Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia thời gian qua
20/08/2024 | 15:59 PM
|
Theo Báo cáo số 3146/BC-VPCP ngày 09/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả, cụ thể:
Tính đến hết tháng 4 năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Theo tổng hợp kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 27/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương có sự cải thiện rõ rệt, cụ thể: Ở địa phương đạt 47,8% (4.954.457/10.364.973) trong tổng số hồ sơ TTHC, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4% (8.589.847/17.388.356) trong tổng số hồ sơ TTHC, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Về thanh toán trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC, dịch vụ công tăng, cụ thể: Ở bộ, ngành đạt 24,11% (134.765/558.853) trên tổng số hồ sơ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; ở địa phương đạt 43,11% (2.731.389/6.335.726) trên tổng số hồ sơ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, tăng 30,48% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình mỗi ngày, có khoảng 120 nghìn hồ sơ TTHC trực tuyến và 60 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành[1] đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP và 17/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Danh mục các dịch vụ công chưa hoàn thành tại Phụ lục II); trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Hầu hết các dịch vụ công thiết yếu được tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp giảm thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính như: Dịch vụ công trực tuyến đăng ký, cấp biển số xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng kiểm, hải quan, thuế, công an giúp cắt giảm được thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe đối với xe nhập khẩu, giảm các giấy tờ phải nộp, thông tin phải điền của chủ xe); dịch vụ công toàn trình Đổi giấy phép lái xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy khám sức khỏe của các cơ sở khám chữa bệnh thông qua hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an giúp giảm thời gian, thủ tục xác minh, kiểm tra và giấy tờ phải nộp,…); 02 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” (giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của nhóm khai sinh từ tổng số 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; nhóm khai tử từ tổng số 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc),… Một số thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (99,98%), Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (86,97%), Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (90,6%)... Trong đó, riêng việc cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 (Chi tiết tại Phụ lục III) đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Mặt khác, đã hoàn thành việc kết nối 63/63 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, 21/21[2] Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với VNeID thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, công dân Việt Nam có thể đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Đồng thời, công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để chuẩn hóa, làm sạch các tài khoản dịch vụ công khi đăng nhập. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 14.898.369 tài khoản điện tử, trong đó có hơn 10 triệu tài khoản điện tử của cá nhân đã được chuyển đổi từ tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia sang sử dụng tài khoản VneID. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã kết nối các hệ thống do Văn phòng Chính phủ triển khai như: Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao,… với VNeID thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương đăng nhập, sử dụng tài khoản VNeID để thực hiện nhiệm vụ trên hệ thống nghiệp vụ. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực trực tuyến kể từ ngày 01/7/2024 theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Phiên họp chuyên đề để đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện VNeID và giải pháp chuyển đổi sử dụng một loại tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay, đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%), trung bình 01 ngày có hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng VNeID.
Phòng Kiểm soát TTHC
Tin liên quan
- Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa
- Văn phòng Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
- Tỉnh Đắc Lắc thông qua phương án phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính lĩnh vực y tế
- Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai công bố Danh mục 25 thủ tục hành chính lĩnh vực khám chữa bệnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế
- Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên môi trường điện tử và quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia