Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19

22/11/2023 | 16:06 PM

 | 

 

Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra là một trong những nội dung trong Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 của Bộ Y tế.

Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố định nghĩa chính thức về hậu COVID-19. Hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu COVID-19

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19- Ảnh 1.

Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra.

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực) rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19- Ảnh 2.

Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Trong Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, Bộ Y tế lưu ý đến việc tiếp tục nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, giám sát sự tiến hóa, biến chủng của tác nhân gây bệnh.

Tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine và các thuốc điều trị COVID-19.

Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra.

Khảo sát năng lực ứng phó dịch COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trường học.

Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển trang thiết bị y tế sản xuất trong nước.

Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm trong nước.

Bộ Y tế cho biết, Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 nhằm mục tiêu bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguồn: suckhoedoisong.vn