Nhu cầu test xét nghiệm COVID-19, máy SpO2 tăng, Bộ Y tế hoả tốc yêu cầu đảm bảo cung ứng, công khai giá

06/03/2022 | 20:34 PM

 | 

Theo Bộ Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nhu cầu sử dụng test xét nghiệm SARS-CoV-2, máy SpO2.... tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, 'thổi giá' bất hợp lý.

 

Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 (test xét nghiệm) về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (test xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Bộ Y tế đã ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Công văn số 913/BYT-TB-CT đề nghị các đơn vị phối hợp đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm test xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường; đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung, cụ thể:

Ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị kế hoạch và phương án đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với test xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2...

Đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường; yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

 

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng, đạo đức kinh doanh, không được nâng giá, trục lợi trong các hoạt động cung ứng phòng, chống dịch.

Đồng thời, thực hiện công khai giá và cập nhật giá thường xuyên, không để tình trạng chênh lệch giữa giá công bố trên trang thông tin điện tử cao nhưng giá giao cho nhà phân phối, bán lẻ thấp.

Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 04/3/2022, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến