Thông tin y tế 05 - 08/10/2020

08/10/2020 | 08:58 AM

 | 

1. Không chủ quan vì đang ở thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển

Ngày 2/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 774 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), xuất hiện ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu tại các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Trong đó, huyện Đức Trọng có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh với có 287 ca, tăng trên 50 ca so với tuần trước, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Liên Nghĩa với trên 180 ca và rải rác tại các xã Phú Hội, Liên Hiệp và Tân Hội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2020, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 31 trường hợp mắc SXH và chưa có trường hợp nào tử vong. Trong đó, riêng tháng 9/2020, toàn tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 19 trường hợp mắc mới. Điều đáng nói là đã ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ thuộc phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình); xã Gia Thịnh, Gia Lập (huyện Gia Viễn); thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Lạc Vân (huyện Nho Quan). Như vậy, trong tháng 9, số ca mắc SXH mới đã tăng đáng kể so với các tháng trước.

Tại Hải Dương, tính đến ngày 23/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch SXH với 36 ca mắc. 4 ổ dịch là TP. Hải Dương, huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và Thanh Miện. Sau năm 2017 xuất hiện dịch SXH trên địa bàn tỉnh Hải Dương, liên tiếp 2 năm 2018, 2019, Hải Dương không ghi nhận ca mắc SXH. Đến năm 2020, 7 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 7 ca, tháng 8 ghi nhận 13 ca và 23 ngày của tháng 9 ghi nhận 16 ca mắc.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước, nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang tăng, ca mắc lan rộng ra các quận nội thành.

Trước tình hình dịch SXH có diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở trong nước và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế huyện, thành phố khẩn trương khoanh vùng, xử lý triệt để các ca bệnh và ổ dịch nội sinh. Đồng thời, tích cực triển khai công tác giám sát tại cộng đồng, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. Tiếp tục tuyên truyền các cấp, các ngành liên quan và cộng đồng dân cư chủ động phòng chống các dịch bệnh bằng việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể, diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn, thực hiện ăn chín, uống sôi, thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, số ca mắc và tử vong do SXH trên cả nước có tỉ lệ thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 65,6%, tử vong giảm giảm 82%. Số mắc ghi nhận chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam, chiếm 90% số mắc toàn quốc. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan với dịch SXH. Trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người, nên số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Để phòng chống SXH, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đồng thời, khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (05.10.2020, 992)

2. Lợi ích “kép” từ hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Với đề án hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, người bệnh được các bác sĩ có chuyên môn cao thăm khám, tư vấn điều trị mà không cần chuyển viện. Góp phần giảm thiểu các nguy cơ trong quá trình di chuyển, song song đó đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới còn được hỗ trợ, nâng cao trong lĩnh vực chuyên môn.

Ngày 23/9, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Kết nối trực tuyến với 300 điểm cầu

Tại buổi lễ, BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày BV Chợ Rẫy khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội trú và ngoại trú, đặc biệt trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng được chuyển từ các tuyến. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 có hơn 26.500 bệnh nhân từ các tỉnh thành được chuyển đến Khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn do bệnh lý trong quá trình vận chuyển người bệnh còn có thể đối diện với rất nhiều khó khăn và tốn kém.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, ngoài chức năng điều trị và hỗ trợ điều trị cho các tỉnh thành phía Nam, BV Chợ Rẫy thường xuyên kích hoạt các “chương trình báo động đỏ” và “quy trình vàng” nhằm hỗ trợ các đơn vị bạn cũng như các BV tuyến địa phương hội chẩn từ xa. Với ý nghĩa đó, để hiện thực hóa chỉ đạo triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, BV Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa BV Chợ Rẫy. Được đầu tư công nghệ dẫn truyền hiện đại, hệ thống này là một trong những giải pháp tối ưu không chỉ lưu trữ và bảo mật các thông tin cá nhân của người bệnh mà còn giúp các bác sĩ có thể hội chẩn và đưa ra hướng điều trị ngay trên hệ thống.

BS.CK2 Nguyễn Tri Thức ghi nhận: “Với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu nối trực tuyến, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại BV Chợ Rẫy không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như kịp thời được xử lý trong tình huống khẩn cấp, an toàn hiệu quả ngay ở tuyến dưới, tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị… mà còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh viện tuyến địa phương, gia tăng cơ hội cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị”.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay, trong thời gian qua ngành y tế trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số, như: Bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đẩy mạnh họp trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng chống COVID-10, đặc biệt hướng đến tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho người bệnh Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Với đề án này, đội ngũ y tế trong cả nước từ thành phố đến vùng sâu vùng xa sẽ được nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, mang các dịch vụ kỹ thuật y tế cao đến với các vùng sâu vùng xa, người bệnh được sử dụng những kỹ thuật y tế cao ngay tại tuyến dứoi với chuyên môn từ các bệnh viện tuyến cuối mà không cần phải chuyền viện. Từ những lợi ích thiết thực này, chỉ sau 3 tháng phát động, ngành y tế đã thực hiện kết nối được 1.045 điểm cầu trên cả nước, các bệnh viện tuyến trung ương được kết nối với các điểm cầu là các bệnh viện tuyến địa phương một cách dễ dàng, nhiều ca bệnh khó đã được thực hiện hội chẩn có phương pháp điều trị kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được của giai đoạn đầu thực hiện đề án, TS Cao Hưng Thái đề nghị BV Chợ Rẫy nói riêng và các BV tuyến trung ương nói chung trong thời gian tới không dừng lại ở việc hỗ trợ hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa mà còn triển khai các hình thức khác như: thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người bệnh, đào tạo năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới theo hình thức từ xa…

Xuyên trưa hội chẩn từ xa cho 3 ca bệnh đặc biệt

Ngày 23/9, Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa BV Chợ Rẫy đã phối hợp hội chẩn cho 3 bệnh nhân tại 3 điểm cầu gồm Trung tâm y tế quân, dân y huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), BV Đa khoa Cà Mau, và BV Đa khoa Bình Định.

Từ điểm cầu Trung tâm y tế quân, dân y huyện Côn Đảo, bệnh nhân nam T.K.B. (91 tuổi, nặng 45 kg), cách nhập viện khoảng 2 năm, bệnh nhân thường bị rối loạn tiêu hóa kèm theo đau bụng vùng chậu. Bệnh nhân đi khám được nội soi phát hiện ở đại tràng có khối nhỏ kích thước 1,5 cm. Khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân thường xuyên bị táo bón, bệnh nhân ăn uống kém, sụt cân nhiều, thể trạng ngày một yếu đi mọi sinh hoạt cá nhân phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.

Giám đốc Trung tâm y tế quân, dân y huyện Côn Đảo cho biết, tại đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, do đó bệnh nhân được tư vấn lên tuyến trên khám và điều trị nhưng do bệnh nhân tuổi cao, thể trạng yếu và gia đình không có điều kiện chăm sóc trong trường hợp chuyển tuyến. Trước đó, con gái của bệnh nhân tử vong do suy tim bẩm sinh, bản thân bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền: tăng huyết áp, suy tim độ III, viêm phế quản mạn, viêm dạ dày, lao phổi 10 năm đã được điều trị. Bệnh nhân có thói quen ăn uống không điều độ, ăn ít rau xanh.

Tại điểm cầu BV Chợ Rẫy, các bác sĩ từ các chuyên khoa: Ung bướu, Tim mạch can thiệp, Chẩn đoán hình ảnh, Hô hấp, Trung tâm ung bướu, Nội tim mạch, Dinh dưỡng, Điều trị giảm nhẹ đã trực tiếp hội chẩn, đưa ra các phương án để hỗ trợ điều trị cho người bệnh. BS.CKII Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy kết luận: Bệnh nhân T.K.B  có tiền căn mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp cần phải duy trì điều trị bằng thuốc; u đại tràng có tắc ruột cần mở đại tràng; tình trạng suy dinh dưỡng cần đièu trị dinh dưỡng nâng cao thể trạng, hỗ trợ thuốc giảm đau. Đặc biệt, bệnh nhân có khối u đại tràng, và tổn thương phổi nghi ngờ áp xe hoặc lao tái phát, hướng tốt nhất là cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để xác định rõ bản chất khối u và tổn thương ở phổi để có phương án điều trị đúng.

Tại điểm cầu BV Đa khoa Cà Mau, bệnh nhân T.V.H. (65 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở, tay chân lạnh vã mồ hôi. Trước nhập viện 3 giờ, bệnh nhân đau ngực sau xương ức, vã mồ hôi, khó thở tăng dần. 2 năm trước bệnh nhân từng bị xuất huyết não. Từ các kết quả chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành dưới thất phải giờ thứ 3 có biến chứng, xuất huyết não cũ. Để hỗ trợ cho BV Đa Khoa cà Mau, các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp, và Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Chợ Rẫy đã cùng trao đổi về tình trạng của bệnh nhân, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Tương tự, một trường hợp người bệnh cao tuổi có các bệnh lý nền phức tạp gặp nhiều khó khăn trong trường hợp chuyển tuyến tại BV Đa khoa Bình Định cũng đã được hội chẩn từ xa, hướng dẫn phương án điều trị. (05.10.2020, 1509)

3. Bị phạt đến 5 triệu đồng khi sử dụng thẻ BHYT của người khác

Theo khoản 1 điều 84 Nghị định 117 quy định phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định 117/2020/NĐ-CP gồm 4 chương và 117 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Các hành vi vi phạm hành chính về BHYT  được quy định tại Mục 5 (từ điều 80 đến điều 95), có 15 hành vi vi phạm cụ thể phải bị xử phạt vi phạm hành chính gồm:

Vi phạm quy định về đóng BHYT;

Vi phạm quy định về đưa người không thuộc trách nhiệm quản lý của tổ chức vào danh sách tham gia BHYT;

Vi phạm quy định về xác nhận không đúng mức đóng của đối tượng tham gia BHYT; Vi phạm quy định về lập, chuyển danh sách cấp thẻ BHYT;

Vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bênh;

Vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc BHYT;

Vi phạm quy định về quản lý thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác trong khám chữa bênh BHYT;

Vi phạm quy định về phạm vi quyền lợi được hưởng của đối tượng tham gia BHYT;

Vi phạm quy định về thanh toán chi phí khám chữa bênh BHYT;

Vi phạm quy định về hợp đồng khám chữa bênh BHYT;

Vi phạm quy định về xác định quyền lợi trong khám chữa bênh BHYT không đúng với thông tin trên thẻ BHYT;

Vi phạm quy định về báo cáo thực hiện BHYT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Vi phạm quy định về cung cấp thông tin về đối tượng tham gia BHYT;

Vi phạm quy định về cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp sai lệch thông tin trong giải quyết quyền lợi của người bệnh tại cơ sở khám chữa bênh hoặc thanh toán trực tiếp đối với đối tượng tham gia BHYT;

Vi phạm quy định về gửi báo cáo quyết toán chi phí khám chữa bênh BHYT chậm hơn thời gian quy định.

Theo khoản 1 điều 84 Nghị định 117 quy định phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau: Từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3 - 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Hiện nay, mức phạt đối với hành vi cho mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh quy định tại khoản 2 điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng khi chưa làm thiệt hại quỹ BHYT và từ 1 - 2 triệu đồng khi làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Như vậy, mức phạt trên tại Nghị định 117 năm 2020 đã tăng so với mức phạt hiện hành.

Ngoài ra, trong trường hợp cho người khác mượn hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác mà làm thiệt hại đến quỹ BHYT thì buộc phải hoàn trả số tiền đã vi phạm vào quỹ BHYT (nếu có). Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. (06.10.2020, 678)

4. Số ca sốt xuất huyết của Hà Nội tăng nhanh

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước đó nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang tăng lên, dịch lan rộng ra các quận nội thành.

Số ca mắc tăng cao

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca SXH mới xuất hiện rải đều tại 29/30 quận huyện, tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Nam Từ Liêm (29 ca); Đống Đa (23 ca); Thanh Xuân (20 ca); Thanh Oai (30 ca); Thường Tín (21 ca)...

Tổng số ca SXH từ đầu năm 2020 đến nay tại Hà Nội là 2.922 ca; trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tuy đến thời điểm này, số ca mắc SXH của Hà Nội giảm 45% so với cùng kỳ của năm 2019 (5.327 trường hợp) nhưng hiện một số quận, huyện vẫn có số ca mắc khá cao như: Phúc Thọ (360 ca), Thường Tín (355 ca), Nam Từ Liêm (319 ca)..., có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp. Trong khi đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển, dịch bệnh SXH dễ bùng phát mạnh.

Hà Nội vẫn còn 47 ổ dịch quy mô thôn/xóm/tổ dân phố đang tồn tại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch SXH theo quy định để ngăn chặn dịch lan rộng.

Mặc dù năm 2020 không phải năm trong chu kỳ dịch SXH, tuy nhiên, chúng ta đã cách chu kỳ dịch trước (năm 2017) là 3 năm nên nguy cơ SXH tại địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận có khả năng bùng phát. Vì vậy, tất cả mọi người dân, tất cả các địa phương phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu. Nếu xuất hiện ổ dịch, có người bệnh thì ngay lập tức phải khống chế kịp thời để giúp cho việc hạn chế và lan rộng bùng phát mạnh.

Phun diệt muỗi vằn đúng cách

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch SXH trong năm, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh 24/7, đảm bảo kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Nếu có hàng xóm hoặc người sống trong cùng cụm dân cư bị SXH tức là nhà bạn đang nằm trong ổ dịch. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Nhiều người dân nghĩ rằng gia đình đã từng phun hóa chất diệt muỗi cách đó một khoảng thời gian và khi vùng có dịch, nhân viên y tế tiếp tục tới phun thuốc nữa sẽ không cần thiết. Điều đó là quan niệm sai lầm. Bởi nếu chỉ một hộ gia đình phun thuốc, có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng xóm ngõ vẫn để nhiều phế thải đọng nước mưa, các hộ gia đình khác không có ý thức phòng bệnh, thì đàn muỗi mang mầm bệnh vẫn bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.

Loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi nào phun hóa chất chống dịch thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành y tế. Người dân thấy hiện tượng này cần báo lại cho chính quyền ngay lập tức.

Hiện nay có hiện tượng một số người đến các hộ gia đình mời chào phun thuốc muỗi và có thể có những hành vi lừa đảo, trộm cướp tài sản. Tuy nhiên, thuốc này chưa chắc đã đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, liều lượng, thời gian, hướng phun, pha hóa chất, xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Người dân nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của các Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ, tránh bị lợi dụng. (06.10.2020, 831)

5. Hải Phòng: 127/152 mẫu F1 liên quan đến ca nghi nhiễm người Nhật có kết quả âm tính

Liên quan đến ca bệnh nhân người Nhật nghi nhiễm làm việc tại Hải Phòng, chiều 6/10, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh cho biết, ngành Y tế Hải Phòng đã phối hợp cùng các địa phương và lực lượng chức năng rà soát các trường hợp liên quan.

Theo đó, tính đến thời điểm này đã xác định được 152 trường hợp F1, thuộc các quận/huyện: Thủy Nguyên (125 mẫu), Lê Chân (22 mẫu), Ngô Quyền (3 mẫu), An Dương (1 mẫu), Hồng Bàng (1 mẫu).

Kết quả xét nghiệm trên hệ thống RT - Realtime PCR của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã xác định 127/152 trường hợp âm tính với vi rút SARS-CoV-2, đó là các trường hợp thuộc quận/huyện Thủy Nguyên, Hồng Bàng, An Dương. 25 trường hợp thuộc quận Lê Chân và Ngô Quyền đang tiến hành xét nghiệm, chờ kết quả.

Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục điều tra, rà soát các trường hợp F1 (nếu có) để cách ly và lấy mẫu tiến hành xét nghiệm. (07.10.2020, 224)

6. Hà Nội đã triển khai 456 mô hình Trạm Y tế điểm

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến tháng 9/2020, thành phố Hà Nội đã triển khai được 456 Trạm Y tế điểm, đạt 95,19%.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2019 toàn thành phố đã triển khai 279 trạm y tế điểm, đạt 47,7%. Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2020 đã triển khai 177 trạm y tế điểm. Tích luỹ năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020 toàn thành phố đã triển khai được 456 trạm y tế điểm đạt 95,19%.

Về cơ sở hạ tầng, các Trạm Y tế điểm đã được đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa, đảm bảo đủ các phòng chức năng theo đúng quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Các trạm y tế được sắp xếp lại các phòng chức năng theo Quyết định 6070/QĐ - BYT ngày 08/10/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng. Theo đó, các phòng được bố trí phù hợp theo công năng sử dụng.

Đối với công tác khám chữa bệnh tại Trạm Y tế điểm, 8 tháng năm 2020, số lượt khám chữa bệnh trung bình tại một Trạm Y tế điểm trên địa bàn là 248 lượt người/tháng. Các Trung tâm Y tế đã ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện được phân công theo Kế hoạch 124/KH - SYT ngày 7/1/2020 của Sở Y tế về cử người hành nghề và tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn; đồng thời, rà soát điều động cán bộ tăng cường xuống Trạm Y tế hỗ trợ công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, công tác triển khai mô hình Trạm Y tế điểm trên địa bàn thành phố còn những khó khăn như: chưa có sự liên thông giữa các phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân và phần mềm khám chữa bệnh, phần mềm tiêm chủng nên cán bộ y tế mất nhiều thời gian trong công tác nhập dữ liệu vào phần mềm.

Nhiều Trạm Y tế chưa có kinh phí để thực hiện bố trí không gian và các phòng chức năng cho Trạm Y tế điểm theo Quyết định 6070 của Bộ Y tế. Cán bộ tuyến trên xuống Trạm Y tế khám chữa bệnh không được thanh toán công khám, kỹ thuật và thuốc theo bệnh viện tuyến trên mà vẫn áp theo định mức của Trạm Y tế…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, để việc triển khai mô hình Trạm Y tế điểm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các Trung tâm Y tế rà soát tham mưu UBND quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các Trạm Y tế điểm đảm bảo theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn.

Các Trung tâm bố trí đủ số lượng và cơ cấu cán bộ cho Trạm Y tế theo quy định, ưu tiên bác sĩ về công tác tại các Trạm Y tế; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu tại các Trạm Y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn theo nguyên lý y học gia đình; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế… (08.10.2020, 617)

7. Gia tăng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%. Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị lạo lực giới, do đó vai trò của Công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng.

Ngày 8/10, gần 100 y, bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, các Sở, ban, ngành; các tổ chức và chuyên gia đến từ các Bệnh viện Trung ương; Bệnh viện, Cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các sáng kiến để cải thiện việc hỗ trợ cho các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Diễn đàn “Công tác Xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế và trong bối cảnh dịch COVID-19: Góc nhìn của người trong cuộc” do Sở Y tế đồng chủ trì phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam và Tổ chức Planète Enfant et Dévelopment (PE&D). Diễn đàn là tiền đề cho việc rà soát, lập Kế hoạch dự kiến đề xuất thí điểm Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam 63% phụ nữ đã từng trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%.

Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị lạo lực giới, do đó vai trò của Công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và Công tác xã hội trong Bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Diễn đàn đã khẳng định rõ công tác xã hội rất quan trọng trong các cơ sở y tế và đây là cơ hội tốt cho các cơ sở y tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bối cảnh COVID-19 và nắm rõ thêm thông tin về các quy định và hướng dẫn về hỗ trợ các nạn nhân và các quy định về nhiệm vụ thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện”.

Bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia chương trình của UN Women Việt Nam khẳng định Y tế là một trong ba dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân cùng với Tư pháp, Hành pháp và Dịch vụ xã hội  được chú trọng trong Gói dịch vụ thiết yếu toàn cầu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực mà UN Women cùng với các tổ chức Liên hợp quốc khác đang nỗ lực giới thiệu, thử nghiệm và nhân rộng tại Việt Nam.

Theo đó, quy trình khám chữa bệnh cần đảm bảo có nhạy cảm với các nhu cầu và không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới, đồng thời phải có sự điều phối, kết nối, chuyển gửi chặt chẽ với các Dịch vụ thiết yếu khác.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân toàn cầu theo gói dịch vụ can thiệp thiết yếu, những kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện và các mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới trong bệnh viện tại các nước trên thế giới và việc triển khai công tác này trên thực tế khi hỗ trợ các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới trong các cơ sở y tế tại Việt Nam.

Diễn đàn đã góp thêm tiếng nói và góc nhìn của người trong cuộc góp phần cải thiện chất lượng Công tác xã hội trong bệnh viện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới. Diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và huy động các bên liên quan tham gia đồng hành phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo cách tiếp cận của Công tác xã hội góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung. (08.10.2020, 864)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến