MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG CỦA CHÍNH PHỦ NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2023

20/07/2023 | 09:40 AM

 | 

Cải cách nền hành chính quốc gia là một trong những chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thể chế về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua đó từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách và nâng cao hiệu quả phân phối, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính. Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 01 dự án Luật, 02 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 nghị định, 03 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 39 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó, có một số văn bản quan trọng như: Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% (giảm từ 10% xuống còn 8%) đối với nhiều nhóm hàng hóa từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, quy định về 04 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế năm 2023, thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT và thủ tục gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN, tiền thuê đất năm 2023; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; quy định gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2023; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, theo đó, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; mức giảm thuế gia tăng đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ,...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để nghiên cứu điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí.

Triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các bộ ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng tài sản công góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình tổ chức thực thi các nhiệm vụ công vụ. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó có đề xuất các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công và rà soát, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đẩy mạnh triển khai kết nối dữ liệu vào Kho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc chủ động, theo đó đã đạt được những kết quả cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35.49% kế hoạch (đạt 37.85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 31.61% kế hoạch và đạt 34.47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: vốn trong nước là 261.619,0 tỷ đồng (đạt 36.03% kế hoạch và đạt 38.53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là 30.562 tỷ đồng (đạt 27.1% kế hoạch giao); vốn nước ngoài là 6.006,2 tỷ đồng (đạt 27.1% kế hoạch).

Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện các giải pháp về quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trên cơ sở nguyên tắc quản lý nợ công là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Theo đó, đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công 2023 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023 - 2025.

Về đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ Tài chính đang tích cực rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; báo cáo Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội để hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: (i) Luật thay thế Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; (ii) Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (thay thế Nghị định số 148/2017/NĐ-CP), Nghị định cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ Nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03; (iii) sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP; (iv) Nghị định số 36/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, trong đó tập trung đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa để triển khai thực hiện.

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ