Hội thảo Xây dựng đề án cấp cứu ngoại viện

21/03/2025 | 13:16 PM

 | 

Ngày 21/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh) tổ chức Hội thảo Xây dựng Đề án Cấp cứu Ngoại viện. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, dự và phát biểu tại hội thảo.

 

Tham dự hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Tập đoàn VinGroup; các Sở Y tế Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Kiên Giang; các đơn vị Cấp cứu 115 liên quan.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ/ngành rất quan tâm đến công tác cấp cứu và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chính sách nhằm phát triển hệ thống cấp cứu.

Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023 quy định hoạt động cấp cứu bao gồm: Cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu ngoại viện. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ưu tiên điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị y tế, thuốc cho việc cấp cứu người bệnh và chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.

Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ năm 2024 quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc bố trí, phân công người, phương tiện sẵn sàng và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu nạn nhân sau khi tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông; hỗ trợ, cứu chữa nạn nhân bị tai nạn giao thông trong mọi trường hợp.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Từ nhiều năm qua, Bộ Y tế rất quan tâm đến công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc trong viện, trong đó có cấp cứu ngoại viện, coi công tác này là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Y tế. Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị cấp cứu 115, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc kịp thời trong mọi trường hợp. Công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và cấp cứu ngoại viện phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu cấp cứu trong viện và ngoại viện của người dân.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2024, cả nước xảy ra hơn 23.689 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.965 người, bị thương 17.567 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn tăng 713 vụ (+3,1%), số người chết giảm 918 người (-7,73%), số người bị thương tăng 1.440 người. Ngoài ra, hoạt động cấp cứu tại hiện trường còn bao gồm các trường hợp tai nạn lao động, sinh hoạt, thiên tai, thảm họa, cháy nổ, ngộ độc và cấp cứu do bệnh tật (như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh hô hấp, sản khoa…).

Đối với cấp cứu trong bệnh viện, chỉ tính riêng số liệu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2024, số ca cấp cứu tiếp nhận là hơn 33.000 ca, số ca tử vong là 84 ca/năm. Trong đó, nhóm bệnh lý tiêu hóa là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, chiếm hơn một phần ba tổng số bệnh nhân (34,7%). Nhóm bệnh lý truyền nhiễm chiếm tỷ lệ 12,76%, chấn thương chiếm 11,84%, bệnh lý thần kinh đột quỵ chiếm 10,52%, bệnh lý tim mạch chiếm 6,60% và bệnh lý hô hấp chiếm 4,91%.

“Thực tế cho thấy, nếu công tác cấp cứu trong viện và ngoại viện được thực hiện tốt, nhanh chóng, kịp thời, thì sẽ cứu sống được nhiều người, giảm thiểu hậu quả nặng nề do tai nạn và bệnh tật” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu.

Toàn cảnh hội thảo.

Mặc dù ngành Y tế và hệ thống khám chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác cấp cứu ngoại viện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở pháp lý, chế độ chính sách, hệ thống tổ chức mạng lưới, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, số lượng nhân lực và trang thiết bị. Hiện nay, công tác cấp cứu ngoại viện chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trước thực trạng hoạt động cấp cứu ngoại viện của nước ta còn nhiều hạn chế, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn, vai trò của cấp cứu ngoại viện ngày càng quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện trên toàn quốc là rất cần thiết.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh phát biểu.

Tại hội thảo, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, cho biết: Ngày 11/3/2025, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Xây dựng Đề án Cấp cứu Ngoại viện giai đoạn 2025-2030. Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án. Theo kế hoạch, đề án sẽ được trình Bộ Y tế ban hành vào tháng 6/2025.

Hưởng ứng chủ trương của Bộ Y tế về xây dựng Đề án Cấp cứu Ngoại viện và nhằm kiện toàn, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện tại một số địa phương, Tập đoàn VinGroup đã đề xuất triển khai thí điểm đề án tại bốn tỉnh, gồm: TP Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Kiên Giang.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số nội dung quan trọng như: Triển khai Kế hoạch số 283/KH-BYT ngày 11/3/2025 của Bộ Y tế về Kế hoạch Xây dựng Đề án Cấp cứu Ngoại viện giai đoạn 2025-2030; dự thảo đề cương đề án; đề xuất phương án/kế hoạch triển khai thí điểm Đề án Cấp cứu Ngoại viện tại bốn tỉnh: TP Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp giúp Bộ Y tế hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn và phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện.

 

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn VinGroup và bốn tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang về việc triển khai thí điểm Đề án Cấp cứu Ngoại viện.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn VinGroup và bốn tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang về việc triển khai thí điểm Đề án Cấp cứu Ngoại viện./.

 

 


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc răng miệng Nhật Bản

21/03/2025 | 17:36 PM

 | 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp GS. Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thành phố Nagoya tỉnh Aichi Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc răng miệng Nhật Bản

Sáng ngày 21/3/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì buổi tiếp Giáo sư Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thành phố Nagoya tỉnh Aichi Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc răng miệng Nhật Bản. Cùng tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, thuộc Bộ Y tế và đại diện Trường Đại học Y Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tiếp, Giáo sư Nagato Natsume cho biết với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, nhiều năm qua ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Mới đây Nhật Bản đã ký thỏa thuận với năm nước cho phép các bác sĩ của các quốc gia này có thể điều trị bệnh nhân tại Nhật Bản. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang làm việc với Bộ Y tế Nhật Bản về vấn đề này, và Giáo sư hy vọng Việt Nam sẽ là nước thứ sáu được Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép cho các bác sĩ của Việt Nam được tham gia điều trị bệnh nhân tại cơ sở y tế Nhật Bản.

Giáo sư Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thành phố Nagoya tỉnh Aichi Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc răng miệng Nhật Bản phát biểu tại buổi tiếp

Với chương trình hợp tác với Đại học Y Hà Nội, phía Nhật Bản tiếp tục mời các thực tập sinh sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản với hai chuyên khoa là Sản và Thận. Sau khi tốt nghiệp thì những thực tập sinh này cũng có thể tham gia vào việc điều trị bệnh nhân Việt Nam tại Nhật Bản. Việc này cũng sẽ hỗ trợ rất lớn trong quá trình điều trị các bệnh nhân Việt Nam tại Nhật bản như vấn đề ngôn ngữ hay các vấn đề chăm sóc khác. Rất mong nhận được sự ủng hộ của Bộ Y tế Việt Nam về chính sách này để người dân và Chính phủ Nhật bản sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về khả năng và trình độ của các bác sĩ Việt Nam.

Việc đào tạo bác sĩ ngôn ngữ trị liệu, Nhật Bản mong muốn sẽ triển khai đào tạo trình độ Tiến sĩ về lĩnh vực này. Cùng với việc điều trị cho các bệnh nhân, sẽ có thể nghiên cứu, tìm ra các nguyên nhân gây ra những di chứng đó.

Đối với các sự cố y khoa, tại Nhật Bản đã triển khai một chương trình với sự hợp tác và hỗ trợ của người nhà bệnh nhân. Thông qua chương trình, các chuyên gia đã tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này thông qua các đơn vị độc lập để đưa ra những biện pháp ngăn chặn. Tới nay, những tai nạn này tại Nhật Bản đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Tại Nhật, có thiết lập một môi trường đối thoại, hòa giải giữa bệnh viện và gia đình bệnh nhân. Ông mong muốn Bộ Y tế tạo điều kiện để xúc tiến, thúc đẩy hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến và đề xuất các lĩnh vực hợp tác

Đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế đều cơ bản đồng tình, ủng hộ những đề nghị hợp tác của Giáo sư và mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo các chuyên gia về dinh dưỡng và xây dựng đáp ứng tình trạng khẩn cấp về dinh dưỡng tại Việt Nam. Bên cạnh đó đề nghị phía Nhật bản chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xử lý các sự cố trong y khoa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tiếp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn Giáo sư Nagato Natsume đã dành thời gian thăm và làm việc với Bộ Y tế. Bày tỏ sự trân trọng tình cảm của Giáo sư đối với Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới, thông qua những công việc cụ thể liên quan trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những phương hướng mà hai bên sẽ cùng nhau hợp tác trong tương lai. Điều này thể hiện tâm huyết của Giáo sư dành cho Việt Nam. Các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế thống nhất với những định hướng, đề xuất của Giáo sư. Phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng Giáo sư để cụ thể hóa những hợp tác này. Bộ trưởng Bộ Y tế giao Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị Vụ, Cục và Trường Đại học Y Hà Nội tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả./.

 


Thăm dò ý kiến