Từ kết quả điều tra thực trạng và yếu tố nguy cơ bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp

24/08/2008 | 05:00 AM

 | 

Kế hoạch Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2008 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 446/QD-BYT ngày 04/02/2008 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động,

Từ kết quả điều tra thực trạng và yếu tố nguy cơ

bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp

 

BS. Phạm Xuân Thành

Cục Y tế dự phòng và Môi trường

Kế hoạch Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2008 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 446/QD-BYT ngày 04/02/2008 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 đã đề ra mục tiêu chung là quản lý, kiểm soát các bệnh nghề nghiệp và tiến tới giảm dần tỷ lệ mắc mới một số bệnh nghề nghiệp, đảm bảo và nâng cao sức khỏe của người lao động góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường tiến hành Hoạt động điều tra thực trạng và yếu tố nguy cơ bệnh bụi phổi - silic nghề nghiệp.

Hoạt động đã được tiến hành tại 52 cơ sở sản xuất có ô nhiễm bụi trong các ngành nghề khai thác đá, luyện kim, khai thác than, cơ khí và sản xuất vật liệu xây dựng của 5 tỉnh/thành phố công nghiệp trọng điểm là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy:

1. Vấn đề ô nhiễm bụi vẫn còn là một thách thức lớn đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng chống ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ các mẫu bụi trọng lượng và đặc biệt là bụi hô hấp đo tại vị trí lao động vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép còn cao (từ 10 – 41%), cao nhất là tại các cơ sở sản xuất của Thái Nguyên (49%)và Đà Nẵng (20,3%).

2. Tỷ lệ hiện mắc bệnh bụi phổi silic qua điều tra tại 52 cơ sở sản xuất của 5 ngành nghề khai thác đá, luyện kim, khai thác than, cơ khí và sản xuất vật liệu xây dựng đóng trên 5 tỉnh thu được là 9,6%. Tập trung nhiều ở những công nhân có thời gian tiếp xúc nghề nghiệp với bụi cao trên 15 năm (32,7%).

Tỷ lệ mắc cao nhất là trong công nhân ngành than: 22,8%, sau đó tới công nhân luyện kim 10,5%. Các ngành còn lại như cơ khí, khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng thấp hơn nhiều 2,4 – 4,9%.

Việc xác định bệnh bụi phổi silic hàng năm phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tổ chức khám bệnh nghề nghiệp của các chủ doanh nghiệp đối với người lao động.

3. Tỷ lệ giám định bệnh bụi phổi silic tại các cơ sở khảo sát chỉ đạt 17,9% tổng số trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic. Việc giám định cho người bị bệnh còn nhiều khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục, đặc biệt là biên bản và kết quả giám sát môi trường lao động. Chưa có sự thống nhất và kết hợp chặt chẽ giữa y tế cơ sở - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Hội đồng giám định y khoa tỉnh/thành phố vì thế chưa đảm đảm bảo được quyền lợi cho người lao động theo đúng qui định của Nhà nước.

Từ kết quả thu được của nhóm nghiên cứu, để chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia, chúng tôi thấy cần phải có một số hoạt động can thiệp cụ thể như sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở sản xuất, đặc biệt là bệnh bụi phổi silic, đây là bệnh chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các bệnh nghề nghề được bảo hiểm.

2. Tổ chức tốt công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra đo đạc môi trường lao động, kiến nghị với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc đối với các cơ sở sản xuất có điều kiện lao động vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.

3. Thực hiện nghiêm việc khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động; Có kế hoạch điều dưỡng phục hồi chức năng cho những lao động có sức khỏe loại IV, loại V và mắc bệnh nghề nghiệp. Bố trí công việc hợp lý cho những lao động này.

4. Đẩy mạnh sự phối hợp và kiên kết chặt chẽ giữa y tế cơ sở - Trung tâm Y tế dự phòng - Hội đồng giám định Y khoa để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp theo qui định của Nhà nước.