Ngành Y tế Quảng Ninh chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần: Cần sự chung tay của cộng đồng

22/09/2019 | 21:36 PM

 | 

Những năm qua, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần (BVSKTT) tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa, phòng bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trong tỉnh và các vùng lân cận.

Những năm qua, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần (BVSKTT) tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa, phòng bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trong tỉnh và các vùng lân cận.

Bác sĩ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp.

Bệnh viện BVSKTT tỉnh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II, hiện quy mô 280 giường bệnh (thực kê 380 giường); 14 khoa, phòng chức năng; 136 cán bộ, nhân viên, người lao động. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho trên 21.000 lượt bệnh nhân, trong đó có trên 5.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người bệnh, Bệnh viện tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực điều trị tâm thần, như kỹ thuật phục hồi chức năng - tâm lý trị liệu, đo điện não đồ video,... Từ đầu năm nay, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ để điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, đây là một trong những kỹ thuật mới, chuyên sâu của chuyên khoa tâm thần.

Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện đã quản lý, điều trị cho hơn 1.700 lượt bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp, gần 4.400 lượt bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng rượu. Để điều trị và quản lý những bệnh nhân này là hết sức khó khăn, nguy hiểm, trong khi hành lang pháp lý chưa có quy định cụ thể. Bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy, Trưởng Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện (Bệnh viện BVSKTT tỉnh), cho biết: Bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp, bia rượu ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng loạn thần, hưng phấn, có hành vi hung dữ, tấn công người khác vì có ý tưởng bị theo dõi, bị truy hại; bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm dẫn đến có ý tưởng và hành vi tự sát. Cũng có trường hợp bệnh nhân gây áp lực với gia đình và bệnh viện để được ra viện, hoặc đập phá cửa ra vào, trèo tường để trốn ra ngoài. Một số gia đình bệnh nhân không hợp tác, bỏ mặc bệnh nhân; một số bệnh nhân có mối quan hệ thân nhân và bạn bè xã hội phức tạp, nên khi vào viện chăm sóc, thăm hỏi, không chấp hành các nội quy...

Từ đầu năm 2019, Bệnh viện triển khai kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ để điều trị cho bệnh nhân trầm cảm. Ảnh: Minh Hạnh (Bệnh viện BVSKTT tỉnh)

Từ năm 2008, Bệnh viện được giao thêm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần lang thang, vô thừa nhận. Hiện Bệnh viện quản lý, chăm sóc 44 bệnh nhân lang thang (trong và ngoài tỉnh), hầu hết không tự phục vụ, nên nhân viên Bệnh viện phải túc trực 24/24 giờ chăm sóc bệnh nhân từ ăn, uống thuốc, vệ sinh cá nhân... trong điều kiện hết sức khó khăn, nguy hiểm.

Dự án BVSKTT cộng đồng được Bệnh viện triển khai từ năm 2000, tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Qua đó, quản lý bệnh tâm thần phân liệt (2.092 bệnh nhân), bệnh động kinh (1.060 bệnh nhân), bệnh trầm cảm (50 bệnh nhân). Người bệnh được khám chữa bệnh miễn phí, được tư vấn nâng cao nhận thức về bệnh và phục hồi chức năng tâm lý xã hội, giúp tái hòa nhập cộng đồng thuận tiện, tốt nhất ngay tại gia đình và y tế cơ sở; gia đình người bệnh giảm gánh nặng về kinh tế trong điều trị và các hành vi gây rối của bệnh tâm thần.

Hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng, cần được phát hiện sớm và điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, hậu quả cho người bệnh. Bệnh viện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, đẩy lùi quan niệm mê tín dị đoan về bệnh tâm thần. Bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi khám, tư vấn về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe tâm thần, biết cách phát hiện, sớm đi khám, điều trị, không giấu bệnh, không kỳ thị; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên y tế tuyến dưới cách phát hiện bệnh và chăm sóc sức khỏe tâm thần; hỗ trợ chuyên môn cho Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh về kỹ thuật khám và điều trị cho bệnh nhân có rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp...

Bác sĩ của Bệnh viện hỏi thăm, động viên người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện.

Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện BVSKTT tỉnh, cho biết: Dự báo những năm tới, số lượng bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất là liên quan đến việc sử dụng ma túy tổng hợp, rượu bia và các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng. Bên cạnh không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, Bệnh viện mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm khắc phục những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… cho đơn vị. Đặc biệt quan tâm tổ chức khám, sàng lọc phát hiện các bệnh tâm thần tại cộng đồng để sớm điều trị kịp thời.

 


Thăm dò ý kiến