Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1

06/05/2024 | 10:31 AM

 | 

Chuyến đi khảo sát để triển khai Đề án về Y tế biển, đảo đã mang đến nhiều cảm xúc khi các y, bác sĩ ở đất liền - hải đảo được gặp nhau nơi chủ quyền biển đảo thiêng liêng

 

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), 49 năm ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), và 138 năm Ngày Quốc tế lao động 01/5, Bộ Y tế đã có chuyến đi đặc biệt vượt hơn 1042 hải lý để đến thăm quân và dân quần trên đảo Trường Sa. Đây là một hành trình không chỉ thiêng liêng mang tinh thần dân tộc, mà còn nhằm khảo sát để thực hiện Chiến lược Quốc gia về Y tế biển, đảo đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sáng 29/4, tại cảng Cam Ranh, con tàu Kiểm ngư 491 đã đưa đoàn công tác số 14 gồm hơn 200 đại biểu, trong đó có các y, bác sĩ, cán bộ của Bộ Y tế cùng các đơn vị đồng hành bắt đầu chuyến hải trình kéo dài 7 ngày đến các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tại vùng 4 Hải quân và mỗi đảo, nhiều phần quà đã được trao gửi, nhiều tâm tư tình cảm được sẻ chia.

Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - Ảnh 1.

Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam đồng hành cùng Bộ Y tế và nhà hảo tâm ủng hộ nhiều món quà tới quân và dân ở Trường Sa.

Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Ngyễn Thị Liên Hương và Đoàn công tác số 14 thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: "Với tâm nguyện hỗ trợ khó khăn với cán bộ và người dân Trường Sa, Bộ Y tế đã ủng hộ 400 triệu đồng cho chương trình Xanh hóa Trường Sa; các loại thuốc và vật tư y tế, 4 máy tạo oxy với trị giá 1,7 tỷ đồng; bên cạnh đó còn rất nhiều nhu yếu phẩm như sữa, gạo, mì… Đặc biệt, Bộ Y tế đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và nhà hảo tâm gửi tặng 100 tấn phân hữu cơ để các chiến sĩ tăng gia sản xuất."

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có chuyến đi thăm Trường Sa với 50 y, bác sĩ ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,… cùng 29 cán bộ thuộc các đơn vị Vụ, Cục của Bộ trong hệ thống Y tế Dự phòng.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: "Qua khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi không khỏi xúc động, trân quý đối với những nỗ lực, cố gắng và sự hy sinh thầm lặng của quân, dân trên Đảo và vui mừng trước sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của Đảo: cơ sở vật chất ngày một khang trang hơn, cuộc sống của quân và dân trên đảo được cải thiện, nhiều cây xanh bóng mát và cả những công trình văn hoá tâm linh, trường học đã được xây dựng để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo."

Đại úy, Bác sĩ Lê Văn Quốc đã công tác tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây được gần 1 năm, khi được Thủ trưởng Bộ Y tế và các đồng nghiệp đến thăm, anh không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc, anh tâm sự: "Là một bác sĩ và cũng là một chiến sĩ quân nhân, chúng tôi làm hai nhiệm vụ: vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa đảm bảo sức khỏe cho quân, dân, ngư dân trên quần đảo Trường Sa. Hôm nay được gặp mặt trực tiếp rất nhiều bác sĩ nổi tiếng trước đó chỉ biết qua báo chí, tôi rất bất ngờ. Qua đó tôi cũng cảm thấy yêu Tổ quốc hơn, yêu nghề nghiệp của mình hơn."

Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - Ảnh 3.

Đoàn đại biểu thăm hỏi về chất lượng bệnh xá tại đảo Song Tử Tây.

Là thế hệ trẻ đang được sống trong hòa bình của thời đại mới, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Bệnh viện Châm Cứu Trung ương cũng xúc động: "Mình rất tự hào khi là một trong những thành viên của đoàn đến thăm Trường Sa. Các chiến sĩ, y bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, tâm huyết; cơ sở vật chất thì khang trang, quy củ. Bản thân mình là một người mẹ nên đồng cảm với sự hi sinh của các anh khi phải xa gia đình, xa con để phụng sự đất nước, chắc hẳn các anh phải rất quyết tâm và yêu đất nước, yêu biển đảo."

Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - Ảnh 5.

Các bác sĩ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương tham quan bệnh xá

Hiện nay, công tác chăm sóc sức khoẻ của các chiến sĩ, người dân trên đảo và ngư dân đã được quan tâm, đầu tư mặc dù còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ cùng toàn ngành y tế nỗ lực hơn nữa, thúc đẩy triển khai Chương trình phát triển y tế biển, đảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các huyện đảo nói chung và Trường Sa nói riêng.

Bộ Y tế thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - Ảnh 6.

Các hình ảnh đẹp trong hành trình ý nghĩa của Bộ Y tế.

Nguồn: VTV.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới

08/05/2024 | 16:00 PM

 | 

 

Sáng 8/5, dự Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 3 mục tiêu và 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để ngành ngân hàng phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển lên tầm cao mới, trong đó có việc sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đại diện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước…

Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 2.

Thủ tướng trao đổi về các kết quả áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ đề Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm nay là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số"-tiếp nối chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng-động lực thúc đẩy chuyển đổi số" của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023. Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác bảo đảm an ninh, an toàn...

Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Cũng tại sự kiện, NHNN đã khen thưởng một số tổ chức tín dụng có kết quả thực hiện xuất sắc về chuyển đổi số, gồm HDBank, BIDV…

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 3.

Thủ tướng nghe giới thiệu về các kết quả áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch tại ngân hàng HDBank - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc tổ chức "Ngày chuyển đổi số" ngành ngân hàng năm 2024, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.

Theo Thủ tướng, xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững".

Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này", Thủ tướng nói.

Thủ tướng thống nhất cao với chủ đề của NHNN Việt Nam đã lựa chọn cho Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số", phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024.

Qua theo dõi và chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 4.

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật.

Thứ nhất, các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng.

Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%. Tỉ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP. Hạ tầng thanh toán được duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, hạn chế xảy ra sự cố, ách tắc.

Thứ hai, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID. Ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thanh toán (sinh trắc học khuôn mặt; thanh toán một chạm, bằng mã QR…); ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp. Kết nối thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, thuê xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế.

Thủ tướng cho biết qua tham quan, trải nghiệm các gian hàng trước khi tham dự sự kiện này, ông thấy rõ sự tiến bộ vượt trội so với những sản phẩm, dịch vụ mà đã trải nghiệm 2 năm trước.

Thứ ba, đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 5.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.

Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...). Công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng). Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.

Thủ tướng chia sẻ và mong NHNN cùng toàn ngành ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số.

Từ thực tiễn chuyển đổi số ngân hàng thời gian qua, Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm:

Một là, sự vào cuộc với quyết tâm cao của toàn ngành ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương. Phát huy vai trò của người đứng đầu, chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Hai là, lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số; để người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngành ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là xây dựng khung thử nghiệm pháp lý như một giải pháp quan trọng để cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Năm là, tiếp tục đột phá phát triển hạ tầng số, xã hội số, công dân số theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới- Ảnh 6.

Thống đốc NHNN khen thưởng một số tổ chức tín dụng có kết quả thực hiện xuất sắc về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3 mục tiêu thời gian tới của chuyển đổi số ngân hàng

Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu thời gian tới của chuyển đổi số ngành ngân hàng: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 quan điểm chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Thứ nhất, quán triệt, bám sát và hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vận dụng phù hợp, hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam để định hướng các hoạt động của chuyển đổi số ngành ngân hàng. Chuyển đổi số ngành ngân hàng phải gắn với kinh tế số, xã hội số, công dân số và kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, biến thách thức thành cơ hội, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Thứ ba, chuyển đổi số ngành ngân hàng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới.

 

Thứ tư, chuyển đổi số ngành ngân hành một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thứ năm, chuyển đổi số ngân hàng phải đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.

Về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" gồm:

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng;

Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.

Sớm trình Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, trước hết là xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (cố gắng hoàn thành trong quý II/2024); rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…);

Thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt (từ tiếp nhận, đăng ký, sử dụng dịch vụ cho đến thanh toán…).

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của NHNN, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro. Liên tục nâng cấp, phát triển hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng

Thứ tư, phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06 tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi;

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai liên thông dữ liệu, cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế.

Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn…) để phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính-sự nghiệp.

Thứ năm, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành ngân hàng. Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng. Tăng cường hợp tác, đẩy mạnh học hỏi nghiên cứu kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong chuyển đổi số để vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, xây dựng và phát triển văn hóa ngân hàng Việt Nam.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.

Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Thủ tướng cũng lưu ý cần coi trọng công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số, tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển ngành ngân hàng lên một tầm cao mới, phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến