Thông tin Cải cách hành chính tháng 11/2020

15/11/2020 | 15:36 PM

 | 

12. Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng chữ ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa

 

Ngày 05/12/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài có chứng thư số được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa; tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng sử dụng chữ ký số, cung cấp giải pháp chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.

Loại tiêu chuẩn áp dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động (Mobile PKI), theo mô hình ký số từ xa (Remote signing) gồm 07 loại: Tiêu chuẩn mật mã và chữ ký số; Tiêu chuẩn thông tin dữ liệu; Tiêu chuẩn chính sách và quy chế chứng thực chữ ký số; Tiêu chuẩn giao thức lưu trữ và truy xuất chứng thư số; Tiêu chuẩn kiểm tra trạng thái chứng thư số; Tiêu chuẩn bảo mật cho HSM quản lý khóa bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Tiêu chuẩn hệ thống thiết bị quản lý khóa bí mật, chứng thư số và tạo chữ ký số của khách hàng

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Thông tư này với quy định của Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước về cùng một tiêu chuẩn liên quan đến sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số do các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp trong cơ quan nhà nước thì áp dụng quy định của Thông tư này./.​ (434) (1)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    13.   TP.HCM: 100% hồ sơ thủ tục hành chính y tế được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đến nay đã triển khai 21 thủ tục trên cổng dịch vụ công chung của thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc rà soát, đề ra các giải pháp cải cách hành chính trên cơ sở tiếp thu kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã triển khai 21 thủ tục trên cổng dịch vụ công chung của thành phố.

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, để hướng dẫn trực tiếp các loại hồ sơ phức tạp, cần cập nhật các quy định mới hoặc cần chuyển đổi văn bản giấy thành điện tử, Sở đã đưa vào hoạt động Phòng Hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay trong khuôn viên Sở.

So với các đặc thù riêng ngành y, hiện cổng dịch vụ công chung của TPHCM vẫn chưa cho phép bổ sung tùy biến để có thể nhập các dữ liệu mang tính chất đặc thù của ngành. Vì vậy, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Từ đó, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành và chính thức hoạt động từ tháng 1/2019. Trước đây, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khá thấp, dưới 20%, hiện nay, Sở Y tế TPHCM đã đưa tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tại cổng dịch vụ công trực tuyến ngành y tế lên 100%. Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng máy tính, thiết bị di động có nối mạng internet đều có thể đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến ở bất cứ đâu. 

Sở Y tế TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ công tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ dịch vụ công của sở để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu. Ứng dụng này hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu hồ sơ cho dù đang ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Khi có thông báo “trả kết quả”, người dân, doanh nghiệp đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công để lấy hồ sơ, hoặc được bưu điện giao tận nhà nếu có đăng ký dịch vụ bưu chính công ích.

Đối với bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, ứng dụng này giúp giảm dần hiện trạng tiếp xúc trực tiếp với cán bộ để tránh nhũng nhiễu, giảm những khoản chi phí không chính thức. Thông qua đó, tăng sự gắn kết giữa Sở Y tế với người dân và doanh nghiệp, tăng niềm tin đối với việc giải quyết thủ tục hành chính công của sở, góp phần tăng chỉ số cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế nói riêng và của TPHCM nói chung./. (514) (1,5)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    14. Thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực trang thiết bị y tế:  Gần 16.700 trang thiết bị y tế đã được công khai giá

Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 169/NĐ-CP ngày 31/12/2018 sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo các quy định hiện hành, việc đầu tư trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung về đấu thầu trang thiết bị y tế để giúp các đơn vị thực hiện đầu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đăng tải kết quả đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế

(https://congkhaiketquathau.moh.gov.vn) để các đơn vị, địa phương tham khảo. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 01/10/2020 nhằm tăng cường quản lý công tác đầu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế.

Nhằm thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã giao Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nghiên cứu, xây dựng và vận hành Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế nhằm giúp cho thị trường trang thiết bị y tế nước ta ngày càng minh bạch, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngày 09/9/2020, Bộ đã khai trương Cổng điện tử công khai giá bán trang thiết bị y tế để các đơn vị kinh doanh trang thiết bị y tế tại Việt Nam thực hiện việc công khai giá niêm yết trang thiết bị y tế, làm cơ sở cho các đơn vị, bệnh viện tham khảo khi lập kế hoạch đầu tư, mua sắm. Cổng điện tử công khai giá bán với đầy đủ cấu hình, tính năng kỹ thuật và thông tin liên quan để các đơn vị, cơ sở y tế tham khảo, xác định giá dự toán khi xây dựng yêu cầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ việc công khai giá, doanh nghiệp sẽ đăng ký và được cấp tài khoản để tự thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý các thông tin đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế. Việc xây dựng, quản lý phương án công khai giá tham khảo trên cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp cập nhật. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế sẽ tra cứu trên cổng điện tử của Bộ Y tế.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc công khai giá trang thiết bị y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã làm việc với các chuyên gia các lĩnh vực rà soát, chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế để thống nhất thực hiện.

Theo báo cáo của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, tính đến 8h30 ngày 19/11/2020, tổng số trang thiết bị y tế đã công khai trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế là: 16.659, trong đó, số thiết bị y tế đã công khai là 2.153; số vật tư y tế đã công khai là 11.758; số lượng trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai là 2.748. Như vậy, đến nay thiết bị y tế đã công khai giá được khoảng 70%; vật tư y tế công khai giá được khoảng 60-70%; trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai giá được khoảng 50%.

Việc công khai, minh bạch giá niêm yết trang thiết bị y tế có ý nghĩa thiết thực, giúp cho các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện đầu tư mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị và đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường trang thiết bị y tế. (740) (1,5)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

   15.   Năm lĩnh vực được công khai tại Cổng công khai y tế

Ngày 20/11/20, cổng công khai giá dịch vụ của ngành y tế bắt đầu mở tại địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn. Đây là một nỗ lực nhằm công khai, minh bạch các thông tin giá cả, chi phí dịch vụ, thiết bị y tế để góp phần ngăn chặn đẩy giá trong ngành y tế. Tại cổng thông tin này, người dân và doanh nghiệp có thể tìm thấy các thông tin công khai trong 5 lĩnh vực sau:

1. Dược và mỹ phẩm: công khai giá thuốc lưu hành và giá thuốc đấu thầu, công khai các doanh nghiệp sai phạm, vi phạm. Tính đến ngày 20/11/2020, công khai 60.228 thông tin giá thuốc bán buôn dự kiến kê khai, kê khai lại; 41.389 giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế.

2. Trang thiết bị y tế: công khai giá đấu thầu, giá niêm yết của các thiết bị y tế, vật tư y tế và sinh phẩm hóa chất. Tính đến ngày 20/11/2020: công khai trên 15.000 thông tin giá thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán và thông tin kết quả trúng thầu.

3. An toàn thực phẩm: công khai thông tin về các sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành và đã được thu hồi, công khai về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng và các vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm này. Tính đến ngày 20/11/2020: công khai trên 28.000 thông tin về thực phẩm chức năng được cấp giấy phép tiếp nhận công bố, 2.700 thực phẩm chức năng có giấy xác nhận nội dung quảng cáo và công khai các xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

4. Khám và chữa bệnh: công khai giá khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và giá niêm yết các dịch vụ tại các cơ sở y tế. Tính đến ngày 20/11/2020, công khai 1.900 hạng mục giá khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và công khai đánh giá theo 83 tiêu chí, thông tin niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh của trên 1.490 cơ sở khám chữa bệnh và 16.000 cơ sở y tế liên quan trên toàn quốc.

5. Hành chính công: công khai kết quả xử lý thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Tính tới ngày 20/11/2020, có hơn 500 kết quả.

Cổng công khai y tế được kỳ vọng không chỉ giúp người dân cập nhật kịp thời những chính sách, giá cả trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế mà trên cơ sở đó giám sát được hoạt động cung cấp dịch vụ y tế của ngành y tế cũng như phản ánh những bất cập. Nó giúp ngành y tế giám sát các doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, từ đó giúp hoàn thiện, nhất quán giá cả trong việc đấu thầu... (491) (1)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    16.   Minh bạch hoạt động cấp phép trang thiết bị y tế

Chiều 18/11/2020, Bộ Y tế đã công bố Quyết định 4353/QĐ-BYT thành lập Hội đồng tư vấn, cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế. Việc thành lập Hội đồng này nhằm minh bạch hoá và công khai toàn bộ hoạt động cấp phép trang thiết bị y tế. Đây là một trong những cải cách mà Bộ Y tế đang thực hiện rất quyết liệt, nhằm tăng cường công khai, minh bạch hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế.

Theo Quyết định số 4353/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Hội đồng tư vấn, cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế có 17 thành viên. GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có bộ phận giúp việc là Thư ký hội đồng đặt tại Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế. Tổ trưởng Tổ thư ký là ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn cấp mới, gia hạn số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; Tư vấn cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế với mục đích thương mại từ ngày 1/5/2021. (226) (0,5)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

  

 17.   Sở Y tế TPHCM: Nỗ lực cải thiện cung ứng dịch vụ công trong công tác khám chữa bệnh

Sáng 30/10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, chương trình hành động số 18-CTrHĐ/TU của Thành ủy TPHCM và phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021-2030.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin: những năm qua Sở Y tế TPHCM đã nỗ lực cải thiện cung ứng dịch vụ công trong công tác khám chữa bệnh của ngành y tế, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Từ đầu năm 2019, ngành y tế TP triển khai mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 24 trạm y tế quận, huyện, tiêu biểu như ở Bệnh viện huyện Củ Chi. Các bệnh viện TP đã triển khai mô hình khoa vệ tinh đặt tại bệnh viện quận huyện; triển khai phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận huyện đặt tại trạm y tế, tiêu biểu như Bệnh viện quận Thủ Đức, Tân Phú, quận 2.

Ngành y tế cũng chủ động nắm bắt những ý kiến không hài lòng của người bệnh ngoại trú khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, bằng cách lắp các ki-ốt khảo sát nhanh sự hài lòng của người bệnh. Sau 3 năm, từ phản ánh của người bệnh, các bệnh viện đã cải thiện đáng kể về thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, thái độ giao tiếp của nhân viên y tế, bảo hiểm y tế, cải tạo xây mới nhà vệ sinh, mở rộng bãi giữ xe… Với bệnh nhân nội trú, sở cũng khảo sát trải nghiệm của người bệnh qua phần mềm, từ đó thái độ của nhân viên y tế nội trú được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, ngành y tế TP cũng được đánh giá cao với phần mềm tra cứu nơi khám chữa bệnh, giúp người dân dễ dàng lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp khi có nhu cầu; phần mềm trực tuyến tiếp nhận ý kiến người dân ngay khi nghi ngờ hay phát hiện dấu hiệu vi phạm; phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện (370) (1)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    18.   Sở Y tế Thái Bình: 100% thủ tục hành chính được thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Những nhiệm vụ trọng tâm ngành Y tế Thái Bình đã và đang thực hiện là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và khám chữa bệnh...

Theo Sở Y tế Thái Bình, hiện nay có 131 thủ tục hành chính của ngành Y tế đang được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong đó, 93 thủ tục được thực hiện trực tuyến. Những tháng gần đây, số hồ sơ, thủ tục giải quyết trực tuyến tăng lên đáng kể. Riêng tháng 9, số thủ tục thực hiện trực tuyến đạt 72%, vượt chỉ tiêu được giao 32%. 3/11 lĩnh vực có số thủ tục thực hiện nhiều nhất là khám chữa bệnh với 53 thủ tục, dược phẩm với 29 thủ tục và y tế dự phòng 21 thủ tục. 9 tháng đầu năm, ngành đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đã giải quyết được hơn 1.550 hồ sơ, còn hơn 70 hồ sơ đang giải quyết.

Sở Y tế đã bố trí chuyên viên Văn phòng Sở Y tế làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong các thủ tục được thực hiện ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thủ tục được thực hiện nhiều nhất là cấp chứng chỉ hành nghề y, dược; cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược. Trước kia khi chưa thực hiện “5 tại chỗ” thì cuối ngày cán bộ sẽ mang hồ sơ về cơ quan, mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi nhưng hiện nay hàng ngày cán bộ chuyên môn ra giải quyết nên nhanh hơn, giảm thời gian đi lại giữa cán bộ tiếp nhận và cán bộ chuyên môn; những thắc mắc của người giao dịch được cán bộ chuyên môn giải đáp kịp thời.

Thời gian trước, nếu muốn làm thủ tục chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, người dân phải đến Sở Y tế và phải qua rất nhiều phòng, ban thì bây giờ thủ tục được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nên rất thuận lợi. Thời gian giải quyết thủ tục nhanh chóng, cán bộ tiếp nhận còn hướng dẫn nhiệt tình đối với những thủ tục phải thực hiện trực tuyến.

Theo Sở Y tế Thái Bình, hiện có 100% thủ tục hành chính của Sở được thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch. Sở cũng triển khai hệ thống thông tin tiếp cận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thành lập tổ công nghệ thông tin văn phòng với nhiệm vụ cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Mặt khác, các đơn vị trong ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh, góp phần cải cách cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Ngoài những kết quả đạt được nói trên, công tác cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như:  kết quả giải quyết cải cách thủ tục hành chính công mức độ 3 và 4 còn thấp, có một số lĩnh vực không phát sinh hồ sơ do người dân chưa có thói quen sử dụng trực tuyến mà muốn đến trực tiếp để làm cải cách thủ tục hành chính công; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của một số người dân hạn chế; một số trường hợp vẫn quen với giao dịch tại bộ phận một cửa... Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, ngành Y tế Thái Bình đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: tiếp tục cải cách cải cách thủ tục hành chính bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng; thường xuyên rà soát, sửa đổi các cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa sự phối hợp và trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan, đơn vị đối với các thủ tục liên thông. Bên cạnh đó, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và giải quyết cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu khi thực hiện các cải cách thủ tục hành chính; chuẩn hóa các quy trình nội bộ, quy trình điện tử và thực hiện tốt việc giải quyết cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Với những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và khám chữa bệnh... của ngành Y tế Thái Bình đã và đang thực hiện, chúng ta tin tưởng công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế của ngành Y tế Thái Bình sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp. (946) (2)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    19.   Sở Y tế Lâm Đồng: Nhiều đột phá trong cải cách hành chính

Trong toàn tỉnh Lâm Đồng, năm 2019, Sở Y tế Lâm Đồng là đơn vị thứ hai sau UBND thành phố Đà Lạt áp dụng xây dựng chấm điểm chỉ số cải cách hành chính nội bộ cho các đơn vị trực thuộc với những nội dung, tiêu chí phù hợp theo lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ của ngành, đồng thời vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chung trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh... là những nhiệm vụ trọng tâm ngành Y tế đã và đang thực hiện, triển khai đồng bộ tất cả các nội dung của chương trình cải cách hành chính. Sở Y tế xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng trên 6 nhiệm vụ trọng tâm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. 

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, việc thực hiện tốt cải cách hành chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác và đặc biệt là giảm phiền hà cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế, để phục vụ chăm sóc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với sự chỉ đạo mạnh mẽ trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính của lãnh đạo Sở Y tế, đặc biệt tập trung cao trong 6 tháng cuối năm đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng mọi mặt công tác của ngành Y tế tỉnh và có sự thay đổi rõ rệt một số nội dung so với năm trước. Cụ thể: ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính trong ngành; theo dõi kết quả thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính kết hợp hướng dẫn các đơn vị thực hiện; kịp thời đề nghị UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. 

Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên một cửa điện tử từ 54% (năm 2018) tăng lên 100% năm 2019. Sử dụng email công vụ tăng từ 61% (năm 2018) lên 100% năm 2019. Tỷ lệ phát hành văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật và các văn bản khác theo quy định) từ 10% (năm 2018) lên 71% năm 2019. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3 và mức độ 4 trong năm 2019 nhận được 240 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai văn phòng điện tử eoffice, gửi nhận văn bản trên trục liên thông của tỉnh đến tất cả các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng với 46 tài khoản. Xây dựng bảng chấm thí điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2019 thực hiện chấm thí điểm chỉ số cải cách hành chính 23/23 đơn vị. 

Mục đích xây dựng bảng chấm điểm chỉ số cải cách hành chính giúp cho các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng thấy rõ những ưu điểm, những tồn tại, hạn chế của đơn vị mình trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính để kịp thời đề ra những biện pháp triển khai thực hiện cho phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Phần lớn các đơn vị đã tổ chức đánh giá tại đơn vị mình đúng quy trình thời gian theo quy định, góp phần tích cực cho việc đánh giá chỉ số trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng.

Năm 2020, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính để các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc cải cách hành chính. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể, các cấp lãnh đạo và người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác cải cách hành chính của mỗi đơn vị và của ngành y tế; đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thường xuyên đối với các đơn vị trong ngành; tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính, tinh thần thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế: tăng cường công tác tuyên truyền về giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm 2020, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 48, 49 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính, nhất là cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Hiện đại hóa hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành, tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị đáp ứng yêu cầu theo quy định. Bình xét thi đua khen thưởng theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính đối với tập thể và cá nhân. (1246) (2,5)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    20.   Hải Phòng: Công tác cải cách hành chính của ngành Y tế có nhiều đột phá

Ngành Y tế Hải Phòng xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giảm phiền hà tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành hiện nay.

Tại Quyết định số 1091/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính năm 2019, Ngành Y tế thành phố đã có bước đột phá từ vị trí thứ 5 năm 2018 vươn lên vị trí thứ 2 với 91,16 điểm. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành thời gian qua. 

Theo Sở Y tế, hàng năm, căn cứ chỉ đạo của thành phố và Bộ Y tế, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính với những nội dung cụ thể. Ngành Y tế thành phố đã từng bước triển khai thực hiện đồng bộ việc cải cách hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định; công khai các nội dung thủ tục hành chính được Bộ Y tế đồng thời thường xuyên tập huấn cho các đơn vị. Để vươn lên thứ 2 về cải cách hành chính khối các sở, ban, ngành của thành phố, chỉ tính riêng từ năm 2015- 2019, Sở Y tế đã cung cấp 26 dịch vụ mức độ 3 và 3 dịch vụ công mức độ 4, số hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ khoảng 25%, đồng thời đã triển khai 4 sáng kiến, trong đó: 3 sáng kiến của các phòng thuộc Sở, 1 sáng kiến của đơn vị. Theo quy định của Trung ương, thành phố về tinh gọn bộ máy, Sở Y tế đã nghiêm túc tổ chức thực hiện.

Năm 2019, 16 đơn vị trung tâm y tế hạng 3 với bệnh viện hạng 3 đã được hợp nhất thành 8 Trung tâm y tế. Riêng Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được sát nhập vào Bệnh viện Phục hồi chức năng trực thuộc Sở Y tế; Phòng Tài chính cũng đã được hợp nhất với Phòng Kế hoạch thành phòng Kế hoạch – Tài chính, giải thể 2 ban quản lý dự án. Hiện nay, số lượng phòng chuyên môn của Sở đảm bảo đúng quy định. Cùng với đó, đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố Đề án thành lập Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị gồm: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế cũng đã xây dựng Đề án số 01/ĐA-SYT về tinh giản biên chế. Đơn vị đã thực hiện việc tinh giản theo quy định. Trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, đã có 100% các bệnh viện triển khai mạng LAN và phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định BHXH.

Đặc biệt, việc triển khai thí điểm Hồ sơ bệnh án điện tử tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế công nhận. Bắt đầu từ 1/9/2019, Bệnh viện chính thức sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Sở cũng đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu 100% các nhà thuốc trên địa bàn thành phố lên Cổng thông tin Dược quốc gia; triển khai phần mềm Văn phòng điện tử của UBND thành phố. 100% các văn bản gửi nhận trên phần mềm đều có có chữ ký số theo đúng quy định. Hiện tại, 24/41 đơn vị đã được cấp chữ ký số để gửi văn bản trên hệ thống phần mềm. Các đơn vị còn lại đang được chờ để được tiếp tục cấp chữ ký số.

Đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt, toàn thành phố Hải Phòng đã có 5 cơ sở khám chữa bệnh công lập lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) để thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bao gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng. Sở Y tế Hải Phòng cũng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 về lĩnh vực trang thiết bị y tế từ năm 2017. Các doanh nghiệp kê khai trực tiếp trên phần mềm và chuyển khoản thanh toán nộp phí, không dùng tiền mặt. Ngoài ra, Sở đang triển khai các ứng dụng phần mềm chuyên ngành của Bộ Y tế như: Phần mềm Quản lý tiêm chủng, phần mềm Quản lý Giám sát bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý tai nạn thương tích, phần mềm quản lý cán bộ; duy trì cập nhật thường xuyên tiến độ xử lý hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Với việc quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tin tưởng ngành y tế Hải Phòng trong năm 2020 và những năm tiếp theo công tác cải cách hành chính của ngành sẽ đạt nhiều kết quả khả quan. (953) (2)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    21.   Sở Y tế Kon Tum: Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, Sở Y tế tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn ngành, góp phần làm cho bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Theo Sở Y tế Kon Tum, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ngành Y tế tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; hiện đại hóa nền hành chính; cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Qua triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ngành Y tế tỉnh kiểm soát quy định về thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, bổ sung các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các quy định hành chính; tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính. Đặc biệt, năm 2019, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh trình thường trực HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 19/2019/NQ-HĐND quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Việc cập nhật, công khai thủ tục hành chính tại trụ sở, trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Cổng thông tin điện tử tỉnh được thực hiện theo đúng quy định. Các thủ tục hành chính rõ ràng, niêm yết khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện. Trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngành Y tế tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Về cải cách tổ chức bộ máy, ngành Y tế tỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn; thực hiện nghiêm túc quy định về Quy chế văn hóa công sở của công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế; giảm biên chế hành chính.

Về hiện đại hóa nền hành chính công, ngành Y tế tỉnh triển khai có hiệu quả các phần mềm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffce) điện tử; kế toán; quản lý công sản; quản lý nhân sự; quản lý khám chữa bệnh; thanh toán bảo hiểm y tế; quản lý thông tin cơ sở y tế; hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và xã ứng dụng có hiệu quả phần mềm quản lý khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với Cổng giám định Bảo hiểm Y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cổng dữ liệu của Bộ Y tế; trên 90 % dân số của tỉnh được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe lên phần mềm và 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh kết chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, ngành Y tế tỉnh coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng chống tham nhũng để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện và giám sát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là công chức, viên chức giải quyết công việc liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, thiết thực của tổ chức và công dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu theo quy định.

Về công tác cung ứng dịch vụ công, ngành Y tế tỉnh phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện, thành phố; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của nhân viên trạm y tế tuyến xã.

Ở công tác quản trị môi trường, ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung chỉnh trang hạ tầng hiện có, đáp ứng các nội dung xanh – sạch – đẹp; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đối với việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm chế độ tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; đánh giá công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý xác thực, phù hợp, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá; đẩy mạnh việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; tiến hành chuyển đổi, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 được phê duyệt; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh.

Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các đơn vị y tế trong tỉnh Kon Tum không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác mà còn giảm phiền hà cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. (1075) (2,5)

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

    22.   Ngành y tế Bình Phước: Đột phá, sang tạo trong cải cách hành chính

Sở Y tế Bình Phước là đơn vị điểm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Tỉnh ủy. Nhằm hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao, đơn vị đã xác định: Việc thực hiện tốt cải cách hành chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác; đặc biệt giảm phiền hà cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, cũng chính là nhiệm vụ ngành y tế tỉnh đang thực hiện. Sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo Sở Y tế trong thực hiện cải cách hành chính thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng mọi mặt công tác của ngành y tế tỉnh Bình Phước.

Trong 3 năm (2018-2020) đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính, ngành y tế Bình Phước đã có những đột phá, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đạt những kết quả tích cực. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện Sở Y tế có 144 thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% thủ tục được công bố mức độ dịch vụ công cấp độ 3 và 4; đã bãi bỏ 46 thủ tục, ban hành mới 56 thủ tục hành chính.

Bên canh việc cắt giảm, rút gọn quy trình và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thì việc tinh gọn bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cấp và đưa vào sử dụng quy mô bệnh viện từ 300 lên 600 giường bệnh là những điểm đột phá trong thực hiện cải cách hành chính của ngành y tế Bình Phước.

Thực hiện tinh gọn bộ máy, thời gian qua ngành y tế Bình Phước đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện ngành y tế Bình Phước có 3.152 cán bộ, công chức, người lao động, trong đó 188 người trình độ sau đại học, 748 người trình độ đại học. Theo Sở Y tế Bình Phước: Sau khi thực hiện Đề án 999 của Tỉnh ủy, ngành y tế đã giảm được 29 đầu mối. Trong đó, tuyến tỉnh giảm 7 đầu mối gồm 3 phòng thuộc sở và 4 trung tâm; tuyến huyện giảm 19 đầu mối, gồm 11 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình và 8 phòng y tế. Tổng số khoa, phòng, trạm y tế giảm sau sắp xếp tổ chức bộ máy là 37. Số công chức, viên chức lãnh đạo giảm 74 người. Trong đó, đã giảm 17 giám đốc, 14 phó giám đốc, 17 trưởng khoa, 6 trưởng phòng, 6 trưởng phó khoa, 12 phó trưởng phòng, 1 trưởng trạm, 1 phó trưởng trạm y tế. Tính đến ngày 31-12-2019 đã giảm 252 biên chế. Trong đó, biên chế hành chính giảm 4 người, biên chế sự nghiệp giảm 158 người, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giảm 90 biên chế. Dự kiến giảm chi thường xuyên năm 2018, 2019 và năm 2020 hơn 74 tỷ đồng. 

Với nhu cầu thực tế về khám chữa, bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, trong khi khối lượng công việc hành chính và chuyên môn ngày càng nhiều, ngoài nâng cao chất lượng nhân sự, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khám, chữa bệnh. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế Bình Phước đã phối hợp Tập đoàn VNPT tại tỉnh Bình Phước xây dựng và phát triển tổng thể ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-VNPT HIS, gồm các hệ thống: Quản lý bệnh viện, quản lý y tế cơ sở, thanh - quyết toán bảo hiểm y tế toàn dân, quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm. Đơn vị cũng triển khai ứng dụng phần mềm cung ứng thuốc đến các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đạt 70%. Ứng dụng khai báo y tế toàn dân Ncovi phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khám chữa bệnh, ngành y tế Bình Phước đã thực hiện hiệu quả, đúng quy trình và đúng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ ngày 19/5, 2 quầy thủ tục hành chính của Sở Y tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Trung bình mỗi tháng quầy tiếp nhận khoảng trên 100 hồ sơ. Các hồ sơ mà quầy tiếp nhận qua mạng hay trực tiếp đều giải quyết tại chỗ hoặc chuyển về Sở Y tế để xử lý kịp thời, không để người dân và doanh nghiệp chờ lâu. Hiện Sở Y tế Bình Phước đã áp dụng các phần mềm điện tử từ khâu tiếp nhận hồ sơ, khâu trình ký văn bản và hồ sơ đều thông qua phần mềm và sử dụng chữ ký số nên tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp đều được xử lý kịp thời, không để trễ hạn… (975) (2)                                                      

Phòng KSTTHC – Văn phòng Bộ Y tế

 



Tin liên quan