Thông tin y tế 22 - 24/8/2020

24/08/2020 | 15:18 PM

 | 

1. Cách lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về thu thập mẫu bệnh phẩm.

Kỹ thuật lấy bệnh phẩm

Mẫu ngoáy dịch tỵ hầu

- Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

- Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

- Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra

- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.

- Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra.

- Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển. Que lấy mẫu sau khi lấy dịch ngoáy mũi sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy mẫu lấy dịch ngoáy họng.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).

- Bảo quản mẫu trong điều kiện nhiệt độ 2-8°C trước khi chuyển về phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các phòng xét nghiệm khác được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm vi rút SAR-CoV-2. Nếu bệnh phẩm không được vận chuyển đến phòng xét nghiệm của Viện VSDT/Pasteur trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu, các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong âm 70°C (­70°C) và sau đó phải được giữ đông băng trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

Mẫu ngoáy dịch họng

- Yêu cầu bệnh nhân há miệng to.

- Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân.

- Đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng.

- Sau khi lấy bệnh phẩm, que lấy mẫu được chuyển vào ống chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển, và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.

(Trích "Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm", Ban hành kèm theo Quyết định số 3468 ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”) (22.8.2020, 598)

2. Cách phòng chống COVID-19 an toàn tại sân bay, cửa khẩu

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cửa khẩu, sân bay luôn là điểm nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người thân và cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế đã thực hiện các video hướng dẫn an toàn tại các điểm này như sau.

Sân bay tiềm ẩn những nguy cơ lây lan COVID-19. Đặc biệt khi hiện nay dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm cao ở bất cứ đâu nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng chống.

Để các chuyến bay an toàn, hãy lưu ý các hướng dẫn sau đây:

- Cẩn trọng với những điểm tiếp xúc

- Rửa tay sau khi chạm vào bề mặt của xe đẩy và khay đựng đồ tại sân bay

- Luôn sử dụng khẩu trang mọi lúc mọi nơi

- Tuân theo những chỉ dẫn giãn cách

- Hạn chế ăn uống, nói chuyện, không khạc nhổ bừa bãi

- Khai báo y tế online qua trang web: www.tokhaiyte.vn

Hướng dẫn nhập cảnh an toàn tại cửa khẩu:

- Điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế

- Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% nồng độ cồn

- Cán bộ biên phòng kiểm tra giấy tờ

- Bắt buộc đeo khẩu trang tại điểm chờ về khu cách ly

- Hạn chế trực tiếp chạm vào về mặt những điểm công cộng

Nếu có biểu hiện ho sốt, đau họng, mệt mỏi, khó thở, đề nghị liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất hoặc gọi vào đường dây nóng của Bộ Y tế theo số 19009095 để được tư vấn và đến cơ sở y tế khám và điều trị. Cùng với đó, hãy cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo nếu đã tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, giảm thiểu nguy cơ lây lan ra cộng đồng. (22.8.2020, 353)

3. Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa mùa COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp và phục vụ cho chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật trong hoạt động y tế. Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong những cơ sở y tế tham gia hoạt động triển khai hỗ trợ tư vấn Khám, Chữa bệnh từ xa.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức Lễ Khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Tham dự chương trình có PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, Chữa bệnh; các đồng chí Lãnh đạo, đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế cùng đại diện của 40 Bệnh viện, Trung tâm y tế tại gần 20 tỉnh, thành phố và đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Cắt băng khai trương trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Bệnh viện Nội tiết Trung ương là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết – đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa, hiện nay Bệnh viện đang hỗ trợ chuyên môn cho các Bệnh viện/trung tâm y tế thuộc 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Tại sự kiện này, nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa do Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai đã kết nối với 4 điểm cầu là các Bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm: BVĐK Hà Tĩnh; BVĐK Phú Thọ; BVĐK Quảng Ninh và BVNT Nghệ An với nội dung: “Hội chẩn và thảo luận chuyên môn về các ca bệnh điển hình thuộc chuyên ngành Nội tiết và Rối loạn chuyển hóa”.

Phát biểu tại Lễ khai trương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, việc triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa là một trong những giải pháp giúp nâng cao công tác điều trị, chẩn đoán, đặc biệt là giúp cho người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên và phòng ngừa dịch bệnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới cần cố gắng nỗ lực hơn nữa để thực hiện đúng mục tiêu của Đề án khám chữa bệnh từ xa trong hệ thống một cách hiệu quả và thiết thực thực.

Cũng trong Lễ khai trương, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, với việc nghiêm túc thực hiện Quyết định số: 2628/QĐ-BYT ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, Chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025, Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng Đề án Khám, Chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 trình Bộ Y tế phê duyệt. Bệnh viện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án của Bệnh viện, đồng thời đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ thông tin đáp ứng năng lực trong việc kết nối với các đơn vị mạng lưới; Xây dựng và phát triển mạng lưới Bệnh viện tuyến dưới thông qua việc khảo sát nhu cầu chuyên môn, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị tuyến dưới.

Mô hình hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Có thể nói, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được triển khai không chỉ đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch mà còn hướng đến mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các Bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải Bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên - tuyến dưới; đồng thời tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các Bệnh viện, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân... (22.8.2020, 837)

4. Triệt để xử lý các ổ dịch, xây dựng kịch bản ứng phó COVID-19

Tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, các địa phương cần thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng chống dịch, xây dựng kịch bản ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19.

Hải Dương chưa phát hiện thêm ca bệnh trong 3 ngày qua

Sáng ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương.

Theo đó, từ ngày 25/7 đến nay Hải Dương có 14 trường hợp mắc COVID-19, trong đó chỉ có 1 trường hợp ngoài cộng đồng, còn 13 ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch Thế giới bò tươi ở 36 Ngô Quyền, các ca mắc đều là các trường hợp F1, chưa có lây nhiễm thứ phát. Hơn 3 ngày qua, chưa phát hiện ca mắc mới, song tỉnh Hải Dương nhận định đây là ổ dịch hết sức phức tạp, thời gian tới có thể sẽ xuất hiện các trường hợp bệnh rải rác, có khả năng lây lan trong cộng đồng, do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm vẫn được tỉnh khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch.

Từ ngày 24/8, sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đợt 2 bằng kỹ thuật ELISA- xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7-20/7/2020, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15/7-20/7/2020, những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên.

Theo các chuyên giia, trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Hải Dương cần lưu ý sát sao đến các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở... Hải Dương cần làm mở rộng xét nghiệm các trường hợp này và các vùng có nguy cơ cao. Do đó, tỉnh cần có kế hoạch bài bản hơn về xét nghiệm, trong trường hợp thiếu hoặc cần hỗ trợ gì để đề nghị trung ương hỗ trợ.

Cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân COVID-19 xuất huyết tiêu hóa

Sáng ngày 22-8, Bộ Y tế thông tin về một trường hợp nhiễm COVID-19 vừa được các y bác sĩ  phẫu thuật cứu sống tại BV dã chiến Hòa Vang. Đó là BN888, 65 tuổi đang được điều trị COVID-19 với bệnh nền là huyết áp, tiền sử loét dạ dày. Ngay lập tức ê kíp bác sĩ từ Bv Trung ương Huế và BV Đà Nẵng đã tới BV dã chiến Hòa Vang để phối hợp điều trị cho bệnh nhân. Ngay sau đó, bệnh nhân được mổ cấp cứu kịp thời cầm máu ổ loét bờ cong dạ dày, người bệnh được truyền 2 lít máu và hiện đang hồi sức tích cực.

Đà Nẵng khẩn cấp tìm người liên quan tới 3 ca nghi nhiễm ở chợ Tân Lập và Siêu Thị

Sáng 22-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin nhanh về 3 trường hợp là các tiểu thương ở chợ Tân Lập, phường Thạc Gián và chợ Siêu Thị, phường Chính Gián nghi nhiễm bệnh COVID-19. Sở Y tế khẩn cấp tìm người liên quan đến các chợ này.

Cụ thể, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo đến các tổ chức, các nhân có tiếp xúc, mua bán, trao đổi hàng hóa với các trường hợp trên hoặc có đến khu vực xung quanh Lô 97 chợ Tân Lập; lô 82 và lô 290 chợ Siêu Thị từ ngày 19 đến ngày 21-8 lập tức liên hệ với Trung tâm y tế quận, huyện nơi sinh sống để khai báo và được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

WHO khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang như người lớn

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt trong chưa tới 2 năm nữa. WHO  đã phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố những chỉ dẫn mới nhất, khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang trong những tình huống tương tự được khuyến cáo với người lớn, nhất là khi chúng không thể đảm bảo giữ khoảng cách 1m với những người khác và ở các khu vực có tình trạng lây lan dịch lớn.

Hai cơ quan LHQ  cũng cho rằng,  vẫn còn nhiều điều chưa biết về mức độ tác động của trẻ em với sự lây lan virus corona. Nhiều dữ liệu cho thấy trẻ em độ tuổi thanh thiếu niên có thể làm lây lan bệnh nhiều hơn những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn. (22.8.2020, 851)

5. BV Phụ sản TW làm gì để đạt tiêu chuẩn an toàn trong phòng chống dịch COVID-19?

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá BV Phụ sản TW đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Đoàn kiểm tra số 5 của Bộ Y tế do ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế làm trưởng đoàn cùng các đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường Y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính, thanh tra bộ, Vụ trang thiết bị và công trình y tế đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 của BV Phụ sản TW vào cuối tuần qua

Trước đó, ngày 8/8/2020, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định số 3492/QĐ-BYT về việc thành lập 05 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27/7/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8/2020 của Bộ Y tế và Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020.

Tại buổi kiểm tra, PGS.TS.Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết: ngay từ đầu dịch đến nay, BV Phụ sản TW luôn có các phương án phòng, chống dịch hết sức chặt chẽ bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả, chất lượng. Công tác này được xem là trọng tâm và được thực hiện liên tục, không nghỉ.

Theo đó, để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 "thăm" bệnh viện, giữ an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, BV Phụ sản TW đã lắp đặt, đưa vào sử dụng phòng khám dã chiến contener với trang thiết bị hiện đại, nhân lực chuyên môn cao; đồng thời dành một khu riêng biệt làm phòng bệnh nội trú cho những ca bệnh nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ...

Phòng khám dã chiến contener của BV Phụ sản TW được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao để thăm khám, theo dõi cho các thai phụ có yếu tố nguy cơ từ vùng dịch tễ

Phòng khám dã chiến contener được bệnh viện đặt ngay bên phải lối cổng vào Tràng Thi. Hiện BV Phụ sản TW chỉ tổ chức một lối đi duy nhất vào bệnh viện ở khu vực cổng này cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân – tất cả mọi người khi đến khám, đi cùng người bệnh đều phải khử khuẩn đồ dùng cá nhân, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi được phân luồn đến khám tại các khoa, phòng chuyên môn.

Theo đó, sau khi người bệnh hoặc các sản phụ kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế có yếu tố bất thường ngay tại cổng ra vào, nhân viên y tế sẽ dẫn người bệnh đến khu vực riêng này để được khám. Vì vậy, không hề ảnh hưởng đến khu vực khám chung của các thai phụ khác.

Ngoài khu vực khám riêng tại phòng dã chiến này, BV Phụ sản TW cũng lập khu nội trú riêng cho các ca bệnh nghi ngờ này. Các khu vực khám, điều trị riêng, khu vệ sinh công cộng, khu vực ngồi chờ khám tại bệnh viện luôn được khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ.

Trong trường hợp bệnh nhân được khẳng định dương tính virus SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ được chuyển sang BVĐK Đức Giang theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giám đốc Trần Danh Cường cho biết thêm, BV Phụ sản TW không nằm trong danh sách các bệnh viện trực tiếp chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, nhưng bệnh viện luôn chủ động ngay từ những ngày đầu có dịch. Ban Giám đốc đã họp bàn và đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, tổ chức đội phản ứng nhanh để kịp thời chi viện cho tuyến dưới khi cần có sự hỗ trợ chuyên môn.

Đồng thời, BV Phụ sản TW đã bố trí 01 phòng cách ly tại khu vực phòng khám đảm bảo riêng biệt, thuận tiện cho việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Ngoài ra còn bố trí phòng cách ly tại khoa sản nhiễm khuẩn. Thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp phòng chống dịch như đúng với Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế “Chống dịch như chống giặc”

Sau bài báo cáo chi tiết của PGS.TS Vũ Văn Du – Phó Giám đốc BV Phụ sản TW, Trưởng phòng Quản lý chất lượng về kết quả đánh giá do bệnh viện tự thực hiện, đoàn kiểm tra đã đến từng khoa, phòng, trung tâm, đơn vị để kiểm tra, tìm hiểu công tác phòng, chống dịch của bệnh viện, công tác khám, điều trị, chăm sóc người bệnh.

Kết quả đạt được như sau, tổng số điểm của các tiêu chí áp dụng đạt 83,1% . BV Phụ sản TW được đánh giá là bệnh viện an toàn.

Trưởng đoàn kiểm tra, ông Phan Văn Toàn nhấn mạnh, trong thời gian qua, BV Phụ sản TW đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bệnh viện là một điểm sáng, được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao tính nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương và có nhiều sáng tạo trong triển khai hàng loạt các giải pháp.

Bệnh viện là hình mẫu được nhiều đơn vị đến tham quan, học tập mô hình. Đề nghị bệnh viện tiếp tục quán triệt, cập nhật thực hiện các công điện của Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch”.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra những điểm cần tiếp tục bổ sung để công tác phòng chống dịch tại bệnh viện ngày hoàn thiện hơn.

Với kết quả đạt được, BV Phụ Sản TW là địa chỉ tin cậy, an toàn cho mọi người bệnh khi đến khám, chữa bệnh, chăm sóc thai sản và thực hiện các dịch vụ y tế khác trong bối cảnh dịch COVID -19 lan trong cộng đồng.

Với tinh thần cầu thị, Giám đốc Trần Danh Cường cho biết, BV Phụ sản TW đã tổ chức tự đánh giá, tuy nhiên qua kiểm tra của đoàn công tác, bệnh viện sẽ chủ động hoàn thiện các vấn đề còn tồn tại

Ngày 16/7/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3088/QĐ-BYT về Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” với 37 tiêu chí, được chia làm 8 chương.

Bộ Tiêu chí được xây dựng và ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm.

Trên cơ sở thực hiện hoạt động đánh giá theo Bộ tiêu chí này, bệnh viện sẽ xác định được những vấn đề ưu tiên để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác. (23.8.2020, 1263)

6. Nhiều bệnh nhân COVID-19 suy thận, chạy thận nhân tạo được chữa khỏi

Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 23/8 cho biết, đã có nhiều bệnh nhân COVID-19 bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo được điều trị khỏi COVID-19 và chuyển về điều trị thông thường

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 đã điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng và chuyển họ về Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cách ly và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng

BN483: Tuổi: 37 Giới tính: Nữ

Địa chỉ: Phường Nam Dương, Quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng

Tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 tháng, Lupus ban đỏ.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mêt, khó thở.

Từ ngày 02/7 - 31/7, Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

Ngày 27/7, Bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 31/7/2020 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn tính, thiếu máu.

Sau khi được chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh.

Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 suy thận, chạy thận nhân tạo được chữa khỏi

BN481:Tuổi: 65, Giới tính: Nữ

Địa chỉ: Xã Đại Hưng, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam

Tiền sử: Thận đa nang 20 năm, Tăng huyết áp hơn 10 năm, suy thận mạn 6 tháng, đã chạy thận nhân tạo 4 tháng nay, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần.

Bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp. Tuy nhiên bệnh nhân là F1 nguy cơ cao

Từ ngày 15/6 - 31/7, Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngày 27/7, Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Ngày 30/7 bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 31/7/2020 bệnh được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Chẩn đoán khi vào viện: COVID-19, suy thận mạn, gan thận đa nang, thiếu máu

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh.

Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

BN476, Tuổi: 27, Giới tính: Nữ

Địa chỉ: Phường Hòa Phát, Quận CẩmLệ, Tp Đà Nẵng

Tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân 2 năm, tăng huyết áp, thiếu máu, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mêt, khó thở.

Ngày 30/7, bệnh nhân được có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 31/7/2020 bệnh được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị.

Chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn giai đoạn 5, thận nhân tạo, suy tim

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 8 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 04/8, 10/8, 11/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh.

Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

BN507, Tuổi: 57 , Giới tính: Nam

Địa chỉ: Đà Nẵng, Xã Hòa Bắc, Huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng

Tiền sử: Tăng huyết áp 1 năm; Bệnh thận mạn chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trong 2 tháng nay.

Từ ngày 14/5 - 24/7, Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngày 31/7, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Ngày 01/8, chuyển Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn, thiếu máu.

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 6 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 10/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh.

Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Tại Trung tâm y tế Hoà Vang- Tp Đà Nẵng có 31 bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo (04 bệnh nhân đã tử vong, còn 27 bệnh nhân trong đó 07/27 bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19) (23.8.2020, 829)

7. Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, phòng dịch nghiêm trong quá trình lọc máu

Là nơi chuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân cao tuổi, BSCK1 Nguyễn Lê Hoa - Phó trưởng Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị khuyến cáo những bệnh nhân đang lọc máu chu kì, cần nâng cao cảnh giác và tinh thần phòng chống dịch COVID-19, bởi đây là đối tượng nguy cơ cao và khi mắc thì bệnh rất dễ trở nặng.

Chính vì vậy, theo BS. Lê Hoa, người bệnh đang lọc máu chu kì cần thực hiện nghiêm:

- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và nhân viên y tế về giữ vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

- Yêu cầu bệnh nhân sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc máu. Khi có các triệu chứng ho, sốt, người bệnh sẽ đưa đến ở khu riêng.

- Khai báo y tế trung thực, khi có các triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác cần gọi điện cho đơn vị lọc máu trước khi đến lọc máu.

- Ăn uống, vệ sinh khoa học: Bổ sung Vitamin và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng.

Bên cạnh đó, để những bệnh nhân lọc máu giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh tại đơn vị lọc máu, BV Hữu Nghị cũng đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho bệnh nhân lọc máu trong 2 ngày 19-20/8 vừa qua.

Kiểm soát nhiễm khuẩn và tiêm phòng viêm gan B trong đơn vị lọc máu

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tín - Trưởng khoa Khoa Thận Tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị cho biết: "Những bệnh nhân lọc máu có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh tại các đơn vị lọc máu. Do vậy để giảm viêm gan B trong lọc máu cần thực hiện tốt 2 việc. Thứ nhất, đó là sử dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong các đơn vị lọc máu. Hai là, tiêm phòng viêm gan B.

Như vậy mục đích của việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong lọc máu góp phần đáng kể giúp ngăn ngừa mắc viêm gan trong quá trình lọc máu.

Để bệnh nhân lọc máu được tiêm vắc xin viêm gan B, các bác sĩ sẽ sàng lọc bệnh nhân trước khi tiêm. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm các marker viêm gan B, nếu bệnh nhân đạt 2 tiêu chí: HBsAg (-) và HBsAb < 10UI/L thì sẽ được tiêm phòng.

Bệnh nhân sẽ được tiêm 4 mũi: 0, 1, 2, 6 tháng (liều gấp đôi người bình thường).

Để đảm bảo chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ và an toàn, Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị đã phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tiêm phòng viêm gan B cho bệnh nhân ngay tại khoa.

Bệnh nhân được tiêm vắc xin phòng viêm gan B ngay tại khoa điều trị.

Anh Mùa Đức Hải - bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận tiết niệu - lọc máu phấn khởi chia sẻ: “Là một bệnh nhân lọc máu chu kỳ nên việc được tiêm phòng viêm gan B tại BV giúp tôi đỡ phải đi lại vất vả và thuận tiện cho tôi trong quá trình lọc máu”.

Trước khi được tiêm viêm gan B các bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn, khám, kiểm tra sức khỏe có đảm bảo đủ điều kiện mới tiến hành tiêm.

Đưa bố là ông Nguyễn Bá Nghệ đi lọc máu, được các bác sĩ tiêm tư vấn tiêm vắc xin viêm gan B cho bố, chị Nguyễn Thị Lan Anh vui mừng tâm sự: “Bố tôi năm nay đã 80 tuổi bị tai biến và phải hàng ngày đi lọc máu nên việc khoa Thận tiết niệu - Lọc máu tổ chức tiêm phòng viêm gan B tại khoa đã tạo điều kiện cho gia đình tôi rất nhiều. Chúng tôi cảm ơn Lãnh đạo bệnh viện và các bác sĩ rất nhiều".

Theo các bác sĩ, virus viêm gan siêu vi B được truyền qua khi da hoặc niêm mạc tiếp xúc với máu của người bệnh (HBsAg + hoặc HBeAg +). Virus viêm gan siêu vi B vẫn duy trì được ở nhiệt độ phòng trong ít nhất 7 ngày. Virus viêm gan siêu vi B đã được phát hiện trên: kẹp, kéo, bề mặt bên ngoài và các bộ phận của máy lọc máu. Virus viêm gan siêu vi B có thể lây truyền cho bệnh nhân hoặc nhân viên trên găng tay hoặc không rửa tay. Do vậy, tiêm chủng phòng ngừa lây nhiễm đặc biệt đối với bệnh nhân lọc máu là rất cần thiết.

Hi vọng với các biện pháp trên sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên đơn vị lọc máu trong cuộc chiến chống COVID-19. (24.8.2020, 894)

8. 10 điều bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải tuân thủ trong dịch COVID-19

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai chỉ ra 10 lưu ý bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần thực hiện để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân - người nhà và nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 23/8/2020, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp cùng Khoa Thận nhân tạo và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tổ chức buổi truyền thông Phòng chống dịch COVID-19 ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Tại buổi chia sẻ, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã chỉ ra 10 lưu ý bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần thực hiện để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

1. Di chuyển đến bệnh viện để lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ô tô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng.

2. Khi đến bệnh viện cần phân luồng, xếp hàng đi lối riêng.

3. Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại Bệnh viện.

4. Đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt khi lọc máu, khi di chuyển và khi tiếp xúc với người khác.

5. Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Báo ngay cho nhân viên y tế những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, giảm khứu giác.

6. Không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận.

7. Lọc máu xong về nhà ngay, sau đó tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.

8. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tránh uống nước quá nhiều, tránh ăn trái cây có nhiều kali…

9. Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa; Rửa tay thường xuyên.

10.  Liên lạc và báo cáo về tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế thường xuyên để được tư vấn sử dụng thuốc, chế độ ăn. (24.8.2020, 450)

9. Cứu ngư dân viêm ruột thừa cấp giờ thứ 22, nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng

Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) vừa mổ cấp cứu thành công cho ngư dân bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 22 khi đang đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Trước đó, khoảng 17h45 ngày 22/8/2020, anh Hoàng Trọng Nghĩa (quê Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) được tàu cá HP 90256 TS đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế (TTYT) quân dân y Bạch Long Vĩ trong tình trạng đau bụng âm ỉ, đặc biệt đau ở vùng hố chậu phải, cơn đau liên tục ngày càng tăng, kèm theo sốt 37,5 độ.

Tình trạng đau bụng này đã xuất hiện từ tối hôm trước sau ăn tối trên biển nên anh Nghĩa chỉ nghĩ rằng rối loạn tiêu hóa. Chỉ đến khi cơn đau ngày càng tăng, sáng hôm sau, anh mới được tàu cá đưa vào đảo cấp cứu.

Sau khi thăm khám, siêu âm, làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp giờ thứ 22, hình ảnh ruột thừa viêm to khoảng 9 cm, có nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng. Các bác sĩ quyết định phải tiến hành mổ cấp cứu để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Đến 21h cùng ngày, ca mổ cho ngư dân để cắt ruột thừa bị viêm đỏ, xung huyết và quặt ngược sau mang tràng đã được TTYT tiến hành thành công.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho ngư dân.

BS. Phạm Văn Hải – Phó Giám đốc Phụ trách TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết: “Huyện đảo vốn gặp nhiều khó khăn về công tác chuyên môn, thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc nhưng nhiều năm qua, nhiều ca bệnh phức tạp đã được xử trí thành công ngay tại đảo cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân như: chửa ngoài tử cung vỡ, vết thương thấu gan, vết thương đứt rời cẳng tay do máy tời, đa vết thương do cá mập cắn, viêm ruột thừa cấp giờ thứ 24… Ca mổ ruột thừa cho ngư dân người Quảng Bình này cũng gặp khó khăn khi đang mổ thì mất điện”.

Bên cạnh công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo, từ đầu năm đến nay, cùng với cả nước, mọi hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại huyện đảo cũng được triển khai tích cực, quyết liệt và đồng bộ. Ngay khi xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm cộng đồng vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng, huyện đã tái khởi động lại 4 tổ kiểm soát tại các khu dân cư, lập lại các chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra, khai báo y tế đối với người vào đảo.

Do thường xuyên có hàng nghìn tàu cá của các tỉnh ven biển cả nước đang tham gia khai thác thủy hải sản trên Vịnh Bắc Bộ nên công tác phòng dịch càng được đề cao, cảnh giác.

BS. Hải cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, cán bộ của TTYT đã tiến hành phun khử trùng ở các cơ quan, đơn vị, những khu tập trung đông người; phun khử trùng 6 chuyến tàu của huyện và 26 tàu của ngư dân đến từ vùng có dịch ra vào đảo.

TTYT cũng đã ra quyết định cách ly cho 1 trường hợp và theo dõi y tế 554 trường hợp (gồm 50 người từ Quảng Ngãi, 18 người từ Thái Bình, 06 người ở Hải Dương và 482 người từ các địa phương khác).

Theo các bác sĩ, viêm ruột thừa cấp là bệnh nguy hiểm và thời gian diễn tiến cũng rất nhanh. Tình trạng viêm ruột thừa cấp ở trẻ em và cả người lớn đều có chung những biểu hiện sau: Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên xảy ra khi ruột thừa bắt đầu viêm. Đau thường bắt đầu từ khó chịu vùng quanh rốn hoặc thượng vị, sau đó di chuyển xuống hố chậu phải. Đau thường âm ỉ, liên tục, thỉnh thoảng có cơn trội. Mức độ đau cũng tăng dần lên trong vòng 6-24 tiếng. Đau tăng lên khi xoay người, ho, hắt hơi, di chuyển hoặc tác động vào.

Các triệu chứng viêm ruột thừa khác có thể kể đến bao gồm: Sốt nhưng không quá cao (khoảng 37,2-38,3 độ C), khi sốt cao kèm lạnh run báo hiệu viêm ruột thừa đã có biến chứng vỡ hoặc hoại tử vỡ. Các dấu hiệu về tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn; chán ăn; táo bón, nhưng đôi khi lại có trường hợp lại bị tiêu chảy. Đôi khi bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng giống tiết niệu như tiểu đau, tiểu khó.

Khi nhận thấy các triệu chứng viêm ruột thừa cấp kể trên, bệnh nhân nên đi khám ngay bởi diễn tiến của bệnh rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa từ viêm sẽ có nguy cơ chuyển sang vỡ khiến phân tràn vào ổ bụng và đe dọa tính mạng. (24.8.2020, 844)

10. Hà Nội: 13 bệnh viện được phân tuyến điều trị và xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2

Để thực hiện hiệu quả công tác điều trị cho người bệnh cũng như xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế Hà Nội đã phân công 13 bệnh viện tuyến cuối của thành phố tiếp nhận chuyển tuyến điều trị và thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội phân công 5 bệnh viện tiếp nhận chuyển tuyến điều trị (Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông).

Cụ thể, Bệnh viện Bắc Thăng Long tiếp nhận người bệnh từ các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh chuyển đến. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận người bệnh từ các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chuyển đến. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận các bệnh nhi, sản, ngoại khoa và người nước ngoài do các tuyến chuyển đến và khu vực các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.

Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận người bệnh khu vực các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Thạch Thất. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận người bệnh khu vực các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sơn Tây, Hoài Đức.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Đối với các trường hợp tiến triển nặng hoặc xác định dương tính, người nước ngoài (bao gồm cả trẻ em) quá khả năng điều trị của các bệnh viện thì chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Với công tác xét nghiệm, Sở Y tế phân công 8 bệnh viện nhận mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc).

Cụ thể, các bệnh viện: Gia Lâm, Tâm thần Hà Nội, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Bắc Thăng Long chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Các bệnh viện: Tim Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện 09, Y học cổ truyền Hà Đông, Mắt Hà Đông, Phục hồi chức năng, Thanh Trì chuyển mẫu đến Bệnh viện Thanh Nhàn.

Các bệnh viện: Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Mắt Hà Nội, Da liễu Hà Nội, Đống Đa, Hòe Nhai, Thận Hà Nội chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Các bệnh viện: Mỹ Đức, Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tâm thần Mỹ Đức chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Các bệnh viện: Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức chuyển mẫu đến Bệnh viện Phổi Hà Nội. Các bệnh viện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đan Phượng chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Các bệnh viện: Tâm Anh, Quốc tế Bắc Hà, Hy Vọng Mới, Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, An Việt, Thẩm mỹ Keangnam, Thăng Long, Việt Pháp, Đông Đô, Tràng An, Hồng Hà, Bảo Sơn 2, Hà Thành, chuyên khoa Nam học Đức Phúc, Phụ sản Thiên An, Mắt Ánh sáng, chuyên khoa Thẩm mỹ Thu Cúc, Mắt Hitec, Chữ Thập Xanh, Dolife, Đa khoa Quốc tế Thu Cúc chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Các bệnh viện: 16A Hà Đông, Thiên Đức, Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội, Mắt Việt Nhật, Mắt Quốc tế DND, Phụ sản An Thịnh, Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, Hồng Phát, Nam học Hiếm muộn, Mắt Việt Nga, Mắt quốc tế Nhật Bản, Mắt Sài Gòn - Hà Nội 1, Phương Đông, Mắt Hà Nội 2 chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại đơn vị và sẵn sàng tham gia thực hiện xét nghiệm cho các đơn vị khác chuyển đến khi có yêu cầu. (24.8.2020, 753)

11. Phòng chống sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19: Những sai lầm cần tránh

Lo lắng trước sự lây nhiễm của COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người,..) có tâm lý e ngại khi tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc COVID-19.

Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân Hà Nội hiện nay trước dịch COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… Tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… đã lan dần vào cac khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Điển hình có 1 ca sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là một thanh niên 27 tuổi ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 đến 7/8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến COVID-19, tuy nhiên làm xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết: truyền dịch, hạ sốt. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Đặc biệt, cách đây 1 tuần, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai đã tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là 1 thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng không vào viện điều trị. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.

Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Những sai lầm đáng tiếc

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các chuyên gia khuyến cáo: Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Phân biệt COVID-19 với bệnh sốt xuất huyết

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp. (24.8.2020, 987)

12. Hà Nội siết chặt chống dịch tại cơ sở y tế

Trong giai đoạn từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Chính vì vậy, bệnh viện cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Hà Nội luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn. BV cần phát hiện sớm, điều trị và giúp ngăn chặn các ca bệnh không lây lan. Song, BV cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh phát tán trong cơ sở điều trị, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng.

Bà Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 111 BV, trong đó có 41 BV công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 BV Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân với đầy đủ các hình thức tổ chức hành nghề từ đa khoa đến chuyên khoa. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại các BV của Đà Nẵng và một số tỉnh.

Lãnh đạo BV Thanh Nhàn cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch và tiêu chí BV an toàn, thời gian qua, BV đã thực hiện sàng lọc, phân luồng, phân tuyến bệnh nhân và có khu cách ly, điều trị riêng biệt đối với bệnh nhân có triệu chứng, nghi ngờ mắc COVID-19..., đồng thời cũng tổ chức tập huấn, thông tin báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, BV là nơi khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, BV không chỉ đối phó với dịch bệnh COVID-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu.

Sở Y tế Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, triển khai đến các đơn vị trong ngành thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, UBND thành phố cũng như các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Chỉ đạo, tổ chức tập huấn về công tác điều trị, phân luồng, phân tuyến, cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm cho các đơn vị; mở rộng công tác xét nghiệm, sàng lọc đến các đơn vị trực thuộc trong ngành; Tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đối với các BV trên địa bàn; Thành lập 4 đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các BV trực thuộc về công tác kiểm tra, giám sát.

Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Y tế đã kiểm tra 46/80 BV trực thuộc, trong đó có 30/41 BV công lập, 16/39 BV tư nhân. Kết quả: có 36/46 BV an toàn, 7/46 BV an toàn ở mức thấp, 3/46 BV không an toàn, chủ yếu là các nhóm BV chuyên khoa mắt ngoài công lập.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các BV cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Yêu cầu các BV thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng phương án khi có trường hợp dương tính xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ cũng như chuẩn bị phòng cách ly, phòng sàng lọc, khu vực cách ly cho nhân viên y tế.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan Trung ương tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại các BV thuộc chuyên môn quản lý...

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như: Đẩy mạnh truyền thông, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch; các cơ sở ăn uống, quán cà phê bảo đảm giãn cách đúng quy định.

Thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, đơn vị tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch trên địa bàn. Các địa phương thành lập các tổ giám sát để thực hiện tuyên truyền, giám sát nhân dân ở các thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch; thực hiện việc mua sắm vật tư đúng quy định... (24.8.2020, 890)

13. Phòng chống dịch COVID-19: Việt Nam cán mốc 1 triệu xét nghiệm PCR

Đến 15h ngày 24/8/2020 Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR.

Theo Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, tính từ khi bùng nổ dịch COVID-19 đến 15h ngày 24/8/2020 Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR.

Riêng trong ngày 24/8 đã thực hiện 11.698 mẫu. Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 01 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 06 tháng của giai đoạn đầu.

Theo Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm COVID- 19 ở nước ta trong gần 01 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 06 tháng của giai đoạn đầu.

- Giai đoạn thứ nhất từ 22/1 đến 05/3 xét nghiệm 3.094 (44 ngày, tương đương 70 mẫu/ngày)

- Giai đoạn thứ hai từ 06/3 đến 22/4: xét nghiệm 182.109 (47 ngày, tương đương 3.874 /ngày)

- Giai đoạn thứ ba từ 23/4 đến 23/7:xét nghiệm 237.815 (91 ngày, tương đương 2.613 mẫu/ngày

- Giai đoạn thứ tư từ 24/7 đến nay xétnghiệm 485.215 xét nghiệm (30 ngày, ~ 16.173 mẫu/ngày)

Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

Theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ snh dịch tễ Trung ương: Xét nghiệm Realtime RT-PCR là phương xác định sự hiện diện của virut trong mẫu bệnh phẩm thông qua vật liệu di truyền của virut SARS-CoV-2, kết quả Realtime RT-PCR xác định người đang nhiễm bệnh, đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm, nhằm cách ly và điều trị cũng như kịp thời có các biện pháp phòng dịch thích hợp.

Chiến lược xét nghiệm chung đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ban hành và cập nhật, điều chỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.

Tuy nhiên, tại mỗi đơn vị cần xây dựng lựa chọn các phương pháp xét nghiệm phù hợp với mục tiêu phòng chống dịch của từng đơn vị trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của mình và yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc chung về thực hành an toàn sinh học, quy trình kỹ thuật, nhận định,báo cáo kết quả. (24.8.2020, 417)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến