Điểm tin y tế ngày 06/7/2019

07/07/2019 | 09:16 AM

 | 

      

  1. Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Mới vào đầu hè nhưng dịch sởi và sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội diễn biến khá phức tạp. Theo số liệu của Sở Y tế, đến ngày 12-5, thành phố đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc sởi, đứng thứ hai cả nước, sau TP Hồ Chí Minh về số ca mắc. Bên cạnh đó, có 224 trường hợp bị SXH, tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Có không ít phụ huynh của các em nhỏ theo trào lưu "tẩy chay" vắc-xin, không cho con tiêm phòng sởi, dẫn đến bùng phát dịch. Nguyên nhân SXH chủ yếu do thời tiết đầu hè năm nay nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với mật độ dân số cao, một số khu dân cư, nhà trọ có điều kiện vệ sinh không tốt, tạo thuận lợi cho muỗi, loăng quăng phát triển, dẫn đến tăng số người bị SXH.

Trước tình hình này, chiều tối 14-5, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, SXH trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được ban hành từ đầu năm. Các quận, huyện, thị xã nghiên cứu xây dựng Ðề án chuyên đề về phòng, chống dịch bệnh và triển khai ngay trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường… Ðối với các bệnh nhân đang điều trị, các cơ sở y tế phải bảo đảm cách ly để chống lây nhiễm chéo; đối với những nơi có nguy cơ bùng phát dịch, cần tổ chức phun thuốc. Các quận, huyện, thị xã cần rà soát số trẻ tiêm phòng sởi, bảo đảm 100% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm đủ vắc-xin, đồng thời tổ chức tiêm nhắc lại đối với trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường. Các trạm y tế tăng cường phun thuốc, khoanh vùng các ổ dịch kịp thời để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, mỗi gia đình, người dân cần chủ động thực hiện phòng tránh các bệnh dịch mùa hè. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân chủ động đưa trẻ từ chín tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng sởi. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm từ bệnh viện. Trường hợp mắc sởi nhẹ cần cho trẻ nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất bảy ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người chung quanh. Do sởi dễ lây, không được cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Người lớn chưa tiêm vắc-xin phòng sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

  1. Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên của năm 2019

Theo Sở Y tế Hà Nội, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 tại Hà Nội là một cháu bé 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Bệnh nhi nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Hiện tại tình trạng bệnh đã có diễn biến khả quan.

Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%).Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. “Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong.” – Bác sĩ Hải cho hay.

Bên cạnh đó bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản còn có thể để lại những di chứng thần kinh về sau như khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo Sở Y tế hà Nội, so với năm 2018, ca bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện sớm hơn (năm 2018 ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng 6). Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.

Chính vì thế Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản bởi đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu.Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  1. Số ca mắc sởi chủ yếu chưa được tiêm chủng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến ngày 20-5, Hà Nội ghi nhận 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân mắc rải rác tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã.Không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong.Hiện nay chỉ còn 17 trường hợp đang điều trị.

 

 

Số mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm (trung bình giai đoạn 2014-2018 ghi nhận 254 ca), đặc biệt là giảm mạnh so với năm 2017, năm có dịch lớn (672 ca). 

Theo nhận định, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố ở mức thấp nhưng các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như: Tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...

“Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh này, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh”, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo.

Về bệnh sởi, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.274 trường hợp mắc nhưng chưa ghi nhận ổ dịch lớn, tập trung và chưa có ca bệnh nặng, tử vong.

Bệnh nhân mắc sởi rải rác ở 387/584 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.Người mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhưng chiếm tỷ lệ lớn là chưa được tiêm chủng (dưới 9 tháng và trên 16 tuổi).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (95%-97%), nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3%-5%, tương đương 5.000-8.000 trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Bên cạnh đó, hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động ở nơi khác đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi. Đây là nguy cơ lây lan virus sởi và gây dịch.

  1.  “Né” chích ngừa, người lớn cũng nguy kịch vì mắc sởi

Bệnh sởi không chỉ tấn công trẻ em mà tấn cộng mọi lứa tuổi chưa được được vắc xin bảo vệ. Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi dịch sởi, tuy nhiên số ca bệnh vẫn ở mức cao, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Ngày 20/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị biến chứng sởi rất nặng. Người bệnh là nam công nhân L.M.K. (30 tuổi) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốt cao, co giật, suy hô hấp. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị bệnh sởi gây biến chứng viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, động kinh.  

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía thân nhân người bệnh được biết, từ cuối tháng 4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt nhiều, lên cơn co giật được chuyển vào bệnh viện địa phương điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh mỗi ngày một nặng thêm nên phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 2 tuần điều trị tích cực bằng kháng sinh, tăng cường miễn dịch bệnh nhân đã đáp ứng với thuốc nhưng tình trạng còn khá nặng.

Trường hợp trên là một trong những ca bị biến chứng điển hình do bệnh sởi gây ra do chưa được chích vắc xin phòng bệnh. Dịch sởi đang lưu hành trên diện rộng, tuy nhiên cộng đồng chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh nên còn lơ là trong công tác phòng chống. Với số ca bệnh tang cao từ cuối năm 2018 đến nay, TPHCM hiện đang là điểm nóng của dịch sởi bất chấp nỗ lực triển khai các giải pháp dự phòng của ngành y tế.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tính đến hết tháng 4/2019 toàn thành có gần 3.700 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận ca bệnh nào. Sau khi tăng vọt vào thời điểm đầu năm, hiện bệnh sởi đang có xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm chậm.

Bệnh sởi đang tấn cộng mọi lứa tuổi chưa được chủng ngừa vắc xin. Phân tích tổng số ca nhiễm bệnh cho thấy có tới 14% nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc sởi. Đây là nhóm bệnh nhi chưa đến tuổi tiêm phòng, các bé nhiễm bệnh do người mẹ chưa chủng ngừa sởi nên không nhận được kháng thể trong giai đoạn thai kỳ, sau chào đời cơ thể non nớt của trẻ không được bảo vệ dễ dàng bị sởi tấn công. Nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất chiếm tới 42%; từ 6 đến 15 tuổi chiếm 24%. Đáng lưu ý, tỷ lệ người trưởng thành mắc sởi chiếm tới 20% đây là những người chưa chích ngừa vắc xin phòng bệnh.  

Khi bị sởi tấn công, đa phần bệnh nhân có thể tự khỏi, song trường hợp bệnh nặng gây suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ khiến người bệnh mắc thêm các bệnh cơ hội như viêm phổi, viêm não tủy cấp. Biến chứng viêm phế quản phổi do bội nhiễm sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi sự sống những bệnh nhân có các bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch.

Để ngăn chặn dịch sởi bùng phát, Sở Y tế thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vét vắc xin cho nhóm trẻ chưa được chích ngừa. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng vẫn còn khoảng 15% số trẻ trong độ tuổi chủng ngừa không được phụ huynh cho tham gia tiêm bổ sung, không cung cấp bằng chứng cho thấy trẻ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa bệnh sởi. Số trẻ trên thuộc nhóm nguy cơ rất cao có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh.

Sởi là bệnh rất dễ lây nhiễm, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động phòng ngừa bằng những biện pháp đơn giản như tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Chích vắc xin phòng bệnh là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất giúp cộng đồng tránh được bệnh sởi. Những gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần đưa con em mình đi chích đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi, mũi thứ nhất khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

  1. Sốt vaccine dịch vụ '6 trong 1': Phụ huynh kêu trời vì trung tâm chỉ bán theo combo

Khách hàng có nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ mũi lẻ không thể mua dù trong kho vẫn còn. Thay vào đó, trung tâm chỉ bán theo combo và lúc nào cũng có.

Không bán mũi lẻ vaccine dịch vụ

Sáng ngày 19/5, tại Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (số 1 Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất đông người đưa con đến tiêm vaccine dịch vụ “6 trong 1”. Đây là vaccine ngừa 6 bệnh, gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viên gan B và bại liệt. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng được tiêm.

Chị Nguyễn Thị Yến (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị được 3 tháng tuổi. Theo lịch, bé sẽ tiêm vaccine “5 trong 1” mũi thứ hai. Do lo ngại vaccine “5 trong1” trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên gia đình đưa bé đến đây tiêm vaccine dịch vụ “6 trong 1”. Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết đã hết vaccine dịch vụ “6 trong 1”.Gia đình muốn tiêm vaccine này thì phải chờ vài ngày tới nhưng nhân viên y tế cũng không cho biết đến ngày nào sẽ có.

Đứng bên cạnh, chị Lê Thu Thảo (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cách đây mấy hôm đã cho con đi tiêm vaccine dịch vụ “6 trong 1”. Tuy nhiên, trung tâm cho biết đã hết vaccine này và hẹn đến ngày 19/5 đến tiêm. Đúng hẹn, chị bế con đến nhưng nhân viên y tế cho biết, không có vaccine “6 trong 1” nên chưa thể tiêm cho bé được. “Nắng nóng như thế này cho con ra khỏi nhà đã là cực hình, thế mà còn không có vaccine để tiêm nữa”, chị Thảo nói.

Mua combo, có vaccine ngay

Trong vai người nhà có nhu cầu, phóng viên PNVN hỏi nhân viên của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế về vaccine dịch vụ “6 trong 1”.Nhân viên y tế cho biết, do nhiều người có nhu cầu nên hiện nay loại vaccine này đã hết.Nếu người dân muốn mua thì phải chờ vài ngày nữa.

Tuy nhiên, khi PNVN hỏi về combo tiêm chủng, nhân viên y tế cho biết, trung tâm có nhiều gói tiêm chủng cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Các gói tiêm chủng này có giá dao động từ 6 triệu đồng đến gần 17 triệu đồng, tùy theo số mũi. Trong các gói này, đều có vaccine dịch vụ “6 trong 1”.

Nói rồi, nhân viên này đưa ra bảng giá cho chúng tôi lựa. Theo báo giá, gói tiêm vaccine “6 trong 1” Hexaxim của Pháp thấp nhất là HE4, có giá 5.970.000 đồng với 10 mũi tiêm; gói cao nhất là 16.643.000 đồng với 22 mũi tiêm.

Tương tự, gói tiêm có vaccine “6 trong 1” Infarixhexa của Bỉ thấp nhất là gói 15 với giá 5.970.000 đồng cho 10 mũi tiêm. Cao nhất là gói 12, có giá 16.910.000 đồng với 23 mũi tiêm.

Trả lời câu hỏi của PNVN, nhân viên y tế cho biết nếu mua combo theo các gói này thì có sẵn vaccine và nếu muốn thì tiêm ngay lúc này cũng được. Hơn nữa, mua vaccine theo combo sẽ được ưu tiên rất nhiều. Ví như, khi đưa bé đến tiêm được thăm khám ngay, có số thứ tự ưu tiên, vaccine lúc nào cũng có. “Gia đình xem xét và lựa chọn các gói cho phù hợp.Còn nếu tiêm lẻ thì em không dám hẹn cụ thể hôm nào có đâu”, nhân viên này nói.

Theo tìm hiểu của PNVN, vaccine dịch vụ “6 trong 1” mũi lẻ hiện được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/mũi, tùy theo từng cơ sở y tế. Và hầu hết, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đều bán mũi lẻ và combo.Nhiều gia đình không có điều kiện hoặc chỉ có nhu cầu vaccine “6 trong 1” nên chỉ mua từng mũi một. Tuy nhiên, với việc trung tâm chỉ bán vaccine cả gói thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tiêm cho bé. Vì vậy, để tiêm cho con, một số gia đình tìm đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ khác trên địa Hà Nội, một số thì chấp nhận giải pháp “chờ đợi”.

Trao đổi với PNVN, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết việc nhập vaccine tại các cơ sở  tiêm chủng do Bộ Y tế quyết định. Do đó, việc thừa hay thiếu vaccine dịch vụ thì Sở không nắm được.

6.Nắng nóng khiến nhiều người đột quỵ, tử vong

Đã có ba người tử vong do nắng nóng quá gay gắt những ngày qua tại khu vực miền Bắc và miền Trung.

Cả nước đang oằn mình chịu đựng trận nắng nóng có thể là kinh khủng nhất từ đầu năm đến nay. Nắng nóng gây khó khăn cho mọi mặt trong đời sống người dân, đặc biệt là sức khỏe.

Miền Bắc: Hai người tử vong do nắng nóng

Ngày 18, 19 và 20-5, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ tại Hà Nội tăng, trời nắng nóng gay gắt từ sáng đến chiều. Nhiệt độ cao nhất được dự báo hơn 40 độ C. Thực tế ngoài trời, nhiệt độ có thể lên đến 47 độ C, có nơi nhiệt độ đo được lên đến 60 độ C. Dự báo những ngày tới, tình trạng nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cơ quan khí tượng quốc gia đã phải đưa ra cảnh báo, nắng nóng cực điểm gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ, thậm chí tử vong do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Việc thời tiết thay đổi đột ngột những ngày qua khiến bệnh nhân nhập bệnh viện (BV) cấp cứu liên tục tăng, đa phần là các bệnh do say nắng, đột quỵ, sốt… Thậm chí chiều 18-5, trước cửa nhà một hộ dân trên đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội, một cụ ông khoảng 70 tuổi nằm bất tỉnh. Khi lại gần kiểm tra, mọi người phát hiện cụ ông đã tử vong, nghi sốc nhiệt do nắng nóng.

Trước đó, ngay tại BV Bạch Mai, theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV này, trời nắng nóng cao điểm đã cướp đi tính mạng một bác sĩ nam 31 tuổi. Vị bác sĩ này bị đột quỵ, tử vong khi đi đá bóng.

Ghi nhận vào Chủ nhật 19-5, tại khoa Cấp cứu nội-nhi, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), mỗi ngày khoa này tiếp nhận hơn 20 ca đột quỵ, gia tăng so với những ngày thường.

BS Phạm Thị Như Hoa, khoa Nhi, thông tin từ ngày 19-5, số lượng bệnh nhi nhập BV tăng do thời tiết nắng nóng, chủ yếu các trẻ nhỏ sốt cao 39-40 độ C, sốt virus, viêm phế quản.

Miền Trung: “Chảo lửa” khiến người dân khốn đốn

Những ngày qua, trên địa bàn Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa nắng nóng gay gắt kèm gió Lào thổi bỏng rát. Nắng nóng đỉnh điểm có nơi lên đến 40 độ C, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nông dân.

Trước tình trạng nắng nóng này, người già và trẻ em phải nhập BV khá nhiều. Tại các BV phụ sản-nhi, hầu hết trẻ em nhập BV điều trị vì nắng nóng. Lượng bệnh nhân nhập BV đang tăng cao từng ngày.

Để tránh nắng nóng, nhiều gia đình bật máy lạnh suốt ngày. Gần như không có bóng người vào buổi trưa. Chờ trời tắt nắng, hàng chục ngàn người dân và du khách đổ về biển. Bãi biển đen kịt người vào buổi sáng sớm và cuối giờ chiều.

Ngoài việc thời tiết nắng nóng “kỷ lục” thì người dân Đà Nẵng còn đối mặt với tình trạng thiếu nước diễn ra liên tục.

Tại Huế và Quảng Trị, nắng nóng cũng chưa từng thấy. Theo ghi nhận của PV, nắng nóng bắt đầu từ sáng sớm. Người dân ra đường trong tình trạng bịt kín người. Nắng nóng tại Huế cũng dẫn đến hai vụ cháy rừng liên tiếp tại huyện Phong Điền.

Miền Nam: Bệnh lý hô hấp có xu hướng tăng

TP.HCM đang vào thời điểm nắng nóng ban ngày, cuối ngày có những cơn mưa giúp hạ nhiệt không khí. Ghi nhận tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, tình hình bệnh nhi nhập BV có xu hướng giảm so với tháng trước, đỉnh điểm của nắng nóng. Các bệnh lý về tiêu hóa và hô hấp vẫn chiếm tỉ lệ chủ đạo. Trong đó, thời tiết thất thường làm cho bệnh lý về hô hấp có xu hướng tăng hơn trong khi bệnh lý về tiêu hóa có xu hướng giảm.

Khoa Khám bệnh, BV Nguyễn Tri Phương ghi nhận mấy ngày gần đây, số ca bệnh người già mắc các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng, tăng huyết áp có gia tăng nhẹ.

Tại BV Thống Nhất, BS Hoàng Mạnh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, cho hay do thời tiết thay đổi thất thường, tại BV ghi nhận số lượng người lớn tuổi khám các vấn đề tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ tăng nhẹ.

Nhổ đậu phộng dưới nắng nóng, một nông dân Hà Tĩnh tử vong

Ngày 20-5, cán bộ chính quyền địa phương và BV đa khoa huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết ông Võ Tá T. (50 tuổi, trú thôn Phú Xuân, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) tử vong được chẩn đoán nghi do sốc nhiệt.

Chiều 19-5, ông T. và vợ ra cánh đồng để thu hoạch đậu phộng dưới nắng nóng. Sau khi thu hoạch được một lúc, ông T. bị ngất xỉu trên đồng. Các bác sĩ khoa Cấp cứu, BV đa khoa huyện Lộc Hà cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân T. thì bệnh nhân đã ở trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, da nóng phừng khô, nhiệt độ cơ thể đo được là 41,5 độ C. Nguyên nhân tử vong của ông T. được chẩn đoán là đã ngừng thở trước lúc vào BV, đột quỵ do sốc nhiệt.

Theo dự báo, mùa hè năm 2019, Hà Nội có khả năng chịu 6-8 đợt nắng nóng, từ hai ngày trở lên, tập trung vào các tháng 5, 6, 7, các đợt nắng nóng diễn ra gay gắt, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến 39-41 độ C. 

7.Nắng nóng, nhiều người già phải nhập viện cấp cứu

Những ngày qua, tiết trời tại Hà Nội nắng nóng gay gắt khiến nhiều bệnh viện quá tải bởi bệnh nhân nhập viện gia tăng. Trong đó, riêng tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca nhập viện cấp cứu tăng khoảng 150%, chủ yếu bị tai biến mạch máu não, viêm phổi.

Tai biến, viêm phổi vì nắng nóng

Tại Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, bệnh nhân Vũ Văn Đàn, 68 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nằm điều trị được 3 ngày.
Theo người nhà, hơn 4h sáng, ông Đàn dậy đi vệ sinh sau đó bị ngã nhưng đến gần 6h mới được phát hiện và đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các bác sĩ chụp CT phát hiện ông bị tổn thương ở não. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Lão khoa trung ương để điều trị.

“Nhà tôi đông anh em nhưng đều ở riêng chứ không ở cùng bố mẹ. Vì vậy, bố tôi bị ngã, khi được phát hiện thì ông đã rơi vào hôn mê. Ông đang ở tình trạng liệt nửa người bên phải; tay, chân bên trái có thể cử động nhẹ. Các bác sĩ đang theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp”, con trai bệnh nhân chia sẻ.

Đang chăm sóc mẹ già tại bệnh viện, anh Nguyễn Văn Quang (Bắc Ninh) cho biết, mẹ anh thỉnh thoảng kêu đau đầu, do trời nắng nóng nên gia đình lưỡng lự chưa muốn đưa bà đi khám. Khi bà đau dữ dội, gia đình tức tốc đưa đến viện. Bà bị vỡ mạch máu não và đã được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Cũng tại khoa, bệnh nhân Nguyễn Đắc Bành, 82 tuổi, đã phải nằm một chỗ nhiều năm bởi di chứng tai biến, lại đang phải điều trị vì viêm phổi nặng. Khi thời tiết nắng nóng, gia đình bật điều hòa để ông bớt nóng nhưng nhiệt độ vào ban đêm không được điều chỉnh khiến ông bị viêm phổi.

“Lúc nhập viện, ông ở tình trạng rất nặng, nhân viên y tế phải bóp bóng cấp cứu. Bác sĩ tiên lượng nhiều khả năng diễn biến xấu”, người nhà bệnh nhân nói.

TS.TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân được cấp cứu tại khoa tăng khoảng 150% so với ngày thường. Ngày khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất là 30 ca. Các ca chủ yếu bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não), viêm phổi.

“Vào mùa hè, mọi người cứ nghĩ ít khi bị viêm phổi nhưng trên thực tế những ngày qua bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca bệnh này, thường rơi vào những người cao tuổi bị tàn phế phải nằm một chỗ, gia đình dùng điều hòa, không để ý kiểm tra nhiệt độ khiến bệnh nhân bị nhiễm lạnh”, TS.TS Trần Quang Thắng nói.

Phòng, chống bệnh như thế nào?

Theo Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, bệnh nhân đột quỵ gia tăng khi thời tiết nắng nóng là bởi phần lớn người cao tuổi bị đa bệnh lý, thường mắc từ 3 bệnh trở lên, trong đó có bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Điều đáng nói, nhiều trường hợp có dấu hiệu bị đột quỵ nhưng được đưa đến viện muộn bởi họ không ở cùng con cháu nên không được phát hiện sớm. Cũng có trường hợp gia đình thấy biểu hiện ban đầu nhưng cho là nhẹ, không đưa đi khám vì sợ ra ngoài trời nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, nhiều bệnh nhân bị nặng, việc hồi phục khó khăn bởi mất “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ.

“Vì vậy, khi người nhà có dấu hiệu tai biến như: Miệng lệch, mắt lệch; tay yếu (đang cầm bát, đũa bị rơi); nói khó, nói lắp bắp, cần đưa đến bệnh viện càng sớm thì cơ hội cứu bệnh nhân sẽ càng cao”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong những ngày nắng nóng, theo bác sĩ Thắng, người cao tuổi nên tránh thay đổi môi trường một cách đột ngột. Nếu phải ra ngoài trời, cần mặc kín để tránh sốc nhiệt, bởi sốc nhiệt dễ làm tăng tuyết áp khiến nguy cơ xảy ra tai biến; mặc áo sáng màu; uống đủ nước; ăn uống đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, với những người bị bệnh về huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, cần theo dõi và kiểm soát bệnh tốt.

Bên cạnh đó, người cao tuổi khi nằm trong phòng điều hòa, gia đình cần trang bị dụng cụ đo nhiệt độ trong phòng và để độ ẩm thích hợp. “Nên để điều hòa ở mức 27-28 độ C và độ ẩm ở mức 60%”, bác sĩ khuyến cáo.

Song song với đó, thường xuyên kiểm tra sức khỏe người cao tuổi để phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi như khò khè, khó thở, thở nhanh, sốt. Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

8.Nghệ An: Nắng nóng, hàng nghìn bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp    

Khoảng 1 tuần nay, nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới 42-45 độ C. Nắng nóng làm cho hàng nghìn người dân bị viêm đường hô hấp, sốc nhiệt. Bệnh nhân nhập viện tăng từ 12-30%.

Theo báo cáo của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Từ ngày 13 - 20/5 có 1.145 bệnh nhân nhập viện điều trị do bệnh viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi, sốt cao, viêm họng, nhiệt miệng; tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

 Tại thời điểm này, Khoa Hô hấp bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Khoa hiện có hơn 200 bệnh nhi đang điều trị, chủ yếu là trẻ nhỏ và sơ sinh. Rất nhiều bệnh nhân bị viêm đường hô hấp đã bị biến chứng sang phổi.

Bà Phạm Thị Hương ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành có cháu Nguyễn Cảnh Thiên (36 tháng tuổi) đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ: Mấy ngày trời nắng quá, cháu nghịch mồ hôi ra nhiều, cứ đòi tắm, uống nước liên tục. Ba ngày qua, gia đình thấy cháu chảy nước mũi, ho, mệt mỏi, chán ăn và sốt cao nên đưa cháu vào bệnh viện để khám, xét nghiệm. Bác sĩ kết luận cháu bị viêm đường hô hấp.

Không riêng gì Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh số bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp cũng tăng đáng kể. Tuần qua, có 1.812 bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, chủ yếu là trẻ nhỏ và người già.

Bà Nguyễn Thị Loan, ở phường Trường Thi (thành phố Vinh) đang điều trị tại bệnh viện cho hay: Mấy ngày nắng nóng quá, ăn không được, lại nằm điều hòa nhiều nên cả nhà đều bị cảm cúm. Toàn thân tôi mệt mỏi, đau họng, ho nhiều. Chịu không được nên sáng nay đến bệnh viện khám và được chẩn đoán bị viêm đường hô hấp phải nhập viện điều trị.

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, từ ngày 13 -18/5, có 6.824 người đến khám bệnh trong đó có đến 1519 bệnh nhân nhập viện. Đặc biệt, 3 ngày gần đây, có trên 10 bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện cấp cứu do tình trạng sốc nhiệt và đã có trường hợp tử vong do đột quỵ vì sốc nhiệt.

9.Xuất huyết ồ ạt do thai bám trên vết sẹo mổ cũ

Người mẹ 29 tuổi ở TP HCM mang thai lần 6 bất ngờ ra máu ồ ạt, bác sĩ phát hiện khối thai hình thành trên vết sẹo mổ cũ.

Bệnh nhân đã 5 lần sinh nở với 6 đứa con, trong đó có một lần sinh mổ song thai. Hai tháng trước, chị phát hiện có thai lần thứ 6 nhưng không đi khám. Một tuần nay, chị ra huyết, đến Bệnh viện Từ Dũ khám hôm 19/5.

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thai phụ nhập viện trong tình trạng xuất huyết âm đạo ồ ạt, mất khoảng một lít máu, da xanh, mạch nhanh. Kết quả siêu âm cho thấy một túi thai 6 tuần tuổi bám ngay tại vị trí sẹo mổ cũ.

Bác sĩ can thiệp cấp cứu hút khối thai nhằm bảo toàn tính mạng người mẹ.

Theo bác sĩ Diệp, thai bám sẹo mổ cũ là tình trạng thai làm tổ tại vị trí đã được mổ trước đây trên cơ tử cung  người mẹ. Thai thường không thể phát triển hoặc phát triển thành nhau cài răng lược, là tình trạng rất nguy hiểm trong sản khoa.

Thai bám sẹo mổ cũ có thể diễn tiến đến biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như xuất huyết âm đạo ồ ạt gây mất máu lượng lớn, sốc mất máu, khối thai xuyên thủng hoặc phát triển to gây vỡ tử cung... 

Bác sĩ Diệp khuyến cáo thai phụ đã từng mổ lấy thai cần đi khám ngay khi trễ kinh, đặc biệt có tình trạng ra huyết âm đạo dù rất ít. Khi nghi ngờ thai bám sẹo mổ cũ, bác sĩ sẽ lấy khối thai ra nhằm bảo vệ tính mạng cho người mẹ với các kỹ thuật như hủy thai, hút thai, đặt bóng foley, mổ nội soi hay mổ hở... Những kỹ thuật này tương đối phức tạp, cần thực hiện tại cơ sở y tế có phòng mổ và có máu dự trữ để cứu sống bệnh nhân trong trường hợp mất máu nhiều.

10.Cảnh báo tác hại chết người của "bóng cười"

 “Bóng cười” là một chất kích thích đang được giới trẻ sử dụng thường xuyên,  nhằm tăng sự hưng phấn trong các cuộc vui tại các bữa tiệc hay những chỗ đông người. Tuy nhiên, việc sử dụng “bóng cười” một cách lạm dụng sẽ dẫn đến những tác hại chết người mà không phải ai cũng biết. Theo các chuyên gia cho biết, lạm dụng hít khí “bóng cười” có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, làm rối loạn hệ thần kinh và làm tổn thương não bộ vĩnh viễn. 

“Bóng cười” nguy hiểm như thế nào?

“Bóng cười” là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O) vào. Nitrous oxide được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học, chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác. Cũng do hiệu quả gây mê yếu và ngắn nên N2O được ưa chuộng trong nha khoa và sản khoa.

Cách chơi “bóng cười” cũng rất đơn giản. Người chơi dùng miệng ngậm vào đầu bóng, hít ngược khí trong bóng vào phổi, rồi thổi ngược lại cho quả bóng to lên; làm bốn, năm lần như vậy cho đến khi bóng xẹp, hoặc cảm thấy phê sẽ nổ những tràng cười vô thức, cười ảo. Chính vì vậy, "bóng cười" thường được giới trẻ dùng cho mở đầu cuộc chơi để tạo không khí. 

Gần đây trên phố đi bộ TP.HCM, “bóng cười” đang được bày bán tràn lan, trong các quán bar có bóng, ngoài đường có bóng và ngay cả các quán nước cũng rất đông các bạn trẻ đang chơi “bóng cười”. Theo VTV, chỉ cần hít ngược vài hơi, ai cũng hả hê với những tràng cười sảng khoái. Thậm chí, có người mới hít được vài hơi, tay chân đã run rẩy, mất kiểm soát và không làm chủ được bản thân.

Tại con phố Bùi Viện này, "bóng cười" được bán tràn lan công khai với giá từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Người bán cho rằng đây là đồ chơi an toàn, còn giới trẻ lại tỏ ra vô cùng thích thú và dễ dàng mua những quả bóng này sử dụng mà không biết rằng, đó chính là khí N2O chỉ được phép sử dụng không y khoa. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng thường xuyên, “bóng cười” có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.“Bóng cười” gây mất kiểm soát hành vi, làm rối loạn thần kinh

Theo Đời sống và Pháp luật, vào năm 2017, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên địa bàn phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, khiến nhiều người bị thương nặng. Theo đó, một nam thanh niên được cho là ngậm bóng cười khi đang lái xe dẫn đến mất hành vi điều khiển và gây tai nạn cho người đi đường.

Phía lãnh đạo Công an quận Ngô Quyền cũng đã xác nhận, trước khi tham gia giao thông, nam thanh niên này có sử dụng một quả "bóng cười". Tai nạn này chính là do thanh niên đã sử dụng “bóng cười” và đã bị mất kiểm soát do nó gây ra. Điều này cho thấy mối nguy hiểm khôn lường khi các bạn trẻ hít khí “bóng cười” trong các cuộc vui. Khi sử dụng “bóng cười”, các bạn trẻ cho biết có cảm giác được thư giãn hơn, mang tính giải trí cao, rất phê, thích thú, cảm thấy hào hứng và gia nhập cuộc vui rất nhanh chóng. Giới trẻ rất dễ bị cuốn vào những tràng cười không ngớt và không thể kiểm soát được hành vi của mình.

Theo Thanh Niên, hiện nay khí N2O chưa bị xem là ma túy vì không bị luật pháp ngăn cấm và vẫn còn đang được sử dụng trong y học. Tuy nhiên, tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều có thể gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ.

Theo các chuyên gia, nếu thường xuyên sử dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thậm chí còn bị tổn thương tủy sống cổ. Những người có bệnh tim mạch, hô hấp, nhạy cảm về thần kinh không nên sử dụng bóng cười, bởi dễ bị sốc và ảnh hưởng hoạt động của tim. Ngoài ra, khí N2O có thể bị pha lẫn NO, NO2 rất có hại cho cơ thể.

Trước tình trạng “bóng cười” đang được bán tràn lan trên phố Bùi Viện và sự “chịu chơi” của giới trẻ, Bộ Công an cũng đang nghiên cứu để đưa “bóng cười” vào danh mục các chất gây nghiện. Tác hại của “bóng cười” là vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Do đó, các bạn trẻ cần phải làm chủ bản thân, tránh xa những chất kích thích, đồ chơi nguy hiểm như “bóng cười”.

11.Thành lập đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng tại các quận, huyện

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thành lập các đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021 tại 3 Trung tâm Y tế của quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.

Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các đơn vị vệ tinh thông qua các hoạt động như: đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế… nhằm giảm quá tải điều trị nội trú, không để người bệnh phải nằm ghép tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo đó, các Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện có đơn vị vệ tinh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả cao và bền vững.

Bệnh viện Đà Nẵng sẽ có các đơn vị vệ tinh tại các quận, huyện

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, 100% các kỹ thuật chuyên khoa được đào tạo và chuyển giao tại các đơn vị vệ tinh như gây mê, hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, phẫu thuật nội soi cắt u phì đại lành tính tuyến tiền liệt... 100% các đơn vị vệ tinh thực hiện các kỹ thuật đã được chuyển giao nhằm giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ các đơn vị vệ tinh lên Bệnh viện Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tiếp tục khảo sát, đánh giá các nhu cầu cấp thiết về giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên (bệnh viện hạng I), nhu cầu về nâng cao năng lực của các bệnh viện tuyến dưới (TTYT quận, huyện) để lập kế hoạch bổ sung, duy trì và phát triển mở rộng mạng lưới các đơn vị vệ tinh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2019-2021, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ đào tạo thực hành các lớp 3 tháng và đào tạo tăng cường các lớp 3 tháng cho 3 TTYT quận, huyện về phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương hàm mặt, gây mê, hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, phụ dụng cụ ... Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật gói phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u phì đại lành tính tuyến tiền liệt; gói hồi sức cấp cứu; gói phẫu thuật hàm mặt; gói gây mê hồi sức chấn thương chỉnh hình, hệ tiêu hóa; gói thận nhân tạo...

12. Giáo dục 24h: Đại học Y Hà Nội công bố tỉ lệ chọi khủng tới 1/20

Ngày 20.5, trao đổi với Lao Động, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng đáng kể so với năm ngoái với khoảng 2.000 bộ.

Năm nay, tổng số hồ sơ trường nhận được khoảng 17.600 bộ, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên.Như vậy, tỉ lệ chọi trung bình khoảng 1/16.Xét riêng nguyện vọng đối với từng ngành, tỉ lệ chọi trung bình khoảng từ 1/10 đến 1/20, ông Tú cho biết.

13.Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh

(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) và 50 năm thực hiện di chúc của Người, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức lễ phát động "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2019" và Cuộc thi Đi bộ vì sức khỏe – Walk for your health. Lễ phát động cũng được diễn ra tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. 

Đây là năm thứ 10, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hoạt động khám chữa bệnh đồng loạt trên cả nước, năm nay Hành trình với chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, hành trình sẽ kéo dài từ nay cho đến hết ngày 28/6/2019. Hành trình diễn ra đồng loạt trong cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, cấp phát thuốc và sàng lọc bệnh mạn tính tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của đất nước, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Ngay sau lễ phát động hơn 100 thầy thuốc trẻ phối hợp cùng đoàn viên, thanh niên Thủ đô triển khai khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 2.000 người dân; tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường.

Cùng với đó đoàn bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp cùng các đơn vị thực hiện khám sàng lọc ung thư vú cho 200 phụ nữ cùng nhiều hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, lập nhiều thành tích và đã có sự phát triển vượt bậc, được người dân và thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, vẫn có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cống hiến của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình ý nghĩa này với nhiệt huyết và trí tuệ cũng như sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mong muốn Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ cùng ngành Y tế cả nước triển khai thành công Hành trình với những mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân, thông qua các hoạt động khám bệnh, sàng lọc bệnh và cấp phát thuốc miễn phí trên cả nước, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự nguy hiểm của các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ cũng như tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, vận động nhân dân tăng cường sinh hoạt thể chất, trong đó các Hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phải là những người gương mẫu đi đầu. Khuyến khích nhân dân đặc biệt là lực lượng thanh niên tham gia các hoạt động vận động nâng cao sức khỏe thể chất như đi bộ 10,000 bước chân mỗi ngày, vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, vận động hướng dẫn người dân sinh hoạt lành mạnh, hạn chế tối đa rượu bia, nhấn mạnh việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm, giảm sử dụng rượu, bia giảm là giảm đột quỵ, giảm tử vong. Và phòng, chống tác hại rượu, bia chính là phòng, chống ung thư cùng các bệnh mạn tính nguy hiểm khác.

14.Lần đầu tiên thực hiện nối mạch máu không cần kim khâu

Chiều nay (20/5), bác sĩ Huỳnh Thống Em - Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa thực hiện thành công kỹ thuật nối mạch máu vi phẫu không cần kim khâu đối với bệnh nhân Lê Hoàng Nam (43 tuổi, quê ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

   Theo bác sĩ Em, bệnh nhân Nam bị tai nạn lao động, đứt lìa 1/3 dưới cẳng tay phải đã được phẫu thuật khâu nối đã gần một năm. 

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán là bị sẹo co rút dính gân duỗi. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật chuyển vạt da tự do (cụ thể là vạt da có mạch máu trước đùi bệnh nhân) để che phủ vùng sẹo co rút 1/3 dưới cẳng tay phải cho bệnh nhân.

Để đảm bảo cho vạt da trên sống được trên cẳng tay, các bác sĩ phải khâu nối mạch máu của vạt da với  mạch máu cẳng tay.

Bác sĩ Em cho hay, trước đây, các bác sĩ thường tiến hành nối mạch máu cho bệnh nhân bằng kim và chỉ khâu.Thời gian để nối một mạch máu bằng chỉ khâu khoảng 30-60 phút. Do mạch máu rất nhỏ nên nhiều khi nối xong nhưng mạch máu vẫn bị nguy cơ cao hẹp miệng nối và tắc gây hoại tử vạt da.

Để khắc phục tình trạng trên, bệnh viện quyết định sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Thời gian khâu nối mỗi mạch máu chỉ từ 4- 6 phút, bề mặt nối đều nhau, ít rỉ máu hơn, độ chính xác cao hơn so với nối bằng kim, chỉ khâu.

Việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô trở về chức năng bình thường. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, vạt da che phủ sống hoàn toàn.Dự kiến tuần sau bệnh nhân sẽ ra viện.

15.Điều trị thành công bé gái có nhịp nhanh, phức tạp và hiếm gặp

Sáng 20-5, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin vừa điều trị thành công cho bé gái 8 tuổi, người dân tộc M’Nông, ngụ tại tỉnh Đắk Nông có nhịp nhanh phức tạp và hiếm gặp ở trẻ em.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, em thường có những cơn tim đập nhanh rất nhiều lần, trong đó lần gần đây nhất tim đập nhanh hơn 200 lần/phút kéo dài cả ngày làm em phải nhập viện để cắt cơn. Em được chẩn đoán là hội chứng kích thích sớm với nhiều cơn nhịp nhanh trên thất.

Sau khi điều trị tại bệnh viện địa phương không có tiến triển, em được chuyển đến khoa Phẫu thuật tim nhi bệnh viện Chợ Rẫy, tại đây em đã được được các bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp chẩn đoán và điều trị triệt để các cơn tim đập nhanh của em bằng phương pháp thăm dò và đốt điện sinh lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hội chứng kích thích sớm là một bất thường bẩm sinh gặp trong 1-3 người/1000 dân, do tồn tại một đường dẫn truyền phụ vắt qua rãnh nhĩ thất. Bất thường này gây ra những cơn tim đập nhanh trên thất, tái đi tái lại nhiều lần và trong vài trường hợp có thể gây đột tử do nhịp tim đập quá nhanh khi kèm theo rung nhĩ.

Hiện nay, hội chứng kích thích sớm có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp triệt đốt điện sinh lý, ít xâm lấn, các bác sĩ đưa dụng cụ từ tĩnh mạch đùi vào tim thăm dò và triệt đốt bằng sóng cao tần. Hiện sức khỏe của em đã ổn định và toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân đều được quỹ từ thiện Hằng Hữu tài trợ.

II.THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

16. Mỹ ghi nhận thêm 41 trường hợp nhiễm sởi mới

Ngày 20/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này đã ghi nhận 41 trường hợp nhiễm sởi mới từ ngày 10-17/5, nâng số trường hợp nhiễm sởi từ đầu năm đến nay lên 880 trường hợp.

Theo CDC, gần 900 trường hợp nhiễm sởi như số liệu kể trên đã được xác nhận tại 24 bang của Mỹ tính từ ngày 1/1 đến ngày 17/5. Đây là đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất kể từ khi giới chức y tế Mỹ tuyên bố loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này vào năm 2000.

CDC cho biết các đợt bùng phát này đa số tập trung tại các cộng đồng nhỏ, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn quốc, hiện ở mức 90%. Nguồn lây bệnh là du khách tới từ những nước mà bệnh sởi vẫn còn phổ biến. Theo đó, những người nhiễm virus sởi tới từ Israel và Ukraine đã mang theo căn bệnh đến Mỹ và lây cho những người chưa tiêm vaccine, chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm phòng do những thông tin sai lệch từ các nhóm phản đối việc tiêm phòng.

Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng phát trở lại của căn bệnh từng được xóa bỏ này có liên quan đến phong trào chống vaccine ở các nước phát triển. WHO coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu.

17. WHO hối thúc CHDC Congo đoàn kết ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh Ebola

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/5 đã lên tiếng kêu gọi các phe phái chính trị tại CHDC Congo cùng đoàn kết, hợp sức trong cuộc chiến chống bệnh Ebola, đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh này tái bùng phát tại đây vẫn "rất cao".

Phát biểu tại phiên họp thường niên của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh Ebola không trừ một ai và là "kẻ thù" của tất cả mọi người. Người đứng đầu WHO cho biết ông đã có cuộc gặp với Tổng thống CHDC Congo và lãnh đạo các phe phái chính trị đối lập nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận song phương ngăn chặn dịch bệnh này.  Ông khẳng định chỉ với sự đoàn kết nội bộ, CHDC Congo mới có thể ngăn chặn bệnh Ebola, nếu không dịch bệnh sẽ bùng phát với quy mô rộng hơn, gây tốn kém và nguy hiểm hơn. 

Tổng Giám đốc WHO cũng hoan nghênh những nỗ lực của CHDC Congo trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh Ebola, trong đó có chiến dịch tiêm chủng cho hơn 120.000 người, nhờ đó đã hạn chế được dịch tại tỉnh North Kivu và tỉnh lân cận Ituri.

Tuy vậy, ông Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh Ebola vẫn "rất cao" tại nước này. Ông gọi đây là một trong những nguy cấp về y tế phức tạp nhất mà con người phải đối mặt, đồng thời chỉ ra rằng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại tỉnh North Kivu, khu vực vốn phải hứng chịu các cuộc xung đột.

Theo ông, đây không đơn thuần là cuộc chiến ngăn chặn một loại virus, mà là cuộc chiến chống sự bất ổn, bạo lực, sai lệnh về thông tin và mọi vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế sẽ chỉ tạo thêm "thuận lợi" cho virus Ebola lây lan.  

Kể từ khi đợt dịch Ebola thứ 10 được CHDC Congo công bố ngày 1/8/2018,  có 1.632 người đã được xác nhận là nhiễm bệnh và 1.136 người tử vong. Đây chính là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014-2016 cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người ở Tây Phi. Nỗ lực đẩy lùi sự bùng phát bệnh Ebola tại CHDC Congo đã bị cản trở do thường xảy ra xung đột vũ trang và các vụ tấn công nhằm vào các đoàn chuyên gia y tế tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán.

18. Khoa học chỉ ra yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư

Các nhà khoa học tại Viện Y khoa Berghofer ở Úc đã chỉ ra rằng thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Trong cuộc nghiên cứu, chuyên gia đã xác nhận mối quan hệ giữa khuynh hướng di truyền đối với béo phì và sự phát triển của ung thư. Đồng thời, các nhà khoa học nhận ra rằng nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh ung thư - ví dụ, thói quen ăn uống và mức độ hoạt động thể chất.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng đối với những người thừa cân, cứ thêm 5 điểm trong chỉ số khối cơ thể (BMI) sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thêm 10%. Đổi lại, duy trì cân nặng trong phạm vi bình thường giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư khoảng 30%.

"Nghiên cứu xác nhận giả thuyết rằng thừa cân góp phần vào sự phát triển của khối u, đồng thời giải thích sự phổ biến ngày càng tăng của ung thư được chẩn đoán trên người béo phì khắp thế giới", một bác sĩ chuyên gia về ung thư nói.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là giá trị giúp đánh giá mức độ tương quan của khối lượng và chiều cao cơ thể người, cho biết cân năng của người đó là không đủ, bình thường hay quá mức. Thang đo bao gồm 7 mức phân loại - từ "thiếu hụt trọng lượng cơ thể rõ rệt" đến "béo phì nghiêm trọng".

19. Người Mỹ biểu tình phản đối luật cấm phá thai

Hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội bang Alabama, phản đối luật cấm phá thai vừa được thông qua. 

Deborah Hall từ Montgomery, bang Alabama, từng chứng kiến những người bạn ra đi vì phá thai bất hợp pháp. Để tránh bi kịch lặp lại, Hall theo đuổi nghề y và mở một phòng khám, giúp phụ nữ phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cũng như phá thai an toàn.

Tuy nhiên, nỗ lực của Hall cũng như những người ủng hộ quyền phá thai có thể sẽ thành vô nghĩa sau khi bang Alabama thông qua luật cấm phá thai ngày 14/5, không loại trừ nạn nhân bị cưỡng hiếp hoặc loạn luân.

Luật cấm phá thai của Alabama dấy lên làn sóng phản đối dữ dội. Ngày 19/5, hàng trăm người, trong đó có Hall, biểu tình trước tòa nhà Quốc hội bang này, hô vang khẩu hiệu "cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi".

 

 

 

Luật cấm phá thai ở Alabama coi mọi trường hợp phá thai là bất hợp pháp, chỉ trừ khi tính mạng sản phụ gặp nguy hiểm. Nếu bị phát hiện, người tiến hành phá thai đối mặt với 10 đến 99 năm tù. Người được phá thai không phải chịu phạt. 

"Điều luật này thể hiện niềm tin sâu sắc của Alabama rằng mọi sự sống đều quý giá và là món quà thiêng liêng được Chúa gửi tặng", thống đốc bang Alabama Kay Ive tuyên bố. Luật phá thai ở Alabama có hiệu lực sau 6 tháng nữa. 

Trước Alabama, các bang Mississippi, Kentucky, Iowa, North Dakota, Georgia và Ohio đã thông qua luật cấm phá thai khi phát hiện tim thai, tức khoảng 5-6 tuần thai kỳ. Đến nay, chưa bang nào thực thi luật phá thai vì chưa tới thời điểm có hiệu lực hoặc bị thẩm phán liên bang phản đối.

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên Twitter cá nhân về luật phá thai. Dù không đề cập trực tiếp đến Alabama, ông Trump khẳng định mình là người "vị sự sống" nhưng ủng hộ phá thai trong ba trường hợp đặc biệt bao gồm hiếp dâm, loạn luân và sản phụ gặp nguy hiểm tính mạng. 

20. Gần 250 bé sơ sinh Thái ra đời với bệnh giang mai

Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan vừa thông báo có gần 250 trẻ sơ sinh ra đời với bệnh giang mai ở nước này trong năm 2019.

"Những đứa trẻ bị nhiễm bệnh bởi vì mẹ của chúng mắc bệnh" - bác sĩ Sukhum Karnchanapimai, thứ trưởng bộ Y tế Cộng đồng, cho biết.

Giang mai là bệnh lây lan qua đường tình dục và qua máu. Mặc dù có thể chữa khỏi nhưng giang mai có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không nhận ra việc bị nhiễm trùng và do đó mất đi cơ hội để chữa trị kịp thời.

The Nation ngày 19-5 dẫn lời bác sĩ Sukhum cho biết từ 1-1 đến 13-5-2019 có 3.080 người ở mọi lứa tuổi được chẩn đoán mắc bệnh giang mai. Trong số này có 40,42% người mắc bệnh trong độ tuổi từ 15 đến 24 và khoảng 24,48% trong độ tuổi từ 25 đến 34.

"Số người mắc giang mai đang tăng. Sự gia tăng này phản ánh việc ngày càng có nhiều thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi sinh sản quan hệ tình dục không an toàn" - ông Sukhum nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cộng đồng Thái Lan cũng nói rằng ông đã chỉ đạo cho giám đốc sở Y tế tại các tỉnh thành của nước này giám sát chặt chẽ tình hình và ngăn căn bệnh lan rộng.Ngoài ra ông Sukhum cũng kêu gọi người dân tự bảo vệ bản thân bằng cách dùng bao cao su, hạn chế việc có nhiều bạn tình và xét nghiệm máu định kỳ.


Thăm dò ý kiến