Thông tin y tế 18 - 21/9/2020

21/09/2020 | 09:31 AM

 | 

1. Hướng dẫn mới về xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn số 4974/BYT-DP gửi Bộ LĐ-TB&XH và UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Công văn này thay thế công văn số 4847/BYT-DP ngày 11/9/2020 của Bộ Y tế.

Theo công văn mới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 8/9/2020, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh thành phố thực hiện các nội dung sau:

Đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2: Đề nghị các tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, xong chủ động liên hệ với các cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp giấy phép xét nghiệm xác định để được xem xét, hướng dẫn hướng dẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân do tổ chức, đơn vị có yêu cầu; Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo Bộ Y tế, từ 23/7-17/9, thực hiện 655.506 xét nghiệm trong tổng số 1.090.967 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 60%). Từ 23/7- 7/9, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 156.418 xét nghiệm (17/9 xét nghiệm 319 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 124.779 xét nghiệm (đã bao gồm 71.300 mẫu được 4 đơn vị hỗ trợ từ đầu tháng 8) (17/9 xét nghiệm 300 mẫu); TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 123.835 xét nghiệm (17/9 xét nghiệm 515 mẫu). Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.270.670 lượt người.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 tại các cửa khẩu, sân bay phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”; Xây dựng phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực “an toàn” sau nhiều ngày không ghi nhận các mắc mới trong cộng đồng…. (18.9.2020, 634)

2. Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020 - 2022. Theo Đề án, Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý) là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện K, gồm 11 thành viên

Đề án nhằm thực hiện mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33); đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiến tới thực hiện việc chăm sóc toàn diện, giải quyết tình trạng quá tải.

Từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối trong chuyên khoa ung bướu.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh và các hoạt động chuyên môn khác của Bệnh viện; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Bệnh viện, không để thất thoát, lãng phí; thực hiện quản trị bệnh viện theo hướng hiện đại, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn diện hoạt động của Bệnh viện, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 33 và quy định của pháp luật.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 và quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý) là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện, gồm 11 thành viên. Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý và Chủ tịch Hội đồng quản lý trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện K. Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện.

Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Tự chủ về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản: Việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (bao gồm đầu tư công), quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị quyết số 33.

Tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế: Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33. Phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh. Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. (18.9.2020, 667)

3. Đăk Nông- không lơ là và sẵn sàng ứng phó với COVID -19

Ngay từ những ngày đầu khi có dịch bùng phát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã sớm bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh Đắk Nông để thiết lập hệ thống tổ chức và xây dựng các giải pháp phòng chống dịch trong bệnh viện.

Từ tháng 6/2020 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông được chọn là một trong các Bệnh viện triển khai dự án “Hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bệnh viện” do Tổ chức phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Trong khuôn khổ dự án, các  thực hành ứng phó với dịch COVID-19 tại bệnh viện đã được tăng cường triển khai theo hướng bài bản, bám sát với tình hình thực tế của bệnh viện.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 của bệnh viện đã được củng cố dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện và sự tham gia của các khoa chuyên môn và các phòng chức năng.

Trong ban chỉ đạo được phân thành tiểu ban chuyên môn – chủ yếu do các khoa chuyên môn đảm trách, tiểu ban hậu cần – chủ yếu do các phòng ban chức năng chịu trách nhiệm.

Nhờ đó việc triển khai các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các chỉ đạo của cấp trên đã được thực hiện hiệu quả  bám sát với tình hình thực tế.

Bệnh viện đã tổ chức hệ thống sàng lọc, khai báo y tế cho các đối tượng đến bệnh viện và người lao động của bệnh viện thông qua hệ thống mạng nội bộ. đó bệnh việ nhanh chóng cập nhật và quản lý được đối tượng khai báo, thông tin khai báo hàng ngày.

Kết quả khai báo, sàng lọc được sử dụng để triển khai các giải pháp cách ly, phòng ngừa, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện.

Khi dịch COVID-19 bùng phát giai đoạn 2, Bệnh viện đã triển khai đơn vị tiếp nhận, điều trị COVID-19 tại Bệnh xá Bộ công an tỉnh.

Các chuyên gia kỹ thuật của dự án “Hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bệnh viện” đã đánh giá đơn vị này đạt các tiêu chuẩn cho một đơn vị cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 bao gồm,  bố trí luồng tiếp đón, phòng chờ, nơi khám sàng lọc, nơi lấy mẫu xét nghiệm, buồng cách ly…Điều kiện thông khí đảm đối với một khu vực cách ly.

Với sự tư vấn của các Chuyên gia kỹ thuật của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông sẽ tập trung bổ sung các quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, phân công rõ vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, hoàn thiện các điều kiện về cơ sơ vật chất, phương tiện, tăng cường công tác đào tạo, giám sát… đảm bảo giữ vững tiêu chí là bệnh viện an toàn và sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới. (19.9.2020, 555)

4. Hướng dẫn thanh kiểm tra đảm bảo mục tiêu kép phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm

Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tại văn bản số 756/TTRB-P1,Thanh tra Bộ Y tế cho biết năm 2020, ngay từ đầu năm và nhất là sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được công bố, Chính phủ, Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của các địa phương ghi nhận Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, điển hình là vụ việc sản phẩm Pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum làm hàng chục người bị ngộ độc phải nhập viện, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh một số loại hàng hóa khác như bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng,... đã được phát hiện, xử lý, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin.

Hiện nay, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, bao gồm cả số lượng và chủng loại như các loại bánh, kẹo, nước giải khát,....

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh rà roát lại toàn bộ kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2020, thực hiện cắt giảm những cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với những cơ sở chấp hành tốt các quy định, không có vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian qua.

Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm để tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan, các Viện/cơ sở kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định sản phẩm không bảo đảm an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định, đồng thời công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng biết, lựa chọn sản phẩm thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh. (19.9.2020, 660)

5. Đã kết nối 1.100 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa: Hàng trăm ca bệnh nặng hội chẩn "vượt không gian"

Tính đến ngày 19/9, Đề án khám chữa bệnh từ xa- Telehealth của ngành y tế đã vượt mục tiêu, hiện kết nối 1.100 cơ sở khám chữa bệnh. Hàng trăm ca bệnh nặng đã được các chuyên gia tuyến trên hỗ trợ hội chẩn điều trị "vượt không gian" đến tận vùng biên giới, vùng sâu, xa và hải đảo

Mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến

Bộ Y tế đã và đang triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025 với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Khám, chữa bệnh từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh...

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

“Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, có thể khẳng định Đề án Khám, chữa bệnh từ xa là một trọng tâm hoạt động trong giai đoạn hiện nay của Bộ Y tế. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động này nhằm mục xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.

Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

5 mục tiêu của Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa"

Theo Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia.

Ðề án hướng đến 5 mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa;

Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa;

Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn;

Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân.

Hội chẩn điều trị từ xa gần 300 ca bệnh nặng

Là cơ sở y tế tiên phong trong mùa dịch COVID-19, từ tháng 4/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chính thức thực hiện khám chữa bệnh từ xa.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bên cạnh việc hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa trực tiếp qua hệ thống Telehealth tại các điểm cầu, Bệnh viện đã và đang triển khai các phòng, khám bệnh từ xa tại các bệnh viện. Trước mắt là Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) và Bệnh viện Đa khoa Thanh Ba (Phú Thọ).

Tại các đầu cầu, các bác sĩ sẽ ở trong phòng khám của bệnh viện và cùng với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tuyến với bệnh nhân. Các hình ảnh, xét nghiệm sẽ được gửi qua công nghệ thông tin và được phân tích, xử lý tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đơn thuốc sẽ được các bác sĩ ở điểm cầu cấp cho bệnh nhân cùng tên của bác sĩ hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Giai đoạn tiếp theo đang được triển khai là tiến hành sử dụng các công cụ hỗ trợ để chẩn đoán từ xa tại nhà của bệnh nhân. Theo đó, các điều dưỡng viên, kỹ thuật viên sẽ đến tận nhà bệnh nhân khi có yêu cầu, làm các xét nghiệm, lấy mẫu máu theo sự hướng dẫn của bác sĩ ngồi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

 “Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói

Được biết, sau 4 tháng triển khai thực hiện chương trình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành đều đặn 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5) với tổng số lượng các đầu cầu tham gia là 159 đầu cầu. Tính đến nay, từ điểm cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia của bệnh viện đã hội chẩn điều trị từ xa 282 trường hợp bệnh nhân nặng

"Phủ sóng" khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành nhi khoa đến huyện đảo

Ngay khi nhận được đề xuất hỗ trợ chuyên môn khẩn từ xa của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình về ca bệnh phức tạp áp xe thận/nhiễm khuẩn huyết/ tim bẩm sinh phức tạp/ đảo ngược phủ tạng, PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành cuộc hội chẩn khẩn cấp trực tuyến do chính PGS. Điển điều hành với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Hồi sức, Ngoại khoa, tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Thận- tiết niệu của Bệnh viện để hỗ trợ chuyên môn đột xuất.

Cuộc hội chẩn đã đưa ra những phác đồ rõ ràng, sát thực với tình hình bệnh nhân, giúp tuyến dưới có định hướng rõ ràng, tự tin cho công tác điều trị.

Trước đó, từ trường hợp bé trai 16 tháng tuổi ở Bắc Giang đưa đến bệnh viện cấp cứu ở ngày thứ 2 khi xuất hiện các cơn co giật, li bì, được chẩn đoán mắc tay chân miệng giai đoạn 2b báo cáo tại buổi khai trương khám chữa bệnh từ xa- Telehealth, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ gần 170 điểm cầu kết nối với Bệnh viện Nhi Trung ương khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm...

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sỹ tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. Bênh viện Nhi Trung ương sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, trao đổi, hỗ trợ các ca bệnh khó, phức tạp; qua đó từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở.

Thông qua Telehealth, các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội đã hỗ trợ nhanh chóng chữa trị các ca bệnh khó tại mọi miền của tổ quốc. Đặc biệt, bệnh nhi tại huyện đảo Cô Tô đã được các bác sĩ tư vấn và hội chẩn, rút ngắn thời gian và hành trình di chuyển của bệnh nhân từ đảo về đất liền mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị.

Nhờ Teleheath- chuyên gia Bệnh viện K hội chẩn “vượt không gian” các ca bệnh khó

Bệnh nhân Trần Thị L, 61 tuổi, ở Bảo Thắng, Lào Cai đã từng có tiền sử bị ung thư vú được điều trị hóa chất, phẫu thuật vú phải… Mới đây, bệnh nhân bị đau đầu, ù tai vào khám và đang điều trị ở BVĐK Lào Cai với chẩn đoán thêm ung thư vòm. Thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã được chuyển đến các bác sĩ Bệnh viện K ngay tại buổi hội chẩn thứ 2 của đề án khám chữa bệnh từ xa- Telehealth do Bệnh viện K triển khai thực hiện…

Chủ trì buổi khám chữa bệnh từ xa kết nối từ Bệnh viện K đến các bệnh viện ở Bắc Kạn, Bắc Giang và Lào Cai, PGS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K đánh giá đây là ca bệnh tương đối phức tạp, đòi hỏi phải xét nghiệm thêm mới đưa đến quyết định điều trị chính xác. Các dấu hiệu về mặt lâm sàng, bệnh nhân có ung thư thứ 2 tại vòm rõ vì về lâm sàng có những dấu hiệu đặc trưng của ung thư vòm cao.

 “Với bệnh nhân này phải sinh thiết phổi. Sau đó đọc kết quả, cần thiết nhuộm hóa mô miễn dịch để xem nguyên phát hay thứ phát. Và xem di căn từ vòm hay từ vú. Hai ung thư này đều di căn phổi ở giai đoạn muộn cả. Trong quá trình chờ giải phẫu bệnh, bệnh nhân cần làm xạ hình xương để xem có di căn xương hay không và đánh giá lại cả ổ bụng xem có di căn không. Cần thiết thì chụp cả MRI não để đánh giá tổng thể hơn. Đồng thời, chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân”- Giám đốc Lê Văn Quảng nói.

Các chuyên gia, bác sĩ ở các đầu cầu cũng thống nhất bệnh nhân cần nâng cao thể trạng, làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán cần thiết trước khi đưa ra phác đồ điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 31/8, Bệnh viện K đã tổ chức khai trương hệ thống Telehealth triển khai khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025. Tại buổi hội chẩn này, chuyên gia Bệnh viện K hội chẩn “vượt không gian” các ca bệnh khó của BVĐK Điện Biên, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) (19.9.2020, 1959)

6. Tập trung thực hiện mục tiêu kép, không lơ là phòng chống dịch

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (87.382 ca), Mỹ (31.752 ca) và Brazil (16.282 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.135 ca), tiếp theo là Brazil (330 ca) và Mỹ (289 ca).

- Tại Việt Nam, trong 1 ngày qua không có ca mắc mới, đã 19 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới tại cộng đồng. Mặc dù đã cơ bản kiểm soát các ổ dịch, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…

Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Tại TP. Hồ Chí Minh đã 52 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.  Tại TP Hà Nội cũng đã qua 33 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng. Tại Hải Dương là 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng. Hiện Hải Dương chỉ còn điều trị 3 bệnh nhân COVID-19, các bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính 2-3 lần với virus SARS-CoV-2. Đến nay, tất cả các vùng cách ly y tế tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được gỡ bỏ. Hải Dương chỉ còn 2 điểm phải thực hiện cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và Bệnh viện Đa khoa tỉnh do liên quan đến bệnh nhân 1045.

*Về công tác chỉ đạo, điều hành

Theo đề xuất của Bộ Tài chính thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, nếu người có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 40.000 đồng/ngày.

* Về công tác điều trị, xét nghiệm:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 942 bệnh nhân COVID-19/1.068 ca mắc. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 22 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có trường hợp  bệnh nhân 793 (BN793) đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 hiện là người duy nhất có tình trạng nặng, tiến triển sức khoẻ ổn định. Hiện bệnh nhân đang thở oxy, đã chuyển âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Bộ Y tế đã ban hành Sổ tay "Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới", theo đó mỗi cá nhân sống trong hộ gia đình phải:

-Thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân gồm:

+ Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

+ Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

+ Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người.

+ Không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện... vệ sinh ít nhất 01 lần/ngày.

- Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.

- Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà; thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.

- Liên hệ các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng khai báo y tế khi hộ gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.

- Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng đối với khách đến lưu trú…. (21.9.2020, 1098)

7. Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam

Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 4995/BYT-DP về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam. Hướng dẫn này nhằm tổ chức giám sát, xét nghiệm người nhập cảnh trong tình hình mới đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, Bộ Y tế đã xây dựng “Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam”.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian người nhập cảnh lưu trú tại Việt Nam. Báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).

Hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam được áp dụng cho người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày, bao gồm người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam (sau đây gọi là người nhập cảnh) từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

1. Trước khi nhập cảnh

- Đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam.

- Chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với SARSCoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP…) của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3-5 ngày.

2. Khi nhập cảnh

a) Kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2.

b) Thực hiện việc đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, áp dụng các biện pháp xử trí theo quy định.

c) Thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát. Hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.

d) Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu (nếu có):

- Bố trí khu vực lấy mẫu xét nghiệm riêng biệt, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

- Tổ chức phân luồng khi di chuyển tới khu vực lấy mẫu xét nghiệm.

- Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm

- Thực hiện xét nghiệm nhanh sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút hoặc phát hiện kháng nguyên.

- Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19.

- Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả xét nghiệm không rõ, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký đảm bảo các quy định an toàn khi vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế bằng phương tiện riêng do cơ quan hoặc Ủy ban nhân dân các địa phương thu xếp. Việc di chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020.

- Chia nhóm theo kết quả xét nghiệm nhanh để phân luồng di chuyển ra khỏi khu vực nhập cảnh.

e) Trường hợp không thực hiện xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký đảm bảo các quy định an toàn khi vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020.

3. Tại cơ sở cách ly tập trung

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP…):

- Đối với trường hợp không được xét nghiệm tại cửa khẩu hoặc kết quả xét nghiệm không rõ thì lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến cơ sở cách ly tập trung. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

- Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19. Các đối tượng tiếp xúc gần tiếp tục được cách ly 14 ngày.

Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được phép di chuyển về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Việc đi lại từ cơ sở cách ly về nơi lưu trú phải bằng phương tiện riêng theo quy định của Bộ Y tế.

4. Tại nơi lưu trú

- Thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát y tế, cách ly, phòng chống dịch, tránh tiếp xúc với cộng đồng và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh theo.

- Hàng ngày, nếu có người tiếp xúc với người nhập cảnh thì lập danh sách lưu lại họ tên, số điện thoại của người tiếp xúc đến thời điểm hết ngày thứ 14.

- Cơ quan y tế địa phương thực hiện giám sát y tế theo quy định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP…) vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc Covid-19.

Hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam được áp dụng theo nguyên tắc: Thực hiện đúng, đầy đủ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về việc giám sát, cách ly y tế nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ nước ngoài.

Sử dụng hiệu quả, phù hợp các sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 hiệncó trên cơ sở thực hiện kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 và các hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế.

Trong trường hợp thực hiện xét nghiệm tại cửa khẩu, áp dụng các kỹ thuật đơn giản, độ nhạy cao, trả kết quả nhanh và không yêu cầu trang thiết bịphức tạp (bao gồm cả phòng an toàn sinh học cấp II).

Phù hợp với năng lực, nguồn lực của địa phương, khu vực trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp giám sát, xét nghiệm và cách ly y tế. (21.9.2020, 1409)

8. Khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu – “Nước xa đã cứu được lửa gần”

 “Kịp thời” và “đúng hướng” là hai yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả cao cho công tác khám chữa bệnh trong y tế. Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản khiến các y bác sĩ gặp trở ngại để đáp ứng được hai yếu tố này. Giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu từ VMED Group chính là lời giải cho bài toán về khoảng cách địa lý, tình trạng thiếu nguồn bác sĩ chuyên môn cao tại các tuyến cơ sở và giảm thiểu chi phí tối đa cho người bệnh.

Một trong những minh chứng điển hình cho việc ứng dụng hiệu quả giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu phải kể đến ca cấp cứu thành công bệnh nhân thủng dạ dày tại Trung tâm Y tế Côn Đảo. Ngày 24/07/2020, bệnh nhân nam 45 tuổi được người thân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo trong tình trạng nguy kịch.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào đơn nguyên ICU, hệ thống Tele-ICU đã kết nối giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chuyên gia tại bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu với đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn các bác sĩ tại Côn Đảo kịp thời cứu sống người bệnh.

Nhận định về ca mổ, bác sĩ Cao Văn Thái - Trưởng khoa Nội của Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo chia sẻ: “Với những hạn chế về nguồn lực và cơ sở vật chất, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với ca bệnh nghiêm trọng như thế này. Nhờ có Tele-ICU, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo kịp thời từ các bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu để mang lại sự an toàn cho bệnh nhân”.

Tele-ICU là nền tảng kết nối thông tin bệnh nhân giữa trung tâm chỉ huy tại bệnh viện tuyến trên và các đơn nguyên Tele-ICU tại các bệnh viện tuyến dưới thông qua phần mềm kết nối chuyên dụng và các thiết bị hồi sức hiện đại. Không chỉ tại Bệnh viện Bà Rịa - Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo, hiện nay, hệ thống Tele-ICU của VMED Group đang được triển khai kết nối nhiều đơn vị y tế lớn nhỏ trên toàn quốc như: Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Đại học Y- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng…

Nhận thấy lợi ích đa chiều từ phía bệnh viện, các bác sĩ và người nhà bệnh nhân, VMED Group tiếp tục triển khai giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu trên diện rộng.

Ngày 11/09/2020, VMED Group đồng hành cùng Bệnh viện TW Thái Nguyên chính thức khai trương và đưa vào sử dụng Trung tâm khám, chữa bệnh từ xa. Thông qua việc tích hợp Tele-ICU, Tele-ECG, CLAS Healthcare EMR, PACs… giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu của VMED Group có thể áp dụng được cho nhiều đơn nguyên chuyên sâu như ICU- Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Ung Bướu, Ngoại, Sản, Nhi. Đây là công cụ hữu ích, giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, hỗ trợ tích cực, liên tục cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tại sự kiện, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đánh giá: “Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự ra đời của giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu do Tập đoàn VMED phát triển đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Ước tính, khi triển khai hệ thống này trên toàn quốc sẽ tiết kiệm cho xã hội và ngành y tế hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.”

Trước khi triển khai giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tháng 4 năm 2019, VMED Group đã triển khai giải pháp Tele-ECG (giải pháp theo dõi điện tâm đồ từ xa) tại 6 trạm y tế xã của huyện Nam Đàn bao gồm: Kim Liên, Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Cát, Nam Thái và Vân Diên. Đây là những trạm y tế cấp xã đầu tiên trong cả nước được áp dụng hệ thống Tele-ECG vào thực tế hoạt động khám chữa bệnh cho người dân.

PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết: “Đây là một công nghệ rất mới, lần đầu tiên được áp dụng trong cả nước. Sau 6 trạm y tế xã của huyện Nam Đàn, sẽ triển khai đến 26 trạm y tế xã mô hình điểm của Bộ Y tế và tiến tới phủ rộng tới toàn bộ các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”

Bắt kịp “thời điểm vàng” để cứu sống bệnh nhân là điều mà mỗi bác sĩ luôn trăn trở trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Phát triển và nhân rộng giải pháp KCB từ xa chuyên sâu chính là cách để VMED Group thực hiện cam kết đồng hành cùng các bác sĩ thu hẹp khoảng cách địa lý, vượt qua rào cản không gian, giảm độ trễ về thời gian để ngày càng có nhiều bệnh nhân trên khắp cả nước được cứu chữa đúng với tinh thần “Nước xa cứu được lửa gần”. (21/9/2020, 1018)

9. Đã 20 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, gần 24.000 người đang cách ly chống dịch

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 22/9 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Đến nay cũng đã 20 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Hiện có gần 24.000 người đang cách ly chống dịch

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 22/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01).

- Tính từ 18h ngày 21/9 đến 6h ngày 22/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đây là ngày thứ 20 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.068 trường hợp mắc COVID-19.

Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…

Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Tại TP. Hồ Chí Minh đã 55 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng. Hiện có 24 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện, không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 18 trường hợp đã có kết quả âm tính, 6 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Tại TP Hà Nội cũng đã qua 34 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng

Tại Hải Dương là 23 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 23.725, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 384

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.808

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 8.533

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 947 bệnh nhân COVID-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 15 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 19 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có trường hợp  bệnh nhân 793 (BN793) đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 hiện là người duy nhất có tình trạng nặng, tiến triển sức khoẻ ổn định. Hiện bệnh nhân đang thở oxy, đã chuyển âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2.

BN793- người đàn ông 58 tuổi quê Bắc Giang - đã được kết thúc  ECMO (tim phổi nhân tạo) từ ngày 4/9, rút ống nội khí quản ngày 5/9. Đây là một trong các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện này, giai đoạn 2. Đến 7/9, bệnh nhân thở oxy kính mũi, huyết động ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ăn đường miệng được. Đây là ca bệnh COVID-19 nguy kịch thứ 2 phải dùng  ECMO (tại BV Bệnh nhiệt đới TW (sau bệnh nhân 19) và thở máy xâm nhập được điều trị thành công.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng. (21.9.2020, 815)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến