Chuyển đổi số y tế giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
08/10/2024 | 09:35 AM
|
Các địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.
Chuyển đổi số, sáng tạo trong ngành y tế đang góp phần giúp cải thiện sức khỏe, cuộc sống của người dân cũng như tăng cường khả năng chẩn đoán, điều trị bệnh và thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học, sản xuất dược phẩm. Tại các địa phương, nhiều mô hình chuyển đổi số đang góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tại Hải Phòng, địa phương đã lên kế hoạch triển khai giải pháp Kiosk y tế thông minh. Đây là hệ thống có các tính năng như: Đăng ký khám chữa bệnh bằng xác thực thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID có tích hợp sổ sức khỏe điện tử. Trong ứng dụng này cũng có tạo tài khoản ngân hàng và cung cấp những sản phẩm tín dụng theo quy định giúp khách hàng thanh toán chi phí khám chữa bệnh mà không cần tiền mặt. Khi người bệnh đã xác thực thông tin bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc dùng ứng dụng VNeID và có xác thực khuôn mặt, hệ thống sẽ kết nối với phần mềm quản lý của bệnh viện và thực hiện xếp hàng, lấy số thẳng vào phòng khám hoặc quầy tiếp đón cho người bệnh.
Việc triển khai giải pháp Kiosk tại các bệnh viện tuyến tỉnh giúp việc thăm khám trở nên thuận tiện hơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính và còn góp phần giúp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành y tế. Trong năm 2024, có đến 90% bệnh viện tuyến thành phố ở Hải Phòng sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng này.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi số giúp xây dựng hệ thống y tế ngày càng hiện đại, hiệu quả và nhanh chóng. Năm 2024 toàn tỉnh có 55 thiết bị Kiosk và dự kiến năm 2025 lắp thêm 12 thiết bị. Việc sử dụng Kiosk đơn giản hóa từ các bước chọn phòng khám, xác thực thông tin, xác thực khuôn mặt cho đến xác nhận khám và nhận phiếu khám… Hiện toàn tỉnh đã có 13/20 cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử thành công, mục tiêu trong năm 2025 là 100% các cơ sở y tế thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn thay thế cho bệnh án giấy trước đây. Thông qua bệnh án điện tử, người dân sẽ không cần lưu trữ giấy tờ khám hay kết quả chẩn đoán, thuốc, xét nghiệm… Đây là cách để người dân có thể cập nhập, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân một cách liên tục, suốt đời cũng như lưu trữ luôn cả tiền sử bệnh của gia đình, tiền sử bệnh của bản thân, tiền sử dị ứng thuốc… và chủ động chăm sóc, phòng bệnh một cách hiệu quả hơn.
Đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh tại Quảng Ninh đã có thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 8 tháng đầu năm 2024, đã có 51,7% tiền viện phí được thanh toán trực tuyến. Ngành Y tế tỉnh cũng chú trọng triển khai công tác khám chữa bệnh từ xa, phát triển nhân lực số, kê đơn thuốc điện tử…
Còn tại Hà Tĩnh, trong 9 tháng đầu năm đã có đến 15/23 Bệnh viện và Trung tâm y tế sử dụng dịch vụ thanh toán quét mã QR không dùng tiền mặt, 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai dịch vụ khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip. Số người sử dụng dịch dụ khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip trong 8 tháng đầu năm 2024 lên đến 86,49%. Trong thời gian qua nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi số như khám chữa bệnh bằng CCCD, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, kết nối dữ liệu với cổng dịch vụ quốc gia, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê khai đơn thuốc điện tử… Từ những hiệu quả trên, Sở Y tế Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi số như hoàn thiện hạ tầng công nghệ nhằm thực hiện bệnh án điện tử cũng như đề xuất với các cấp chính quyền bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cũng như yêu cầu bắt buộc đối với ngành y tế. Quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu và cũng là nền tảng, động lực cho ngành phát triển. Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động chuyển đổi số y tế đã đưa ra các nội dung về phát triển nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành y tế, phát triển kinh tế số trong ngành y tế và phát triển xã hội số trong ngành Y tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Vụ cháy nhà ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh: 2 nạn nhân nguy kịch phải thở máy
- Hàng trăm bệnh nhi 'quên' cơn đau đón Giáng sinh yêu thương, an lành
- Xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc tại Trung tâm Hội nghị ở Long Biên, Hà Nội
- Sức khoẻ 4 nạn nhân vụ hoả hoạn ở Hà Nội ổn định hơn
- Thêm 2 ca ghép tủy đồng loại thành công, mở hy vọng cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh
- Tắm khuya – Thói quen gây nguy cơ đột quỵ
- Kiên Giang: Phẫu thuật thành công khối u 15kg cho bệnh nhân nữ