Thông tin y tế 01 - 04/10/2020

04/10/2020 | 08:56 AM

 | 

1. Chương trình methadone ở Nghệ An cần sự bền vững

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Nghệ An đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt kết quả bền vững rất cần nhiều yếu tố.

Tháng 9/2020 này là tròn 10 tháng anh N.V.V (34 tuổi, ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) không còn phải uống thuốc methadone để cai nghiện ma túy, trở về với cuộc sống bình thường. Anh N.V.V bày tỏ: “Sau những sai lầm của tuổi trẻ, không gì vui sướng hơn từ bỏ được ma túy, không còn phải lệ thuộc vào thuốc, từ thân phận người nghiện, bệnh nhân trở thành người thường”.

Hơn 10 năm trước, cơn lốc ma túy đã cuốn qua những bản làng Quế Phong, không biết bao nhiêu gia đình đã rơi vào hoàn cảnh bi đát “tan cửa, nát nhà”. N.V.V may mắn hơn khi có người mẹ hiền luôn quyết tâm “cứu” bằng được con. Năm 2014, chương trình methadone được đưa về Quế Phong, mẹ con N.V.V đã ra ngay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đăng ký cai nghiện, trở thành bệnh nhân đầu tiên của chương trình. Từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng nào N.V.V cũng đi xe máy vượt quãng đường hơn 30km ra uống thuốc, rồi trở về làm việc (sau này, TTYT huyện hình thành điểm điều trị vệ tinh Tây Bắc dành cho bệnh nhân các xã Thông Thụ, Đồng Văn và một phần xã Tiền Phong, Quế Phong (Nghệ An) thì việc đi lại có thuận lợi hơn.

Quá trình điều trị vất vả, nhiều cám dỗ đã khiến N.V.V nhiều lúc nản lòng. Những lúc ấy, mẹ của anh và các y bác sĩ lại cận kề động viên. Sau 5 năm điều trị, liều thuốc giảm dần và đến tháng 11/2019, N.V.V cảm thấy không còn bị lệ thuộc vào thuốc hay cảm giác thèm ma túy nữa nên anh xin ra khỏi chương trình. Bây giờ, N.V.V tu chí làm ăn với những lồng bè cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, Quế Phong.

Xã Đồng Văn là một trong những điểm nóng về ma túy ở huyện Quế Phong. Khi chương trình methadone được đưa vào hoạt động ở địa phương, đặc biệt là khi điểm điều trị vệ tinh Tây Bắc huyện mở, đã có trên 20 người trong xã đăng ký điều trị. Qua nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã vận động tất cả người nghiện trên địa bàn tham gia. Đáng tiếc, từ điều trị đến bỏ hẳn ma túy, không phải lệ thuộc thuốc mới chỉ có N.V.V làm được.

BS. Lê Quang Trung - Phó Giám đốc TTYT huyện Quế Phong chia sẻ khó khăn: “Chương trình điều trị methadone trong cai nghiện ma túy rất nhân văn, gần như bao cấp, miễn phí cho bệnh nhân. Với bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo chỉ mất 15.000 đồng/tháng để hỗ trợ công tác xét nghiệm, với bệnh nhân không thuộc hộ nghèo chỉ mất 300.000 đồng/tháng. Chương trình này được cấp ủy đảng, chính quyền huyện, ngành y tế huyện nhà quan tâm thực hiện. Song một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã lại chưa thật sự quan tâm, vào cuộc. Ở địa phương, người nào nghiện thì xóm, bản nắm được ngay nhưng vẫn đang “phó thác” cho ngành y tế.

BS. Trung cũng chia sẻ: “Nhiều người vẫn chưa hiểu về chương trình nên còn tình trạng bệnh nhân và người nhà giấu bệnh. Ngoài ra, methadone mới chỉ thay thế được dạng chất thuốc phiện chứ không hiệu quả cho ma túy tổng hợp. Trong khi đó, xu hướng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng lên”.

Tình trạng thiếu bền vững ở Quế Phong đang là thực trạng chung của chương trình methadone toàn tỉnh. Ở Nghệ An, chương trình methadone được đưa vào điều trị cho bệnh nhân từ năm 2012. Sau 8 năm, toàn tỉnh đã triển khai và đi vào hoạt động 12 cơ sở điều trị, 19 cơ sở cấp phát thuốc methadone theo nguyên lý lồng ghép tối đa với các cơ sở y tế, hoàn thành kế hoạch triển khai mạng lưới các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone.

BS. Hoàng Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Dẫu tỉnh rất quan tâm, mạng lưới các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc được trải rộng, song chương trình methadone vẫn gặp nhiều khó khăn. Số bệnh nhân mới đăng ký tham gia chương trình điều trị thay thế trong những năm gần đây giảm dần đã ảnh hưởng đến tình hình thu nhận bệnh nhân điều trị theo kế hoạch đề ra. Số bệnh nhân hiện đang điều trị trên toàn tỉnh còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu được giao.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà số bệnh nhân bỏ trị còn cao, do đặc thù riêng của bệnh nhân nghiện ma túy nên công tác tư vấn cho bệnh nhân bỏ trị quay lại điều trị còn chưa thực sự hiệu quả. Việc phối hợp với người nhà và chính quyền địa phương trong quản lý bệnh nhân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn”.

Để chương trình methadone phát huy tốt, bền vững, ngành y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo các cơ sở vận hành đúng theo quy trình chuyên môn theo quy định; hàng năm tổ chức các khóa tập huấn mới, tập huấn nâng cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như cập nhật kiến thức cho cán bộ đang tham gia chương trình methadone; áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone; tăng cường triển khai điều trị bằng thuốc buprenorphine nhằm giúp cho người bệnh có cơ hội tiếp cận, lựa chọn các phương pháp điều trị mới, tiên tiến và phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh công việc của người bệnh.

Từ tháng 9/2020, Nghệ An đã bắt đầu triển khai vận hành phần mềm quản lý chương trình methadone tại tất cả các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. (01.10.2020, 1104)

2. Nhiều chính sách cởi mở, thu hút bác sĩ ở Tây Nguyên

Nhiều năm nay, các cơ sở y tế ở Tây Nguyên, nhất là cơ sở tuyến huyện, tuyến xã vẫn trong tình trạng thiếu bác sĩ.

Điều này đã khiến việc triển khai nhiều kỹ thuật mới gặp khó khăn. Đặc biệt, một số nhân viên y tế chưa nắm rõ tình hình của các tỉnh Tây Nguyên cũng như chính sách thu hút nên ngại đến nhận công tác. Trước thực trạng ấy, nhiều chính sách mở liên tục được các tỉnh này ban hành.

“Khát” nguồn nhân lực

Thống kê của Sở Y tế các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông cho thấy: Các cơ sở y tế trọng điểm vẫn thiếu nhiều bác sĩ, nhất là các bác sĩ có tay nghề cao. Nhiều người khi nghe thông tin thì nghĩ ở Tây Nguyên còn xa xôi, cách trở nhưng khi về công tác mới biết hệ thống hạ tầng đã được đầu tư bài bản, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng tăng cao.

BS. Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Rất nhiều khoa vẫn đang cần bác sĩ, nhất là các khoa mới, đơn vị mới. Chúng tôi vẫn liên tục tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ về đây công tác nhưng vẫn thiếu hàng chục người. Các BVĐK thị xã Buôn Hồ, Trung tâm y tế huyện Buôn Đôn, huyện Ma Đ’rắk... cũng nằm trong tình trạng “khát” bác sĩ giỏi về công tác.

Tỉnh Gia Lai có diện tích rộng, nhiều khu vực phát triển sầm uất, hàng loạt cơ sở y tế trải đều ở các địa phương, vậy nhưng vẫn luôn phải trong tình trạng tìm kiếm bác sĩ. Điển hình như: Trung tâm y tế huyện K’Bang liên tục thông báo nhưng mỗi năm cũng chỉ tuyển được vài người, thậm chí có năm không tuyển được trong khi nhu cầu người dân khám bệnh rất lớn, còn thiếu khoảng trên 20 bác sĩ.

Trung tâm y tế huyện Mang Yang cũng thiếu bác sĩ nghiêm trọng, đang thiếu khoảng 50 bác sĩ. Theo Sở Y tế Gia Lai, riêng trong năm 2020 này, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ lên đến 200 người nhưng mới tuyển được gần một nửa. Trước mắt, nhiều ca bệnh khó từ các tuyến huyện, tỉnh vẫn hỗ trợ chẩn đoán từ xa hoặc cử bác sĩ tiếp xuống xử lý, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường xuống hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã có lộ trình nâng cao cơ sở vật chất toàn diện và tham mưu tỉnh Gia Lai ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho nhân viên y tế về địa phương công tác.

Cơ sở vật chất hoàn thiện, chính sách ưu đãi tăng

Để có đủ tiềm lực khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện quy mô lớn được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đã được vận hành tốt như BVĐK vùng Tây Nguyên. Song song với đó, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện trải đều ở các tỉnh Tây Nguyên được nâng cấp, sửa chữa, bố trí cả nơi ăn, chốn ở cho bác sĩ khi có nhu cầu.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhiều UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ bằng tiền để thu hút bác sĩ. Cuối tháng 8/2020, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định số 1280/QĐ-UBND quy định cụ thể các đãi ngộ dành cho bác sĩ đã học đại học và sau đại học. Bên cạnh lương và các khoản phụ cấp, bác sĩ về Đăk Nông công tác lâu dài còn được hỗ trợ 300 triệu đồng với BSCKII, tiến sĩ; hỗ trợ 250 triệu đồng với BSCKI, bác sĩ nội trú, thạc sĩ; hỗ trợ 180-220 triệu đồng đối với bác sĩ, dược sĩ đại học.

Theo Sở Y tế Đăk Nông, sau khi có quyết định của UBND tỉnh này, ngày 16/9, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch chi tiết số 2023/SYT-TCCB để thu hút bác sĩ. Riêng trong năm 2020 này sẽ thu hút 36 người, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ 18/9/2020.

Việc rộng mở các chính sách thu hút bác sĩ tốt nghiệp chính quy về các cơ sở y tế công lập ở Tây Nguyên công tác nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực lành nghề, có chất lượng. Từ đó, đẩy mạnh và phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trên cơ sở này, hướng đến mở rộng phát triển mạnh dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trong tình hình mới.

Ngoài hỗ trợ bằng tiền, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công lập còn xây dựng các phương án thưởng đột xuất cho các cá nhân, tập thể khi hoàn thành tốt các ca phẫu thuật khó. Quy hoạch, bổ sung quy hoạch kịp thời cán bộ y tế có chuyên môn tốt, nhiều sáng tạo trong hoạt động khám, chữa bệnh. Hy vọng với các cách làm này, Tây Nguyên sẽ sớm ra khỏi tỉnh trạng “khát” bác sĩ. (01.10.2020, 893)

 

3. Tiếp tục nhân rộng điều trị PrEP, dự phòng lây nhiễm HIV

Sẽ tiếp tục mở rộng điều trị PrEP ra các tỉnh, thành mới tại Việt Nam, đồng thời coi đây là một phần cam kết quốc gia nhằm chấm dứt HIV vào năm 2030. Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo sơ kết 2 năm triển khai Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa có khách hàng nào sử dụng PrEP đúng cách bị lây nhiễm HIV

PrEP -khi được sử dụng đúng cách sẽ là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất. Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Ở nước ta, từ tháng 06/2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã khởi động chương trình thí điểm PrEP lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành công của mô hình đã dẫn tới việc mở rộng triển khai tại 11 tỉnh, thành phố do PEPFAR tài trợ vào tháng 11/2018 và đến nay triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV cấp quốc gia tại 27 tỉnh, thành phố và Việt Nam đã sẵn sàng triển khai mở rộng hơn nữa chương trình này dựa trên thành công của PrEP trên toàn cầu trong việc kiểm soát dịch HIV.

Tư vấn PrEp cho khách hàng

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Hiện tại, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là hoàn toàn miễn phí. Điều này cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dụng vụ PrEP. Đến năm 2020, toàn quốc đã có hơn 12.000 khách hàng đã từng tham gia chương trình PrEP, vượt chỉ tiêu 50% đặt ra năm 2020. Sau 2 năm triển khai, chưa có một ca nào sử dụng PrEP đúng cách bị lây nhiễm HIV.

Một điểm mới của chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm năm nay có thêm PrEP tình huống. Hiện có 254 khách hàng sử dụng PrEP theo tình huống. Các bài học kinh nghiệm tại các mô hình thí điểm này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp dịch vụ đặc thù cho nhóm đích về dịch vụ HIV/AIDS tại cơ sở y tế công hoặc tư nhân.

Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, hiện có 76 cơ sở y tế nhà nước cung cấp dịch vụ PrEP cho khoảng hơn 6000 khách hàng và 20 cơ sở y tế tư nhân cung cấp cho khoảng 5800 khách hàng. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương có số khách hàng sử dụng PrEP nhiều nhất.

Tập trung truyền thông vào nhóm đích MSM để tăng tiếp cận với PrEP

Để tăng số lượng người biết đến PrEP và sử dụng dịch vụ này thì công tác truyền thông là rất quan trọng. ThS. Trần Thanh Tùng, Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, xu hướng truyền thông năm tới sẽ tập trung vào nhóm đích MSM; đa dạng hóa truyền thông qua mạng xã hội cũng như các ứng dụng hẹn hò và tạo ra chiến dịch thân thiện với người dùng đồng thời chú ý đến những người có ảnh hưởng đến khách hàng đích.

Chương trình truyền thông tạo cầu cũng là một trong những chương trình quan trọng nhằm thu hút và tăng số lượng khách hàng tham gia sử dụng PrEP. Trong đó, các kênh truyền thông qua mạng xã hội như Facebook, các ứng dụng hẹn hò của nhóm đồng tính Nam (Blued) cũng rất quan trọng vì giúp tăng cường quảng bá chương trình PrEP. Những mạng xã hội và ứng dụng này khu trú và quảng bá trực tiếp đến đối tượng đích, thu hút sự quan tâm của các đối tượng đích. Đồng thời việc tiếp tục truyền thông đại chúng và truyền thống cũng giúp tiếp cận các khách hàng đến với chương trình.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, BS. Cao Thị Thanh Thủy, Phòng khám SHP, Bệnh viện đại học Y Hà Nội cho biết, từ tháng 5/2019, Phòng khám Sống Hạnh phúc – SHP triển khai chương trình điều trị PrEP. Tại phòng khám đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông như xây dựng trang web truyền thông, xây dựng quy trình chuẩn triển khai PrEP, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp PrEP cho khách hàng. Ở đây, khách hàng có thể nhận được các dịch vụ thân thiện và đa dạng như tư vấn xét nghiệm HIV, khám chữa bệnh, tư vấn sử dụng nghiện chất, chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C; điều trị PrEP, PEP, STIs và các vật dụng can thiệp BCS… (02.10.2020, 869)

4. Hà Nội ghi nhận thêm 328 trường hợp mắc sốt xuất huyết tuần qua

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 65 trường hợp so với tuần trước đó).

Vê sinh, đậy kín, lật úp các dụng cụ chứa nước, không để muỗi vằn sinh sôi truyền bệnh

Số ca mắc mới phân bố tại 29/30 quận huyện, 154/579 xã phường, tập trung tại một số quận, huyện như: Huyện Thanh Oai 30 ca; quận Nam Từ Liêm 29 ca; quận Đống Đa 23 ca; quận Thanh Xuân 20 ca; huyện Thường Tín 21 ca. Còn lại các đơn vị khác đều ghi nhận dưới 20 trường hợp mắc.

Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, TP ghi nhận 2.922 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong), giảm 45% so với cùng kỳ của năm 2019 (5.327 trường hợp). Hiện một số quận, huyện có số ca mắc SXH cao như: Huyện Phúc Thọ nhiều nhất với 360 ca mắc, tiếp đến là huyện Thường Tín (355 ca), quận Nam Từ Liêm (319 ca), huyện Thanh Oai (273 ca)...

Tuy nhiên, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định. (02.10.2020, 280)

5. Thứ trưởng Bộ Y tế: Chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là đúng đắn

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật và được cụ thể hoá tại Nghị định 16, 42, 43... Đồng thời Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã công khai tất cả giá trang thiết bị lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế như giá thuốc, vật tư y tế… để làm “kênh” cho các đơn vị tham khảo khi tổ chức mua sắm, tổ chức xã hội hóa.

Chiều 2/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2020 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Trong phần hỏi đáp, báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các sai phạm trong việc xã hội hoá thiết bị y tế bằng robot chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai.

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng liên quan đến vụ án Bạch Mai, cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin cho báo chí tương đối đầy đủ.

“Còn tiếp tục như thế nào, có mở rộng điều tra hay không thì phải căn cứ vào tài liệu thu thập được, lời khai của các bị can... Nếu có chỗ nào vi phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm”- ông Tô Ân Xô nói.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các đạo luật và được cụ thể hoá tại Nghị định 16, 42, 43.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15 về liên doanh, liên kết trong vấn đề lắp đặt các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định vấn đề xã hội hoá trang thiết bị y tế, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu liên quan tới lợi ích của cơ sở y tế, giúp cho các cơ sở y tế có được quy trình kỹ thuật cao.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn thì xã hội hóa có thể mở rộng những dịch vụ y tế cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống thiết bị hiện đại các y, bác sĩ cũng được học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó phục vụ tốt hơn. Người dân cũng là người được thụ hưởng với chi phí không cao và được hưởng thành quả của hiện đại hoá thiết bị.

Theo Thứ trưởng, đặc biệt nhất là người dân, với một chi phí không cao so với nước ngoài nhưng được hưởng những thành tựu về hiện đại hoá các quy trình kỹ thuật về y khoa trong điều kiện nước ta.

“Chúng ta đem lại những dịch vụ tốt hơn để giúp cho người dân hạn chế phải ra nước ngoài để điều trị”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: chúng ta cũng phải nhìn nhận một số tồn tại của hình thức xã hội hoá này. Đó là tình trạng nâng giá các trang thiết bị và khẳng định: "không phải bây giờ Bộ Y tế mới có yêu cầu rà soát trang thiết bị xã hội hóa, mà từ trước đây chúng tôi đã yêu cầu thanh tra, kiểm soát, giao giám đốc các sở y tế và bệnh viện có trách nhiệm công khai với người dân về giá dịch vụ và việc xã hội hóa dịch vụ"

Trước đây, sau mỗi đợt thanh tra, kiểm toán, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị phải rà soát lại các đề án, giao trách nhiệm cho giám đốc sở y tế, giám đốc bệnh viện thuộc Bộ Y tế về việc phê duyệt các đề án, giá dịch vụ y tế, công khai với người dân.

Gần đây, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Chỉ thị 20 yêu cầu tất cả cơ quan y tế trong cả nước, sở y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát lại, nhằm đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế để người dân có quyền lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin thêm về việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu. “Chúng tôi đã xây dựng dự thảo thông tư này từ Quý II/2019. Tuy nhiên, khi ban hành, chúng tôi phải được sự chấp thuận của các bộ ngành và phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, làm sao phù hợp nhất để không ảnh hưởng đến CPI quốc gia. Sau đó là dịch COVID-19...” –Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, gần đây nhất, Bộ Y tế đã công khai tất cả giá trang thiết bị lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế như giá thuốc, vật tư y tế… để làm “kênh” cho các đơn vị tham khảo khi tổ chức mua sắm, tổ chức xã hội hóa.

“Bắt đầu từ tháng 9-/2020 và hoàn tất vào 31/12/2020, tất cả các doanh nghiệp đều công bố giá thiết bị y tế lên cổng thông tin Bộ Y tế”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm. (02.10.2020, 1010)

6. Ca mắc tay chân miệng tăng cao ở TP.HCM và Đăk Lăk: Bệnh dễ lây lan, không được chủ quan

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt tăng cao vào tháng 2-4 và tháng 9-10.

Hiện nay đang là thời điểm căn bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, thành phố ghi nhận 6.358 ca TCM. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong do mắc TCM. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh - là số ca bệnh cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay và tăng hơn 50% so với những tuần trước đó. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo gồm quận 9, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là số liệu đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.

Tại Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay, địa phương này ghi nhận 666 trường hợp mắc TCM, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019. Số ca bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện: Cư M'gar (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), Buôn Đôn, Krông Pắc (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ).

Theo BS. Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Lăk, sở dĩ số ca bệnh TCM tăng mạnh trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa, thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm học sinh bước vào năm học mới nên bệnh dễ lây lan. Bởi bệnh TCM là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, nếu không đảm bảo công tác vệ sinh thì khả năng lây nhiễm bệnh là khó tránh khỏi.

Dấu hiệu của bệnh TCM

Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh TCM là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày, sau đó, bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ nằm trên nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay hoặc có thể ở mông, gối.

Cách chăm sóc trẻ mắc TCM

Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng. Với những trẻ bị TCM thể nhẹ, sau khi đi khám, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà như sau:

Trẻ bị bệnh rất mệt mỏi và các vết loét ở miệng làm trẻ rất đau, khó ăn uống nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, uống nhiều nước mát. Thức ăn cần chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng. Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay vì sẽ làm trẻ đau miệng và họng hơn. Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn khi trẻ bị sốt, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc, nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ lành.

Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn và cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ làm được.

Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloraminB 2% hoặc luộc nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng và nước sạch.

Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài; quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn..., phải đưa trẻ nhập viện ngay. (03.10.2020, 940)

7. 1300 bệnh nhân ung thư gan, thận cải thiện chất lượng sống nhờ thuốc hỗ trợ miễn phí

Nếu như trước đây, ở các bệnh nhân ung thư gan và thận tiến triển gần như không có sự lựa chọn trong việc tiếp tục điều trị, thì hiện nay các bệnh nhân này đã có thêm cơ hội mới trong điều trị, đó là sử dụng thuốc Nexavar bằng đường uống theo chỉ định của bác sĩ

Theo GLOBOCAN năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 ca mắc mới ung thư gan. Trong số đó ung thư biểu mô tế bào biểu mô gan, hay còn gọi là HCC chiếm tỷ lệ cao nhất. GLOBOCAN 2018 cũng ghi nhận gần 2.500 ca mắc mới ung thư thận, cùng với đó hơn 2000 trường hợp đã tử vong vì căn bệnh này.

Nếu như trước đây, ở các bệnh nhân ung thư gan và thận tiến triển gần như không có sự lựa chọn trong việc tiếp tục điều trị, thì hiện nay các bệnh nhân này đã có thêm cơ hội mới trong điều trị, đó là sử dụng thuốc Nexavar bằng đường uống theo chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ tại chương trình toạ đàm trực tuyến "Chung tay vì bệnh nhân ung thư" do Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức ngày 3/10 tại Bệnh viện K, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng Hội Y Học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Ngày mai tươi sáng, cho hay, ung thư là căn bệnh hiểm nghèo đã và đang cướp đi cuộc sống của rất nhiều người.

Bệnh ung thư từ nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh với bất cứ ai không may mắc phải hoặc có người thân mắc phải. Xu hướng mắc bệnh không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Ung thư có thể mắc ở mọi lứa tuổi, các vùng địa lý và mọi hoàn cảnh không kể giàu nghèo.

TS Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế); PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng Hội Y Học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Ngày mai tươi sáng; PGS.TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K; PGS.TS Trần Thanh Hương, Giám Đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng cùng các chuyên gia tham dự buổi toạ đàm trực tuyến "Chung tay vì bệnh nhân ung thư"

“Có một thực tế không thể phủ nhận là với những người mắc bệnh ung thư, cho dù điều kiện gia đình khá giả, cũng đã là một gánh nặng, chưa nói đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tại Việt Nam, ung thư được xem là mối nguy hại lớn khi không chỉ có tỷ lệ tử vong cao, nó còn gây hệ luỵ tài chính nghiêm trọng cho cả bệnh nhân và gia đình”- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.

Theo đó, để có thể giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân ung thư hơn nữa, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã kết hợp cùng nhiều đơn vị thực hiện các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Đây là một chương trình có ý nghĩa và tính nhân văn cao giúp cho các bệnh nhân ung thư giảm chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho bảo hiểm Y tế. Chương trình đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đánh giá cao từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bệnh viện cũng như sự đón nhận từ phía người bệnh ung thư.

Chia sẻ về chương trình hỗ trợ thuốc Nexavar cho bệnh nhân ung thư gan và thận ở giai đoạn tiến triển, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên thông tin, đây chương trình hỗ trợ thuốc đầu tiên vì mục tiêu hỗ trợ được nhiều bệnh nhân Việt Nam nhất trong việc tiếp cận và điều trị theo phương pháp mới. Đây cũng là chương trình hỗ trợ thuốc mà có số lượng bệnh viện tham gia nhiều nhất từ trước đến nay

PGS.TS Trần Thanh Hương, Giám Đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng thông tin thêm, chương trình hỗ trợ thuốc Nexavar cho bệnh nhân ung thư gan và ung thư thận tại Việt Nam là chương trình tiên phong vì mục tiêu hỗ trợ được nhiều bệnh nhân Việt Nam hơn nữa trong việc tiếp cận các điều trị mới. Chương trình hỗ trợ bệnh nhân thuốc Nexavar không ngừng mở rộng về số lượng thuốc phân bổ và bổ lượng bệnh viện áp dụng.

“Nếu năm 2016 chương trình chỉ diễn ra tại 4 bệnh viện và tới tháng 4 /2017 chương trình đã mở rộng tới 19 bệnh viện và Trung tâm ung bướu trên toàn quốc. Đây là một chương trình hỗ trợ thuốc đầu tiên tại Việt Nam và có ý nghĩa nhân văn dành cho bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhân ung thư gan và ung thư thận nói riêng. Qua 4 năm triển khai, hơn 1300 bệnh nhân ung thư gan và thận đã được hỗ trợ với giá trị tương ứng hơn 211 tỷ đồng, giúp giảm chi phí điều trị cũng như giảm gánh nặng cho BHXH, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống các bệnh nhân ung thư thụ hưởng”- PGS.TS Trần Thanh Hương nói

Tại buổi toạ đàm, đại diện nhà tài trợ cũng chia sẻ rằng với giá trị cốt lõi là “luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm”, do đó đơn vị không những sẽ đồng hành cùng nhân viên y tế mà còn tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân trong những hoạt động sắp tới tại Việt Nam, với một trong các đối tác tin cậy là Quỹ ngày mai tươi sáng. (04.10.2020, 1017)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến