Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

25/04/2025 | 16:39 PM

 | 

Sáng ngày 25/4/2025, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam”.

 

Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, Ban/ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế…

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại phiên toàn thể hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời.

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, dựa trên các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam.

Theo đó, một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến sự gia tăng mắc các bệnh viêm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, dị ứng; các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, suy tim; một số bệnh về da, niêm mạc. Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến việc làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, làm tăng số ca nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó góp phần gây sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Toàn cảnh hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên vùng và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng.

“Với phương châm 'Phòng bệnh hơn chữa bệnh', tôi cho rằng cần ưu tiên việc chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường không khí  thay vì chúng ta phải khắc phục, xử lý khi môi trường đã bị ô nhiễm. Đây không phải là trách nhiệm riêng của Bộ, ngành nào mà là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp và mỗi người dân.”, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp chia sẻ các hoạt động, sáng kiến của mình để các bên liên quan có thể cùng nhau phối hợp, hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường không khí, cũng như giảm thiểu tác động đến sức khỏe của người dân Việt Nam.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu.

Tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là rất quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mặc dù việc xử lý tác động của ô nhiễm không khí rất cần thiết, nhưng cũng cần ưu tiên hành động nhằm giải quyết các nguồn gây ô nhiễm.

Bà Ramla Khalidi kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan Chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế, địa phương và toàn thể người dân cùng đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí.

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự xói mòn của những thành tựu y tế đã dày công vun đắp trong nhiều thập kỷ. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết để mang lại bầu trời xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung như: chia sẻ các giải pháp về kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo; xây dựng vùng phát thải thấp (LEZ); kiểm soát đốt ngoài trời; đối chiếu với tác động sức khỏe và bài học quốc tế; tóm tắt dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025–2030; đề xuất Kế hoạch thực hiện chung giữa UNDP và WHO…

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 24–25/4/2025./.

 


Thăm dò ý kiến