MỘT SỐ HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023[1]

20/07/2023 | 09:41 AM

 | 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế là:

Về cải cách QĐKD: Việc cập nhật QĐKD hiện hành đã được các bộ, ngành thực hiện trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD, nhưng vẫn cần phải rà soát thường xuyên bảo đảm cập nhật đầy đủ, công khai kịp thời, chính xác để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước. Số QĐKD chậm công khai vẫn chiếm tỷ lệ cao, 11,60% trên tổng số QĐKD đã cập nhật vào hệ thống; việc cập nhật quy định dự kiến ban hành trong dự thảo VBQPPL, kết quả rà soát và phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD trên Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD vẫn rất ít; tỉ lệ số QĐKD được soát, tính chi phí tuân thủ theo biểu mẫu điện tử trên Cổng tham vấn tra cứu QĐKD phục vụ xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD thấp so với tổng số QĐKD của từng Bộ, việc thực hiện còn hình thức, cụ thể:18,19% TTHC; 26,84% tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 25,81% yêu cầu, điều kiện; 35,11% chế độ báo cáo; 25,28% thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 37,97% quy định cấm chưa soát. Một số Bộ có số QĐKD chưa soát cao như: Bộ Công Thương (47,58%); Bộ Công an (62,5%); Bộ Giáo dục Đào tạo (52,08%); Bộ Khoa học Công nghệ (72,31%) Bộ Tài nguyên Môi trường (47,14%). Số QĐKD chưa tính chi phí tuân thủ còn nhiều15 (26,8% tiêu chuẩn, quy chuẩn; 5,2% chế độ báo cáo; 1,2% thủ tục kiểm tra chuyên ngành) nên chưa xác định được tỉ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ theo yêu cầu của Chính phủ; việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, thậm chí một số Bộ vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ; việc tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá QĐKD cũng như xây dựng quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo VBQPPL chưa thực hiện rộng rãi, thường xuyên. Số dự thảo VBQPPL và số QĐKD dự kiến ban hành được đưa lên tham vấn tỉ lệ vẫn còn thấp. Ý kiến góp ý và vướng mắc, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp gửi trên Cổng tham vấn tra cứu QĐKD chưa được quan tâm phản hồi; Hiệp hội, doanh nghiệp nhiều khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về QĐKD nhưng chưa được các bộ,quan nghiên cứu, tổng hợp, theo dõi, thường xuyên trao đổi, thảo luận giữa các bên liên quan để sớm có giải pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, phản hồi hoặc giải trình cho hiệp hội, doanh nghiệpngười dân.

          Trong cải cách việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công: việc công khai, minh bạch thông tin trong thực hiện TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm, nhất là việc công bố, công khai TTHC và đồng bộ, công khai tiến trình giải quyết hồ sơ TTHC của các bộ, ngành, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận thông tin và thực hiện TTHC của các địa phương, người dân, doanh nghiệp; mặc dù số lượng DVCTT và số hồ sơ trực tuyến tăng cao nhưng chất lượng cung cấp DVCTT còn thấp, thậm chí có trường hợp đến 98% hồ sơ trực tuyến của một số bộ, ngành xử lý quá hạn; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; số lượng hồ sơ trực tuyến ở nhiều địa phương do cán bộ, công chức hỗ trợ người dân là chủ yếu; mức độ DVCTT chưa đảm bảo trong quá trình cung cấp, đặc biệt là các DVCTT công bố toàn trình nhưng thực chất theo quy định vẫn phải thực hiện kiểm tra, đánh giá, thẩm định điều kiện trực tiếp tại cơ sở (ví dụ: các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động) hoặc yêu cầu người dân hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc thực hiện quy trình trước mặt cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết (ví dụ: đăng ký kết hôn); việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa thực hiện nghiêm túc việc thường xuyên kiểm tra, định kỳ hàng tháng công bố, công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC chậm trễ, gây phiền hà theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

          Nguyên nhân: Nguyên nhân của hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu (thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; thiếu chủ động trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị; chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, việc tuân thủ kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; thiếu sự gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan là do thiếu cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong triển khai quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng tham vấn và tra cứu QĐKD như một công cụ để thúc đẩy cải cách thể chế thực chất, hiệu quả.

 

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ

 

[1] Báo cáo số 4909/BC-VPCP ngày 3/7/2023 của Văn phòng Chính phủ