Thông tin cải cách hành chính tháng 10/2020

08/10/2020 | 15:32 PM

 | 

TIN BÀI VIẾT 1. Tình hình triển khai nhiệm vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP.

 

- Từ năm 2015, Bộ Y tế đã sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử V.Office kết nối với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và một số đơn vị y tế thuộc các Bộ/Ngành khác (có 1.228 đơn vị sử dụng). Phần mềm đã kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. 100% các văn bản của Bộ được xử lý trên môi trường điện tử.

- Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai phiên bản mới của Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử V.Office (Gọi là phiên bản version 2.0), ngoài các chức năng duy trì của Hệ thống version 1.0, Hệ thống version 2.0 được tích hợp hồ sơ công viêc, trình, ký số và phát hành văn bản trực tiếp trên Hệ thống. Đồng thời version 2.0 cũng được phát triển phiên bản ký số trên thiết bị Ipad.

- Bộ Y tế đã hoàn thành kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo đúng quy định của Chính phủ; đồng thời đã nâng cấp, bổ sung 07 quy trình nghiệp vụ: gửi/nhận, gửi/nhận trạng thái, thu hồi, từ chối/trả lại, cập nhật, thay thế văn bản điện tử theo hướng dẫn của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

- Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý  sử dụng, khai thác Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử tại Cơ quan Bộ Y tế thay thế cho Quy chế được ban hành tại Quyết định số 5242/QĐ-BYT, ngày 08/12/2015. Hiện đang xin ý kiến góp ý của 20 đơn vị thuộc Bộ.

- Triển khai sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số cho Hệ thống trên máy tính và IPad; 100% Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ được cấp và đang sử dụng chữ ký số (USB Token và SimPKI) để phê duyệt văn bản. Tỷ lệ văn bản được ký số trên hệ thống văn bản điện tử đạt 100%. (371) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

2. Tình hình triển khai nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

- Bộ Y tế đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 106 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm, dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, môi trường y tế, khoa học công nghệ, đào tạo, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS; đến ngày 15/11/2020 có 1479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Như vậy Bộ Y tế đảm bảo hoàn thành tích hợp, thực hiện 30% DVC trực tuyến lên Cổng DVC Quốc gia theo chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

- Các DVC của Bộ Y tế đã tích hợp lên Cổng DVC Quốc gia đều thực hiện đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính.

- Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phải kết nối 8 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực An toàn thực phẩm, Dược phẩm, Khám chữa bệnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020. Tiến độ thực hiện đến ngày 15.11.2020 như sau:

+ Thủ tục Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối với Cổng thông tin một cửa Quốc gia và thực hiện cơ chế 1 cửa từ năm 2016.

+ Nhóm TTHC Kê khai/kê khai lại giá thuốc: đã hoàn thành.

+ 06 TTHC còn lại đều đã được xây dựng thành DVC trực tuyến mức độ 4 và đưa vào sử dụng từ năm 2019 trở về trước; hiện nay đang được bổ sung thêm chức năng để thực hiện kết nối với Cổng DVC Quốc gia; sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2020 theo yêu cầu.

- Các TTHC của Bộ Y tế đều được xem xét, điều chỉnh lại quy trình thực hiện để có thể số hóa, xây dựng thành DVC trực tuyến.

- Cổng dịch vụ công Bộ Y tế khai trương từ tháng 11/2019. Đến ngày 15/11/2020 đã có 310DVCTT mức độ 4; 5.258 tài khoản đăng ký sử dụng, 17.722 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý qua Cổng dịch vụ công Bộ Y tế đã thực hiện tích hợp thanh toán với Cổng DVC Quốc gia; đang thực hiện khai thác, sử dụng nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng DVC Quốc gia. (433) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

3. Xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông vận tải để thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

- Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-BYT ngày 28/2/2020 về việc triển khai thực hiện liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe;

- Ngày 26/6/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2703/QĐ-BYT về việc ban hành Đề án triển khai thí điểm xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông vận tải theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

- Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn và triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe từ 01/4/2020 tại các cơ sở thí điểm của Thành phố Hà Nội (03 cơ sở) và tại tỉnh Hà Nam (08 cơ sở). Tính đến ngày 31/10/2020, tổng số cấp giấy khám sức khỏe lái xe và liên thông lên cơ sở dữ liệu quốc gia là 7.342 phiếu.

- Khó khăn trong quá trình triển khai Đề án là cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe chưa rõ; kinh phí triển khai chưa được Bộ Tài chính cấp (Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính 02 công văn đề nghị bố trí kinh phí), do vậy, thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 triển khai trên toàn quốc vào đầu năm 2021 là không thực hiện được như yêu cầu. (275) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

4. Tích hợp thanh toán dịch vụ y tế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai một số công việc tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVC Quốc gia (Cổng DVCQG), Bộ Y tế đã thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

- Gửi văn bản chỉ đạo 04 Sở Y tế các tỉnh/thành phố: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh và 06 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, Nội tiết Trung ương, Mắt Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kết nối thanh toán trên Cổng DVC Quốc gia.

- Làm việc với các Bệnh viện trực thuộc Bộ và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ thống nhất được giải pháp, kết nối cho các bệnh viện.

- Chỉ đạo 03 bệnh viện (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thực hiện nâng cấp, bổ sung các chức năng cần thiết, thực hiện tích hợp để thanh toán trực tuyến thí điểm thông qua nền tảng thanh toán của Cổng DVC QG đối với một số loại phí dịch vụ y tế trong tháng 11 năm 2020. Xây dựng kế hoạch tổ chức tổng kết sau khi hoàn thành thí điểm tại 03 bệnh viện, triển khai nhân rộng thanh toán phí dịch vụ y tế thông qua nền tảng của của Cổng DVC QG đối với tất cả các bệnh viện ở các thành phố lớn. (268) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

5. Tình hình triển khai chuẩn hoá, điện tử hoá báo cáo; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo; kết nối, tích hợp hệ thống thông tin báo cáo, Trung tâm chỉ đạo, điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ

- Bộ Y tế đã chuẩn hóa mã định danh các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và xây dựng mã định danh người bệnh; đang thực hiện việc tích hợp các hệ thống thông tin của Ngành Y tế.

- Bộ đang thực hiện tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin nhằm khai thác sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có, đồng thời tăng cường khả năng bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm hoạ, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn an ninh của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

- Bộ Y tế đã kết nối, tích hợp tất cả 5 chỉ tiêu (gồm: Số bác sĩ/vạn dân; Số giường bệnh/vạn dân; Chỉ số hài lòng người bệnh nội trú; Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm; Tỷ lệ chất thải y tế từ các bệnh viện được xử lý theo quy định và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp chỉ tiêu Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý) và kết nối, cung cấp thông tin về dịch bệnh COVID-19 phục vụ chỉ đạo hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (243) (0,5)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

6. Tình hình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ Y tế đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như sau:

  • Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai yêu cầu của Chính phủ kịp thời, Cụ thể như: Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 02/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; Công văn số 3614/BYT-CNTT ngày 25/6/2019 của Bộ Y tế gửi các bệnh viện, trường trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ đẩy mạnh thanh toán điện tử; Công văn số 4764/CNTT-BYT ngày 16/8/2019 của Bộ Y tế gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm phí giao dịch điện tử trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt,…

  • Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành Y tế.

  • Khảo sát đánh giá tình hình và tổ chức triển khai thí điểm thanh toán dịch vụ y tế.

  • Xây dựng Cổng hỗ trợ thanh toán điện tử trong ngành Y tế.

Đến nay, đã có 20 bệnh viện trực thuộc Bộ đã triển khai thanh toán điện tử; tại các địa phương, theo số liệu thống kê được cuối 2019, tỷ lệ bệnh viện triển khai khoảng 41%. Tại TP Hà Nội: Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ y tế công tại các đơn vị thuộc ngành y tế Hà Nội hiện ước khoảng 50% trong tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Hiện tại có gần 30% các đơn vị đã phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ, trọng tâm là thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ.

Khó khăn: phí giao dịch một lần cao trong khi một bệnh nhân phát sinh nhiều hơn một giao dịch; Bệnh viện phải chịu số tiền phí giao dịch này trong chi phí này chưa được đưa vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; nhận thức và thói quen của bệnh nhân về thanh toán điện tử còn chưa cao; nhiều bệnh viện, việc triển khai chưa được đồng bộ hết trong cả quy trình khám chữa bệnh, người dân vừa dùng thẻ thanh toán vừa phải dùng tiền mặt gây bất tiện cho người bệnh; người bệnh không dùng được thẻ của ngân hàng khác hoặc thẻ đó không dùng đi khám ở bệnh viện khác được. (447) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

7. Tình hình triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025:

- Ngày 23/6/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 954/KH-BYT về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực y tế năm 2020. Hiện nay các đơn vị của Bộ Y tế đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Lãnh đạo Bộ.

- Ngày 29/7/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3348/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

- Ngày 20/8/2020, Bộ Y tế đã gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (Công văn số 4436/BYT-VPB6). Trong đó, Bộ Y tế đã hoàn thiện và gửi báo cáo Văn phòng Chính phủ Danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

- Sau khi được tham dự Hội nghị tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Quảng Ninh ngày 08-09/10/2020, Bộ Y tế đã mời chuyên gia về tập huấn cho toàn bộ thành viên Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ tại Ninh Bình ngày 13/10/2020. Hiện nay, các cán bộ đầu mối của Vụ, Cục đang tập trung thống kê, tính chi phí tuân thủ 620 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế trên phần mềm do Văn phòng Chính phủ xây dựng.

- Ngày 30/10/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Báo cáo số 1721/BC-BYT về phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 29 điều kiện kinh doanh, 162 thủ tục hành chính và đề xuất sửa đổi: 02 Luật, 08 Nghị định, 03 Thông tư  và 01 Thông tư liên tịch. (415) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

 

8. Tình hình triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ

- Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, ngày 05/9/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BYT về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế.

- Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7892/QĐ-BYT công bố danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận tại bộ phận Một cửa cấp cục và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Ngày 14/5/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế; Ngày 07/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2004/QĐ-BYT về việc kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế.

- Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Quyết định số 5476/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế (thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ).

- Ngày 05/6/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-BYT thành lập Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Y tế; Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 20/7/2020 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang tổ chức cải tạo trụ sở Bộ phận Một cửa tại Bộ Y tế. Dự kiến khai trương trong Quý IV/2020.

- Bộ Y tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào ngày 13/11/2019 (https://dichvucong.moh.gov.vn), người dân, doanh nghiệp có thể truy cập để nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ trực tuyến đồng thời gửi phản ánh kiến nghị đến bộ phận tiếp nhận để xử lý theo đúng thời hạn và quy định. Đã hoàn thiện Hệ thống Một cửa điện tử của Bộ Y tế. (433) (1)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế

9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Khám bệnh, chữa bệnh và triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử

Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện.

a. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh và các chuyên gia công nghệ thông tin đã thực hiện thành công việc kết nối liên thông giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội trên phạm vi cả nước. Đến nay đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện, 704 Trung tâm y tế huyện; 710 trung tâm y tế cơ quan xí nghiệp và 11.105 Trạm y tế xã, phường trên cả nước với nhau. Như vậy, đã có khoảng 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, và con số này có thể biến động thông qua số liệu các tỉnh gửi và số hồ sơ được giám định trực tuyến.

Có 10 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không dùng bệnh án giấy; 25 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện.

b. Y tế từ xa

Trong giai đoạn trước đây, Bệnh viện Bạch Mai (BV hạt nhân) triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 11 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh/thành phố (Bệnh viện Đa khoa: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Xanh Pôn – Thành phố Hà Nội); Bệnh viện Việt Đức (BV hạt nhân) triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 7 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh/thành phố (Bệnh viện Đa khoa: Hà Giang, Quảng Ninh,  Ninh Bình, Thái Bình, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang). Bộ Y tế đã bổ sung thêm các bệnh viện hạt nhân (Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,...) tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh theo Quyết định số 774/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai Dự án Telemedicine đến các bệnh viện hạt nhân còn lại thuộc Đề án Bệnh viện vệ tinh.

Đặc biệt, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động y tế từ xa trợ giúp. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai tư vấn khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân thông qua nền tảng VOV Bacsi24 do Đài tiếng nói Việt Nam xây dựng.

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có giao cho ngành y tế “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT Phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với mục tiêu “Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.”

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Viettel đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.  Ngày 25/09/2020, Bộ Y tế tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế triển khai nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Hiện nay, 27 bệnh viện tuyến trung ương, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có một số bệnh viện của nước bạn Lào (02 bệnh viện) và Cam-pu-chia (01 bệnh viện) tham gia vào Đề án.

c. Triển khai bệnh án điện tử

Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì mỗi người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án.

Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 đến 20 năm tùy từng trường hợp.

Như vậy, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cho phép việc lập hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, cho đến năm 2018 trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định hồ sơ bệnh án điện tử chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ bệnh án điện tử.

Cùng với sự phát triển của công nghệ nói chung, sự hoàn thiện cơ sở pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, góp phần hiện đại hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện ttại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay có 09 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thế thay bệnh án giấy (như bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa khu vực An Giang, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng khám Đa khoa Anh Quất, Bệnh viện đa khoa Quang Khởi).

d. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh

Có 4 hệ thống robot nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại là robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa. Một số bệnh viện lớn đã trang bị robot trong phẫu thuật, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh có cơ hội được chăm sóc sức khỏe với nhiều kỹ thuật hiện đại trong y khoa. Hệ thống phẫu thuật vận hành từ xa dưới sự điều khiển của các bác sĩ một cách chính xác, linh hoạt, an toàn và mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Một số bệnh viện đã trang bị robot như: Bệnh viện Việt Đức (năm 2012, Robot Renaissance), Bệnh viện Nhi Trung ương (năm 2014), Bệnh viện Bình Dân (năm 2016, robot Da Vinci), Bệnh viện Bạch Mai (năm 2017, Robot Mako và Rosa), Bệnh viện Chợ Rẫy (năm 2017, robot Da Vinci).

Lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư (IBM Watson for oncology gắn với tên tuổi lớn toàn cầu) tại Bệnh viện K (năm 2017), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018), Quảng Ninh (năm 2018); ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; trong hỗ trợ tư vấn – chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện – đang được các doanh nghiệp nghiên cứu thử nghiệm như FPT, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú (cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử sụng thuốc).

đ. Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ngành Y tế đã có kế hoạch 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như tỉnh Phú Thọ, Bình Dương,…

e. Y tế cơ sở

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ Trưởng Bộ Y tế. Hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20.

Ngành Y tế cũng đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế quốc gia, hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế. (1913) (4)

Phòng KSTTHC –Văn phòng Bộ Y tế



Tin liên quan