Thông tin y tế 12 - 14/9/2020

14/09/2020 | 09:24 AM

 | 

1. Phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 diễn ra ngày 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, đạt kết quả bước đầu. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Do đó, phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Nhận xét:

Thống kê theo thời gian thực của trang Worldometers cho biết tính tới 6h30' sáng nay 12-9, toàn thế giới đã có hơn 28,6 triệu ca bệnh, trong đó hơn 20,5 triệu ca đã khỏi và số người tử vong chưa tới 1 triệu. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc, ca tử vong đứng thứ nhất thế giới.

Số ca bệnh COVID-19 ở Tây Ban Nha đã tăng lên hơn 12.000 người trong ngày 11/6, mức tăng cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi đại dịch bùng lên.

Sau khi tăng thêm 874 người tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ tính tới 11/9, Brazil đã có hơn 130.000 người tử vong (chính xác là 130.396) theo thống kê của hãng tin Reuters. Tổng số ca bệnh COVID-19 của nước này cũng đã vượt qua 4 triệu người.

Tại Việt Nam, trong 24h qua chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới. Đó là bệnh nhân nam, 21 tuổi, ở Điền Trung, Bá Thước, Thanh Hóa. Bệnh nhân từ Nga nhập cảnh về Việt Nam ngày 08/9/2020, được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

Bản tin 6h sáng ngày 12/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới. Đến hôm nay cũng đã 10 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Các cơ sở y tế đã chữa khỏi 902 bệnh nhân COVID-19, trong số các bệnh nhận đang điều trị có 55 ca xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần.

*Về công tác chỉ đạo, điều hành

- Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 diễn ra sáng ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Ba tháng còn lại rất quan trọng đối với Việt Nam để thực hiện mục tiêu kép, đạt mức tăng trưởng dương ở mức dự báo có thể là 3%.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, các địa phương, nhất là 15 địa phương có ca mắc gồm Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Hải Dương và một số địa phương khác đã phối hợp với ngành y tế, các cấp, các ngành để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm...

Về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, đạt kết quả bước đầu. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường.

Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Cho nên, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp bộ, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép.

Phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Các địa phương cần phải tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.

Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan”. Phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư. Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, diễn tập, hướng dẫn các biện pháp ứng phó với tình huống xảy ra dịch bệnh ở những khu vực này.

-  Thủ tướng cũng yêu cầu: Bộ Y tế phải phối hợp các bộ, ngành phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời phải theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở đường bay thương mại quốc tế. Ngành y tế, ở cả Trung ương và địa phương chủ động, có biện pháp thần tốc khi phát hiện ca dương tính mới.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam.

- Ngày 11/9, Bộ Y tế ban hành công văn số 4847/BYT-DP gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Theo đó, đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam cần xuất cảnh và có yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận không dương tính với SARS-CoV-2, đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ở các tỉnh, thành phố để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Nếu kết quả dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

* Về công tác điều trị, xét nghiệm:

Đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 902 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.060 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 17 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có  73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng. (12.9.2020, 1530)

2. Hải Dương: Gỡ bỏ phong tỏa nhiều cụm dân cư, khu phố

Tỉnh Hải Dương kết thúc thời gian cách ly y tế đối với một số cụm dân cư, khu phố trên địa bàn huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Ngày 12/9, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2751/QĐ-UBND về việc kết thúc thời gian cách ly y tế tại cụm dân cư/khu phố trên địa bàn huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định: Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Khu phố Mạc Thị Bưởi, Thị trấn Nam Sách, từ số nhà 158 đến 228 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Ngõ số 10 Trần Văn Giáp, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, từ đầu ngõ đến số nhà 34 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với các hộ gia đình, cơ quan thuộc Khu phố Nguyễn Chí Thanh, từ số nhà 84 đến số nhà 157 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Toàn bộ ngõ 64, phố Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Ngô Quyền, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương đoạn từ số nhà 154 đến số nhà 210 kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương theo chiều từ điểm tiếp giáp khu nhà trọ đến điểm giao cắt với đường Thanh Bình kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Lại Kim Bảng, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương từ điểm giao cắt với phố Tăng Bạt Hổ đến điểm giao cắt với phố Trần Khắc Chung kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020. (12.9.2020, 347)

3. Các ca mắc COVID-19 ở Đắk Lắk đều được chữa khỏi

Cả ba bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ở Đắk Lắk là BN 448, BN 601, BN 602 đều đã được chữa khỏi và cho xuất viện. Ba bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến thành phố Đà Nẵng.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Đắk Lắk (ở giữa) xuất viện

Như vậy, đến ngày 12/9, toàn tỉnh Đắk Lắk không còn người nhiễm COVID-19 nào phải điều trị, chỉ cách ly tại cơ sở y tế 2 người, cách ly tập trung 73 người.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt, tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 8137/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh này tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Bên cạnh đó, vận động người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và trên các phương tiện công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. (12.9.2020, 241)

4. Hải Dương: Gỡ bỏ phong tỏa nhiều cụm dân cư, khu phố

Tỉnh Hải Dương kết thúc thời gian cách ly y tế đối với một số cụm dân cư, khu phố trên địa bàn huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Ngày 12/9, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2751/QĐ-UBND về việc kết thúc thời gian cách ly y tế tại cụm dân cư/khu phố trên địa bàn huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định: Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Khu phố Mạc Thị Bưởi, Thị trấn Nam Sách, từ số nhà 158 đến 228 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Ngõ số 10 Trần Văn Giáp, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, từ đầu ngõ đến số nhà 34 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với các hộ gia đình, cơ quan thuộc Khu phố Nguyễn Chí Thanh, từ số nhà 84 đến số nhà 157 kể từ 0 giờ ngày 14/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Toàn bộ ngõ 64, phố Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Ngô Quyền, phường Tân Bình, thành phố Hải Dương đoạn từ số nhà 154 đến số nhà 210 kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương theo chiều từ điểm tiếp giáp khu nhà trọ đến điểm giao cắt với đường Thanh Bình kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020.

Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với khu phố Lại Kim Bảng, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương từ điểm giao cắt với phố Tăng Bạt Hổ đến điểm giao cắt với phố Trần Khắc Chung kể từ 0 giờ ngày 15/9/2020. (13.9.2020, 347)

5. Bệnh nhân COVID-19 cuối cùng xuất viện, Hà Nam ở trạng thái an toàn với dịch

Sáng 13/9, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vừa tổ chức xuất viện cho bệnh nhân COVID-19 số 620, đồng thời là bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của tỉnh này tính đến nay

Bệnh nhân 620 là nữ, 42 tuổi, nhà ở tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân đi từ vùng dịch Đà Nẵng về và có biểu hiện mắc COVID-19, được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam từ ngày 31/7, sau đó xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là bệnh nhân có quá trình điều trị khá phức tạp. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã có 3 lần liên tục xét nghiệm âm tính, sau đó dương tính trở lại ngày 3/9. Từ ngày 3/9 đến nay, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và đã có 3 lần liên tục xét nghiệm âm tính và được kiểm tra sức khỏe tổng thể, bảo đảm sức khỏe hoàn toàn ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh và ra viện.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân 620 sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày và theo dõi sức khỏe, kiểm tra y tế thường xuyên. Cũng theo CDC Hà Nam, đến nay tỉnh Hà Nam ở trạng thái khá an toàn trước diễn biến của dịch COVID-19. (13.9.2020, 260)

6. Telehealth: Hiệu quả nhân đôi cho bác sĩ và người bệnh

Khám, chữa bệnh từ xa vừa phục vụ người bệnh, vừa cải thiện hệ thống cơ sở y tế. Mô hình này giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn trong bối cảnh có dịch bệnh. Điều quan trọng hơn cả theo các chuyên gia khám chữa bệnh trực tuyến, khám bệnh từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba, vừa minh bạch thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, giảm tiền mặt, giảm chi phí cho người dân.

Telehealth -Không còn giới hạn giữa các tuyến khám, chữa bệnh

Bệnh nhân ở Nguyễn Đức T.  Bắc Quang -Hà Giang vào viện lý do vào viện là đau ngực trái, khó thở, đau đầu chóng mặt. Với tiền sử ung thư phổi trái đã 6 tháng và di căn não.

Một tuần trước khi vào viện bệnh nhân đau đầu chóng mặt, kèm theo đau ngực trái, khó thở, mệt, ăn ngủ kém. Ở nhà bệnh nhân không dùng thuốc gì.

Khi khám các bác sĩ cho thấy bệnh nhân thể trạng gầy, da sạm, mạch 64/ ph, Huyết áp 150/79mmHg. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh đã được gủi xuống bệnh viện bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Chúng tôi gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị", bác sĩ Tú- Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang- Hà Giang nói.

Ngay lập tức, toàn bộ kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán... của bệnh nhân được chuyển đến Hà Nội qua hệ thống PACS/Tele-radiology.

Tiến sĩ Lê Tuấn Linh, Trưởng Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, nhận định;  phim chụp cắt lớp vi tính ngực của bệnh nhân tổn thương bên trái tràn dịch màng phổi, toàn bộ bên trái phổi đã xẹp. Có tổn thương hình khối nhiều mạch máu, gây tắc nhánh phế quản bên trái . Có hạch trung thất, các hạch trước khí quản lên sát cổ, tổn thương tuyến thượng thận và có một số hạch nằm ở tâm vị của bệnh nhân. Điều này cho bệnh nhân bị ung thư phổi ở giai đoạn tương đối muộn.  Đối với Phim chụp cắt lớp vi tính sọ não của bệnh nhân cho thấy tổn thương di căn não.

TS. Trịnh Lê Huy- Phó trưởng Bộ môn Ung thư trường Đại Học Y Hà Nội, Phó trưởng khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ BV Đại Học Y Hà Nội cho biết, với bệnh nhân này ung thư phổi di căn cả thượng thận và não, hướng điều trị cần phải có mô bệnh học nhưng bệnh nhân chưa làm chẩn đoán mô bệnh học trong khi thường những bệnh nhân di căn hạch như này thì việc di căn hạch thượng đòn là rất lớn.. do vậy Bs Huy đề nghị các bác sĩ bệnh viện Đa khoa KV Bắc Quang Hà Giang kiểm tra kỹ khu vực thượng đòn 2 bên nếu có hạch thượng đòn thì kiểm tra sinh thiết sẽ ít gây biến chứng hơn cả.

Nếu không có hạch thượng đòn thì sẽ tính đến việc sinh thiết u phổi hoặc u não. Ngoài ra cần kiểm tra toàn thân kỹ cho bệnh nhân khảo sát xem bệnh nhân có di căn cột sống chưa rồi mới đi vào điều trị.

PGS. TS Kiều Đình Hùng- Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thêm, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn di căn lên não nếu tìm được đột biến gen thì mới có hy vọng, nếu không có đột biến gen thì chỉ điều trị triệu  chứng. Để chọc lấy bệnh phẩm thì cần lấy tại phổi vừa giúp bệnh nhân đỡ khó thở vừa hạn chế được biến chứng. Nếu có điều kiện sinh thiết u phổi. Đối với u não thì kích thước nhỏ và tỷ lệ do ung thư phổi di căn thì việc điều trị ở phổi ổn định thì không cần can thiệp ở não.  PGS Hùng chẩn đoán.

Đứng trước thực tế như vậy, PGS.TS. Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐHYHN đã đề nghị bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang  giúp đỡ bệnh viện đa khoa KV Bắc Quang làm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân. Sau khi có kết quả, các bác sĩ có hướng điều trị như trong hội chẩn, bệnh nhân không cần chuyển viện.

Sau khi bệnh nhân được các chuyên gia tại Hà Nội hội chẩn, kết quả được đưa vào hệ thống. Tại Hà Giang, bệnh nhân và nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu bằng tài khoản và mật khẩu của mình.

Cũng tại buổi hội chẩn các bệnh nhân như: Bùi Thị M, Nữ, 88 tuổi, được chẩn đoán sơ bộ là tăng huyết áp/ suy thận cấp biến chứng OAP/ Gẫy cổ xương đùi phải/ viêm phổi; Bệnh nhân Nguyễn Thị K, Nữ, 60 tuổi được chẩn đoán sơ bộ là vêm phổi – Tăng huyết áp – Đái tháo đường tuyp II; Bệnh nhân Nông Văn D, Nam, 41 tuổi được chẩn đoán sơ bộ là nhiễm trùng cẳng bàn chân 2 bên / Goute / Hội chứng Cushing…. Cũng được các chuyên gia hội chẩn đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả điều trị đỡ tốn kém nhất cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường lượt bệnh nhân khám theo lịch hẹn qua tổng đài chiếm 15-20% lượng khám trong ngày. Hiện do dịch bệnh, số bệnh nhân đặt lịch hẹn khám nhưng không đến viện ngày càng tăng, một số người đã tử vong do nhồi máu cơ tim cấp do không đến bệnh viện.

Việc ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân kịp thời được kiểm tra, kiểm soát sức khỏe.

Cơ hội lớn cho bác sĩ tuyến dưới,  giảm chi phí cho người dân

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị tiên phong ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa - TeleHealth trong mùa dịch Covid-19. Từ 2 bệnh viện ban đầu là Bệnh viện đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa Quảng Xương (Thanh Hoá), sau gần 4 tháng triển khai đã có 64 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở BV Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có nhiều báo cáo với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…

Đáng nói là tất cả các trường hợp mà BV tuyến dưới đưa ra hội chẩn, đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ các buổi KCB từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời.

Vì thế, mỗi buổi KCB từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng KCB của ngành y tế.

Chia sẻ về vấn đề này, theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào – Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp - BV Đại học Y Hà Nội - cho biết các BV đều có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa, bằng việc đề xuất để BV Đại học Y Hà Nội khảo sát, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và quyết định lựa chọn. “Không chỉ hỗ trợ các BV tuyến dưới trong các buổi KCB từ xa, các bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội còn hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới trong điều trị, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh bất cứ lúc nào”. BS Đào nói.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào chia sẻ thêm, việc triển khai mô hình KCB từ xa mang lại nhiều lợi ích cho y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ TTTT, Tập đoàn Viettel cùng đội ngũ thầy thuốc nhiệt huyết, cũng còn nhiều khó khăn. Đó là các BV đề xuất KCB từ xa hầu hết ở các địa phương rất khó khăn về đi lại cũng như về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, để kết nối. Hiện cũng chưa có chính sách cụ thể, chưa có kinh phí cho mô hình này, nên BV Đại học Y Hà Nội phải tự xoay sở trong nguồn kinh phí của BV để hỗ trợ các BV tuyến dưới.

Cả nước hiện có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 Phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế.

Dự kiến tháng 9, khoảng 1.000 cơ sở y tế sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Theo đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia.

Ðề án hướng đến 5 mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn. Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân. (14.9.2020, 1912)

7. Quảng Ngãi duy trì tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng

Quảng Ngãi đã điều trị khỏi bệnh hoàn toàn cho tất cả 6/6 bệnh nhân COVID-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/9, 3 bệnh nhân cuối cùng tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xuất viện. Tại Quảng Ngãi, hơn 1 tháng qua chưa ghi nhận ca bệnh mới. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đã hoạt động trở lại bình thường.

Ngành y tế địa phương nhận định, nguy cơ dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là. Ngành y tế khuyến cáo, để thực hiện chung sống an toàn với dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ vừa ổn định sản xuất vừa phòng chống dịch, mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cần tự giác hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Từ những nhận định và tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được khống chế, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thống nhất một số đề xuất của Sở Y tế, trong đó có việc tạm ngừng hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cho đến khi có yêu cầu nhiệm vụ mới; dừng hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Giao ngành y tế tiếp tục theo dõi, giám sát, báo cáo kịp thời tình hình phòng chống dịch cho cấp có thẩm quyền theo quy định.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ của hơn 2.000 tổ giám sát và truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng tại địa phương; Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai tập huấn, áp dụng “Sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại trường học trong trạng thái bình thường mới cho các cơ sở giáo dục các cấp; tiếp tục tăng cường kiểm soát người nhập cảnh, không để tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào tỉnh...

Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tính chủ động phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương, người dân, thủ trưởng của các đơn vị, trong đó lưu ý cần duy trì các biện pháp phòng, chống hiệu quả như tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, bệnh viện, nơi đông người, phương tiện giao thông... (14.9.2020, 446)

8. Cung ứng thuốc trong điều trị và dự phòng HIV

Đó là chủ đề của hội thảo do Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 14/9/2020 tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế và tránh nguy cơ gián đoạn thuốc ARV khi chuyển đổi hình thức cung ứng thuốc ARV từ nhà tài trợ sang bảo hiểm y tế chi trả...

Nhiều thông tin đã được đề cập trong hội thảo như: Định hướng về tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS trên thế giới và lộ trình tối ưu hóa phác đồ ARV trong điều trị người nhiễm HIV tại Việt Nam; mua sắm và thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế; cung ứng cấp giấy phép lưu hành đối với  thuốc ARV...

Về tối ưu hóa phác đồ điều trị ARV, TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, việc tối ưu hóa là nỗ lực để có được phác đồ ARV đơn giản, hiệu quả, an toàn và đủ khả năng chi trả cho người bệnh nhằm tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV; các phác đồ ARV cần dễ sử dụng cho phụ nữ, trẻ em, các nhóm bệnh nhân đồng nhiễm với lao, viêm gan B...; và các quốc gia cần nỗ lực đảm bảo cho người nhiễm HIV được tiếp cận với các thuốc ARV có hiệu quả, an toàn mà vẫn đảm bảo chi phí thấp.

Việc mở rộng điều trị và lộ trình tối ưu hóa phác đồ điều trị thuốc ARV ở nước ta, TS Đỗ Thị Nhàn, Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ, đến 30/6/2020, nước ta đã có gần 150.000 người đang điều trị ARV. Theo Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030 sẽ tiếp tục mở rộng điều trị thuốc ARV. Theo đó, năm 2021, sẽ có 163.000 người và đến năm 2025 sẽ có 190.000 người được điều trị ARV. Hiện nước ta có 22 thuốc ARV đang được sử dụng điều trị HIV/AIDS (theo Quyết định 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019), trong đó 21 thuốc dùng trong điều trị nhiễm HIV (11 thuốc dùng cho người từ 10 tuổi trở lên và 10 thuốc dùng cho trẻ dưới 10 tuổi) và 1 thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Sau khi loại trừ thuốc LNZ, TLE 600 còn lại 19 thuốc, trong đó có 9 thuốc dành cho người lớn.

Định hướng loại bỏ phác đồ không còn hiệu quả như LNZ trong điều trị HIV/AIDS, TS Nhàn cho biết, đến tháng 12/2018, có 13.890 người đang dùng LNZ, nhưng đến tháng 6/2020, chỉ còn 4.722 người, đến tháng 7/2021 còn 1.146 tháng 2/2022 sẽ kết thúc phác đồ có LNZ.

Không chỉ những người nhiễm HIV/AIDS phải sử dụng thuốc liên tục suốt đời mà những người có nguy cơ cao nhiễm HIV cũng sẽ được dùng thuốc điều trị dự phòng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV (Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm –PrEP). Theo TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PrEP là kết hợp của hai loại thuốc ARV và sẽ được coi như mũi nhọn của biện pháp dự phòng trong chương trình phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 10 năm tới. Với khoảng 9000 người đang được điều trị, không có trường hợp nào bị nhiễm HIV trong giai đoạn điều trị dự phòng liên tục. Số lượng này sẽ tăng lên 64.000 người vào năm 2025.

Kết quả của các biện pháp điều trị ARV đã góp phần không nhỏ vào khống chế gần nửa triệu người không bị lây nhiễm HIV và gần 200 ngàn người tránh được tử vong do HIV/AIDS. Với những bằng chứng khoa học và hiệu quả điều trị ARV thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một lộ trình tăng tưởng bệnh nhân hàng năm để ngày càng nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận và tiếp cận sớm với điều trị, sẽ giúp sớm khống chế và chấm dứt đại dịch AIDS ở nước ta vào năm 2030.

Như vậy, để tạo ra một thị trường cung ứng thuốc đầy đủ cho người nhiễm HIV/AIDS với giá thành hợp lý giúp người bệnh HIV có thể duy trì điều trị suốt đời, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp dược...

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về qui mô của thị trường thuốc ARV ở nước ta, kế hoạch mua sắm ARV trong tương lai cũng như cập nhật những qui định liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu và đăng ký thuốc ARV ở nước ta..(14.9.2020, 819)

9. Hà Nội: 8 khách sạn được chọn là cơ sở cách ly thu phí

UBND TP. Hà Nội vừa có thông tin về danh mục hồ sơ đề nghị cho người nhập cảnh cách ly tại Hà Nội và danh sách các khách sạn được phép là cơ sở cách ly.

Cụ thể: 8 khách sạn được UBND TP. Hà Nội cho phép là cơ sở cách ly tập trung tiếp nhận người nước ngoài có nguyện vọng và tự nguyện chi trả phí lưu trú, các dịch vụ liên quan của khách sạn gồm:

1. Khách sạn Hòa Bình (do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý): Số 27, phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

2. Khách sạn InterContinental Westlake Hanoi (khu vực đảo Pavilion 1) do UBND quận Tây Hồ quản lý: Số 5, phố Từ Hoa, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

3. Khách sạn Sofitel Legend Metropole HaNoi (do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý): Số 15, phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

4. Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La (do UBND quận Hà Đông quản lý): Số 66 Phúc La, khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội.

5. Khách sạn Bình An 3 (do UBND huyện Sóc Sơn quản lý): Thôn Lâm Nghiệp, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

6. Khách sạn Crown Plaza (do UBND quận Nam Từ Liêm quản lý): Số 36 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

7. Khách sạn Bình An 1 (do UBND huyện Sóc Sơn quản lý): Thôn Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

8. Khách sạn Wyndham Garden Hà Nội (do UBND quận Hà Đông quản lý): HH01, đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

Quy định cách ly y tế tại khách sạn

Theo Bộ Y tế, người đang được cách ly phải chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế như sau:

1. Cách ly tại phòng: hạn chế ra khỏi phòng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong phân khu cách ly. Trong trường hợp buộc phải ra ngoài phòng, phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác tối thiểu 2 mét.

2. Không được tự ý ra khỏi phân khu cách ly và khách sạn.

3. Không tổ chức các trò chơi đông người trong phân khu cách ly. Không tụ tập nói chuyện với người được cách ly khác.

4. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với người khác. Không khạc nhổ bừa bãi.

5. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch vào các thời điểm: Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hắt hơi, khi tay bẩn... Tự rửa cốc chén, đồ dùng cá nhân và khuyến khích tự làm, đảm bảo vệ sinh trong phòng.

6. Bỏ rác vào túi buộc kín và cho vào thùng đựng rác đặt ngoài hành lang trước cửa phòng để thu gom hằng ngày vào giờ cố định.

7. Nhận đồ vải sạch đã để sẵn ở hành lang trước cửa phòng vào giờ cố định. Đồ vải cần giặt (quần áo, vỏ chăn ga, gối,...) cho vào túi buộc kín để ngoài hành lang trước cửa phòng để thu gom hằng ngày.

8. Thường xuyên mở cửa sổ (nếu có) để thông khí. Hạn chế bật điều hòa nhiệt độ (nếu dùng thì để nhiệt độ trên 26°c và tăng cường thông gió).

9. Tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho lễ tân khách sạn hoặc cán bộ y tế ngay khi có một trong các triệu chứng: sốt, ho, đau họng, khó thở và các triệu chứng khác.

10. Đồ ăn được cung cấp theo thực đơn của khách sạn vào thời gian cố định trong ngày. Không phục vụ đồ ăn theo yêu cầu của người được cách ly trừ trường hợp có đề xuất chế độ ăn của cán bộ y tế.

11. Khách sạn chỉ chuyển giao đồ tiếp tế cho người được cách ly 1 lần/ngày vào thời gian cố định.

Người được cách ly phải thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên. Khách sạn từ chối phục vụ nếu người được cách ly không thực hiện. (14.9.2020, 730)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến