Thời gian đào tạo tối thiểu với nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản

10/12/2023 | 09:36 AM

 | 

Với nhân viên y tế thôn bản, thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng. Cô đỡ thôn, bản, thời gian đào tạo tối thiểu là 6 tháng. Đội ngũ này còn được đào tạo cập nhật kiến thức y khoa thường xuyên.

 

Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh là một trong số mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các cô đỡ thôn bản rất quan trọng trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần vào việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS.

Quy định về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Bộ Y tế thông qua Thông tư "Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản". Thông tư này ra đời sẽ thay thế Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Y tế về Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Nhân viên y tế thôn, bản.

Thời gian đào tạo tối thiểu với nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản- Ảnh 2.

Cô đỡ thôn bản chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Một trong những quy định được quan tâm tại dự thảo Thông tư là nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, đối với Nhân viên y tế thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định, thời gian đào tạo tối thiểu ba  tháng. Đối với Cô đỡ thôn, bản, các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định thời gian đào tạo tối thiểu sáu tháng. Đối với Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản, các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định thời gian đào tạo tối thiểu ba tháng.

Dự thảo Thông tư quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phép đào tạo các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y sỹ đa khoa từ trình độ trung cấp trở lên căn cứ nội dung chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, tài liệu đào tạo, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đạo tạo theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Về nội dung đào tạo cập nhật kiến thức y khoa đối với Nhân viên y tế thôn, bản đã được đào tạo trước đây, Sở Y tế căn cứ nhu cầu, hiện trạng năng lực đội ngũ Nhân viên y tế thôn, bản của tỉnh, chỉ đạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo liên tục cán bộ y tế, lựa chọn một số nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để đào tạo cập nhật kiến thức y khoa theo quy định, thời gian đào tạo tối thiểu một tuần.

Đào tạo cập nhật kiến thức y khoa đối với Cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo trước đây, Sở Y tế căn cứ nhu cầu, hiện trạng năng lực đội ngũ Cô đỡ thôn, bản của tỉnh, chỉ đạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo liên tục cán bộ y tế, lựa chọn một số nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để đào cập nhật kiến thức y khoa theo quy định, thời gian đào tạo tối thiểu một tuần.

Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản làm việc theo chế độ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ; chủ động bố trí, sắp xếp thời gian để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Nhân viên y tế thôn, bản, Cô đỡ thôn, bản theo sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Trạm y tế xã; chịu sự quản lý, giám sát về hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, bản; cùng phối hợp và phối hợp với các tổ chức quần chúng, đoàn thể tại thôn, bản để thực hiện nhiệm vụ.

Nỗ lực phát triển y tế cơ sở ở thôn, bản

Theo TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), hiện nay tỷ lệ tử vong sau sinh ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 70-80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi trong cả nước.

Số liệu nghiên cứu cho thấy, dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100.000 trẻ đẻ sống nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao (100 - 150 ca tử vong) ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao, đơn cử phụ nữ dân tộc H'mong chiếm 60%, dân tộc Thái 17%. Tỷ lệ tử vong mẹ ở phụ nữ H'mong cao gấp 7 lần so với phụ nữ người Kinh.

Thời gian đào tạo tối thiểu với nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản- Ảnh 3.

Thời gian đào tạo tối thiểu với nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản- Ảnh 3.

Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế.

Tiếp đó, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng cũng cao so với trung bình cả nước như khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ là người Kinh.

Nguyên nhân là do điều kiện y tế khu vực miền núi còn thiếu như thiếu chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức... Cơ sở vật chất, điều kiện vô khuẩn, trang thiết bị thiếu, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, TS Khoa cũng cho biết, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản cũng gặp khó khăn do y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Cả nước hiện chỉ còn 50% (1.549/3.000) cô đỡ thôn bản được đào tạo còn hoạt động tại 28 tỉnh miền núi. Chính sách đãi ngộ chưa bảo đảm cho cuộc sống, phải làm việc kiêm nhiệm, có địa phương không còn kinh phí hỗ trợ... khiến cho số người được đào tạo bài bản không còn mặn mà với công việc làm cô đỡ thôn bản.

Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn, bản đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn, bản là những người sinh sống tại cộng đồng dân tộc thiểu số, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo.

Nguồn:Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến