Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân

08/05/2025 | 11:08 AM

 | 

 

Ngành y tế đang lấy ý kiến sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết thông tin trên tại hội thảo "Nâng cao hơn nữa quyền lợi của người bệnh trong chẩn đoán và điều trị" do Bộ Y tế và Báo Tiền phong tổ chức hôm nay (8/5) ở Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.

Lộ trình từng bước hiện thực hóa hai chủ trương: khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hành lang pháp lý cho công tác y tế ngày càng được hoàn thiện, nổi bật là việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT và Luật Dược sửa đổi.

Các chính sách không chỉ chuyển từ định hướng sang hành động cụ thể mà còn khẳng định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn trong khám, chữa bệnh.

Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được cải thiện, cả về chuyên môn và quy trình phục vụ. Hệ thống bệnh viện không ngừng được mở rộng, năng lực y tế cơ sở được củng cố, kỹ thuật cao được chuyển giao sâu rộng về cơ sở.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 94% đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho người bệnh, nhất là với các nhóm yếu thế.

Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết chuyển đổi số trong y tế có nhiều bước tiến quan trọng: 4 nền tảng số y tế dùng chung đã được hoàn thiện; hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa bước đầu được triển khai đồng bộ, giúp rút ngắn thời gian tiếp cận, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận, quyền lợi của người bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị vẫn còn những bất cập. Một số cơ sở y tế còn quá tải, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại. Việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán trùng lặp, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người bệnh – về chỉ định chuyên môn, lựa chọn phương pháp điều trị, quyền được đồng thuận – chưa được thực hiện một cách đầy đủ, minh bạch. Tiếp nhận, xử lý phản ánh còn thiếu chuyên nghiệp, chưa trở thành một công cụ cải tiến dịch vụ hiệu quả.

Chính sách BHYT, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cần tiếp tục được cập nhật để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính.

"Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ. Ngành Y tế vẫn đang ra sức nỗ lực để từng bước khắc phục những hạn chế này"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, một trong những định hướng lớn mang tính đột phá đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây, đó là: "Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân". Đây là những mục tiêu cụ thể, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta và quyết tâm chính trị trong xây dựng một hệ thống y tế phục vụ nhân dân.

Ngành y tế xác định lộ trình 2026-2030 và 2031-2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này. Đây là hành trình dài hơi, cần bước đi vững chắc, nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta chuyển đổi hệ thống y tế từ chăm sóc bệnh sang bảo vệ sức khỏe, từ bị động sang chủ động, đồng thời nâng cao thực chất quyền lợi người bệnh.

Sửa toàn bộ Luật BHYT để người dân được khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng. Năm nay quỹ BHYT kết dư dự kiến tăng thêm. Hiện tại, ngành Y tế đang định hướng sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Dự kiến thời gian tới, nước ta sẽ sửa toàn bộ Luật BHYT, trong đó có nhiều nội dung tập trung khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là khám chữa bệnh để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm.

Theo ThS Hoàng Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại Việt Nam đạt 94,2%. Nhóm yếu thế như hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng, trong khi người lao động, hưu trí đóng theo tỷ lệ lương hoặc mức lương cơ sở.

Với mức đóng hiện nay, quỹ BHYT vẫn giữ trạng thái cân đối. Dù vậy, việc mở rộng quyền lợi, tăng chi trả và điều chỉnh giá dịch vụ đòi hỏi ngành y tế nghiên cứu linh hoạt lại mức đóng, bảo đảm tương xứng với khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng và ngân sách Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân - Ảnh 3.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ tham luận.

Tại hội thảo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ cho rằng nếu muốn giảm chi phí, hướng đến miễn viện phí thì giải pháp là dự phòng làm sao để giảm được bệnh tật.

Ông cũng kiến nghị cần tiếp tục đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, thực hiện mục tiêu 'đón' lượng bệnh nhân từ các nước Đông Nam Á; Kết hợp Y tế - Phát triển kinh tế, du lịch...

Nâng cao kiến thức cộng đồng trong dự phòng bệnh tật: lối sống sinh hoạt, môi trường; Định hướng phát triển hạ tầng xã hội theo hướng có lợi cho sức khỏe; thực thi luật pháp chế tài để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, coi việc bảo vệ sức khỏe là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nâng cao quyền lợi của người dân tiến tới nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm áp lực chi phí cho mỗi ca bệnh đến bệnh viện.

Cần gia tăng các quỹ phúc lợi xã hội BHYT để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT, ưu tiên các bệnh hiểm nghèo; thanh toán bảo hiểm theo thực tế, nhu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó cần có giải pháp đảm bảo hành lang an toàn cho đội ngũ chuyên môn, bệnh viện khi tham gia khám chữa bệnh BHYT (tâm lý sợ xuất toán BHYT).

Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân - Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt TW tham luận.

Còn PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho rằng, hơn 90% người dân có BHYT nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được miễn phí khám chữa bệnh hoàn toàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nếu mua bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn miễn phí. Khác biệt BHYT và bảo hiểm nhân thọ là mức đóng.

'Tôi cho rằng, mức lương cơ bản rất thấp và đóng BHYT theo lương cơ bản càng thấp hơn. Tại sao không đóng BHYT theo thu nhập chứ không theo lương?', Giám đốc BV Mắt Trung ương nêu ý kiến.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung

09/05/2025 | 10:26 AM

 | 

 

Liên tiếp xảy ra những sự việc nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi đang khám, chữa bệnh khiến nhiều người bức xúc. Tuy nhiên, thái độ thờ ơ, vô cảm của một số y, bác sĩ khi có bệnh nhân cấp cứu cũng cần phải được chấn chỉnh. Rõ ràng, đã đến lúc cần nhìn nhận lại công tác khám, chữa bệnh, cứu người của đội ngũ nhân viên y tế và những góc nhìn đa chiều, khách quan về vấn đề an ninh bệnh viện.

Đón tiếp bệnh nhân ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị.

Đón tiếp bệnh nhân ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị.

Cần những góc nhìn khách quan, đa chiều

Sự việc một bệnh nhi bị tai nạn giao thông không được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định khiến nhiều người bức xúc. Có hay không việc phải đóng đủ tiền mới được chữa trị?

Điều này cần chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, nhưng các nhân viên y tế của ca trực nêu trên đã bị đình chỉ công tác. Trong khi đó, vẫn là Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, mới đây, một ca trực khác đã xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung các bác sĩ trực cấp cứu.

Và chỉ mới cách đây hơn một tuần, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã tuyên dương các y, bác sĩ, điều dưỡng khi họ vẫn cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân mặc dù bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Những sự việc tương tự như trên đã từng xảy ra với ngành y tế, nhất là ở Khoa Cấp cứu. Đã từng có các trường hợp nhân viên y tế tắc trách, một số y bác sĩ chưa thật sự làm tròn trách nhiệm khiến người nhà bệnh nhân bức xúc, không giữ được bình tĩnh và từ đó xảy ra va chạm. Tuy nhiên, cũng có những sự việc gia đình bệnh nhân chưa nắm rõ vấn đề, hành hung y bác sĩ vô cớ khiến họ tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần.

Theo các chuyên gia y tế, mỗi chuyên khoa, chuyên ngành đều có đặc thù riêng về công tác khám, chữa bệnh, nhưng đối với khoa cấp cứu thì đòi hỏi nhân viên y tế phải kịp phản ứng nhanh với mọi tình huống.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, nhân viên y tế làm nhiệm vụ cấp cứu buộc phải giữ cho mình cái đầu lạnh, bình tĩnh xử lý.

Với cấp cứu, không có bệnh nhân đến trước, bệnh nhân đến sau, cũng không có bất kỳ sự ưu tiên nào cả, mà tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ ưu tiên cứu chữa cho người nặng hơn, nguy kịch hơn. Nhiều khi người nhà bệnh nhân không hiểu, cho rằng người thân của họ đến trước, cần phải được xử lý trước nhưng nhân viên y tế không làm theo, từ đó có những hành động chưa chuẩn mực…

Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung ảnh 1

Nhân viên y tế khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị tiến hành khám, chữa cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Mai Xuân Thành, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ, mỗi giây, mỗi phút ở Khoa Cấp cứu đều hết sức quan trọng. Sẽ có những lúc nhân viên y tế không có nhiều thời gian để giải thích cho người nhà bởi họ cần tập trung cao độ để cứu chữa cho bệnh nhân, đôi khi chậm một phút thôi cũng sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, chính vì việc không giải thích rõ ràng với người nhà sẽ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Từ đó, khó tránh việc người nhà bức xúc, thậm chí ẩu đả với nhân viên y tế.

Văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, nhất là ở môi trường bệnh viện của một bộ phận những người liên quan cần phải được chấn chỉnh, cả từ phía người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thái độ vô cảm của một bộ phận y, bác sĩ là điều cấm kỵ trong ngành y tế, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và Lời thề Hippocrates. Đây có thể là nguồn cơn cho những hành động đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc người nhà bệnh nhân mất kiểm soát, ẩu đả, hành hung nhân viên y tế cũng không thể chấp nhận. Hành vi đó là vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm minh.

Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung ảnh 2

Bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị tiến hành khám, chữa cho bệnh nhân.

Chấn chỉnh từ hai phía

Để nhận được sự đồng cảm từ người dân, trước tiên, những người làm công tác chuyên môn mà cụ thể là nhân viên y tế cần phải chấn chỉnh thái độ làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khám, chữa bệnh.

Ngoài việc tránh xảy ra sai sót trong chuyên môn, họ cần có thái độ ứng xử hòa nhã, lịch thiệp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Sự nhanh nhẹn, linh hoạt, kịp thời ứng phó với những tình huống bất trắc cũng sẽ giúp ngăn chặn được những hành vi bạo lực có nguy cơ xảy ra.

Ở những bệnh viện lớn thường rất đông bệnh nhân, sẽ có lúc quá tải, khó tránh khỏi áp lực công việc đè nặng lên nhân viên y tế. Tuy nhiên, đã chọn ngành y thì nhân viên y tế cũng cần ý thức rõ sứ mệnh của mình. Mọi hành động vi phạm đạo đức nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng cả hình ảnh chung của những người làm công tác y tế, đánh mất lòng tin của người dân.

Về phía người nhà bệnh nhân, hành hung, ẩu đả, gây thương tích hay có lời lẽ không hay, xúc phạm nhân viên y tế đều phải bị lên án bởi đây là những hành vi vi phạm pháp luật. Những người đang cứu chữa cho người thân của mình thì không thể bị đối xử như vậy. Ở nơi công cộng, trong mọi tình huống, cần phải bình tĩnh, ứng xử văn minh, có văn hóa, và tuân thủ luật pháp.

Trên thực tế, công tác an ninh tại nhiều bệnh viện còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các bệnh viện đều có đội ngũ nhân viên bảo vệ nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trông xe, còn vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa được chú trọng, hoặc kỹ năng phòng vệ chưa tốt.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, ở nhiều bệnh viện, kỹ năng của nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế còn chưa tốt. Nhiều người nóng tính quá, chưa kiểm soát được hành vi; một số nơi, nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế lại yếu về kỹ năng phòng vệ và bảo vệ cho người khác khi có xung đột xảy ra.

Ngoài ra, vấn đề an ninh tại các bệnh viện còn bao gồm kiểm soát, phòng chống trộm cắp, lừa đảo; giữ an toàn cho công tác khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần chú trọng triển khai các giải pháp đồng bộ, thí dụ như các phương pháp đã và đang được áp dụng: lắp đặt thiết bị camera giám sát an ninh; sử dụng thẻ từ kiểm soát ra vào; tăng cường nhân viên bảo vệ ứng trực; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an sở tại; dán thông báo, phát loa nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế...

Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh, muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu.

Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống.

Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.

Về chế tài xử phạt, hiện không ít người cho rằng các chế tài còn quá nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe. Tùy vào mức độ phạm lỗi của nhân viên y tế, không chỉ nên dừng lại ở các hình thức đình chỉ công tác hay chuyển công tác, mà thậm chí có thể cho ra khỏi ngành nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Người hành hung nhân viên y tế cũng không thể chỉ xử phạt hành chính mà cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm và phải được xử lý nghiêm minh, đúng mực.

Nguồn: Nhandan.vn


Thăm dò ý kiến