Bộ Y tế tiếp nhận 500.000 liều vắc xin phòng bệnh Sởi do Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam tài trợ
17/03/2025 | 16:20 PM



Chiều ngày 17/3/2025, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì lễ tiếp nhận 500.000 liều vắc xin phòng bệnh Sởi do Công ty Cổ phần vắc xin (VNVC) Việt Nam tài trợ. Tham gia dự lễ tiếp nhận có đại diện một số Vụ, Cục, Viện, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Về phía Công ty Cổ phần VNVC Việt Nam có bà Mai Thị Huấn, Giám đốc Đối ngoại; ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Giám đốc Đối ngoại cùng các đơn vị liên quan.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu tiếp nhận 500.000 liều vắc xin phòng bệnh Sởi do Công ty Cổ phần VNVC Việt Nam trao tặng.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Vắc-xin Sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ tháng 10 năm 1985. Sau 40 năm tổ chức tiêm vắc-xin Sởi cho trẻ em, tỷ lệ mắc Sởi đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ mắc bệnh Sởi đã giảm từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010. Đặc biệt, sau chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc vào cuối năm 2010, tỷ lệ mắc Sởi tiếp tục giảm trong các năm 2010-2012. Tuy nhiên, vẫn còn những đợt bùng phát dịch Sởi theo chu kỳ khoảng 5 năm, như các đợt dịch vào năm 2014-2015, 2019-2020 và đợt này là 2024-2025.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi mắc Sởi, 05 trường hợp tử vong liên quan đến Sởi. Số trường hợp nghi mắc Sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%) và Tây Nguyên (8,7%).
“Trước diễn biến phức tạp của dịch Sởi, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh Sởi ngày 15/3/2025. Tại hội nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc Sởi; đồng thời phải tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi cho các trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin”- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Trong ngày 15/3/2025, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 23/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi. Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Y tế bảo đảm đủ vắc xin phòng bệnh Sởi, cấp phát kịp thời cho các địa phương để triển khai có hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng; kết thúc chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi chậm nhất ngày 31/3/2025.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Việc cung ứng số lượng lớn vắc xin trong thời gian rất ngắn là thách thức đối với Bộ Y tế. Trong bối cảnh khẩn thiết này, Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ quý báu, kịp thời 500.000 liều vắc xin phòng bệnh Sởi của Công ty Cổ phần VNVC Việt Nam. Lượng vắc xin này có thể giao ngay cho các địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trân trọng cảm ơn tới Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam đã hỗ trợ vắc xin đợt này và mong muốn Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong triển khai công tác tiêm chủng tại Việt Nam. Số vắc-xin này sẽ được phân bổ ngay đến các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, góp phần kiểm soát dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh buổi lễ.
“Với sự chung tay của Công ty, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống tiêm chủng trên toàn quốc, chúng tôi hy vọng sẽ khống chế được dịch Sởi trong thời gian sớm nhất, góp phần thực hiện thành công mục tiêu 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra được tiêm 01 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi”- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương giao Cục Phòng bệnh, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn sử dụng vắc xin đúng mục đích, an toàn; đảm bảo hiệu quả, không bị chồng chéo, trùng lắp và đúng các quy định chuyên môn hiện hành; phân phối tới đúng đối tượng hưởng lợi./.
Tin liên quan
- Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 32 năm 2025
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm việc tại Viện Pasteur TPHCM
- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm
- Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 trong ngành Y tế
- Họp báo Chính phủ tháng 4: Nóng các vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, an ninh trật tự
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế đã chỉ đạo điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhi liên quan đến sự việc tại BVĐK Nam Định
Xuất bản thông tin
ĐBSCL: Giảm thiểu tối đa trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền
22/03/2025 | 11:04 AM



Ngày 21/3, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ phối hợp Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức "Hội thảo khoa học sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực ĐBSCL lần thứ 10".
Hàng trăm nhà quản lý, khoa học và chuyên gia y tế đầu ngành tham dự Hội thảo - Ảnh: VGP/LS
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong cả nước và khu vực ĐBSCL. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ hằng năm để các đơn vị, bệnh viện chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học và các kỹ thuật mới được triển khai từ các chuyên gia đầu ngành.
Hội thảo gồm 3 phiên với 16 đề tài nghiên cứu được trình bày bởi những chuyên gia y tế đầu ngành, trong đó, sự góp mặt của các chuyên gia không chỉ mang đến cơ hội cập nhật kiến thức và kỹ thuật tiên tiến, mà còn tạo điều kiện cho sự trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh tại khu vực ĐBSCL, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tối đa tỉ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ Nguyễn Thụy Thúy Ái, trong hơn 10 năm qua, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện rất tốt nhiệm vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho khu vực ĐBSCL; đồng thời sàng lọc trước sinh và sơ sinh các bệnh thông qua kỹ thuật xét nghiệm, siêu âm, chọc ối… đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu vực ĐBSCL, đóng góp vào thành quả nói chung của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác dân số của nước nhà.
Riêng Trung tâm Sàng lọc-chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ phụ trách công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại 12 tỉnh ĐBSCL. Đến nay, Trung tâm không ngừng mở rộng mạng lưới, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho các đơn vị, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời hàng nghìn trường hợp dị tật bẩm sinh.
Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng nhấn mạnh: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là bước đầu tiên vô cùng quan trọng để phát triển toàn diện. Việc phát hiện sớm các bất thường và có những can thiệp kịp thời sẽ giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo đó, Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được Bộ Y tế giao Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bắt đầu triển khai từ năm 2007 với mục tiêu sàng lọc, phát hiện can thiệp sớm các dị tật, dị dạng thai nhi thông qua sàng lọc trước sinh cùng với phát hiện và điều trị sớm các bệnh chuyển hóa di truyền thông qua sàng lọc sơ sinh.
Đề án đã đem lại nhiều kết quả rất quan trọng với việc xây dựng được 7 trung tâm sàng lọc-chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, trong đó có 5 trung tâm khu vực, thiết lập mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ Trung ương đến tuyến xã ở 63 tỉnh/ thành phố, bước đầu đáp ứng được nhu cầu về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Đối với khu vực ĐBSCL, Cục trưởng Cục Dân số cho rằng, việc ứng dụng công nghệ y học hiện đại sẽ mở ra những cơ hội mới, không chỉ giúp giảm thời gian và chi phí mà còn tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Trên cơ sở đó, ông Lê Thanh Dũng đề nghị ngành y tế các tỉnh ĐBSCL tiếp tục mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 theo Quyết định số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc triển khai hỗ trợ các đối tượng sử dụng gói dịch vụ cơ bản; bảo đảm các đối tượng thuộc diện ưu tiên quy định tại Quyết định 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn đối tượng sử dụng gói dịch vụ xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Đặc biệt, thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ đã được phân công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế về hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Các tập thể và cá nhân nhận khen thưởng về công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sau sinh - Ảnh: VGP/LS
Tại hội thảo, Trung tâm Sàng lọc-Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ cũng chia sẻ kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng năm 2025.
Năm 2024, Trung tâm đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho 68.959 thai phụ trên tổng số 124.482 thai phụ, đạt tỉ lệ 55,4%, vượt chỉ tiêu 50% do Cục Dân số đề ra. Riêng tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, tỉ lệ này đạt mức ấn tượng 97%. Qua đó đã phát hiện và xử lý các trường hợp nguy cơ cao, góp phần giảm thiểu dị tật bẩm sinh. Đối với sàng lọc sơ sinh, Trung tâm đã sàng lọc cho 52.059 trẻ, bao gồm cả các trường hợp xã hội hóa và trong đề án. Đặc biệt, 100% trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ được sàng lọc đầy đủ, vượt 17% chỉ tiêu.
Không chỉ riêng Cần Thơ, công tác sàng lọc sơ sinh cũng được đẩy mạnh tại 12 tỉnh khu vực ĐBSCL, với tổng số trẻ được sàng lọc là 102.182 trên tổng số 144.836 trẻ sơ sinh, đạt tỉ lệ 70,5%, vượt chỉ tiêu 60% được giao. Việc sàng lọc này giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý bẩm sinh, bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh cho trẻ.
Theo Ban tổ chức, "Hội thảo Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực ĐBSCL lần thứ 10" là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm và nỗ lực không ngừng của ngành y tế TP. Cần Thơ nói chung và Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ nói riêng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Đặc biệt với vai trò là bệnh viện được công nhận cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu của vùng ĐBSCL, đảm trách công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao cho các bệnh viện trong vùng, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ luôn tiên phong và phát huy thế mạnh sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Đây là điểm đến đáng tin cậy cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển giống nòi của vùng ĐBSCL.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân
- Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt quản lý quảng cáo mỹ phẩm
- Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung
- Căn cứ cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh kỹ thuật y
- Trưởng đại diện WHO: Hiện nay là thời điểm rất phù hợp để áp thuế đồ uống có đường
- Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 32 năm 2025
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm việc tại Viện Pasteur TPHCM