Đề án 1816 là một chủ trương lớn, phải thực hiện lâu dài

15/04/2009 | 05:00 AM

 | 

LTS: Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" là một chủ trương lớn của ngành y tế thể hiện quyết liệt thực hiện chủ đề "Hướng về y tế cơ sở", đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp "giảm tải" các bệnh viện tuyến trên.

Đề án 1816 là một chủ trương lớn, phải thực hiện lâu dài

LTS: Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" là một chủ trương lớn của ngành y tế thể hiện quyết liệt thực hiện chủ đề "Hướng về y tế cơ sở", đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp "giảm tải" các bệnh viện tuyến trên. Trước thềm hội nghị sơ kết thời gian đầu thực hiện triển khai đề án, Bộ trưởng Bộ Y tế, TS. Nguyễn Quốc Triệu đã dành cho báo Sức khỏe & Đời sống cuộc phỏng vấn “nhanh”.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, Đề án 1816 đã triển khai thực hiện qua hơn 2 quý,  xin Bộ trưởng cho biết khái quát những nét "được" và "chưa được"?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Đề án 1816 ra đời trong bối cảnh có sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực (cả về cán bộ, trang thiết bị,...) giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt với miền núi, vùng cao, vùng sâu, xa. Sau hơn 2 quý thực hiện, đã có gần 60 bệnh viện lớn (tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I) cử hơn 800 lượt cán bộ đi luân phiên về hỗ trợ các bệnh viện của 57 tỉnh đang gặp khó khăn, có nhu cầu bức xúc. Những nét "được" thấy rõ như: Khoảng 6.000 bệnh nhân của các địa phương đã được thầy thuốc tuyến trên khám, chữa bệnh trực tiếp; trong đó hơn 300 ca bệnh nặng. Một số tỉnh thống kê số lượt bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm từ 10-30%. Cùng lúc, hơn 2.000 lượt cán bộ y tế địa phương được tập huấn, chuyển giao công nghệ. Nhiều loại trang thiết bị hiện đại sẵn có ở địa phương nay được "khởi động", vận hành hiệu quả hơn. Nói khái quát, Đề án đã có tác dụng thiết thực đóng góp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, người dân các vùng miền được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao "tại chỗ", giảm việc chuyển tuyến, đỡ khó khăn cho người bệnh, cũng là thiết thực đóng góp "giảm tải" ở bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh đó, cũng bộc lộ những cái "chưa được": Một số bệnh viện có nghĩa vụ "cử đi" chưa thật quyết liệt đảm bảo cử đủ người, đúng chuyên môn, đủ thời gian. Một số địa phương "nhận đến" chưa thật mặn mà, hợp tác. Việc cử cán bộ luân phiên được phê duyệt theo mỗi quý, yêu cầu ra quyết định từ ngày 20 tháng cuối quý trước, song thường làm chậm. Xuất hiện những trở ngại, chưa ăn khớp sít sao ở cả hai phía về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ê-kíp phối hợp. Kinh phí phát sinh chưa kịp đáp ứng. Ở góc độ cá nhân người đi, người nhận, đôi chỗ còn khúc mắc, chưa thật thông suốt, hạn chế hiệu suất, hiệu quả làm việc. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích chưa thoả đáng.

PV: Về vấn đề trang thiết bị y tế ở tuyến dưới, Đề án liệu đã tính các phương án bảo đảm cho cán bộ chuyên môn bậc cao đi luân phiên có đủ phương tiện để phát huy khả năng chuyên môn cũng như phục vụ tập huấn chuyển giao công nghệ?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Như vừa nói, Đề án 1816 là một giải pháp tình thế nhằm góp phần khắc phục ngay sự không đồng đều giữa các vùng miền. Khi ban hành Đề án, đã có điều tra cơ bản về khả năng các trang thiết bị của nơi nhận cán bộ luân phiên. Với ý nghĩa một giải pháp tình thế, đặt vấn đề chủ yếu giúp địa phương phát huy trang thiết bị hiện có, nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng. Một số trường hợp, với những trang thiết bị cỡ vừa và nhỏ, không quá phức tạp, bên "cử người đi" có thể gửi theo, dưới hình thức cho mượn, cho thuê, hoặc ủng hộ. Tiếp theo, tuỳ thuộc nhu cầu và trình độ kỹ thuật của địa phương, sẽ dần bổ sung những trang thiết bị phù hợp. Kinh phí từ nguồn bổ sung thường xuyên đã phân bổ hàng năm, có thể thêm phần chi viện đặc biệt của Đề án.

PV: Người được cử  đi luân phiên dẫu sao cũng bị ảnh hưởng ít nhiều đến công việc đang làm, nhiều mối quan hệ hiện hữu, đời sống riêng tư của bản thân, gia đình. Vậy Đề án đã có những thiết chế bù đắp, hỗ trợ, khuyến khích gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Tuy chỉ là một chủ trương cấp Bộ, Đề án 1816 cũng đã đề cập các vấn đề chính sách, chế độ hỗ trợ đi lại, nơi ăn ở, làm việc cho cán bộ đi luân phiên. Theo đó, người thực hiện nhiệm vụ luân phiên trước hết vẫn được bảo đảm đầy đủ các lợi ích như đang tại nơi làm việc, đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại, bảo đảm sinh hoạt tại nơi tiếp nhận. Cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có quyết định khen thưởng của nơi tiếp nhận, sẽ được ưu tiên xét nâng ngạch, bậc lương trước thời hạn, được "cộng điểm" khi xét đề nghị các chế độ khen thưởng hiện hành.

Theo nghĩa "vừa chạy vừa xếp hàng", trên cơ sở thực tế để dần hoàn thiện chính sách, chế độ, Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ những cơ chế đồng bộ, đầy đủ hơn, theo chương trình mục tiêu. Sẽ có các khoản mục thích đáng cho tuyến Trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã. Có phần "cứng" của chế độ chung, đồng thời khuyến khích phần "mềm" chính đáng của các bên đối tác, sao cho đủ "độ" khuyến khích, trong khuôn khổ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

               

 
Bác sĩ BV Bạch Mai luân phiên hỗ trợ chuyên môn tại BV đa khoa tỉnh Yên Bái.
Ảnh: Thúy Nga

PV: Như Bộ trưởng vừa cho biết, trong triển khai thực hiện Đề án 1816, đến nay vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện quyết liệt, chậm trễ đề xuất nhu cầu, phân công cắt cử, chưa nhịp nhàng trong điều hoà phối hợp. Lãnh đạo Bộ đã nhận định nguyên nhân và cho ý kiến giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Đề án 1816 có nhiều nội dung mới. Trong thực hiện buổi đầu, khó tránh khỏi: "Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay,...". Lãnh đạo Bộ nhận định những trục trặc đó là có thực, nhưng chỉ trong giới hạn "vạn sự khởi đầu nan", chưa khi nào và ở đâu đến mức "đèn đỏ". Ngày 9/3 vừa qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã có công văn gửi các Đảng uỷ đơn vị trực thuộc, Sở Y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, đề xuất các định hướng giải pháp. Nhấn mạnh trước hết coi trọng tập trung giải quyết nhận thức, thật sự đổi mới tư duy, coi việc luân phiên hỗ trợ các tuyến địa phương khó khăn là trách nhiệm, nghĩa vụ, không chỉ nhất thời mà sẽ phải tiếp tục lâu dài. Với trách nhiệm chỉ đạo, điều phối chung, Bộ Y tế cũng vừa quyết định thành lập Phòng Luân phiên, luân chuyển và Chỉ đạo tuyến về Đề án 1816 đặt tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Một Phó Cục trưởng chuyên trách, trực tiếp điều hành Phòng. Nhiệm vụ thường quy là hướng dẫn, đôn đốc các bên "tiếp nhận" chủ động tìm hiểu nhu cầu của đối tác, bảo đảm cử đúng người, đủ chỉ tiêu. Rà soát, chuẩn bị trình lãnh đạo Bộ các quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ, phương tiện, kinh phí bảo đảm thực hiện. Theo dõi, lập danh sách những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để động viên, khen thưởng kịp thời.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, ngành tích cực chi viện; các tổ chức Đảng và chính  quyền địa phương các cấp tích cực hưởng ứng, phối kết hợp; với những chấn chỉnh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc toàn ngành, cho phép tôi hy vọng Đề án 1816 sẽ nhanh chóng được phủ kín diện cần thiết. Phục vụ ngay lúc này và tiếp tục một số năm nữa, nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân, đặc biệt với diện rộng nông thôn, miền núi, những vùng cao, vùng sâu, xa đặc biệt khó khăn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn và xin chúc sức khỏe Bộ trưởng!

Hạ Thu Hiền (thực hiện)

 


Thăm dò ý kiến