Một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế

16/07/2014 | 03:13 AM

 | 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã sửa đổi, bổ sung 27/52 điều và đã bám sát những quan điểm tư tưởng của Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã sửa đổi, bổ sung 27/52 điều và đã bám sát những quan điểm tư tưởng của Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, như sau:

1.      Quy định bắt buộc tham gia BHYT.

Luật hiện hành quy định từ ngày 01/01/2014 các đối tượng quy định trong Luật BHYT ”có trách nhiệm” tham gia BHYT, chưa ”bắt buộc” tham gia BHYT và như vậy người dân không tham gia cũng không có chế tài xử phạt và rất khó để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định: 1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện

Việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội (kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công BHYT cho thấy, chỉ áp dụng nguyên tắc bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân). Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

Để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB), đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình mình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.

2.      Quy định tham gia BHYT theo Hộ gia đình (HGĐ) và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

  Tham gia BHYT theo hộ gia đình là hình thức mà các Quốc gia hiện nay đang thực hiện để bao phủ chăm sóc sức khỏe. Luật BHYT hiện hành đã quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng chưa quy định bắt buộc 100% thành viên phải tham gia nên tính tuân thủ chưa cao, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT.

  Để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định trách nhiệm của UBND cấp xã lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT theo HGĐ thay cho quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng theo hình thức cá nhân. Bài học sau 3 năm thực hiện BHYT vừa qua đã cho thấy quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình là một cách rất hiệu quả để tăng mức độ bao phủ, với những lợi ích rất rõ ràng:

- Quy định này sẽ giúp cho việc đăng ký, quản lý các nhóm đối tượng thống nhất, không bỏ sót và tránh được cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

- Khi tham gia theo Hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

3.      Bổ sung đối tượng tham gia BHYT

- Để bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng trước pháp luật và thống nhất việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong hệ thống, dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT và giao Chính phủ quy định lộ trình tham gia BHYT phù hợp với đặc thù của lực lượng này.

  - Bổ sung đối tượng người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN mua thẻ BHYT.

4.      Về cấp thẻ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi

  - Bổ sung quy định: Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 31 tháng 8 của năm đó.

- Bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã: Chậm nhất 03 tháng kể từ ngày trẻ sinh ra UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.

5. Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả

Luật BHYT hiện hành quy định phạm vi quyền lợi BHYT đầy đủ, toàn diện, không giới hạn dịch vụ y tế được cung cấp dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được chi phí KCB BHYT.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.”

6. Phạm vi quyền lợi BHYT

  Luật BHYT hiện hành quy định một số dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán BHYT quy định tại Điều 23 còn chưa hợp lý như: quỹ BHYT không thanh toán đối với trẻ em bị cận thị, tật khúc xạ của mắt nặng cần can thiệp, điều trị; một số quy định rất khó thực hiện trong thực tế như quy định về thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông do thủ tục, thời gian xác định có vi phạm pháp luật hay không nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Để khắc phục vấn đề này, dự thảo Luật trình Quốc hội:

- Bãi bỏ quy định quỹ BHYT không thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi;

- Bãi bỏ “Khoản 10. Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích và Khoản 12. Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra” vì không nên dùng chính sách BHYT để hạn chế quyền lợi đối với những trường hợp này.

7.        Mức hưởng bảo hiểm y tế

Luật BHYT hiện hành quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết, phẫu thuật tim mạch…) do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện.

Nhằm giảm gánh nặng chi phí KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng. Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định theo hướng:

7.1 Nâng mức hưởng BHYT của:

- Thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí KCB; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%

Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.

7.2 Bổ sung quy định:

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.

7.3 Sửa đổi quy định thanh toán trong trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán như sau:

- 20% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương,

- 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh,

- 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi quyền lợi khi khám bệnh, chữa bệnh.

7.4  Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện đa khoa huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi không có bệnh viện đa khoa huyện; người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi không có bệnh viện đa khoa huyện được quyền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên cùng địa bàn huyện không coi là trái tuyến, vượt tuyến

7.5. Bổ sung quy định

Bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

8. Về phân bổ sử dụng, quản lý và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT

   Mục đích của quỹ BHYT là chia sẻ rủi ro và bản chất của nó là nhân đạo, nhân văn nên cần duy trì một quỹ quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực, kinh phí kết dư của các địa phương được chuyển toàn bộ về quỹ dự phòng để điều tiết chung trong phạm vi cả nước, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng.

   Thực tế, chi phí y tế thường biến động khó lường; việc điều chỉnh mức đóng không phải dễ thực hiện vì có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có chi phí sản xuất, tiền lương của các doanh nghiệp, khả năng ngân sách của nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm không có khả năng đóng BHYT, vì vậy, nếu hằng năm quỹ BHYT có kết dư thì nên tích lũy, đầu tư tăng trưởng, dự phòng để chi tiêu cho các năm sau và để điều tiết trong phạm vi toàn quốc tránh xảy ra tình trạng thiếu quỹ BHYT cục bộ. Đây cũng là mô hình quản lý quỹ BHYT ở nhiều nước phát triển thực hiện sau khi đã đạt được BHYT toàn dân và đã chuyển từ mô hình đa quỹ sang giai đoạn quản lý theo mô hình đơn quỹ.

Vì vậy, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định:

- Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm, sau khi được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán thì phần kinh phí chưa chi hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung.

- Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm, sau khi được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung 80% số bội chi từ nguồn quỹ dự phòng trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ nguồn ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức, kiểm soát, quản lý và sử dụng quỹ BHYT./.


Trích: Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật về Y tế số 02 tháng 06/2014


Thăm dò ý kiến