Thông tin y tế 15 - 17/9/2020

17/09/2020 | 09:25 AM

 | 

1. Phòng, chống COVID-19 cho trẻ nhỏ: Thắt chặt “vành đai an toàn” từ xa

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, các bệnh viện trên toàn địa bàn tp.hcm đang tăng cường các biện pháp phòng chống. Không chỉ nâng cao bảo vệ đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, tại các bệnh viện nhi, các biện pháp bảo vệ trẻ nhỏ cũng được tăng cường.

Rà soát bệnh nhi đến từ các vùng dịch

Tại bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM, công tác kiểm soát phòng chống COVID-19 vẫn luôn được thực hiện nghiêm chỉnh. Tại cổng chính bệnh viện, từ sáng sớm phụ huynh và trẻ nhỏ được nhân viên y tế hướng dẫn xếp hàng, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế.

Đối với những bệnh nhi và thân nhân không có các yếu tố dịch tễ, không đến từ các vùng dịch được công bố trong và ngoài nước, các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội được dán phiếu “đã sàng lọc” để tiếp tục vào các khoa khám bệnh, điều trị. Trường hợp có yếu tố dịch tễ kèm theo yếu tố nguy cơ (đến từ các vùng dịch) sẽ được cách ly, theo dõi sức khỏe ngay tại bệnh viện.

Chị Trần Thị Y (SN 1993, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cùng 2 con nhỏ (bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi) đang được cách ly ở ngày thứ 5 tại phòng cách ly thuộc Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2. Chị Y cho biết, chị quê ở tỉnh Thái Bình. Ngày 5/8 vợ chồng chị cùng 2 con và người thân từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi máy may đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau đó mới từ Hà Nội đón xe khách để về Thái Bình. Ngày 15/8, vợ chồng chị cùng 2 con lại trở về Hà Nội, từ sân bay Nội Bài để đi máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất và trở về Đồng Nai. Trước khi về quê hai con của chị đã bị sốt, cháu nhỏ có tiền sử co giật. Trong 10 ngày ở quê, bé 3 tuổi cũng bị sốt 2 lần. Sau khi trở lại Đồng Nai, ngày 21/8, cả hai con của chị có biểu hiện sốt trở lại, kèm theo đỏ rát họng, phải đưa đến BV Nhi đồng 2 để khám. Ngay sau đó, chị Y và hai con được hỗ trợ cách ly, theo dõi sức khỏe.

Chị Y kể: “Ở đây, một mình tôi không thể chăm cả 2 bé cùng một lúc nên tôi đã nhờ chị gái vào giúp đỡ. Con tôi được cách ly theo dõi sức khỏe ở 2 phòng. Mỗi ngày các bác sĩ đều đến kiểm tra thân nhiệt của chị em tôi và các con. Chúng tôi được đảm bảo từ việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh hoạt cá nhân. Ngày hôm qua, cả hai bé mới được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính”.

BS.CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết, cùng với trường hợp mẹ con chị Y, tại phòng cách ly thuộc Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 đã hỗ trợ cách ly, theo dõi sức khỏe cho nhiều bệnh nhi và cha mẹ. Hầu hết các trường hợp được cách ly đều có yếu tố dịch tễ và yếu tố nguy cơ.

Không chỉ tại Khoa Nhiễm có khu cách ly riêng bắt buộc, tại mỗi khoa trong BV đều có phòng cách ly riêng tạm thời. Nếu từ cổng kiểm soát hoặc từ khoa khám bệnh bỏ sót trường hợp nghi ngờ, tại các khoa điều trị nội trú các bác sĩ tiếp tục sàng lọc và chuyển đến phòng cách ly tạm thời của khoa, sau đó liên hệ với Khoa Nhiễm để chuyển đến cách ly, tránh trường hợp bỏ sót ca bệnh phát tán virus trong nội khoa.

Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được cách ly đủ 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Trường hợp trẻ đã về từ vùng dịch quá 14 ngày sẽ được xét nghiệm 1 lần, nếu cho kết quả âm tính sẽ được rời khỏi phòng cách ly. Được biết, cho đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm của trẻ được cách ly đều âm tính.

1 trẻ nhiễm COVID-19 có thể là F0 của chùm ca bệnh

Theo BS.CKII Đỗ Châu Việt, đối với trẻ mắc COVID-19, biểu hiện bệnh cũng giống như ở người lớn, có triệu chứng điển hình về đường hô hấp như: sốt, ho, sổ mũi, đau ngực, khó thở. Tuy nhiên, triệu chứng khác so với người lớn là trẻ em có thể có có thêm các triệu chứng về tiêu hóa như: ói mửa, tiêu chảy, hoặc có những trường hợp không có triệu chứng.

Từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi mắc bệnh, tất cả trường hợp đều ở tình trạng nhẹ. Theo BS Việt, có thể đưa ra một số giả thuyết, như: ở trẻ em, các cơ quan: gan, thận, phổi… đang phát triển khỏe mạnh, trường hợp nhiễm bệnh sức chống chịu của trẻ vẫn ở mức cao, khó diễn tiến nặng. Đối với người lớn tuổi, các cơ quan tạng đã suy yếu dần, đồng thời mắc nhiều bệnh lý mạn, nếu nhiễm virus “bệnh sẽ chồng bệnh”, khiến tình trạng diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao.

Trẻ nhiễm COVID-19 được ghi nhận tình trạng nhẹ hơn so với người lớn, tuy nhiên điều trị cho trẻ cũng gặp những khó khăn. Đối với người lớn, bên cạnh hỗ trợ của y tế, có thể tự chăm sóc cá nhân, đối với trẻ nhỏ, trường hợp mắc bệnh nặng sẽ được chăm sóc y tế toàn bộ, trẻ có tình trạng nhẹ buộc phải có người thân chăm sóc, người chăm sóc trẻ nhiễm bệnh cũng có nguy cơ lây nhiễm.

Ở nhóm trẻ nhỏ tuổi, chủ yếu sinh hoạt tại nhà, trường hợp phát hiện trẻ bị bệnh có thể kéo theo chùm ca bệnh. Trẻ có thể lây bệnh từ người lớn, do đó cần tăng cường điều tra dịch tễ đối với những người xung quanh trẻ, người lớn từ vùng dịch trở về.

Trong số trường hợp trẻ bị các bệnh về đường hô hấp, có khoảng 10% trường hợp sẽ diễn tiến nặng: viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp… Tùy mức độ có thể để lại các hậu quả suy gan, suy thận, suy tim. Nếu nhiễm COVID-19 tình trạng dễ diễn tiến nặng hơn. BS Việt khuyến cáo: “Đối với những trường hợp này nên phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để chặn các diễn tiến nặng. COVID-19 hiện không có thuốc đặc trị nên việc điều trị hỗ trợ rất quan trọng. Trẻ bị suy hô hấp cần được giúp thở, suy tim cần hỗ trợ tim, lọc máu ECMO sẽ giúp vượt qua được giai đoạn nặng.

Ở những trường hợp nhẹ, nhỏ tuổi, trẻ không biết làm vệ sinh cá nhân như khạc đàm, hỉ mũi tống những chất có virus ra ngoài, nên lượng virus vẫn nằm lẩn quẩn trong khu vực hầu họng, mũi, miệng, do đó người lớn cần hỗ trợ xịt rửa, bơm rửa nước muối, súc họng cho trẻ mỗi ngày. 

BS.CKII Đỗ Châu Việt- Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2:

COVID-19 hiện không có thuốc đặc trị, nên việc điều trị hỗ trợ rất quan trọng “Trong số trường hợp trẻ bị các bệnh về đường hô hấp, có khoảng 10% trường hợp sẽ diễn tiến nặng: viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp… Tùy mức độ có thể để lại các hậu quả suy gan, suy thận, suy tim. Nếu nhiễm COVID-19 tình trạng dễ diễn tiến nặng hơn. Đối với những trường hợp này nên phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để chặn các diễn tiến nặng. COVID-19 hiện không có thuốc đặc trị, nên việc điều trị hỗ trợ rất quan trọng. Trẻ bị suy hô hấp cần được giúp thở, suy tim cần hỗ trợ tim, lọc máu ECMO sẽ giúp vượt qua được giai đoạn nặng.

Ở những trường hợp nhẹ, nhỏ tuổi, trẻ không biết làm vệ sinh cá nhân như khạc đàm, hỉ mũi tống những chất có virus ra ngoài, nên lượng virus vẫn nằm lẩn quẩn trong khu vực hầu họng, mũi, miệng, do đó người lớn cần hỗ trợ xịt rửa, bơm rửa nước muối, súc họng cho trẻ mỗi ngày”. (15.9.2020, 1464)

2. Vì sao các ca tử vong do bệnh dại ở Tây Nguyên vẫn cao?

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cái chết thương tâm vì bệnh dại liên tục xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh sự chủ quan không đến cơ sở y tế khi bị vật nuôi cắn, ý thức thực hiện Luật Thú y chưa nghiêm nên các nguy cơ đau thương vẫn luôn thường trực.

Tự điều trị

Nhiều ngày nay, người dân xã Quảng Sơn và xã Đăk Ha (huyện Đăk Glong, Đăk Nông) vẫn còn ám ảnh trước cái chết của ông K’Siêng và Y Sam. Vốn quen với ruộng rẫy và ít quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dại nên khi bị chó nuôi của gia đình cắn, chảy máu, xây xước ở ngón tay nhưng K’Siêng cứ để liều vậy.

Ngay cả việc sát trùng vết thương cũng không được thực hiện. Sau một thời gian ủ bệnh, ông K’Siêng thấy tê cánh tay, đau đầu, khó nuốt, sợ nước, không thiết làm việc gì. Được đưa đến BVĐK Đăk Nông lấy mẫu gửi về Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thì dương tính với bệnh dại. Bệnh đã biến chứng nặng, không thể chữa nên tử vong. Với trường hợp của Y Sam và một số trường hợp khác ở Tây Nguyên thì lại tự điều trị. Sau khi bị chó nuôi cắn vào má gây chảy máu, Y Sam không đến bệnh viện, không đi tiêm phòng hay thăm khám mà kiếm lá cây, thuốc Nam đắp vào, tự chữa cho mình. Đến khi bệnh biến chứng nặng, khó thở, khó nuốt, không đủ sức đi lại mới đến bệnh viện thì tử vong.

Ở Kon Tum, cũng bởi chủ quan, nhiều cái chết vì bệnh dại đã ập đến. Nhớ lại trường hợp của em A Khơ (xã Ya Chim, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nhiều người dân nơi đây lại thương tiếc. Ông A Mảnh - chú của A Khơ cho biết: Thường ngày cháu A Khơ rất ngoan, học hành thông minh và chăm chỉ, lần hội làng nào cũng được tuyên dương. Ai cũng bất ngờ vì chỉ bị chó cắn nhẹ một thời gian mà cháu đã tử vong. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng cháu A Khơ vẫn không qua khỏi.

Vì sao nên nỗi?

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngày 7/9/2020, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã tức tốc ban hành Văn bản số 13/CT-UBND chỉ đạo tập trung quyết liệt phòng, chống bệnh dại.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh này đã có 6 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 5 huyện: Krông Búk (02), Ea H’Leo (01), Krông Bông (01), Krông Pắc (01), M’Đrăk (01). Tỉnh Đăk Lăk chỉ ra nguyên nhân gia tăng số người tử vong vì bệnh dại và số chó, mèo dương tính với virus dại còn nhiều là do các địa phương chưa tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y. Chưa tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ 12 giải pháp tại Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 được ban hành kèm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh này tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của Luật Thú y. Lập ngay các đoàn công tác đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại địa phương và điều tra các trường hợp chó dại cắn gây thương vong trên người.

Để bệnh dại không thành nỗi ám ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Tây Nguyên cũng cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế tuyến huyện, chính quyền địa phương và cơ quan thú y các cấp tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị chó dại, nghi dại cắn. Bên cạnh đó, lập sổ quản lý các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại để theo dõi, vận động người bị chó dại, nghi bị bệnh dại đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời, ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ người tử vong vì bệnh dại.

Ngành giáo dục cũng phải phối hợp với cơ quan thú y, y tế tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên về tính chất nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Các địa phương phải khẩn trương hỗ trợ vắc-xin dại tiêm phòng cho động vật trên địa bàn; tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh dại để cảnh báo cộng đồng. (15.9.2020, 876)

3. Hội Thầy thuốc trẻ tặng buồng lấy mẫu xét nghiệm và xe đẩy bệnh nhân truyền nhiễm

Chiều ngày 15/9, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình tiếp nhận và trao tặng trang thiết bị vật tư phục vụ phòng chống COVID-19 trong khuôn khổ chương trình Triển khai các hoạt động Hỗ trợ y tế trong giai đoạn bình thường mới.

GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến tham dự lễ tiếp nhận, trao tặng trang thiết bị vật tư phục vụ phòng chống dịch và nhận định: “Trước tình hình hiện nay, xu hướng của Chính phủ là mở cửa để phát triển kinh tế, việc tăng cường trang bị trang thiết bị hiện đại cho y tế tuyến đầu là rất cần thiết, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu kép về phát triển kinh tế và phòng chống dịch”.

Ngay tại buổi lễ trao tặng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã chuyển giao buồng lấy mẫu và giường vận chuyển cho 5 bệnh viện: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; đồng thời chuyển bộ xét nghiệm cho biên phòng Lạng Sơn và Sở Y tế tỉnh Bình Định.

Trước đó, ngay từ khi dịch bùng trở lại vào cuối tháng 7, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã khởi động lại chương trình và triển khai nhiều hoạt động cụ thể như chương trình 8 triệu khẩu trang y tế, từ ngày 26/7/2020 đến nay đã có nhiều hoạt động cụ thể như: Trao tặng 1,5 triệu khẩu trang Y tế cho 29 đơn vị phục vụ công tác phòng, chống COVID-19; Hỗ trợ Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng 5000 bộ bảo hộ cho Đà Nẵng và Hải Dương; Hỗ trợ Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng 500 bộ bảo hộ cấp 4, 1000 test xét nghiệm PCR và sinh phẩm cho Quảng Nam; Tặng 5000 que lấy dịch tỵ hầu cho các đơn vị xét nghiệm trên cả nước.

Tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã được trao tặng: 05 buồng di động lấy mẫu xét nghiệm và 05 giường vận chuyển bệnh nhân truyền nhiễm, trị giá 3,1 tỉ đồng; 05 bộ xét nghiệm PCR và spotcheck cho COVID-19 trị giá 1,1 tỉ đồng.

Xe đẩy bệnh nhân truyền nhiễm được trao tặng cho 5 bệnh viện.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, các hoạt động của Chương trình Chung tay phòng, chống dịch Covid-19 – Vì một Việt Nam khỏe mạnh sẽ tiếp tục được triển khai trên cả nước bởi các cấp bộ Hội từ nay đến khi Việt Nam tuyên bố hết dịch.

Tính đến sáng ngày 15/9, Việt Nam bước vào ngày thứ 13 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, theo Chính phủ nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép, vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. (15/9/2020, 639)

4. Những kỷ lục ghép tạng hồi sinh sự sống lần đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức

Bệnh viện Việt Đức vừa ghi dấu thêm những kỷ lục lần đầu tiên trong chuyên ngành hiến-ghép tạng của bệnh viện, đó là trong 13 ngày đã ghép thành công 23 tạng và trong 10 ngày đã vận động thành công 4 gia đình hiến tạng, đặc biệt lần đầu tiên trong 2 ngày liên tiếp đã ghép tim cho 2 bệnh nhân thành công

Lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30/8 đến ngày 12/9), Bệnh viện Việt Đức đã ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó gồm: 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não). Hiện tại, tất cả các tạng đều rất tốt.

Cũng lần đầu tiên, trong vòng 10 ngày (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9) đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức vận động thành công được 4 gia đình hiến tạng, thực hiện được: Tim: 3; Gan 4; Thận 8; Mạch máu 20; Van tim 2; Giác mạc 2.

Trước đó,  tháng 1/2020, đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức vận động thành công 3 gia đình ở tỉnh Bắc Giang và 3 gia đình ở tỉnh Thanh Hóa

Đặc biệt, nhờ nguồn tạng được hiến tặng từ 4 gia đình (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9l) mà lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép tim thành công cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp (11 và 12/9).

Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân N.Q.T, 33 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn. Bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn kéo dài 5 năm, điều trị tại bệnh viện tỉnh. Trong quá trình điều trị, nhiều lần xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm phải sốc điện, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân chỉ có 1 cơ hội sống duy nhất là ghép tim.

Ngày 10 /9/ 2020, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực nhận được thông báo từ đơn vị vận động hiến tạng của Bệnh viện Việt Đức về một trường hợp chấn thương sọ não nặng, đã có biểu hiện chết não và gia đình mong muốn được hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận). Đó là một thanh niên còn trẻ và các chức năng tim còn rất tốt, các chỉ số sinh học phù hợp với bệnh nhân T đang chờ ghép tim.

Không thể bỏ qua “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân T, ngày 11/9, ê kíp phẫu thuật do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức làm trưởng kíp đã phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân T.

Các bác sĩ cho biết ca phẫu thuật kéo dài trong 6 giờ. Trong quá trình ghép khó khăn về kỹ thuật chủ yếu là ở chỗ tim của anh T bị bệnh nên quá to, làm khoang chứa tim rất lớn. Tim hiến là của người bình thường - nên nhỏ hơn khoang chứa tim. Do đó, các bác sĩ đã phải dùng một số kỹ thuật để tạo hình, kéo dài các cuống tim ra thì mới nối vừa.

Hiện tại sau ghép, bệnh nhân hồi phục tốt, được rút máy thở, giảm dần thuốc trợ tim, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.

Trường hợp thứ 2 là nam bn N.Đ.D, 52 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử suy cơ tim giãn nhiều năm. Bệnh nhân phát hiện cơ tim giãn từ năm 2006. Từ năm 2013 đến nay được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim giãn.

Gần đây bệnh nhân sức khỏe yếu, mệt hơn, vào viện điều trị nội trú nhiều đợt. Bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép.

Ngày 12/9, 15 giờ sau ca ghép tim ngày 11/9, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân D từ người chết não hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận) là nam thanh niên hơn 30 tuổi, bị tai nạn giai thông không còn khả năng cứu chữa. Ca phẫu thuật đã tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt.

Hiện tại, ngày thứ 3 sau phẫu thuật, bệnh nhân D tỉnh táo, được rút máy thở, có thể ngồi dậy, ăn uống và nói chuyện, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.

Trước đó, trong 1 tuần, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công 15 ca ghép tạng (10 ca ghép tạng từ người cho chết não: (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) và 05 ca ghép tạng từ người cho sống (1 gan, 4 thận).

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại Bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu.

Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng.

"Chi phí rẻ, ngày càng nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi, bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chúng tôi hi vọng những danh sách dài dằng dặc chờ đợi được ghép tạng sẽ dần được rút ngắn, sẽ không có những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sau tai nạn chết não rất nhiều. (16/9/2020, 1022)

5. Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, đến hết ngày 15/9, thế giới ghi nhận 29.469.780 trường hợp mắc, 933.297 trường hợp tử vong COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 21.294.559 và còn 7.241.924 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 60.725 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 199.000 trường hợp tử vong trong tổng số 6.749.289 ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ với 4.930.236 ca nhiễm (80.808 trường hợp tử vong), là quốc gia đứng sau Mỹ về tổng số ca mắc COVID-19, nhưng lại ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao hơn Mỹ kể từ giữa tháng 8. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm là Brazil với 4.349.544 ca mắc (132.117 trường hợp tử vong).

Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 407.353 trường hợp mắc (23.453 trường hợp tử vong), tiếp theo là Bangladesh ghi nhận 339.332 trường hợp mắc với tỷ lệ tử vong khoảng 1,4% (4.759 trường hợp tử vong).

Hơn 1,2 triệu lượt người được xét nghiệm RT-PCR

Tại Việt Nam, ngày 15/9/2020, không ghi nhận trường hợp mắc mới, đây là ngày thứ 13 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.063 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 406 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Từ ngày 23/7/2020 đến nay cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01).

Từ 23/7- 15/9, thực hiện 645.787 xét nghiệm trong tổng số 1.083.798 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 59,6%). Từ 23/7 - 15/9, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 152.202 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 348 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 124.439 xét nghiệm (đã bao gồm 71.300 mẫu được 4 đơn vị hỗ trợ từ đầu tháng 8) (15/9 xét nghiệm 145 mẫu); TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 122.452 xét nghiệm (15/9 xét nghiệm 866 mẫu). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.260.628 lượt người.

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:

- Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo “Hướng dẫn giám sát, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh vào Việt Nam” trong tình hình mới với việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương. Bộ Y tế đang xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 tại các cửa khẩu, sân bay phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”; Xây dựng phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực “an toàn” sau nhiều ngày không ghi nhận các mắc mới trong cộng đồng.

- Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

- Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nâng cao năng lực cho các địa phương, đơn vị theo các hướng dẫn cập nhật, bổ sung về giải pháp chuyên môn kỹ thuật phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trong các cơ sở y tế không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương để nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến.

- Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung. (16/9/2020, 1057)

6. Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ cách phòng bệnh hiệu quả

Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến 15/9/2020 cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc, 07 tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa số mắc có xu hướng gia tăng.

Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm như: Ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế; Công văn chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương trọng điểm; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai phòng, chống dịch bệnh; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng, điều trị các tuyến; chỉ đạo tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 47 tỉnh, thành phố...

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Không tự chữa sốt xuất huyết tại nhà

Theo TS. Nguyễn Kim Thư - Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương người bị nhiễm virus cấp tính thông thường sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Tình trạng bệnh thường diễn biến nặng ở ngày thứ 4-7 sau khi sốt. Trong thời gian này, người bệnh có nguy cơ xuất huyết, cô đặc máu và tụt huyết áp, dẫn tới tử vong. Do đó, tiến sĩ này nhận định việc thăm khám lâm sàng không đủ cơ sở kết luận tình trạng bệnh. Người có dấu hiệu nghi ngờ cần được xét nghiệm.

TS. Thư khuyến cáo: Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt nên đến cơ sở y tế khám sàng lọc. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta quay lại xét nghiệm theo dõi ở ngày thứ 4 hoặc 5. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu mỗi ngày. Nguyên nhân là diễn biến của sốt xuất huyết có thể thay đổi nhanh. Các bác sĩ dựa vào kết quả xét nghiệm để có biện pháp điều trị phù hợp.

"Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng bạch cầu giảm. Nếu chuyển sang giai đoạn cảnh báo, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy dấu hiệu giảm tiểu cầu (thường dưới 100 G/l), chỉ số hematocrit (HCT) tăng phản ánh sự cô đặc máu và có hiện tượng thoát huyết tương" - chuyên gia phân tích.

Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được chỉ định truyền dịch và tiểu cầu. Số lượng dịch, tốc độ truyền sẽ phụ thuộc vào mức độ cô đặc máu của bệnh nhân và theo phác đồ Bộ Y tế.

"Có thể sau 1-2 giờ, tốc độ truyền buộc phải thay đổi. Do đó, việc điều trị sốt xuất huyết cần có sự điều chỉnh và theo dõi của nhân viên y tế. Bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà" - TS. Kim Thư khẳng định. (16.9.2020, 857)

7. Không chỉ phòng COVID-19, thực hiện 5K còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác

Theo các chuyên gia, khi chưa có vắc xin phòng COVID-19 , chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng. Thực hiện “5K” phòng chống dịch không chỉ giúp người dân phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện “5K” sẽ dần dần tạo thành thói quen phòng nhiều dịch bệnh khác liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa… mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.

Tính đến 14h00 ngày 17/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 30.042.218 người mắc; 945.164 người tử vong; 21.808.302 người bình phục.

* Việt Nam: 1063 người mắc; 939 người điều trị khỏi, 35 người tử vong

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

Không còn bệnh nhân nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương

Theo tin từ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, đến thời điểm này, các bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều đã ổn định sức khỏe, chỉ cần chờ đủ số lần xét nghiệm âm tính sẽ được công bố khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Trên toàn  miền Bắc tạm thời không còn bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị. Trong thời gian này, các y bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi và sẵn sàng tâm thế cho các giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh.

Tính từ khi đợt dịch mới bùng phát hồi cuối tháng 7, miền Bắc ghi nhận 4 ca COVID-19 nặng. Ngoài BN1045, BN793, còn có BN812 (nam, 63 tuổi, nhân viên giao pizza tại cửa hàng số 106 Trần Thái Tông) và BN867 (nam 63 tuổi, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương). Những người này đều có bệnh nền, từng phải thở máy và có tình trạng nhiễm trùng bội nhiễm các vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV-2 rất nặng.

Sáng 17/9,  BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã công bố cho 2 bệnh nhân khỏi COVID-19 gồm, đó là các bệnh nhân BN752 ở Phúc Thọ, Hà Nội và BN1044,  62 tuổi, Quốc tịch Ấn Độ. Cả hai đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 từ 3-4 lần, họ sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo.

Thêm bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng khỏi bệnh

Tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng, sáng nay cũng công bố khỏi bệnh cho BN1037: nữ, 29 tuổi, trú tại TP Đà Nẵng.  Đây là trường hợp tiếp xúc với BN1036, kết quả xét nghiệm ngày 27/8/2020 dương tính với SARS-CoV-2.  Sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.  Trường hợp này cũng sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Hiện Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang chỉ còn điều trị cho 4 bệnh nhân COVID-19.

Gần 280 công dân Việt Nam ở châu Âu được đưa về nước

Trong hai ngày 16 và 17-9, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đưa gần 280 công dân Việt Nam về nước.

Hành khách trên chuyến bay đến từ hơn 10 quốc gia ở châu Âu, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, học sinh, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người cao tuổi, người đi du lịch, thăm thân, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động bị kẹt lại.

Trong bối cảnh dịch bệnh khiến việc đi lại trở nên khó khăn, các cơ quan đại diện Việt Nam đã chủ động phối hợp, hướng dẫn công dân các thủ tục cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam di chuyển đến điểm tập trung tại sân bay Frankfurt, Đức.  Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt đã cử cán bộ tới sân bay để hỗ trợ trực tiếp công dân hoàn tất các thủ tục trước khi lên máy bay về nước.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện 5K không chỉ phòng dịch bệnh COVID-19 mà còn là xây dựng thói quen tốt cho sức khỏe

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, theo nhận định của các chuyên gia thì ít nhất phải gần 2 năm nữa mới hết dịch. Cho nên, trước khi chưa có vắc xin thì chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng. Thực hiện “5K” phòng chống dịch, đây  hoàn toàn là hành vi của con người, chính chúng ta có thể thực hiện để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, từ thực hiện “5K” để phòng dịch COVID-19 sẽ dần dần tạo thành thói quen phòng nhiều dịch bệnh khác liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa… mang lại lợi ích cho sức khỏe. (17.9.2020, 937)

8. Nỗi lo an toàn thực phẩm bánh Trung thu

Thời điểm này, thị trường bánh Trung thu đã rất nhộn nhịp. Trong siêu thị, tại các cửa hàng bánh kẹo, ngoài vỉa hè, đường phố, các công ty sản xuất bánh Trung thu đã mở các gian hàng để phục vụ nhu cầu của người dân. Song hành là những lo lắng về chất lượng sản phẩm, về an toàn thực phẩm, về giá trị dinh dưỡng và nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế đến mùa Trung thu, người tiêu dùng lại đau đầu để lựa chọn trước “ma trận” các hãng bánh từ truyền thống đến hiện đại.

Trong siêu thị, tại các cửa hàng bánh kẹo trên vỉa hè, đường phố... đâu đâu cũng tràn ngập các sản phẩm bánh Trung thu từ truyền thống đến hiện đại, từ “handmade” đến nhập ngoại, từ giá thành vài chục nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng/1 sản phẩm. Người tiêu dùng  thật sự đứng trước ma trận trong việc lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu... Trong khi có không ít người cứ tiện đâu mua đấy thì nhiều người đã ý thức tin tưởng vào những hãng có thương hiệu vì đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, không dám mua đồ trôi nổi trên thị trường.

Theo thống kê, có khoảng trên 50 thương hiệu, hàng trăm chủng loại bánh khác nhau đang được bày bán trên thị trường. Song hành cùng các loại bánh được sản xuất trong nước, năm nay, cũng có một lượng lớn các loại bánh được trang trí bắt mắt, mẫu mã đẹp được giới thiệu nhập khẩu đang cạnh tranh với bánh Trung thu nội địa... Thế nhưng, khi được hỏi, nhiều người dân cũng không hề quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Không những thế, bên cạnh các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống với các thương hiệu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến thì thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh nướng Trung thu mini giá rẻ được bày bán nhộn nhịp với nhiều loại nhân phong phú... Với  tiêu chí 3 không: không nguồn gốc xuất xứ, không kiểm định chất lượng, không nhãn mác tiếng Việt, những chiếc bánh này đang tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Chính vì thế, để mỗi sản phẩm bánh Trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, dư luận cho rằng, các đơn vị, cơ sở, cá nhân sản xuất cần có ý thức, trách nhiệm trong từng khâu nguyên liệu, sản xuất và bảo quản. Bên cạnh đó, các cơ quan liên ngành chức năng y tế, công thương, quản lý thị trường... và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu, nhất là trong ngăn chặn bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, trôi nổi lưu hành trên thị trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng. (17.9.2020, 521)

9. Mở cửa dần dần đồng thời siết chặt các biện pháp phòng chống dịch

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành chức năng vừa ra cho phép mở các đường bay quốc tế, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới nhằm ngăn ngừa không cho dịch bệnh tấn công, bảo vệ vững chắc thành quả mà cả nước đã nỗ lực giành được, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, tại Công văn số 7713/VPCP-KTTH ngày 15-9-2020.

Theo đó, trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 40.000 đồng/ngày.

Yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có phạm vi thanh toán khám chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đồng thời, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam phải chấp hành chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành…

-Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương trong cả nước tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không lơ là, chủ quan, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch, đồng thời phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, thực hiện mục tiêu phát triển KTXH.

Hạn chế việc tổ chức mít tinh, lễ hội, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, KTXH thực sự cần thiết phải tổ chức, do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: khử khuẩn kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh, giữ khoảng cách an toàn. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch; tăng cường tổ chức cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến: nếu tổ chức hội họp tập trung, cần đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và thành phố.

-Đà Nẵng: Kể từ 0h ngày 18/9/2020 cho đến khi có thông báo mới, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng như sau:

Tăng cường duy trì thường xuyên việc thực hiện thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.

Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất...

Yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người không cần thiết. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau: quán bar, karaoke, massage, vũ trường.

Các hoạt động khác được trở lại bình thường nhưng phải có cam kết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong từng lĩnh vực theo quy định.

Ngày 21/9 tới, học sinh bậc mầm non, tiểu học tại Đà Nẵng đi học tập trung trở lại. UBND Thành phố đề nghị giai đoạn này hạn chế việc cho học sinh bán trú.

-Hà Nội yêu cầu bệnh viện tạm dừng hoạt động nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch: Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào thành phố, nhất là khi mở rộng cho chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và mở lại các đường bay thương mại với một số nước, UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản số 4522/UBND-KGVX về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. (17.9.2020, 922)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến