Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025
13/01/2025 | 17:45 PM
|
Hội nghị tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025
Ngày 13/01/2025, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AID (Cục) đã tổ chức hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo tổng kết năm 2024 của Cục Phòng, chống HIV/AID cho biết năm 2024 cả nước ghi nhận 13.351 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.905 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV đang còn sống là 245.762 trường hợp; tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 116.004 trường hợp. Số người nhiễm HIV phát hiện mới giảm 94 ca so với năm 2023 (13.445). Như vậy dịch HIV/AIDS phát hiện mới vẫn ở mức cao, mức giảm chưa đạt kỳ vọng so với tiến trình hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (dưới 1.000 ca)
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương phát biểu tại hội nghị
Từ đầu năm tới nay, cả nước triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng hơn 2.500.000 lượt người, trong đó khoảng 40% là nhóm nguy cơ cao, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại cho khoảng 380.000 lượt đối tượng. Hiện cả nước đang điều trị Methadone cho khoảng 46.500 người, điều trị ARV cho khoảng gần 183.000 người. Trong số ca phát hiện mới năm 2024, tỷ trọng ca nhiễm HIV phát hiện mới ở miền Nam chiếm phần lớn (>60%); Nhóm MSM chiếm tỷ trọng lớn (gần 40%); Người nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15-29 và 30-39 vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn.
Với 24 nhiệm vụ Cục đăng ký với Bộ Y tế đã hoàn thành 21 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ cơ bản đã gần hoàn thành, 1 nhiệm vụ không thực hiện do đã lồng ghép vào các nội dung xây dựng Nghị định và Thông tư của Bộ Y tế.
Các nhiệm vụ triển khai về chuyên môn: điều trị Methadone cho trên 46.500/46.000 người, triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại 6 tỉnh đạt trên 5000/4000 người, điều trị ARV 183.000/185.000 người bệnh, xét nghiệm phát hiện mới HIV 13.000/10.000 ca, Điều trị PREP gần 72.000/65.000 người, điều trị viêm gan C gần 5.000/8.000 người bệnh.
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Võ Hải Sơn phát biểu tại hội nghị
Triển khai thành công tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và mít tinh trực tuyến ngày phòng, chống HIV/AIDS với 49 đầu cầu và 14 tỉnh tham dự trực tiếp, cùng các đối tác quốc tế.
Qua thực tế triển khai, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Số ca nhiễm mới HIV và phát hiện mới hằng năm vẫn còn cao và còn khoảng trống khá lớn đối với mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (dưới 1000 ca), 5 năm qua số phát hiện mới khoảng 13.000 ca mỗi năm và chưa có xu hướng giảm. Các tỉnh không có dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS: Số ca nhiễm HIV phát hiện mới đang có xu hướng gia tăng. Các tỉnh không có dự án phòng, chống HIV/AIDS hầu như các hoạt động đều bị động, các trường hợp nhiễm HIV thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Các nguồn viện trợ quốc tế đang có xu hướng giảm dần, độ bao phủ của chương trình chưa đảm bảo để ngăn ngừa dịch HIV/AIDS. Sự thay đổi phương thức quản lý dự án viện trợ, không có dự án, phương thức này không phù hợp với quản lý đối với các dự án phòng, chống bệnh dịch. Do đó ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện dự án, xuất hiện nhiều rủi ro trong quản lý dự án. Sự gián đoạn tham gia bảo hiểm y tế do người nhiễm không có việc làm ổn định, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo có bảo hiểm y tế liên tục để điều trị ARV. Việc đấu thầu mua thuốc ARV gặp khó khăn, thiếu thuốc ARV để cấp phát cho bệnh nhân, do đó nhiều khi phải cấp thuốc ngắn ngày, bệnh nhận phải đến cơ sở y tế nhiều lần, gián đoạn việc tiếp nhận bệnh nhân do không có đủ thuốc điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ghi nhận những kết quả trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương gửi lời chúc mừng đến tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động của Cục vì những nỗ lực và thành tựu đã đạt được trong năm qua.
Cục đã hoàn thành trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định của Chính phủ, 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế và 04 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và các Hướng dẫn, Quy trình chuyên môn kỹ thuật. Việc hoàn thiện thế chế, chính sách có vai trò rất quan trọng, tạo hành lang, pháp lý cho triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương được thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời, Cục còn làm đầu mối tham mưu cho Bộ phối hợp với Bộ Công an để trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 (Nghị quyết 163/2024/QH15), trong đó có Dự án 6 Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy do Bộ Y tế phụ trách. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phối hợp các Bộ, ngành giải quyết vấn đề ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy. Ngoài ra Cục đã tham mưu cho Bộ Y tế ban hành các chương trình như Chương trình chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025-2030 hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Với những nỗ lực của Bộ Y tế, trong đó có vai trò đầu mối tham mưu của Cục, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam là quốc gia tiên phong triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV - giải pháp quan trọng để kiểm soát sớm dịch, ngăn chặn sự lây lan của HIV kịp thời và được nhiều nước học tập; việc cấp phát thuốc Methadone đã mở rộng cấp phát thuốc nhiều ngày trên toàn quốc và đưa nội dung này quy định tại Nghị định 141/2024/NĐ-CP như một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghiện. Bên cạnh đó, Điều trị ARV hiệu quả - Việt Nam tiên phong với K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), cả nước có trên 183.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 bản sao/ml) luôn được duy trì trên 98%, dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml) luôn đạt 96% trong các năm gần đây.
Bước sang năm 2025, yêu cầu đối với ngành Y tế và công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cao. Trong bối cảnh, cả nước đang bước vào một cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy để thực hiện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sang năm 2025, Cục vẫn tiếp tục nỗ lực, phát huy để giữ vững thành quả đạt được và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS: Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản được giao cho Bộ Y tế tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành;
2. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh AIDS không tái bùng phát sau năm 2030;
3. Đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với tình hình dịch (ước tính dịch HIV/AIDS mới nhất 2024 của UNAIDS, quần thể người có hành vi nguy cơ cao MSM tăng lên gấp hơn 2 lần so với ước tính năm 2018 (hơn 400.000 MSM ước tính 2024 so với 180.000 MSM ước tính 2018). Đồng thời triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động chuyên môn, mở rộng độ bao phủ và gia tăng về chất lượng các dịch vụ, cập nhật và đưa các mô hình, sáng kiến mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS;
4. Về chương trình Mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy: Chuẩn bị thủ tục và quy trình đảm bảo cho thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy do Bộ Y tế thực hiện;
5. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp liên ngành: Tăng cường sự phối hợp liên ngành thông qua “Ủy ban 50”: Xây dựng trình cấp thẩm quyền ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai Chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, Đại học, Cao đẳng nghề và cho công nhân các khu công nghiệp;
6. Tăng cường năng lực cán bộ: Trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW đòi hòi mỗi cán bộ cần phải toàn diện hơn, nỗ lực hơn trong giải quyết công việc và thực hiện nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục tiếp tục xây dựng tập thể đoàn kết, quyết tâm bảo vệ và giữ vững những thành quả đạt được của công tác phòng, chống AIDS trong nhiều năm qua. Trong điều kiện tình hình dịch vẫn phức tạp và sự gia tăng phức tạp của việc sử dụng ma túy tổng hợp, nghiện chất… của các đối tượng nguy cơ cao, chúng ta cần tuyệt đối không chủ quan, bởi vì sự lơ là trong công tác có thể làm cho dịch HIV/AIDS tái bùng phát;
7. Hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực: Đề nghị năm 2025, Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để huy động các nguồn viện trợ cho Việt Nam, đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực cho cán bộ hệ thống phòng, chống AIDS tại các tỉnh thành, phố để góp phần vào công cuộc chấm dứt dịch bệnh AIDS vào 2030;
8. Chuẩn bị tổ chức 02 sự kiện lớn là 35 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và 20 năm thành lập Cục vào 2025.
Toàn cảnh hội nghị
Bên cạnh đó Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đặc biệt lưu ý vấn đề hoạt động điều trị Methadone. Cần thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa phương để có những hướng dẫn cụ thể hơn, phối hợp với Bộ Công an giải quyết những tồn tại khó khăn. Đối với hoạt động chuyển đổi số trong điều trị Methadone, Cục cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để có thể sớm triển khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và hỗ trợ tạo hiệu quả đối với công tác điều trị Methadone.
Hoạt động điều trị ARV mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cần rút kinh nghiệm qua việc mua sắm đầu thấu thuốc ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, khi có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới sáng tạo, với tâm huyết và năng lực hiện có, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào thành công chung của ngành Y tế./.
Tin liên quan
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác y tế Việt Nam và Liên bang Nga
- Bệnh viện Phổi Trung ương sẵn sàng đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Mở rộng và nâng cao chất lượng, kỹ thuật y tế để phục vụ và chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân
- Bộ Y tế bổ nhiệm lại một số lãnh đạo đơn vị
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hải Dương