TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU ĐỀ NGHỊ BÃI BỎ 01 THỦ TỤC HÀNH HÀNH CHÍNH THUỘC LĨNH VỰC DƯỢC VÀ ĐỀ NGHỊ CẮT GIẢM THÀNH PHẦN HỒ SƠ 01 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC AN TOÀN THỰC PHẨM

21/07/2023 | 09:51 AM

 | 

Tại Công văn số 2433/SYT-VP ngày 24/7/2023 của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Y tế đề nghị thực hiện rà soát bãi bỏ 01 thủ tục hành hành chính thuộc lĩnh vực Dược và đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ 01 thủ tục hành chính lĩnh vực An toàn thực phẩm. Cụ thể:

Thủ tục đánh giá đáp ứng Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc

Nội dung đơn giản hóa: Bãi bỏ thủ tục hành chính

Lý do: theo căn cứ tại Điều 5 Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 của Bộ Y tế, quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc:

“Hồ sơ làm căn cứ để đánh giá đáp ứng GPP đối với cơ sở bán lẻ thuốc là hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (được nộp khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cơ sở bán lẻ thuốc không phải nộp thêm hồ sơ này) thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật dược và Điều 32 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược”

Như vậy, khi cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì cơ quan quản lý phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt của cơ sở, nếu đạt yêu cầu thì cấp đồng thời Giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cho cơ sở (có thời hạn 03 năm) cùng với Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (không có thời hạn).

Do đó, thủ tục hành chính “Đánh giá đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” không còn mà thay vào đó được lồng ghép trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nhưng hiện nay lại đang được quy định thành 02 thủ tục độc lập trong Luật Dược.

Kiến nghị thực thi: tỉnh đề nghị bãi bỏ thủ tục hành chính này trong Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực Dược.

          Thủ tục Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Nội dung đơn giản hóa: Bãi bỏ quy định phải có Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đưa vào yêu cầu điều kiện có Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ sơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại cơ sở).

Lý do: Việc bãi bỏ thành phần này trong hồ sơ sẽ tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thẩm quyền vẫn kiểm tra việc chấp hành quy định về sức khỏe trên thực tế tại cơ sở và vẫn tuân thủ nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm tại điều 3 Luật an toàn thực phẩm; trong thời gian tới, có thể sử dụng Giấy xác nhận đủ sức khỏe của các cá nhân được tích hợp, chia sẻ từ dữ liệu dân cư theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ điểm d khoản 1 điều 36 Luật an toàn thực phẩm.

Lộ trình thực hiện: khi được tích hợp, chia sẻ từ dữ liệu dân cư theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Lợi ích của phương án đơn giản hóa: Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 687.575.812 đ; Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 618.275.812 đ; Chi phí tiết kiệm: 69.300.000 đ; Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 10%.

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ