Thông tin y tế 09 - 11/9/2020

11/09/2020 | 09:19 AM

 | 

1. Trẻ 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết, bác sĩ BV Nhi Trung ương khuyến cáo khẩn

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em- BV Nhi TW đã tiếp nhận hơn 60 trẻ nhập viện vì mắc sốt xuất huyết đến điều trị.

Sốt xuất huyết không chừa một ai, trẻ nhũ nhi cũng mắc bệnh

Chị Thế Thị Thu Trang (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) đã cho con trai vào BV Nhi Trung ương điều trị được 8 ngày, đến nay con chị vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết và không ăn được. “Con mắc bệnh đúng vào dịp đầu năm học mới, hôm khai giảng không tham dự được nên rất cháu rất buồn”, chị Trang cho hay.

Chị Trang kể, từ ngày 31/8, chị thấy con có biểu hiện sốt cao, có khi lên đến 41 độ, nôn vài lần trong ngày. Cho bé uống thuốc hạ sốt thì chỉ hạ được ít. Thấy vậy, chị cho con đến BV huyện Đan Phượng thăm khám và được chẩn đoán là sốt xuất huyết. Điều trị tại đây 2 ngày, cháu không đỡ nên gia đình xin chuyển lên BV Nhi TW.

Ngoài đứa con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn một đứa con nhỏ 4 tuổi cũng mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bố chị Trang cũng ở Tân Hội hiện đang bị sốt xuất huyết.

Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương

Con trai chị Trang chỉ là một trong nhiều trẻ hiện đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới- BV Nhi Trung ương.

Thông kê cho biết, tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. “Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự kiến con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa”- TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết.

TS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong. Thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này.

Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết sau đó bị muỗi đốt, con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh. “Đối với những trẻ nhũ nhi dù mới được vài ngày tuổi nhưng trẻ không có biến chứng nặng như những trẻ lớn hơn”- TS Lâm chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen hạ sốt cho trẻ

TS Nguyễn Văn Lâm cho hay, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.

TS Lâm lưu ý, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Thí dụ như, khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

"Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng khi bị sốt xuất huyết, khi vào viện khai thác tiền sử gia đình mới biết, phụ huynh tự ý cho dùng ibuprofen. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo tuyệt đối không nên dùng loại thuốc này cho trẻ bị sốt xuất huyết”, TS Lâm cảnh báo.

TS Lâm nhấn mạnh: Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường.

Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.

Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng”, BS Lâm khuyến cáo.

Cuối cùng để phòng sốt xuất huyết, vấn đề gốc dễ là vệ sinh nơi ở bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 31/8 đến 6/9, toàn thành phố đã ghi nhận 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, phân bố tại tại 106 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.

Từ đầu năm 2020 tới nay, Hà Nội có tổng cộng 1.802 ca sốt xuất huyết, 2 ca tử vong. Con số này giảm so với cùng kỳ của năm trước (cùng kỳ năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 3.626 trường hợp).

Sở Y tế cho biết, các ca mắc tập trung tại một số quận huyện vùng ven như Thường Tín (38 ca), Nam Từ Liêm (35 ca), Thanh Oai (13 ca), Đan Phượng (12 ca).

Số lượng bệnh nhân đang tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Trước tình hình đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng phối hợp thực hiện phòng chống dịch, không chủ quan với dịch bệnh. (09.9.2020, 1163)

2. Chất kịch độc botulinum trong Pate Minh Chay: Chưa đến 0,1mg có thể gây tử vong

Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp tục ghi nhận bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay. Bác sĩ cho biết, độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

35 người đến khám sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp vào ngày 29/8: Ngừng lưu hành và thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng ngày 3/9 vẫn có một người ăn Pate Minh Chay và đã bị ngộ độc, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo số liệu thống kê đến ngày 7/9, Trung tâm đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay.

Trong đó, có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này đã ăn thực phẩm Pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định, được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp, nếu có diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.

Qua các hoạt động hội chẩn, trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ thuộc hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu của các tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết và nguy cơ gây ngộ độc tiếp.

Loại bỏ chất độc càng sớm càng tốt

TS. Nguyên cho biết, các sản phẩm của công ty trên đang gây ngộ độc, đặc biệt món Pate Minh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

"Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt" - chuyên gia chống độc nói.

Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29/8. Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ.

Đặc biệt bệnh nhân đã tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại. Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ hy vọng tình trạng của bệnh nhân này sẽ được cải thiện tốt hơn do đã được dùng thuốc giải độc.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, để tiếp tục phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum:

- Người dân cần tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm của Cty này (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay).

- Nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của Công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng.

- Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.

Ngày hôm qua 8/9, WHO cho biết đã tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.

Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam ngày trong chuyến bay ngày hôm qua từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.

Trước đó, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai.

10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum. (09.9.2020, 954)

3. Bệnh viện 199, Bộ Công an triển khai phòng khám chữa bệnh từ xa

Bệnh viện 199, Bộ Công an vừa chính thức đưa vào hoạt động Phòng khám Chăm sóc Sức khỏe từ xa Telehealth, phòng khám thành lập với sự hợp tác của BV Đại học Y Hà Nội.

Nằm trong chương trình Hỗ trợ tư vấn, khám bệnh từ xa (Telehealth) của BV Đại học Y Hà Nội, phòng khám chăm sóc sức khỏe từ xa tại Bệnh viện 199, Bộ Công an sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc kết nối giữa BV 199 và BV Đại học Y Hà Nội cũng như người bệnh sinh sống ở Đà Nẵng với các chuyên gia đầu ngành ngoài Hà Nội.

Chương trình hỗ trợ tư vấn, khám bệnh từ xa với sự hỗ trợ kỹ thuật của tập đoàn Viettel và dịch vụ live stream XQ media đã được BV Đại học Y Hà Nội triển khai từ tháng 4/2020 đến nay đã tiến hành kết nối với 18 bệnh viện tuyến dưới và khám chữa bệnh từ xa cho hơn 5.000 bệnh nhân.

Trong đó, Bệnh viện 199 cũng là một trong các đơn vị đã kết nối với BV Đại học Y Hà Nội. Chương trình nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh và tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới có thể học hỏi và nâng cao chuyên môn.

Chuyển giao kỹ thuật kết nối khám chữa bệnh từ xa tại BV 199, Bộ Công an

Thông qua khám chữa bệnh từ xa bằng hình thức trực tuyến và các công cụ truyền xem hình ảnh, các chuyên gia đầu ngành của BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn, phân tích hình ảnh trực tuyến và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Nhờ đó các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Người dân khi tham gia chương trình Telehealth sẽ nhận được rất nhiều lợi ích: không tốn chi phí đi lại xa xôi, rất phù hợp với các bệnh lý lây nhiễm phải hạn chế di chuyển, bệnh cần sơ cứu tại chỗ (đột quỵ, tim mạch,…) hay người già khó khăn trong việc đi lại, di chuyển, trường hợp cần can thiệp tại chỗ sẽ được thực hiện tại bệnh viện sở tại với sự giám sát, hướng dẫn của chuyên gia tuyến trung ương, người bệnh được hội chẩn, thăm khám với sự tham gia của nhiều đơn vị y tế trong cả nước, và được trực tiếp chẩn bệnh với các chuyên gia hàng đầu,…và nhiều lợi ích khác.

Bệnh viện 199 là đơn vị duy nhất tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tham gia Chương trình Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội. Như vậy, người dân khi đăng ký khám tại Phòng khám từ xa Telehealth tại Bệnh viện 199 sẽ được nhận dịch vụ khám, chăm sóc sức khỏe trực tiếp từ BV Đại học Y Hà Nội.

Bệnh viện 199, Bộ Công an sẽ từng bước nâng cấp chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Phòng khám tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 9/9/2020. (10.9.2020, 600)

4. Các ca nhiễm bạch hầu ở Đắk Nông đã được chữa khỏi

Đến ngày 10/9, Sở Y tế Đắk Nông cho biết, tất cả 100% ca nhiễm bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh này đã được chữa khỏi và cho xuất viện về nhà. Trước khi xuất viện, bệnh nhân còn được hướng dẫn cách giữ vệ sinh, phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Theo đó, 14/14 ổ dịch ở Đắk Nông đã được khống chế hoàn toàn. Ngoài 2 ca nhiễm phát hiện muộn, biến chứng nặng tử vong thì 37 ca còn lại đã khỏi, sức khỏe ổn định.

Đến nay, ngành y tế địa phương đã triển khai tiêm chủng phòng chống bạch hầu cho 9 xã thuộc 4 huyện Đăk Glong, Krông Nô, Tuy Đức, Đăk R’Lấp. Đã có 54.540 trường hợp được tiêm mũi thứ 1 và 29.828 trường hợp đã được tiêm mũi thứ 2 vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu.

Công tác tuyên truyền phòng bệnh đang tiếp tục được triển khai đến từng khu dân cư và trường học. Mọi người dân cần chủ động thường xuyên sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh nơi ăn, chốn ở…(10.9.2020, 209)

5. Chiều 10/9, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, Việt Nam vẫn có 1.059 bệnh nhân

Bản tin 18h ngày 10/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận. Việt Nam hiện vẫn có 1.059 bệnh nhân. Trong ngày có 03 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 18h ngày 10/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 10/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 36.126, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 621

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.874

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 19.631

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 03 bệnh nhân khỏi bệnh bao gồm:

+ 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN443, BN868

+ BN969 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh

Các bệnh nhân này sau khi được công bố khỏi bệnh sẽ tiếp tục cách ly tại nhà theo dõi sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế

Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 893 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.059 ca mắc.

Lúc 8h25 sáng nay, tại phòng Cấp Cứu, Khoa Virus - Ký sinh trùng, êkíp của Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (gồm Bác sĩ Cao Văn Dũng và Cử nhân Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng) đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ dương tính với SARS-COV-2 sinh thường một bé trai 3,8 kg an toàn

Sản phụ là bệnh nhân COVID-19 số 411, 30 tuổi, có địa chỉ tại Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ.

Bệnh nhân từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 17/7/2020. Bệnh nhân được cách ly ngay khi nhập cảnh và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Bệnh nhân có tiền sử đẻ non, do đó, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, bệnh nhân đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng. (10.9.2020, 614)

6. Chuyển giao kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ

Thực hiện đề án hỗ trợ chuyên môn giữa BV Việt Đức và BVĐK Cẩm Phả, các chuyên gia ngoại tiết niệu của BV Việt Đức do PGS.TS. Đỗ Trường Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu làm trưởng đoàn đã trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao thành công kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ cho BVĐK Cẩm Phả.

PSG.TS. Đỗ Trường Thành trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật tán sỏi qua da cho bác sĩ của BVĐK Cẩm Phả

Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ là kỹ thuật mới, chuyên sâu, điều trị ít xâm lấn, phương pháp là “chuẩn vàng” để điều trị sỏi niệu lớn và phức tạp. Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da cho thấy hiệu quả rất tốt, đây là một kỹ thuật cao, ít xâm hại, trong quá trình tiến hành, người bệnh chảy ít máu, không đau đớn và thời gian hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật mở. Kỹ thuật này còn tránh được sẹo mổ lớn cho người bệnh, đồng nghĩa với việc tránh được các biến chứng của một vết mổ rộng để vào thận lấy sỏi, khắc phục được tình trạng sót sỏi, giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng vết mổ so với phương pháp mổ thường. Đây là ưu điểm tuyệt đối của nội soi tán sỏi thận qua da, nhờ khả năng kiểm soát toàn bộ đài bể thận và đoạn trên niệu quản.

Thời gian qua, BVĐK Cẩm Phả tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Từ tháng 06/2020, Đề án hỗ trợ chuyên môn của BV Việt Đức cho BVĐK Cẩm Phả chính thức được triển khai, đang tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lộ trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế chuyên sâu, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại khoa. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được các chuyên gia đầu ngành của BV Việt Đức thực hiện cho người bệnh ngay tại BVĐK Cẩm Phả, đồng thời, trên cơ sở đó chuyển giao lại kỹ thuật cho các thầy thuốc tại đây.

Việc làm chủ được các kỹ thuật hiện đại của BVĐK Cẩm Phả góp phần giúp bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Từ đó, tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện phẫu thuật, thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn. (11.9.2020, 491)

7. Đà Nẵng nới lỏng các hoạt động xã hội, vẫn cảnh giác phòng dịch

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu kỹ các phương án, cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực trên tinh thần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Công văn số 6055/UBND-SYT UBND TP Đà Nẵng, kể từ 0 giờ ngày 11/9 cho đến khi có thông báo mới, Đà Nẵng tiếp tục chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo Điều 5, Quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, ban hành kèm theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 4/9/2020 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về việc Ban hành Quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn trong “trạng thái có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp”...

Ông Lê Trung Chinh đề nghị các quận, huyện của Đà Nẵng: Các địa phương căn cứ theo tình hình thực tế và các quy định được nêu rõ để triển khai các biện pháp cần thiết. Ngoài ra, thời gian tới, học sinh các cấp sẽ đi học trở lại, vì vậy, ngành giáo dục phải chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là phòng, chống dịch để các em trở lại trường. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực tuyên truyền các chủ trương của thành phố để nhân dân hiểu những kết quả đạt được cũng như kế hoạch trong thời gian đến và không được chủ quan trước diễn biến của dịch bệnh.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: 70.972 trường hợp đại diện hộ gia đình trên địa bàn được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đều có kết quả âm tính. Đây là tất cả số người được xét nghiệm giai đoạn 1 theo kế hoạch xét nghiệm đại diện hộ gia đình do thành phố triển khai từ ngày 3/9.

Trước đó, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 5857/KH-UBND về việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng theo hộ gia đình tại Đà Nẵng nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng để nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch lây lan; góp phần cung cấp thêm thông tin về tình hình COVID-19 trên địa bàn thành phố, làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn sắp tới.

Đối tượng được xét nghiệm là cá nhân đại diện cho từng hộ gia đình chưa được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các khu dân cư trên địa bàn, gồm chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình, là người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất trong hộ gia đình (người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây; người có tiếp xúc với nhiều người trong xã hội; hộ có công nhân, sinh viên thuê trọ; hộ có đông nhân khẩu...). Người trên 18 tuổi, bảo đảm sức khỏe để lấy mẫu tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung.

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện việc xét nghiệm đối với các trường hợp có nguy cơ như kế hoạch đã đề ra. Căn cứ vào tình hình thực tế của những người có dấu hiệu ho, sốt, có yếu tố dịch tễ, CDC Đà Nẵng sẽ quyết định tổ chức cách ly hay không cách ly. Trong thời gian tới, các hoạt động giao thương, đi lại sẽ nhiều, ngành y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 sẵn sàng phương án bố trí các khu vực cách ly y tế. “Khi các hoạt động trở lại gần như bình thường, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì số lượng F1 có thể lên đến hàng trăm người. Chính vì vậy, cần chuẩn bị phương án cách ly, theo dõi đối với những trường hợp nghi nhiễm để khoanh vùng, xác định nguy cơ”.

Hiện nay, Đà Nẵng đang sử dụng 2 cơ sở cách ly tập trung là Khu ký túc xá phía Tây thành phố (quận Liên Chiểu) và khu nhà ở công nhân tại quận Cẩm Lệ. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của TP. Đà Nẵng giao UBND các địa phương này chuẩn bị phương án, kế hoạch, sẵn sàng trong trường hợp phải cách ly số lượng lớn những trường hợp nghi nhiễm. Ngoài ra, ngành du lịch có nhiệm vụ làm việc với các khách sạn đăng ký làm nơi cách ly có thu phí, sẵn sàng phương án, bố trí nhân lực, đồng thời công khai, minh bạch mức giá khi thực hiện cách ly. (11.9.2020, 839)

8. Xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh

Ngày 11/9, Bộ Y tế ban hành công văn số 4847/BYT-DP gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Công văn nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-COV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài, Bộ Y tế đề nghị Bộ Lao động Thương binh xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam cần xuất cảnh và có yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận không dương tính với SARS-CoV-2, đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ở các tỉnh, thành phố để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Nếu kết quả dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.060 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 403 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước, trong số đó có 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng.

Về tình hình xét nghiệm, từ 23/7-08/9, thực hiện 625.431 xét nghiệm trong tổng số 1.063.656 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 58,8%). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.239.174 lượt người. (11.9.2020, 432)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến