Áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện bệnh lao, các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận

22/12/2023 | 14:55 PM

 | 

Ngày 22/12/2023, tại Hà Nội, hội nghị Giao ban Tổng kết hoạt động chương trình chống lao năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024 được tổ chức với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế, lãnh đạo và cán bộ làm công tác chống lao tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.

TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu.

TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) cho biết, năm 2023 là năm bản lề quan trọng của CTCLQG, đánh dấu việc chúng ta đã đi được một nửa chặng đường triển khai Kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc bệnh lao mới và 11.000 người chết vì bệnh lao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chương trình đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.

Trong năm 2023, vẫn có một số "điểm sáng" trong công tác phòng, chống lao như trong năm 2023, CTCLQG cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả. Bên cạnh đó, năm 2023, CTCLQG bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Tuy nhiên, Việt Nam có số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. CTCLQG đã nỗ lực duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Theo báo cáo của CTCLQG tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công - tư chuyển đến trong 9 tháng đầu năm là 26.300 bệnh nhân (chiếm 33,4%). Như vậy việc phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế cho thấy rõ hiệu quả…

TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cũng cho biết, CTCLQG đã triển khai hoạt động phát hiện, chẩn đoán lao trên toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở. Khi người dân đến khám bệnh ban đầu sẽ kèm theo sàng lọc lao. Bên cạnh đó, phát hiện lao kèm theo phát hiện bệnh phổi, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư phổi; đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động phòng, chống lao, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng trong CTCLQG nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao…

Quang cảnh hội nghị.

Năm 2024 CTCLQG đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án nhận viện trợ Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2024-2026, phê duyệt kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính dự án năm 2024, đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai các hoạt động theo kế hoạch phê duyệt cùng nhiều hoạt động quan trọng khác./.


Thăm dò ý kiến