Bộ Y tế bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới
12/06/2025 | 04:24 AM



Ngày 11/6/2025, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao Quyết định.
Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.
Về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới có BSCKII Nguyễn Đức Cường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện; cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên và lãnh đạo các khoa/phòng/trung tâm, cùng đông đảo cán bộ, viên chức trong toàn Bệnh viện.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Theo đó, tại Quyết định số 1718 QĐ-BYT ngày 22/5/2025 Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Kỳ Nhân, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới. Thời gian giữ chức vụ là 05 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu chúc mừng Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Kỳ Nhân.
Trao Quyết định và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chúc mừng và ghi nhận những đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Kỳ Nhân trong nhiều năm công tác tại bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng rằng, với năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và phẩm chất đạo đức tốt, đồng chí Nguyễn Kỳ Nhân sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của bệnh viện trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, cách đây hơn nửa thế kỷ, tình đoàn kết keo sơn Việt Nam – Cuba đã “nở hoa” bằng việc xây dựng bệnh viện này – một minh chứng sống động cho tấm lòng “vì Nhân dân Việt Nam anh em” của Chủ tịch Fidel Castro. Đây là món quà hữu nghị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Cuba dành tặng Nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến, thể hiện mối quan hệ hữu nghị mẫu mực, thủy chung giữa hai dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị đó là trách nhiệm không chỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ y tế Bệnh viện, mà còn là mong muốn của Bộ Y tế, của các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.
Trong những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, Bệnh viện đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, chăm lo tốt hơn cho đời sống cán bộ y tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của người dân và mặt bằng chung của các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện vẫn còn nhiều mặt cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành Y tế với những chỉ đạo sát sao từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt là chính sách khám sức khỏe định kỳ tối thiểu mỗi năm một lần cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, cũng như triển khai mô hình chính quyền hai cấp trong lĩnh vực y tế; đồng thời trong bối cảnh kỷ nguyên y học chính xác, y học cá thể hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, đề nghị tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, dưới sự dẫn dắt của đồng chí Giám đốc, cùng với sự năng động, sáng tạo, tận tâm của đồng chí Phó Giám đốc mới được bổ nhiệm, tập trung triển khai hiệu quả một số định hướng chiến lược sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh một cách thiết thực, vững chắc, tập trung vào các chuyên khoa thế mạnh hiện có; chuẩn hóa quy trình chuyên môn, cải tiến lối làm việc, rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao hiệu quả điều trị và sự hài lòng của người bệnh. Coi trọng kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp – nhất là trong bối cảnh bệnh viện phục vụ đông đảo người dân ở vùng còn nhiều khó khăn;
Hai là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ, tận tâm, đoàn kết. Khuyến khích cán bộ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động tiếp cận kiến thức mới. Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có cơ hội phát triển, gắn bó lâu dài với bệnh viện. Từng bước xây dựng môi trường làm việc thân thiện, kỷ cương, trách nhiệm;
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý điều hành; triển khai hiệu quả bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu xét nghiệm, tiến tới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Dù còn khó khăn về hạ tầng và nhân lực, bệnh viện cần triển khai thực chất, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh hình thức;
Bốn là, bảo đảm công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm quy trình mua sắm, đấu thầu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, vật tư. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh;
Năm là, phát huy tinh thần hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, các đơn vị chuyên sâu, đặc biệt là sự giúp đỡ từ phía bạn Cuba – nhất là về chuyên môn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bệnh viện trong khu vực để chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chuyển tuyến hợp lý, không để người bệnh phải đi xa không cần thiết.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Bệnh viện khẩn trương triển khai kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2025, trong đó có 2 dự án gồm: Khu điều trị Sản – Nhi với số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 112 tỷ đồng và dự án Đầu tư xây dựng Khối điều trị bệnh nhân, được kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2025 với số vốn NSNN hơn 33 tỷ đồng. Bệnh viện cần rà soát nhu cầu vốn, khả năng triển khai, hoàn thành các gói thầu và giải ngân trong năm 2025, kịp thời đề xuất phương án bổ sung hoặc hoàn trả vốn, báo cáo để Bộ Y tế có thể phân bổ hợp lý cho các dự án khác.
“Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa về cơ chế, nguồn lực và đào tạo chuyên sâu, giúp Bệnh viện triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong điều kiện mới, tạo tiền đề phát triển vững chắc, xứng đáng là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết quốc tế, biểu tượng hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Cuba, và là địa chỉ tin cậy của Nhân dân Quảng Bình nói riêng, cũng như người dân khu vực Bắc Trung Bộ nói chung” – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế và Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Cũng trong dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện các dự án đầu tư công của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới./.
Tin liên quan
- Khai mạc đợt đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đối với hệ thống quản lý quốc gia Việt Nam về thuốc, vắc xin
- Sơn La công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp; thành lập tổ chức đảng; chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam cấp xã
- Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân
- Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác”
- Lễ công bố bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Liệu pháp miễn dịch, gene, tế bào gốc đang mang lại những hy vọng lớn cho người bệnh
- Thúc đẩy y tế từ xa tại Việt Nam: Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Xuất bản thông tin
Tăng cường quản lý thuốc giả, thuốc kém chất lượng: Bộ Y tế đưa ra giải pháp đồng bộ
23/06/2025 | 15:22 PM



Trước tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn còn lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dược. Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, đã có cuộc trao đổi chi tiết một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược
Phóng viên: Xin ông hãy chỉ ra nguyên nhân thuốc giả vẫn có ở một số cơ sở bán lẻ thuốc theo như báo cáo của một số Sở y tế và các cơ quan chức năng, có phải do chế tài xử lý vi phạm đối với các cơ sở này chưa đủ sức răn đe?
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Vâng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn có thể lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng.
Bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, cần có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất. Điều này rất quan trọng. Điển hình như vụ việc tại Thanh Hóa, trên cơ sở báo cáo về thuốc giả của Sở Y tế Thanh Hóa gửi Bộ Y Tế, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an điều tra. Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh như thời gian qua.
Phóng viên: Vậy Bộ Y tế có những kiến nghị, đề xuất cụ thể nào để hạn chế tối đa tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng?
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg năm 2018 và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Ngay sau khi xảy ra vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, Bộ Y Tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc.
Các giải pháp này bao gồm: rà soát các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, kết nối liên thông các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.
Phóng viên: Về các giải pháp trước mắt, Bộ Y tế sẽ triển khai những hành động cụ thể nào? Ví dụ, hiện nay, theo báo cáo, có tới 30% hoạt chất trong thuốc chưa thể kiểm nghiệm được tại các cơ sở kiểm nghiệm của tỉnh do thiếu trang thiết bị. Vậy giải pháp của Bộ Y tế trong thời gian tới là gì?
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Bên cạnh các giải pháp tổng thể và dài hạn đã nêu, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp trước mắt. Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương.
Tin liên quan
- Bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
- Rà soát đối tượng tiêm vaccine sởi
- Tăng cường phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Cảnh báo gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ dịp hè
- Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
- Những vaccine khuyến cáo nên tiêm cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính
- Hành trình hồi sinh sự sống trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines