Thông tin CCHC tháng 8: Kết quả cải cách thực hiện quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thông qua việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

16/08/2021 | 15:44 PM

 | 

 

         Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, đến nay, đã có 59/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; chất lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã từng bước có sự cải thiện và tăng đều qua mỗi năm (Từ 2017 – 2020, tăng từ 94,1% lên 95,9%, tỷ lệ trễ hẹn giảm xuống còn 4,09%). Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động của bộ phận một cửa, ngày 27 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 468/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Đề án này hiện đang được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (cụ thể: (1) Gắn kết việc số hoá và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; (2) Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; (3) Mở rộng việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; (4) Tăng cường xã hội hóa, nâng cao tính chủ động trong tổ chức thực hiện cơ chế một cửa của Bộ, ngành, địa phương; (5) Đổi mới việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới trong phân tích dữ liệu).

         Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thanh toán trực tuyến đã được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, do đó, đã gia tăng về giá trị tiền và số lượng hồ sơ điện tử được xử lý. Việc tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính trước khi triển khai trên môi trường điện tử được chú trọng hơn đã giúp tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, cung cấp 226 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và hơn 2.811 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có thêm 289 nghìn tài khoản đăng ký mới (tăng 150% so với cùng kỳ), 177 triệu lượt truy cập (tăng 400% so với cùng kỳ), 35 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 269% so với cùng kỳ), 817 nghìn hồ sơ trực tuyến (tăng hơn 200% so với cùng kỳ), 81 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng 165% so với cùngkỳ) (trong đó có 1.522 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp). Một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác này như: Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bình Phước, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tập đoàn điện lực ViệtNam,…Các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, trong đó chú trọng thực hiện đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Trong giai đoạn 2017 – 2020, tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính tăng dần qua mỗi năm, từ 80,9% lên 85,48%, trong đó, thứ hạng về mức độ hài lòng của 05 yếu tố  cung cấp dịch vụ công năm 2020 được người dân, doanh nghiệp đánh giá như sau: (1) Hài lòng về kết quả dịch vụ nhận được đạt 89,73%; (2) Hài lòng về thủ tục hành chính đạt 88,45%; (3) về việc tiếp cận dịch vụ đạt 87,41%; (4) về cán bộ, công chức đạt 86,53%; (5) về tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị đạt 73,7%) (840. 2).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.



Tin liên quan