Bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dân số cấp cơ sở

25/09/2019 | 22:10 PM

 | 

Bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dân số cấp cơ sở

 Song song với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, trong thời gian gần đây, ứng dụng CNTT vào công tác dân số tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thoại Sơn, An Giang được quan tâm, đẩy mạnh với việc triển khai phần mềm ứng dụng Mis trong công tác chuyên môn và quản lý dân số. Ngoài các phần mềm thông thường như soạn thảo văn bản, bảng tính, truy cập email, đến nay các xã, thị trấn đã ứng dụng phần mềm chuyên ngành dân số. Nhờ vậy, tại xã Định Thành công tác tổng hợp báo cáo, số liệu chuyên môn gửi về tuyến huyện hàng tháng được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng như: số hộ, tình trạng đi đến, số người chết, phụ nữ 15-49 sử dụng biện pháp tránh thai, tỷ số giới tính khi sinh, nhân khẩu, trẻ sinh,…

Với sự kiên trì, bền bỉ và cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ các cấp đặc biệt là các cán bộ dân số xã và cộng tác viên (CTV) dân số thôn, bản, đến nay ngành Dân số đã có được một hệ thống kho dữ liệu tương đối lớn và chi tiết.

Kho dữ liệu điện tử DS - KHHGĐ dùng để tổng hợp, tra cứu các số liệu DS - KHHGĐ; đăng nhập vào chương trình người sử dụng nhằm khai thác thông tin cá nhân từ giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, tình trạng hôn nhân, tình trạng cư trú, tình trạng tàn tật… đến các thông tin về sức khỏe sinh sản của phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng, như: sử dụng biện pháp tránh thai, mang thai, sinh con bao nhiêu lần, nạo phá thai…Đặc biệt, phần mềm còn giúp sử dụng khai thác thông tin một cách chính xác, hiệu quả về DS - KHHGĐ và các số liệu báo cáo dân cư theo nhu cầu của người dùng như: Dân số chia theo giới và địa bàn dân cư, dân số và biến động dân số chia theo địa bàn dân cư, danh sách công dân từ 18 tuổi trở lên, trẻ em đến tuổi vào lớp 1..…

Tác dụng lớn nhất của phần mềm này là mỗi khi có sự biến động về dân số, các CTV, cán bộ dân số sẽ không phải sao chép thủ công, bổ sung thông tin từ sổ mới sang sổ cũ hoặc ngược lại, tránh được nhiều sai sót. Đối với hộ có biến động về nhân khẩu, cộng tác viên chỉ cần rút tờ thông tin của hộ đó trong cuốn sổ, chỉnh sửa gửi về Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Sau khi cập nhật, Trung tâm sẽ in ra tờ mới gửi lại để CTV dân số cặp vào vị trí cũ. Điểm tiện dụng nữa của hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử là nếu như trước đây chỉ có CTV dân số nắm rõ từng con người cụ thể tại địa bàn của mình, thì bây giờ cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ ở tuyến huyện, tỉnh đều có thể kiểm tra, theo dõi từng con người cụ thể từ tên, tuổi, năm sinh, quan hệ gia đình, dân tộc, trình độ văn hoá, tình trạng cư trú... ở bất cứ địa phương nào trong tỉnh. Đặc biệt, với những phụ nữ có chồng được theo dõi thêm thông tin về các biện pháp tránh thai hiện đại để KHHGĐ, chăm sóc SKSS. 

Khó khăn, trở ngại cho việc ứng dụng CNTT đó là thói quen và quy trình quản lý. Mặc dù có hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet, nhưng thông tin trao đổi qua mạng chưa nhiều, vẫn phải dùng văn bản giấy để chỉ đạo tổ chức thực hiện, báo cáo công việc chứ chưa áp dụng phương thức quản lý bằng hệ thống CNTT. Nhiều cán bộ dân số cấp xã chưa sử dụng máy tính thông thạo trong công việc.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ứng dụng CNTT ở cấp xã, thị trấn vào công tác Dân số cần phải có một lộ trình dài hạn và giải pháp tổng thể mà các ngành chức năng của huyện cần quan tâm, hỗ trợ cho cơ sở. Một trong các mục tiêu ứng dụng CNTT cho công tác Dân số của huyện đến năm 2020 là các xã, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối internet phần mềm Mis theo tài liệu phần mềm HIS- YTCS An Giang  tháng 6 năm 2019 và QĐ số: 1272/QĐ-UBND An Giang ngày 26/4/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Thoại Sơn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Để thực hiện việc kết nối liên thông văn bản điện tử thông suốt từ cấp tỉnh-huyện đến cấp xã” cần có kế hoạch ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính dân số, ứng dụng phần mềm Mis dân số trong giai đoạn sắp tới tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cấp xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Với việc nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, viên chức dân số cấp xã, việc triển khai ứng dụng CNTT về dân số ở cấp xã sẽ được thông suốt, hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, để công tác dân số góp phần xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước./.

Nguồn: Tổng Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình


Thăm dò ý kiến