Kỷ Ngày Thế giới phòng, chống lao: "Việt Nam chiến thắng bệnh lao"

24/03/2023 | 14:39 PM

 | 

Ngày 24/3/2023, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023 với chủ đề "Việt Nam chiến thắng bệnh lao". GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Tham dự có, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và đại diện các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ …

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong hai năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao: có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những “chi phí thảm họa” - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

“Với chủ đề Việt Nam chiến thắng bệnh lao như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao,. Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu, đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm, đồng thời vừa là động lực lớn với các nước trên thế giới về mô hình tốt đã làm giảm dịch tễ bệnh lao trong những năm gần đây” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cùng các đại biểu tham dự kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế, Chương trình Phòng chống lao Quốc gia sẽ cần phải tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ như:

Thứ nhất, tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương tới địa phương;

Thứ hai, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; đẩy mạnh triển khai các tiếp cận mới như phát hiện chủ động, phát hiện bệnh lao trong các nhóm nguy cơ; mở rộng mạng lưới phòng, chống lao như: phối hợp y tế công tư; phối hợp giữa chương trình phòng, chống lao và HIV; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự trong công tác phòng, chống lao như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…;

Thứ ba, vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm Y tế, xã hội hoá…

 

TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm

TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, hai năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

 

Quang cảnh lễ kỷ niệm

Theo TS.BS. Đinh Văn Lượng, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình phòng, chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. "Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng, 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện." - TS Đinh Văn Lượng nói.

Để có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Chương trình phòng, chống lao cần nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở đa khoa và chuyên khoa .../.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I năm 2023

24/03/2023 | 18:20 PM

 | 

Ngày  24/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I năm 2023.

Tham dự trả lời tại buổi gặp mặt có, TS.BS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ; Ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang biết bị và Công trình y tế; Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược; Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Y dược cổ truyền.

Tham dự có đại diện một số vụ, Cục, đơn vị liên quan.

Đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế trả lời tại buổi gặp mặt báo chí

Về một số kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2023 thông tin tại cuộc họp cho biết: Bộ Y tế đã tích cực hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật; tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh không để xảy ra “dịch chồng dịch”; đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác dự phòng, dược và khám, chữa bệnh.

Cụ thể, về quy chế, thể chế pháp luật, ngành Y tế luôn xác định nhiệm vụ "tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm; xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, trong nước, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc…

Tại buổi gặp mặt, thông tin về tình trạng khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang biết bị và Công trình y tế cho biết, theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập và nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) rất thiếu (hiện chỉ có 07 chuyên viên).

Bên cạnh đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung; sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4 nên doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu và trên thực tế mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều.

Theo đại diện Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó: Đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển y từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2024; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành.

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế trả lời tại buổi gặp mặt báo chí

Cũng theo ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, thời gian tới là Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thủ tục gọn gàng, tăng hiệu suất. Bộ Y tế cũng đang đề xuất tăng phí thẩm định cho chuyên gia một cách thỏa đáng vì đây là công việc có tính trách nhiệm cao.

Cũng tại cuộc gặp mặt báo chí, trả lời câu hỏi của phóng viên về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập có mức khác nhau, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, để giải quyết căn cơ, hiện Bộ Y tế đang xây dựng lại Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành dự thảo thông tư, lấy ý kiến các Bộ, ngành và chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành. Bộ Y tế cũng kỳ vọng, trong tháng 4 này, thông tư trên sẽ được ban hành.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, Bộ Y tế đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến tiêm chủng mở rộng; vắc xin dịch vụ; Luật khám chữa bệnh sửa đổi; tham gia thị trường thảo dược toàn cầu.../.


Thăm dò ý kiến