MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG TRIỂN KHAI CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG VÀ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN MÔI TRƯỜNG ĐIỆN TỬ TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG[1]

20/07/2023 | 09:47 AM

 | 

 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2023, Chính phủ đã đánh giá, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, trong đó có nội dung quan trọng về đẩy mạnh cải cách TTHC và siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xác định trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, chuyển đổi số,…

Trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp mộ số kết quả đã thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:

Trong quý II, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích cực triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;... Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành xây dựng, ban hành Quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm TTHC: “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”;   phối hợp với Bộ Công an đưa vào vận hành thí điểm phần mềm dịch vụ công liên thông, kết nối với phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Nam; báo cáo Lãnh đạo Chính phủ đồng ý công bố triển khai 02 nhóm TTHC liên thông triển khai trên toàn quốc từ ngày 10/7/2023.

Triển khai đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện công khai kết quả đánh giá các bộ, ngành địa phương trên Cổng DVCQG theo đúng dữ liệu đã được bộ, ngành, địa phương tích hợp, đồng bộ để người dân, doanh nghiệp theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Việc thường xuyên đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG theo thời gian thực sẽ góp phần vào quá trình minh bạch hóa thông tin, nâng cao trách nhiệm giải trình và thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.

Về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp DVCTT, đẩy mạnh giao dịch thanh toán trực tuyến và chứng thực điện tử,…. Trong quý, Cổng DVCQG đã có trên 2,23 triệu tài khoản đăng ký, trên 28 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 5,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, trên 6,15 nghìn hồ sơ trực tuyến, trên 3,83 triệu giao dịch thanh toán với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cổng DVCQG đã cung cấp hơn 4.400 DVCTT; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

 

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ

 

[1] Báo cáo số 5159/BC-VPCP ngày 11/7/2023 của VPCP