ trong ngành dược phẩm; khuyến nghị về bảo hiểm y tế và cơ chế tài chính đổi mới; khuyến nghị về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm; khuyến nghị liên quan đến thực hiện các mục tiêu dân số. Cùng với đó là những khuyến nghị về lĩnh vực trang thiết bị y tế, quản lý thiết bị y tế tân trang và phần mềm, quy định về nhãn thiết bị y tế, linh kiện, hóa chất. Khuyến nghị đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và một số khuyến nghị liên quan đến chăm sóc y tế bằng dinh dưỡng khoa học trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và đạt các mục tiêu về sức khỏe của Chính phủ…
Đại diện các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ Y tế giải đáp các khuyến nghị từ phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ
Đại diện các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ Y tế đã thẳng thắn trao đổi, giải đáp và tiếp thu những khuyến nghị của các doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc đối thoại
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên điểm lại những nhóm vấn đề mà các doanh nghiệp thuộc USABC đã đề cập trong đó đặc biệt đồng tình với những khuyến nghị liên quan đến việc hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác hoàn thiện thể chế. Với các lĩnh vực khác, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế sau khi trình ban hành Luật dược số 44/2024/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 sẽ chính thức áp dụng từ 01/7/2025 với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính tối đa và tăng cường công tác hậu kiểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng đang dự thảo và trình ban hành Luật Thiết bị y tế và hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng Luật. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ thêm với USABC một số cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm, BHYT và an toàn thực phẩm.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra những vấn đề ưu tiên và đề nghị USABC tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam thực hiện. Đó là việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong vấn đề thể chế; huy động nguồn lực để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia sức khỏe, dân số và phát triển; vấn đề công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; phát triển khoa học công nghệ trong y tế theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 57-NQ/TW, được ban hành vào ngày 22 tháng 12 năm 2024, tập trung vào việc đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt trong thời điểm này; thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế với nhiều ưu đãi. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị USABC sẽ cùng với Bộ Y tế cụ thể hóa những vấn đề ưu tiên này bằng những dự án cụ thể giữa USABC và Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp với các đơn vị Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế./.
Tin liên quan
- Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 32 năm 2025
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm việc tại Viện Pasteur TPHCM
- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm
- Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 trong ngành Y tế
- Họp báo Chính phủ tháng 4: Nóng các vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, an ninh trật tự
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế đã chỉ đạo điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhi liên quan đến sự việc tại BVĐK Nam Định
Xuất bản thông tin
Thực phẩm giả 'len lỏi' qua nhiều đường tiêu thụ
28/04/2025 | 09:57 AM



Con đường tiêu thụ, phân phối các thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả rất khác nhau như: mạng xã hội, thị trường truyền thống, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học…
Khám xét công ty sản xuất mì chính, bột nêm, dầu ăn giả
Thực phẩm giả len lỏi từ mạng xã hội đến trường học...
Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đơn vị đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ thu hồi toàn bộ sản phẩm mì chính giả của công ty TNHH Famimoto Việt Nam hiện đang còn trên thị trường.
Công ty này có địa chỉ tại khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị này rà soát hồ sơ tự công bố sản phẩm mì chính của công ty TNHH Famimoto Việt Nam; phối hợp với cơ quan Công an xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể không sử dụng sản phẩm mì chính giả của của công ty TNHH Famimoto Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, gần đây, nhiều vụ việc về thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, liên tiếp bị phát hiện, như vụ thu giữ tại Phú Thọ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả, hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc là gà đông lạnh, nội tạng gà đông lạnh, xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu thập cẩm... bị phát hiện và thu giữ tại Hà Nội; ngâm tẩm hóa chất vào giá đỗ tại Nghệ An...
Đặc biệt, con đường tiêu thụ, phân phối các thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả này rất khác nhau, từ mạng xã hội, thị trường truyền thống, đến đưa vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học… với ưu thế giá rẻ.
Điều này không chỉ là mối đe dọa trước mắt như gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... mà còn để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng đối với sức khỏe như các bệnh mạn tính: ung thư, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến hệ sinh sản… do nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh.
Gây hệ luỵ lớn về sức khoẻ
Khẳng định an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng sản xuất - công nhân tại các khu công nghiệp, các nhà máy và đảm bảo sức khỏe cho các học sinh, sinh viên tại các trường học, lực lượng lao động tương lai của đất nước, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng, khi mất an toàn thực phẩm sẽ gây hệ lụy như số người mắc rất lớn, ảnh hưởng không chỉ tới sản xuất của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên nghỉ học, mà gây quá tải cho hệ thống y tế, gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nghiệp, gây mất ổn định xã hội.
Đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các đơn vị, tổ chức tuân thủ các quy định về điều kiện về cơ sở vật chất như: bếp ăn phải đảm bảo đủ diện tích, bố trí theo quy tắc một chiều, bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh; nơi bảo quản đủ thiết bị, dụng cụ theo yêu cầu; có đủ dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh, thu dọn hàng ngày; đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức, thực hành đối với người chế biến, phục vụ.
4 nguyên tắc "đối phó" với thực phẩm giả tại các bếp ăn tập thể
Đối với nguyên liệu chế biến thực phẩm sử dụng trong chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể, đây là nguồn đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc 4 nguyên tắc đảm bảo an toàn bếp ăn tập thể.
Thứ nhất, lựa chọn nguyên liệu đầu vào.
Nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng, chỉ nhập nguyên liệu từ các nhà cung cấp uy tín, có giấy phép kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Kiểm tra chất lượng nguyên liệu phải tươi, không dập nát, không có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc; nguyên liệu chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, hương liệu, gia vị phải có nhãn ghi đúng quy định, còn hạn sử dụng.
Đồng thời, phải ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu với các đơn vị cam kết đảm bảo chất lượng, có kiểm tra định kỳ, có ghi chép, truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.
Thứ hai, quy trình sơ chế và chế biến
Khu vực chế biến phải sạch sẽ, phân khu rõ ràng, thực phẩm sống và chín phải được chế biến riêng biệt.
Người chế biến cần rửa tay thường xuyên, mặc trang phục bảo hộ, đội mũ, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.
Dụng cụ chế biến phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.
Thứ ba, bảo quản thực phẩm
Kho bảo quản phải tuân thủ theo đúng quy định an toàn thực phẩm, thực phẩm cần được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, tránh nhiễm khuẩn chéo, tránh côn trùng, động vật gây hại.
Thực hiện quy tắc FIFO ("First In, First Out") - sử dụng nguyên liệu nhập trước, tránh tồn kho quá lâu.
Thứ tư, thực hiện lưu mẫu, giám sát và kiểm tra thường xuyên
Các bếp ăn tập thể cần thực hiện lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định để phục vụ công tác truy xuất khi cần.
Đồng thời, kiểm tra nội bộ, xây dựng đội ngũ kiểm tra an toàn thực phẩm nội bộ để rà soát định kỳ và đột xuất.
Tập huấn định kỳ, tổ chức các lớp đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho toàn bộ nhân viên bếp ăn.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị mỗi nhân viên, mỗi người quản lý bếp ăn cần nhận thức rằng, an toàn thực phẩm chính là trách nhiệm, là đạo đức, là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi niềm tin và sự an toàn của hàng trăm, hàng nghìn con người.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân
- Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt quản lý quảng cáo mỹ phẩm
- Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung
- Căn cứ cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh kỹ thuật y
- Trưởng đại diện WHO: Hiện nay là thời điểm rất phù hợp để áp thuế đồ uống có đường
- Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 32 năm 2025
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm việc tại Viện Pasteur TPHCM