Khắc phục khó khăn, quyết tâm chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030

02/05/2024 | 20:35 PM

 | 

Sáng ngày 02/5/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo thông báo số 167/TB-VPCP ngày 17/4/2024 tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.

Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và Ban lãnh đạo Bệnh viện phổi Trung ương và Chương trình chống lao Quốc gia.

Toàn cảnh cuộc họp

Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 17/4/2024 nêu: Công tác phòng, chống bệnh Lao tại Việt Nam thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Năm 2015, Việt Nam đã là một trong chín nước đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số hiện mắc, mới mắc và tử vong do Lao. Hệ thống y tế phòng, chống bệnh Lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động hiệu quả: tỷ lệ điều trị thành công cao (92% đối với người bệnh Lao nhạy cảm, trên 75% đối với người bệnh Lao kháng thuốc); tình trạng lây truyền Lao kháng thuốc trong cộng đồng từng bước được khống chế.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục. Ước tính Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc bệnh Lao và khoảng trên 13.000 người tử vong vì bệnh Lao hàng năm; là quốc gia đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh Lao, Lao kháng thuốc cao trên toàn cầu; ý thức chủ động phòng, chống và điều trị bệnh và sự quan tâm của người dân còn chưa cao.

Để có thể đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh Lao vào năm 2030 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác tình hình, các biện pháp phòng, chống và khả năng tiếp nhận điều trị người bệnh mắc Lao để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh Lao.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; đưa báo cáo công tác phòng, chống Lao vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ hàng tháng của Bộ Y tế; cập nhật nội dung về thực trạng, các vấn đề về dân số, phòng, chống bệnh Lao vào báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội để đề xuất với Quốc hội về nguồn lực, chính sách triển khai.

Đồng thời, Bộ Y tế dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh Lao, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh Lao cho giai đoạn mới; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế tham gia và bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh Lao; nghiên cứu kết hợp tây y, đông y và y học cổ truyền trong điều trị bệnh Lao.

Bộ Y tế sớm có kế hoạch làm việc với 12 địa phương chưa có bệnh viện chuyên khoa Lao để thống nhất mô hình và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống và điều trị bệnh Lao; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất đề án mô hình tổ chức phòng, chống bệnh Lao phù hợp (thành lập khoa, bệnh viện liên vùng,...) trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2024; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh Lao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2024.

Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình phòng, chống bệnh Lao, Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ xét nghiệm, phát hiện nhanh, huy động các nguồn kinh phí viện trợ để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Lao.

Cùng với đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương rà soát các đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn, nhất là các đối tượng được chẩn đoán xác định mắc Lao để có giải pháp cho các đối tượng này được hưởng bảo hiểm y tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân Lao; thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống bệnh Lao.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch điều tra hiện mắc Lao toàn quốc vào năm 2025 để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả, tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả cho các đối tượng đang quản lý tại trại giam, tạm giam, nhà tạm giữ và trong các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở tâm thần, cơ sở bảo trợ xã hội..

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu lên 12 vấn đề cần giải quyết. Trong đó cần khắc phục một số vấn đề về sự phối hợp giữa các đơn vị và các vấn đề liên quan để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.Đại diện Bệnh viện phổi Trung ương đã trình bày báo cáo chi tiết về hoạt động của chương trình chống Lao quốc gia. Mạng lưới chương trình chống Lao quốc gia trên toàn quốc: 3 bệnh viện chuyên khoa Trung ương, 49 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (12 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa). Hệ thống xét nghiệm được tổ chức tương ứng; tổ chống Lao tuyến huyện; nhân viên phòng chống bệnh truyền nhiễm tại trạm y tế xã; mạng lưới phòng, chống Lao trong trại giam, y tế tư nhân … Tổng số nguồn nhân lực toàn mạng lưới phòng, chống Lao là khoảng 12.000 cán bộ. Chương trình chống Lao quốc gia nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nhóm đối tác bao gồm: Nhóm đối tác quốc tế: WHO, USAID, CDC, Quỹ Toàn cầu; Nhóm đối tác là các Bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Nhóm đối tác là các tổ chức phi Chính phủ: KNCV, FIT, CHAI, FHI; Nhóm đối tác là các tổ chức dựa vào cộng đồng: SCDI; Nhóm đối tác là các đơn vị nghiên cứu, học thuật: UCSF, Woolcock, UNC, Học viện Quân y ...; Các cơ sở y tế y tế từ tuyến cơ sở trở lên, hệ thống nhà thuốc tư nhân.

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương báo cáo tại cuộc họp

Hoạt động phát hiện: trong 9 tháng đầu năm 2023, có thể nói số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2022, 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam. Chương trình chống lao quốc gia trong 9 tháng đầu năm cũng mới chỉ đạt được 56,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (77.374 ca lao mới và tái phát/chỉ tiêu 138.000 ca). Mặc dù vậy, với những tín hiệu vô cùng tích cực đầu tiên, việc đẩy mạnh hoạt động phát hiện và công tác chống Lao tại các địa phương cao hơn so với giai đoạn trước COVID-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc, và việc vượt qua con số phát hiện trong cả năm 2022 là điều hoàn toàn trong khả năng của chương trình. Mô hình phát hiện chủ động bệnh Lao tại cộng đồng được mở rộng và tăng cường, nhận được cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo một số tỉnh/ thành phố trong đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở triển khai phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.

Hoạt động điều trị: Trong lô bệnh nhân 9 tháng đầu năm 2022, nhìn chung, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã qua đi, tỷ lệ thành công trên toàn quốc vẫn được duy trì ở mức cao trên 90%, đáp ứng được chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên vẫn thấp hơn chỉ tiêu cam kết với Quỹ toàn cầu cho lô bệnh nhân năm 2022. Tỷ lệ điều trị khỏi trên toàn quốc đã có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được so với thời điểm trước COVID-19. Số tỉnh có tỷ lệ hoàn thành điều trị cao vẫn còn tương đối nhiều ở cả 3 miền. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân Lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 80,2%, thấp hơn so với năm 2020 là 84,5%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị thành công cao đáng ghi nhận là Yên Bái 99%, Quảng Trị (97%) và Trà Vinh (99%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2 đến 3 tháng điều trị của bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 85,2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Việc theo dõi bệnh nhân để đảm bảo quy trình điều trị được hoàn thành và báo cáo một cách chính xác nhất vẫn cần rất nhiều nỗ lực từ các tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thuốc chống lao hàng đã bắt đầu được cấp phát từ nguồn bảo hiểm y tế.

Đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nêu lên thực trạng thiếu nhân lực thực hiện công tác phòng, chống lao tại địa phương, khó khăn trong việc thu dung điều trị tại các địa phương không có bệnh viện chuyên khoa và việc xếp hạng các bệnh viện chuyên khoa phổi hiện nay. Cùng với đó, đại diện bệnh viện cũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, hoạt động chuyên môn và vấn đề phụ cấp đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh Lao.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia đã đóng góp các ý kiến để khắc phục các tồn tại trong mạng lưới phòng, chống Lao quốc gia. Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm nhóm B, thực tế có 12 địa phương không có bệnh viện chuyên khoa thì công tác phòng, chống Lao gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần có phương án bổ sung nguồn nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống Lao.

Các đại biểu tham luận tại cuộc họp

Chương trình chống Lao quốc gia hiện nay còn thiếu hệ thống báo cáo thống kê, chưa được bao phủ trên toàn quốc. Cơ chế tài chính cần được phân tách về dự phòng và điều trị. Tăng cường sàng lọc để đưa vào sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia cần nghiên cứu đưa nội dung chống Lao vào Luật phòng bệnh.

Các đại biểu cũng nêu rõ, cần có nghiên cứu, đánh giá tổng thể những mặt mạnh và mặt cần điều chỉnh để đề xuất các nội dung. Hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương đến địa phương thì y tế cơ sở đóng vai trò thế nào trong công tác phòng, chống Lao? Nhân lực cho lĩnh vực Phong, Lao, Tâm thần là ba lĩnh vực rất khó khăn và luôn luôn thiếu. Ban điều hành chương trình nghiên cứu để có thể tận dụng tối đa các bác sĩ y tế dự phòng, hay định hướng đào dài hạn để tăng nguồn nhân lực.

Cũng theo các đại biểu, chương trình phòng, chống Lao là chương trình có hành lang pháp lý đầy đủ, liên tục cập nhật các văn bản hướng dẫn. Các Thông tư liên quan đến hoạt động phòng, chống Lao được ban hành đầy đủ, cùng với đó là cập nhật các hướng dẫn phòng, chống, điều trị bệnh Lao. Cần tổ chức đánh giá tổng kết và đề xuất chiến lược mới, cần xem xét điều chỉnh chiến lược chung chấm dứt bệnh Lao của toàn cầu. Xây dựng Chỉ thị để huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị về công tác phòng, chống Lao. Cần sớm kiện toàn Ủy ban quốc gia phòng, chống bệnh Lao để chỉ đạo điều hành mạng lưới trên toàn quốc. Tại các địa phương cần đánh gia đầu tư của từng địa phương về công tác phòng, chống Lao để có điều chỉnh phù hợp.Phát biểu kết luận Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban điều hành chương trình phòng, chống Lao quốc gia trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên trước thực tế hiện nay, việc định hướng chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030 còn rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Cục, Viện và Bệnh viện Phổi Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ có trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đơn vị cần phối hợp xây dựng chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao trong tình hình mới và cố gắng ban hành vào đầu Quý 4/2024; cần nhanh chóng dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh Lao để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành và các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu kết luận

Thứ trưởng Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương trong tháng 5, tháng 6/ 2024 phải thành lập đoàn công tác làm việc với 12 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa phổi để có báo cáo tổng thể tới lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ; cần kiện toàn tổ chức của Ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia và có giao ban hàng tháng; giao Cục Khoa học – Công nghệ và Đào tạo phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường đào tạo,tập huấn cho các cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống Lao cả về dự phòng, điều trị, truyền thông…Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát lại các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống Lao để điều chỉnh phù hợp. Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống Lao quốc gia; cần nghiên cứu áp dụng linh hoạt chỉ thị 25 về y tế cơ sở trong công tác phòng, chống Lao để hoạt động phòng, chống Lao phát huy được hiệu quả, từ đó thực hiện công tác chuyển tuyến cho người bệnh Lao phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, sau khi có chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao mới thì cần phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện, vạch rõ được các mốc thời gian và nhiệm vụ cụ thể. Trước những khó khăn thực tế, yêu cầu các Vụ, Cục, Viện và Bệnh viện Phổi Trung ương hạ quyết tâm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; quyết tâm hướng tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030./.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Ngộ độc, suy thận vì bổ sung vitamin D không đúng cách

02/05/2024 | 16:26 PM

 | 

Việc cha mẹ sử dụng vitamin D cho trẻ không đúng chỉ dẫn về liều lượng của các bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nghiêm trọng.

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam đang thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc vitamin D.

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam đang thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc vitamin D.

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.V (6 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng và giảm 0,7kg trong vòng 1 tháng do ngộ độc vitamin D.

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được một người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau (1 lọ dành cho người lớn và 1 lọ dành cho trẻ em).

Tuy nhiên, do nghĩ cả 2 lọ vitamin D này đều dùng được cho trẻ em đã cho bé N.V uống nhầm lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000UI/giọt), có nghĩa là trẻ đã uống ~ 15.000 UI/ngày (cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi), chỉ khi bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống thì gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn.

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam, Phó Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì nôn, tiểu nhiều, sụt cân trong 1 tháng. Ngay sau khi trẻ nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy trẻ bị tăng canxi máu toàn phần: 5mmol/L (giới hạn bình thường: 2.1 – 2.4 mmol/L), tăng canxi ion hóa: 2.19mmol/L (giới hạn bình thường: 1.15 – 1.3 mmol/L), nồng độ vitamin D3 tăng rất cao: 1.320ng/ml (giới hạn bình thường:50 – 250 ng/ml).

Ngộ độc, suy thận vì bổ sung vitamin D không đúng cách ảnh 1

Lọ vitamin D 5000 IE +200 μg dành cho người lớn (bên trái) mà trẻ được cho uống nhầm (Ảnh gia đình cung cấp).

Tại khoa Thận và Lọc máu, trẻ được chỉ định ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D, truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu để bù lại lượng dịch mất do nôn, tiểu nhiều và đào thải canxi máu,…

Sau 5 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, không còn trình trạng mất nước, canxi toàn phần giảm từ 5mmol/L xuống còn 3 mmol/l. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn đi tiểu nhiều.

Theo kế hoạch trẻ vẫn tiếp tục tạm ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D trong vòng ít nhất 6 tháng, truyền dịch để bù lại lượng dịch mất và tăng đào thải canxi máu. Sau khi trẻ ra viện sẽ được tái khám định kỳ 2 tuần/lần để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi ở các cơ quan khác có thể xảy ra.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp và khó chẩn đoán vì triệu chứng không đặc hiệu. Tuy nhiên tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm vẫn tiếp nhận một số trường hợp trẻ ngộ độc vitamin D. Nguyên nhân thường do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ như sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1.500UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2.500UI/ngày; trẻ từ 4-8 tuổi là 3.000UI/ngày và trẻ trên 9 tuổi là 4.000UI/ngày. Ngoài ra, có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy thuộc vào từng thể trạng của trẻ.

Việc cha mẹ tự ý cho trẻ sử dụng vitamin D quá liều có thể gây ngộ độc nhưng triệu chứng ngộ độc sẽ không xảy ra ngay mà khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau.

Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận,…Nếu không sớm phát hiện ra tình trạng này thì trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại vitamin thuốc cho trẻ uống khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Khi cần dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ kê đơn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng.

Các loại thuốc, vitamin cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ hoặc để vào tủ riêng và có khóa; Các loại thuốc, vitamin, cần được bảo quản ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ thuốc của gia đình, không được tiếp tục sử dụng thuốc bị hỏng hay thuốc đã quá hạn; Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nguồn: Nhandan.vn


Thăm dò ý kiến