Đề án 1816 trong chương trình khám, phòng chống bệnh da liễu

15/04/2009 | 05:00 AM

 | 

Để giải quyết nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế đã có những chiến lược phát triển theo các quan điểm của Đảng. Đề án 1816 ra đời đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng KCB cho người dân

Đề án 1816 trong chương trình khám, phòng chống bệnh da liễu

Để giải quyết nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế đã có những chiến lược phát triển theo các quan điểm của Đảng. Đề án 1816 ra đời đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

Giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao

Thực hiện đề án 1816, Đảng ủy và Ban Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến dưới; Tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tại chỗ. Mục đích giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là đề án có ý nghĩa đích thực và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ, nhưng với ý nghĩa thiết thực và giá trị lâu dài của đề án, sau nhiều cuộc họp chuẩn bị và triển khai đề án 1816, bệnh viện đã khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu kỹ thuật cần chuyển giao cho tuyến dưới, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa, vùng có người đồng bào dân tộc, nơi có dịch tễ bệnh cao, trình độ chuyên môn cán bộ còn hạn chế và còn nhiều khó khăn. Bệnh viện đã lập kế hoạch và tổ chức lễ ra quân ngày 19/10/2008 với 3 đoàn cán bộ chuyên môn về các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, với các lĩnh vực chuyên môn cơ bản là khám chữa bệnh phong, da liễu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phẫu thuật.

              

 
Cán bộ bệnh viện tham gia khám bệnh da liễu cho đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum.

Ngay từ đầu, các đoàn công tác đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ rất tốt của các Sở Y tế; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ chuyên môn đến luân phiên và cán bộ của đơn vị trên nền tảng công tác chỉ đạo tuyến trước đó. Hai bên đã có kế hoạch làm việc cụ thể rõ ràng trong 3 tháng xoay quanh vấn đề khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới. Bệnh viện đã cùng cán bộ tuyến tỉnh khám chữa bệnh cho 2.358 bệnh nhân, bệnh viện đã chuyển giao một số kỹ thuật cho tuyến dưới như: Phương pháp “Khám có hình ảnh lâm sàng” để phát hiện người bệnh phong, kỹ năng hướng dẫn tự phòng ngừa tàn tật và vật lý trị liệu – phục hồi chức năng; kỹ năng phát hiện và điều trị phản ứng phong; kỹ năng đánh giá bảng trắc nghiệm cơ, thần kinh và cảm giác; kỹ năng hướng dẫn sử dụng giày chỉnh hình bệnh nhân phong; phẫu thuật lỗ đáo tại cộng đồng, sử dụng laser trong điều trị bệnh da; kỹ năng lấy mẫu và làm xét nghiệm tìm BH (trực khuẩn phong)

Những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án

Một số khó khăn thường gặp ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án 1816: Thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất sẵn có để thực hiện việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sinh hoạt khoa học và đào tạo tại chỗ đặc biệt là phương tiện phục vụ chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như: Kính hiển vi, hóa chất xét nghiệm, máy xét nghiệm các loại...; Đội ngũ bác sĩ tại các trung tâm rất ít lại phải tập trung cho nhiều chuyên khoa khác nhau; thuốc điều trị bệnh chuyên khoa hạn chế; kinh phí hoạt động của các trung tâm có giới hạn; lượng bệnh nhân đến khám còn ít...

Tiếp theo kết quả bước đầu trong 3 tháng cuối năm 2008, năm 2009, bệnh viện đã khảo sát lại nhu cầu kỹ thuật tuyến dưới, lập kế hoạch và tiếp tục cử 28 cán bộ chuyên môn luân phiên về cơ sở để thực hiện đề án 1816 với lĩnh vực khám chữa bệnh về phong, da liễu, phẫu thuật và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dự kiến một số hoạt động và các kỹ thuật sẽ triển khai như sau: Khám và điều trị bệnh nhân da và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; công tác điều dưỡng cho người bệnh và sử dụng thuốc bôi ngoài da trong bệnh da; sử dụng laser trong điều trị một số bệnh da và các kỹ thuật đã áp dụng trong năm 2008. Cấp phát và hướng dẫn sản xuất giày, sử dụng chỉnh hình theo phương pháp nướng xốp; Cách lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tìm BH; Đào tạo và hướng dẫn tại chỗ kỹ năng phẫu thuật lỗ đáo cho bệnh nhân phong tại cộng đồng; Đào tạo, cập nhật kiến thức mới của các bệnh da, phong, lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS cho cán bộ tuyến dưới.

BS. Nguyễn Thanh Tân - Nguyễn Khánh Hòa

 


Thăm dò ý kiến