UNFPA tại Việt Nam cung cấp vật tư và thiết bị y tế để đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản không bị gián đoạn trong bối cảnh COVID-19

07/01/2021 | 16:19 PM

 | 

 

Ngày 07/01/2021 tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cung cấp 64 máy theo dõi tim thai cùng thiết bị bảo hộ cá nhân trị giá 300.000 đô la Mỹ để hỗ trợ Việt Nam đảm bảo tính liên tục và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các thiết bị và vật tư y tế sẽ được phân phát cho các bệnh viện tuyến huyện được ưu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng như một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua.

Những thiết bị và vật tư y tế thiết yếu trên đã được bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam vào sáng ngày 07/01/2021, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, Giám đốc Dự án và Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chủ trì Lễ giao nhận, cùng các bên liên quan.

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Giám đốc Dự án

phát biểu tại buổi Lễ

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng và Bà Naomi Kitahara kí nhận trong Lễ bàn giao

UNFPA là cơ quan hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tình dục của Liên Hợp Quốc vì mục tiêu hướng tới một thế giới nơi mọi trường hợp mang thai là mang theo ý muốn, mọi ca sinh nở đều diễn ra an toàn và mọi người trẻ tuổi được phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Kể từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái kịp thời để kiểm soát dịch bệnh. Tính đến ngày 04/01/20021, Việt Nam đã có 1.494 ca mắc COVID-19, trong đó có 35 ca tử vong.

Theo ước tính của một số nghiên cứu mô phỏng gần đây của UNFPA, trong kịch bản xấu nhất, số ca tử vong mẹ trên toàn quốc sẽ tăng 65% vào năm 2020, tương đương với 443 ca tử vong tăng thêm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Điều này có thể đảo ngược các thành tựu Mục tiêu Phát triển Bền vững 3(SDG 3). Như đã thấy trên toàn cầu trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021 tại Việt Nam, COVID-19 có thể làm quá tải hệ thống y tế, phụ nữ mang thai có xu hướng hoãn hoặc hủy khám thai và các buổi khám liên quan đến khám thai do lo sợ lây nhiễm virus. Điều này có thể cản trở việc xác định các nguy cơ và biến chứng thai sản, dẫn đến những ca tử vong mẹ không đáng có.

“Sự kiện ngày hôm nay có ý nghĩa bổ sung cho nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, nhằm đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản thiết yếu không bị gián đoạn. Ngay cả với một quốc gia thành công như Việt Nam, cuộc chiến phòng, chống COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Đây chính là thời điểm cần chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ sở y tế và nhân viên y tế sẵn sàng bảo vệ phụ nữ mang thai” – Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu.

“Việc mang thai hay sinh con sẽ không vì tình hình đại dịch mà dừng lại. Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn COVID-19 cũng như các hệ lụy của nó và bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái ngay bây giờ”, Bà Kitahara nhấn mạnh.

 

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Giám đốc Dự án trả lời báo chí

PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Giám đốc Dự án, đánh giá cao những hỗ trợ của UNFPA và khẳng định: “Bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ dịch COVID-19, đặc biệt là phụ nữ mang thai tại vùng dân tộc thiểu số và vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Để phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, việc bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế có ý nghĩa tối quan trọng”.

Trả lời báo chí, PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh: “Sự an toàn của nhân viên y tế gắn bó chặt chẽ tới sự an toàn của người bệnh. Nhân viên y tế được đảm bảo an toàn, có sức khỏe tốt cả về thể chất và tâm lý mới đảm bảo công tác chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro cho người bệnh. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi số liệu thống kê toàn cầu cho thấy tỷ lệ nhiễm COVID-19 của nhân viên y tế cao hơn đáng kể so với dân số nói chung. Tổn thương nhân viên y tế vốn là yếu tố khó bù đắp, sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới việc cung ứng dịch vụ y tế cho người dân.

Do vậy Bộ Y tế đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho nhân viên y tế trong bối cảnh COVID-19. Trong đó, ưu tiên các vấn đề như đảm bảo đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; tập huấn đầy đủ cho cán bộ y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống COVID-19; bố trí nhân lực hợp lý và linh hoạt tránh quá tải cho nhân viên y tế, chăm lo động viên vật chất và tinh thần cho cán bộ y tế…

Việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 có vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để huy động tối đa các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, tăng cường sự phối hợp liên ngành để tận dụng các nguồn lực bổ sung, vận động các đối tác phát triển đa phương và song phương, vận động sự ủng hộ rộng rãi của các bên liên quan bao gồm cả khối tự nhân và cộng đồng dân cư…

Điều phối và huy động nguồn nhân lực y tế từ các tuyến để hỗ trợ cho các cơ sở y tế ở các địa phương trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như nguồn nhân lực chuyên môn trong hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới duy trì việc khám chữa bệnh với các bệnh viện khác thông qua hệ thống Telehealth – Khám chữa bệnh từ xa, để không bị ngưng trệ việc cung ứng các dịch vụ y tế do COVID-19.

UNFPA đang nỗ lực để đảm bảo duy trì việc cung ứng các phương tiện tránh thai hiện đại và hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo rằng các cán bộ hộ sinh và nhân viên y tế khác có thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ bản thân. Chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản là quyền con người. UNFPA kêu gọi các đối tác cùng tham gia hỗ trợ ứng phó với COVID-19, mua sắm và cung cấp vật tư thiết yếu cho những đối tượng dễ gặp rủi ro nhất, ví dụ như phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới./.


Thăm dò ý kiến