Bộ Y tế họp triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024

08/05/2024 | 08:00 AM

 | 

 

Ngày 08/5/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế họp triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.

Tham gia cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thị Liên Hương, Lê Đức Luận; đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Trung tâm và các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.

Báo cáo phân tích kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (Par Index hoặc gọi tắt là Chỉ số) của Bộ Y tế năm 2023 tại cuộc họp đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết: Par Index của Bộ Y tế năm 2023 đạt 79.80 trên thang điểm 100.

Năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Lãnh đạo Bộ Y tế đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thường xuyên; các buổi giao ban đều có báo cáo tiến độ các hoạt động của công tác CCHC của Bộ Y tế; tổ chức triển khai mạnh mẽ công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ trong quá trình theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT trong việc chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ.

Bộ Y tế đã hoàn thành việc xây dựng các kế hoạch của công tác CCHC, nỗ lực để đảm bảo thời hạn hoàn thành các kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các nội dung thuộc công tác CCHC được thực hiện tốt: Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế về y tế được Bộ Y tế triển khai khẩn trương, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thi hành trong thực tiễn.

 Công tác cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, quyết liệt, đồng bộ và theo đúng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Bộ phận Một cửa của Bộ đi vào hoạt động ổn định, giúp người dân tổ chức, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao dịch các hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan Bộ, giảm tỷ lệ hồ sơ bị trễ hẹn, tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC của người dân và doanh nghiệp.

Công tác cải các tài chính công được ưu tiên triển khai nhanh chóng, quyết liệt dù còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ...

Về một số nội dung và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024: tiếp tục triển khai thực hiện công tác CCHC của Bộ Y tế năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cán bộ, công chức của các bộ phận và báo cáo Lãnh đạo Bộ thường xuyên. Tổ chức hội nghị tập huấn về CCHC cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Y tế. Chỉ đạo và hoàn thiện việc tổ chức cập nhập dữ liệu, xác thực thông tin về cán bộ công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành và chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Quán triệt về tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác CCHC của Bộ Y tế.

 Hoàn thành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về y tế bảo đảm chất lượng và theo đúng tiến độ đã đề ra trong chương trình xây dựng VBQPPL của Chính phủ và Bộ Y tế.

Triển khai thực hiện, hoàn thiện các quy định về công tác cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Hoàn thành việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Chính phủ theo đúng quy định. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sắp xếp tổ chức trực thuộc đơn vị theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, công tác cán bộ theo quy định của pháp luật và Quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền,...

Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương về kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức của hệ thống y tế địa phương theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực cải cách tài chính công theo đúng quy định và kế hoạch đề ra.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch đề ra; việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. Hoàn thành xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2024.

Tổ chức tốt hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Y tế theo quy định... và các công việc theo kế hoạch và nhiệm vụ được giao.

 Xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng DVCTT Bộ Y tế giai đoạn 2023. 2025, đảm bảo 100% TTHC đủ điều kiện được xây dựng thành DVCTT toàn trình.

Cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 3.0 theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam phiên bản 3.0. Tiếp tục kết nối hệ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Bộ Y tế với dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý trong Ngành.

Triển khai Đề án “Phương pháp đo lường sự hài long của người dân đối với dịch vụ y tế công, giai đoạn 2022 - 2030” sau khi được phê duyệt.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận và đại diện các đơn vị cũng nêu những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ khi thực hiện công tác CCHC của Bộ Y tế.

Quang cảnh cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: trên cơ sở phân tích về kết quả xác định chỉ số Par Index năm 2023, thông báo số 53/TB-VPCP về kết luận của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp ngày 02/02/2024, Kế hoạch hoạt động của năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chí Bộ Y tế, Bộ trưởng đề nghị:

Đối với Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ, các thành viên BCĐ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh CCHC trên 6 lĩnh vực trọng tâm đã đề ra.

Thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt, chỉ đạo phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính…

“Bộ Y tế đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ. Đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc sớm hoàn thiện thành lập Tổ công tác CCHC của đơn vị yêu cầu lãnh đạo đơn vị là Tổ trưởng Tổ công tác nhằm triển khai tốt thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị mình”- Bộ trưởng phát biểu.

Xây dựng kế hoạch, thiết lập cơ chế đánh giá về tổ chức, triển khai công tác CCHC. Thường xuyên, định kỳ có đánh giá về CCHC trong các đơn vị. Kịp thời biểu dương đơn vị, cá nhân thực hiện tốt trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ và ngược lại xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm.

Đối với những nhiệm vụ thường xuyên, một số việc còn chậm, còn chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị trên cơ sở đã xác định những tồn tại, các đơn vị cần rà soát lại để nhiệm vụ này tốt hơn trong thời gian tới./.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện ở Đồng Nai

08/05/2024 | 16:03 PM

 | 

Thông qua phân tích các kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại cơ sở bán bánh mỳ tại phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, các cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc khiến hơn 500 người nhập viện có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện ở Đồng Nai- Ảnh 1.

Các kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây vụ gây ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai khiến hàng trăm người vào viện có liên quan đến vi khuẩn Salmonella

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối ngày 7/5 - ngày thứ 7 sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh, các cơ sở y tế không ghi nhận thêm trường hợp mới nhập viện.

Tổng số trường hợp nhập viện lũy kế đến hiện tại là 547 trường hợp. Hiện, có 466 trường hợp đã xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà, 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đã có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới. Cá,c trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện, có ghi nhận 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli; 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện cũng ghi nhận 4/8 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Như vậy, các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận, nguyên nhân gây vụ ngộ độc thực phẩm này có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Trước đó, ngày 1/5, sau khi ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mỳ Băng, đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, nhiều người dân có các dấu hiệu như: tiêu chảy, nôn ói, sốt, đau bụng... và phải nhập viện trong các ngày sau đó.

Liên quan đến vụ việc này, công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định nhằm xác định nguyên nhân vụ việc, đồng thời tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định…

Thủ tướng giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố… trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý…

Nguồn: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến